Người tài thường không ham tiền?

Thứ Sáu, 06 Tháng Tư 20187:00 CH(Xem: 5890)
Người tài thường không ham tiền?
bbc.com
Lennox Morrison BBC Capital

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Vào năm 2012, công ty của John de Koning đã tạo ra một ngạc nhiên thú vị: họ quyết định rằng niềm vui và hạnh phúc của nhân viên trong công ty là ưu tiên hàng đầu của mình.

Chủ lao động của John, công ty IT Incentro, có trụ sở tai Utrecht, Hà Lan. Đây từng là một nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến theo kiểu truyền thống.

Khi đó, bộ máy công ty có sự phân cấp rõ ràng giữa các sếp và nhân viên. Nhưng sau suy thoái kinh tế vào giữa năm 2002 và 2005, ban lãnh đạo của công ty đã phải thay đổi môi trường làm việc, ít hình thức và thân thiện hơn, một nơi có khả năng thu hút những chuyên gia trẻ tuổi có tài và nhiều tham vọng.

Hiện nay, tất cả các nhân viên đều rất bình đẳng, mọi thông tin về công việc đều được chia sẻ. Thay vì mô hình tổ chức theo hình kim tự tháp trước đây, mọi người giờ đây làm việc một cách độc lập theo nhóm, mỗi nhóm có khoảng 60 người hoặc ít hơn.


Mọi người trong công ty đều có quyền tổ chức công việc của chính mình cũng như tham gia vào việc quyết định các vấn đề liên quan đến công ty. Họ cũng có quyền định ra mức lương của chính mình. Việc tăng lương, thay vì do quản lý cấp cao quyết định, sẽ do từng nhóm tự thống nhất liệu họ có muốn chia sẻ thông tin lương hay không. Nếu có, họ sẽ đưa ra quyết định tập thể về khoản tiền mà họ xứng đáng được nhận, dựa trên sự hiểu biết chung về tình hình tài chính của công ty.

Incentro Bản quyền hình ảnh Incentro
Image caption Nhóm Incentro tại Utrecht, Hà Lan, cùng nhà du hành vũ trụ người Hà Lan Andre Kuipers

De Koning, giám đốc điều hành của Incentro Marketing Technology, cho biết: "Chúng tôi quyết định đưa ra một chiến lược quan trọng, đó chính là niềm vui trong công việc của nhân viên". Đó là cách mà công ty đã tăng số nhân viên từ 40 trong năm 2008 đến trên 300 ở bốn quốc gia, ông nói.

Phương pháp của Incentro nhằm tạo ra sự đam mê trong công việc cho nhân viên cũng đang được nhiều công ty ứng dụng. Nhu cầu này lớn đến mức ngày nay, xuất hiện nhiều nhà tư vấn giúp các công ty tạo nên môi trường làm việc vui vẻ.

Liệu điều này có dẫn đến sự tranh luận gay gắt ngay tại phòng họp của ban giám đốc? Cũng không hoàn toàn là như vậy. Theo nghiên cứu cho thấy sự vui vẻ trong văn phòng làm việc cũng là một dấu hiệu tốt cho kết quả kinh doanh của công ty.

Lợi ích khách quan

Theo nhà kinh tế học Jan-Emmanuel De Neve, giáo sư tại Said Business School của Đại học Oxford, việc lấy hạnh phúc của đội ngũ lao động làm trọng tâm trong các quyết định kinh doanh hay các chính sách sẽ mang lại nhiều lợi ích. Ông chỉ ra một nghiên cứu năm 2014, trong đó cho thấy việc nâng cao hạnh phúc của các lao động giúp tăng năng suất làm việc của họ cao hơn từ 7% đến 12%.

Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu đã so sánh các công ty trong danh sách "Những công ty tốt nhất để làm việc" hàng năm của Fortune với các công ty cùng ngành trên thị trường chứng khoán.

Họ nhận thấy rằng các công ty tạo điều kiện tốt nhất cho nhân viên làm việc sẽ có kết quả kinh doanh vượt trội hơn so với các công ty khác, và các nhà đầu tư thường đánh giá thấp giá trị vô hình của niềm vui trong công việc từ các nhân viên.

Bản quyền hình ảnh Graham Trott

De Neve cho rằng đây là nghiên cứu quan trọng, vì nó cho thấy việc đầu tư cho hạnh phúc của đội ngũ lao động có thể giúp tăng năng suất lao động và hiệu năng.

Các dịch vụ tư vấn tạo tâm trạng vui vẻ tại nơi làm việc đang trở thành một thị trường tiềm năng lớn. Trong nghiên cứu của mình về Báo cáo hạnh phúc Thế giới gần đây nhất của Liên Hợp Quốc, De Neve cho thấy rằng dưới 20% người trên toàn thế giới đang làm việc hăng say, trong khi 20% khác đang cảm thấy chán nản với công việc của mình.

Sự hăng say trong công việc không chỉ đến từ sự hài lòng trong công việc, hay thậm chí là nhờ có được việc, ông giải thích - "Nó phụ thuộc vào việc liệu bạn có đang bị thu hút bởi công việc mà bạn đang làm hay không, liệu bạn có ý thức được, có ủng hộ cho sứ mệnh của công ty mình hay không."

Một nghiên cứu ở Anh năm 2016 đã nhìn vào ghi chép của hàng chục nghìn người về cảm giác của họ ở những thời điểm khác nhau trong ngày bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh, sắp xếp 39 hoạt động theo thứ tự về mức độ hạnh phúc.

Trong số 39 hoạt động thì công việc được trả lương đứng thứ hai từ dưới lên - chỉ xếp phía trên việc bị ốm phải nằm trên giường,.

Vậy thì điều gì đã khiến người ta chán nản như vậy? Lắng nghe những người sắp chuyển đổi nghề nghiệp và nhìn vào các nghiên cứu khác thì ta có thể thấy nguyên nhân chính là thiếu mục đích hay không thấy ý nghĩa trong công việc và cảm giác rằng công việc đang ảnh hưởng quá nhiều đến các khía cạnh khác trong cuộc sống của họ.

Đi làm giống như đi cày

Hơn 1.000 người bất mãn với công việc đã bỏ ra 2.000 bảng (tương đương 2.570 đô la) mỗi người để tham gia các khóa học kéo dài 12 tuần do Escape the City, một công ty đào tạo và tư vấn tuyển dụng có trụ sở tại London và New York thực hiện.

Bản quyền hình ảnh Escape the City
Image caption Dominic Jackman nói khách hàng của ông muốn có những sự nghiệp cho phép họ có quyền chủ động nhiều hơn

Người đồng sáng lập chương trình này, Dominic Jackman, cho biết: "Các khóa học được thiết kế để giúp những người này thoát khỏi bế tắc trong công việc hoặc giúp họ bắt đầu công việc kinh doanh."

Jackman cho biết thông thường, những người tham gia có độ tuổi từ 27 đến 35 tuổi, đa số là phụ nữ và làm việc ở các vai trò mà họ có cảm giác là thiếu mục đích. Nhiều người đã tìm được công việc tại các công ty lớn thông qua các chương trình tuyển dụng qua đại học.

"Bạn làm việc rất cật lực và bạn được trả lương rất hậu hĩnh. Nhưng chưa hẳn công việc đó đã mang lại cho bạn cảm giác đang được sống hết mình," ông nói.

Tuổi thọ và tuổi nghỉ hưu tăng cũng khiến quan điểm về công việc đang có sự thay đổi.

"Bạn sẽ phải làm việc trong một khoảng thời gian dài vì vậy hãy tận hưởng công việc và tạo nên tầm ảnh hưởng của mình tại công ty," Jackman nói.

Các công việc tự do, làm việc từ xa trong ngành kỹ thuật số, lập công ty khởi nghiệp hoặc gia nhập một công ty đặt mục đích lên trên lợi nhuận thường là bốn hướng đi mà các khách hàng của ông hay chọn, ông cho biết.

Bản quyền hình ảnh Julie Hallo

"Điều quan trọng là khả năng tạo ra sự khác biệt cho xã hội, sống có mục đích và làm cho nó bền vững hơn. Mọi người muốn làm việc cho một công ty có khả năng làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

Nhưng nếu thay đổi hướng đi trong nghề nghiệp không phải là một lựa chọn vậy mọi người cần phải làm gì?

Các nhà tiên phong tích cực

Theo phân tích của De Neve dựa trên các dữ liệu tại châu u, mức lương không ảnh hưởng nhiều đến niềm hạnh phúc của nhân viên. Thay vào đó là sự cân bằng cuộc sống trong công việc hay mối quan hệ với đồng nghiệp và nguồn vốn xã hội tại nơi làm việc. Sự đa dạng trong công việc, sự học hỏi trong công việc, khả năng tự chủ và kiểm soát những gì bạn đang làm cũng rất quan trọng, ông nói.

Vậy, các nhà tư vấn muốn đề xuất gì? Đối với công ty tư vấn Corporate Rebels có trụ sở tại Hà Lan, nơi đã giúp Incentro tinh chỉnh ý tưởng của họ, phương pháp này bắt nguồn từ những người đồng sáng lập Pim de Moree và Joost Minnaar. Họ chính là những người đã bước ra khỏi công việc của công ty để đi du lịch khắp thế giới nhằm thu thập các ý tưởng về cách thúc đẩy một nơi làm việc hạnh phúc.

De Moree nói với các khách hàng của ông rằng chìa khóa đi đến hạnh phúc "bao gồm việc chuyển từ lợi nhuận sang tạo mục đích, chuyển từ hệ thống quản lý theo cấp bậc sang mạng lưới các nhóm, những người quản lý phải đặt ra câu hỏi liệu họ có thể làm gì để giúp cho nhóm của mình hoàn thành công việc tốt nhất, từ các quy tắc chuyển sang sự tự do, từ sự bí mật chuyển sang minh bạch."

Từ những điều học được từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các doanh nhân luôn đặt niềm vui niềm hạnh phúc công nhân làm trọng tâm, Corporate Rebels đề xuất cách quản lý rõ ràng và minh bạch, nơi mọi người đều biết về các chi tiết tài chính và hoạt động của nơi họ làm việc.

Một cách khác là đánh giá công việc dựa trên tiến độ. Việc bạn làm mỗi ngày bao nhiêu tiếng không quan trọng bằng kết quả công việc của bạn.

Những ví dụ nói trên càng củng cố thêm cho các dữ liệu mà De Neve đề cập về mối liên kết giữa sự hài lòng của nhân viên với kết quả về tài chính của công ty.

"Mức độ hạnh phúc của nhân viên phải được đo lường một cách có hệ thống và được đưa vào một trong những báo cáo hàng năm của công ty," ông nói."Nó là dấu hiệu cho biết công ty đó đang hoạt động như thế nào, và trong tương lai nó sẽ như thế nào."

"Nên có một cuộc thảo luận mang tính chất triết học về cách quan tâm đến hạnh phúc của nhân viên bởi vì nó sẽ mang lại những lợi ích rất lớn."

Bài đã đăng trên BBC Capital.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn