Trình diễn màn… bầu cử

Thứ Bảy, 24 Tháng Ba 20182:31 SA(Xem: 5678)
Trình diễn màn… bầu cử

Trương Minh Ẩn

Bầu cử ở Nga vừa qua, hàng loạt các tờ báo của nền báo chí cách mạng Việt Nam “đồng thanh tương ứng” hô vang khẩu hiệu: “Thắng cử vang dội của ông Putin”. Ông Putin sẽ làm nhiệm kỳ tổng thống thứ… 4.

Mà, đây là chuyện hiển nhiên.

Trước đó, có vài tờ báo cũng thuộc loại được gọi là chính thống, đã đăng các thăm dò trước bầu cử, kết quả chắc chắn ông Putin sẽ tái đắc cử. Các ứng viên tranh cử không đủ khả năng. Ngay cả ứng viên thuộc đảng Cộng sản sáng giá nhất cũng chưa có tới 10% phiếu ủng hộ. Thực ra, các ứng viên chỉ để làm màu, được sắp xếp, thỏa hiệp “đối đầu” với một Putin độc tài cho… đúng luật. Ai lại không thấy rõ họ đang diễn show này.

Tưởng, cũng xin lượt lại con đường làm chính trị của ông Putin để cho rõ ràng hơn sự dàn xếp, thỏa hiệp.

Ngày 31/12/1999, ông Yeltsin từ chức tổng thống. Ông ta và phe nhóm của mình đã chọn ông Putin, lúc này chỉ là phó thủ tướng, ra tranh cử tổng thống chứ không phải là thủ tướng đương nhiệm. Đổi lại ông nhận được quyền miển trừ truy tố hoàn toàn suốt đời.

Năm 2000 ông Putin đắc cử tổng thống, nhiệm kỳ 4 năm. Tương tự như báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí của Nga hầu hết thuộc nhà nước, một số nhỏ nhoi thuộc tư nhân. Cho nên việc “đồng thanh” tuyên truyền theo chỉ đạo của nhà nước, cụ thể là tập trung hết sức mọi mặt tốt đẹp cho ông Putin, cho những ứng viên được chọn là điều dễ hiểu.

Rồi bốn năm sau, năm 2004, ông Putin tái đắc cử nhiệm kỳ 2, cũng bốn năm.

Sau 2 nhiệm kỳ, đúng theo luật thì ông sẽ “về vườn”, nhưng ông ta không dễ từ bỏ quyền lực, nên liên minh với phó thủ tướng Dmitry Medvedev, ủng hộ ông Medvedev tranh cử tổng thống, nếu ông Dmitry Medvedev thắng cử sẽ chỉ định ngược lại ông Putin làm thủ tướng. Trước khi được đề bạt phó thủ tướng, ông Dmitry Medvedev là chánh văn phòng nội các của ông Putin.

Liên minh tiếp tục thắng vào năm 2008.

Năm 2012, ông Putin tiếp tục tranh cử và tiếp tục thắng cử. Luật lần này được sửa đổi, kéo dài nhiệm kỳ thêm hai năm, thành sáu năm. Ông Dmitry Medvedev được bổ nhiệm trở lại làm thủ tướng.

Và tới nay, năm 2018, như chúng ta đã biết, ông Putin tiếp tục làm tổng thống thêm nhiệm kỳ thứ 4, sáu năm nữa.

Kề bên đất nước ta, nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cũng sửa đổi luật, bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước, và cũng được đồng thuận gần như 100%. Như vậy ông ta sẽ đảm đương vị trí này trọn đời trừ phi có biến cố.

Nước ta, hiện tại bị lệ thuộc nhiều mặt vào Trung Quốc, các lãnh đạo cấp cao cũng dựa, hoặc ngả về Trung Quốc, cho nên tụng ca hoặc chúc mừng Trung Quốc là điều không quá khó hiểu. Nhưng, thực sự không có “dàn đồng ca” cho Trung Quốc, cho Tập Cận Bình như Putin.

Vì sao? Đó là từ lòng dân. Lòng dân hầu hết không ưa kẻ bành trướng, kẻ muốn làm bá chủ với ‘Giấc mộng Trung Hoa’.

Ngược lại, trong dân chúng còn khá nhiều người ủng hộ nước Nga, còn khá nhiều người thần tượng nước Nga, trước đó là Liên Xô “vĩ đại”, người anh lớn của Việt Nam. “Hai anh em” có mối tương quan khá đặc biệt, ngày trước đàn anh mang ý thức hệ và giúp đỡ khá nhiều cho đàn em, đàn anh ngày nay tuy đã trở thành tư bản nhưng là tư bản “đỏ”, xã hội đàn em cũng chẳng khác gì mấy, chỉ còn danh nghĩa xã hội chủ nghĩa chứ thực chất cũng là tư bản “đỏ”.

Cho nên tất cả không phải là ngẫu nhiên. Tất cả là chiêu bài của Ban tuyên giáo. Chỉ đạo dùng ngôn từ bình thường hoặc “phát cờ” để lấy những lời chúc tụng của những kẻ có tư tưởng tôn sùng thần tượng, để mị dân. Và cuối cùng là để theo bước hai đàn anh, theo con đường độc tài độc đảng.

Nhìn lại chuyện bầu cử của nước ta cuối nhiệm kỳ vừa rồi và đầu nhiệm kỳ này sẽ thấy sự sắp đặt, sự hiệp thương rõ như ban ngày.

Cũng không cần nhìn tới tận Nga, Tàu chi cho xa. Nhìn vụ việc vừa mới diễn ra đây. Ông Lê Tiến Châu, thứ trưởng Bộ Tư pháp được chỉ định tham gia ban chấp hành, ban thường vụ, giữ chức phó bí thư tỉnh ủy và sắp tới giới thiệu để HĐND tỉnh Hậu Giang bầu giữ chức chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Theo luật bầu cử, lá phiếu từ tay nhân dân bầu HĐND các cấp. Từ HĐND các cấp mới bầu ra UBND các cấp.

Ông Lê Tiến Châu không là đại biểu HĐND, có nghĩa ông không được người dân nào bầu lên cả. Sắp tới, ông được giới thiệu, được bầu là sự sắp đặt, chỉ định của cấp trên, của nội bộ mà thôi.

Luật soạn thảo đầy đủ, nhưng không được dùng, chỉ dùng sự dàn xếp, sự hiệp thương của phe phái, của nội bộ đảng độc tôn. Trong dân gian gọi là luật rừng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn