Anh chưa chết đâu em

Chủ Nhật, 01 Tháng Tư 20182:00 CH(Xem: 6088)
Anh chưa chết đâu em
Bùi Thanh Liêm

Có một câu ngạn ngữ là bạn học được nhiều từ thất bại hơn là thành công. Riêng cá nhân tôi, tôi đã trả một giá quá đắt cho lỗi lầm trong chạy bộ và suýt tí nữa là tôi phải trả giá cho lỗi lầm của mình bằng cái giá lớn nhất đó là mạng sống của mình.

Giải đua Florida Half Marathon ngày 4 tháng 2, 2018 đánh dấu lần thứ ba tôi tham dự, tôi từng chạy ở giải này với thành tích 1:59:24 năm 2016 và 1:53:25 năm 2017. Lần này tôi đặt mục tiêu chạy dưới một giờ 50 phút (sub 1:50). Tất cả những chuẩn bị được diễn ra suôn sẻ, trong thời gian này tôi cũng đang luyện tập cho một giải marathon khác, cho nên lộ trình 21km đối với tôi không thành vấn đề vì thế tôi chỉ tập trung vào các bài tập tốc độ và leo dốc.

Nếu bạn chạy bộ lâu năm và tham gia nhiều giải đua thì chuyện tự đánh giá khả năng thành tích của mình là chuyện không khó. Qua quá trình luyện tập và các giải đua lộ trình ngắn 5K và 10K, tôi hoàn toàn tự tin mình có thể đạt được mục tiêu đề ra. Hôm thứ Ba của tuần lễ race tự nhiên giọng nói của tôi bị khàn đục thấy rõ, cái cổ đau buốt và nuốt nước miếng rất khó khăn, kèm theo đó là ho sù sụ và nhảy mũi liên tục. Trong thời gian này có một dịch cúm lạ đang lan truyền ở nước Mỹ, đặc biệt là ở Florida đã có vài ca tử vong. Vợ tôi tỏ vẻ lo lắng, liên tục nhắc nhở tôi phải theo dõi nhiệt độ cơ thể, hễ thấy bị sốt là đi bệnh viện ngay. Nhưng đồng thời nàng cấm tôi dùng các loại thuốc tây, phương pháp trị bệnh cảm của vợ tôi xưa nay vẫn là nước nóng pha với chanh và mật ong.

anh-chua-chet-dau-em1
Dean, Bambi, và Bruce trước giờ xuất phát ở Florida Marathon & Half Marathon 2018

Đến thứ Sáu của tuần lễ đó thì dấu hiệu bệnh đã giảm, các cơ bắp không còn nhức mỏi nữa, cuống họng còn đau nhưng đỡ rất nhiều, và đặc biệt là tôi không hề bị sốt. Tôi bắt đầu chạy nhẹ để cảm nhận phản ứng cơ thể. Tôi chỉ dám chạy thả lỏng và chừng 5km cho nên không thể xác định được điều gì. Tới thứ Bảy, ông Bob bạn tôi nhắn tin hỏi kỳ này tôi có race không. Tôi kể cho Bob biết tình trạng sức khỏe của mình thì được anh ấy khuyên là nên tham gia chạy cho vui và hãy bỏ cái ý định chạy lấy thành tích. Tôi lấy thêm ý kiến của Larry, một bạn runner chuyên chạy dài cuối tuần với tôi. Larry cũng khuyên tôi nên chạy từ từ và lắng nghe cơ thể.

Sáng hôm sau, tôi đến địa điểm tập trung rất sớm. Đậu xe ở xa một chút và chạy làm nóng cơ thể khoảng một mile. Tôi thấy mọi việc rất ổn, mặc dù cuống họng vẫn hơi rát. Tôi gặp đồng nghiệp ở NASA là Britney, hôm nay cô bé làm pacer với thời gian 2:05. Britney hỏi tôi chạy có mục tiêu gì không, tôi nói mục tiêu ban đầu là sub 1:50 nhưng hôm nay vẫn còn dấu hiệu ốm cho nên có lẽ tôi sẽ chạy để hưởng không khí race thôi. Tôi cũng gặp Dean và Bambi, hai người bạn hay chạy dài chung với tôi cuối tuần, cả hai đều có mục tiêu chạy dưới 1:45. Tôi cho Dean và Bambi biết ý định của tôi như tôi đã nói với Britney hồi nãy.

Trước khi quốc ca bắt đầu, tôi tạm biệt mấy người bạn Mỹ đang đứng ở nhóm pacer 1:45 và đi thụt lùi về phía sau. Rồi tôi gặp Joe, một hổ báo trong câu lạc bộ mà tôi vẫn tham gia. Joe năm nay đã 58 tuổi nhưng anh vẫn có mặt ở các giải Boston, Chicago và New York năm ngoái với thành tích trên dưới 3 giờ. Hôm nay Joe làm pacer 1:50. Tôi định thụt lùi về phía sau nữa nhưng không thấy pacer 1:55, nhóm kế tiếp là 2:00 (sau này tôi mới biết là pacer 1:55 giờ chót rút lui vì lý do sức khỏe). Tôi quyết định chạy chung với Joe, nếu thấy không đủ khỏe để bám theo thì chỉ việc chạy chậm lại lo gì!

Nhưng đây là một quyết định sai lầm ngay từ đầu! Trong cơ thể của chúng ta có một chất xúc tác được gọi là “adrenaline” còn được gọi là “endorphins”. Đây là một loại hóa chất sinh học tự nhiên và tiềm ẩn trong cơ thể của con người. Khi được điều kiện bên ngoài kích động, cơ thể của con người sẽ sản sinh ra adrenaline và làm cho chúng ta cảm thấy hưng phấn và không biết mệt mỏi là gì. Cái không khí rộn rã náo nức ở một giải đua có cả nghìn người đã dễ dàng kích thích adrenaline.

Tôi đã bị adrenaline đánh lừa. Sau khi phát súng xuất phát vang lên, tôi quên là mình vừa mới bị bệnh và chưa hoàn toàn bình phục, tôi chạy và chuyện trò với Joe và quên mất lời khuyên của Bob và Larry, quên luôn hồi nãy mình đã nói với Britney, Dean và Bambi kế hoạch chạy cho vui của mình. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến chạy về trước Joe và xin tấm biển ghi con số 1:50, như tôi đã làm liên tục hai năm vừa rồi là xin lại tấm biển 2:00 và 1:55 của Chrish, một pacer và cũng là người bạn chạy bộ của tôi.

Mọi việc đều rất ổn. Chất xúc tác adrenaline vẫn chưa tan. Tôi lần lượt vượt qua các mốc 5K (25:48), 10K (52:15), 15K (1:17:50). Thậm chí ở mile thứ 10 (16km) tôi qua mặt được Dean. Tôi hơi ngạc nhiên, tự hỏi có phải mình chạy nhanh hay là Dean gặp vấn đề, và nhanh chóng tôi tự tìm được câu trả lời là chắc Dean gặp trở ngại gì đó vì tôi vẫn đang chạy theo pacer Joe nên không thể quá nhanh được. Tuy nhiên, chỉ một mile sau đó là tôi cảm thấy đột nhiên không thể tiếp tục chạy ở pace 8:24/mile (5:13/km) nữa. Tôi biết là chỉ còn chừng hơn 2km nữa thôi, mục tiêu quá gần, bây giờ chạy all-out rồi băng qua vạch đích gục ngã cũng không sao. Tôi chỉ còn nhớ là cây cầu ở mile thứ 12 trước mặt mà sao tôi chạy hoài không thấy tới. Đột nhiên, trời đất tối sầm và tôi thiếp đi lúc nào mà không hay.

Khi tôi tỉnh lại thấy mình đang tựa vào người của Dean phía bên trái của tôi, bên phải là một runner lạ đang xốc nách tôi. Tôi còn nhớ là tôi cố gắng bỏ hai người này ra và cố chạy một mình, nhưng tôi chỉ loạng choạng được chừng vài bước là nôn thốc. Những gì bắn ra từ miệng tôi toàn là chất lỏng vàng đục đến trong veo. Tôi nhớ lại sáng nay tôi ăn một trái chuối và một miếng bánh mì bagel thoa bơ đậu phọng, mấy thứ này chắc đã tiêu hóa từ lâu rồi. Hôm nay trời khá nóng cho nên lúc chạy tôi liên tục uống nước và chỉ bỏ qua một trạm, có lẽ tôi nôn ra nước và thức uống có chất điện giải (Gatorade) nhận được dọc đường. Sau đây là những gì tôi nghe kể lại từ Dean và Dan (vị cứu tinh dọc đường mà sau này tôi mới biết tên).

anh-chua-chet-dau-em
Bruce và Joe (1:50 pacer) ở mile thứ 7

Lúc tôi quỵ xuống ở gần mile thứ 12 (km 19) thì có người chạy ngang qua nhìn một phát rồi tiếp tục chạy, có lẽ họ quan tâm thành tích hơn! Bên cạnh đó cũng có người đứng lại tỏ vẻ rất quan tâm. Họ đã dốc hết số nước có được để tưới lên người tôi. Trong số người dừng lại đó có Dan, và anh ấy là người đã ở lại với tôi và đồng hành cùng tôi về đến đích. Sau này tôi mới biết Dan là Advanced Registered Nurse Practitioner (ARNP) chuyên về “critical care”. Những người mang chức vụ ARNP đòi hỏi có trình độ học vấn cao cấp, hơn y tá học 4 năm đại học và có thể thay thế bác sĩ khám bệnh nếu cần thiết. Dan kể lại rằng lúc đó tôi mất nước trầm trọng, miệng nói lảm nhảm liên tục nhưng nhất định đòi hoàn tất cuộc đua. Điều làm anh ấy nhớ mãi và khi anh ấy kể lại cho vợ nghe bà vợ đã phá lên cười là tôi luôn miệng nói “làm ơn đừng nói lại cho vợ tôi nghe!”.

Dean kể lại rằng khi anh ấy đến nơi thì tôi cũng chưa tỉnh hẳn. Từ xa thấy tôi nằm rũ xuống đất, bao quanh cỡ chừng 7 người. Dean lập tức chạy nước rút, khi anh ấy đến nơi và mọi người biết được là bạn thân của tôi thì họ bắt đầu giải tán, ngoại trừ Dan vẫn bên cạnh chúng tôi. Dean kể lại lúc đó tôi liên tục nôn mửa nhưng nhất định đòi chạy; xô hai người ra tôi chỉ rảo được hai bước là lảo đảo và quỵ xuống đất nếu không có hai người nâng đỡ. Cho đến khi Dean lột chiếc mũ tôi đang đội để Dan dội nước vào thì tôi mới tỉnh hẳn lại. Lúc đó tôi vẫn không biết là mình đã ngất xỉu, tôi chỉ nghĩ là mình không thể chạy nữa vì mệt và buồn nôn nên đi bộ chung với hai ông bạn cũng gặp vấn đề như mình.

(Còn 1 kỳ)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn