Tập Cận Bình đang đánh liều với mọi thứ do những người tiền nhiệm lập nên

Thứ Tư, 22 Tháng Hai 20235:00 SA(Xem: 1138)
Tập Cận Bình đang đánh liều với mọi thứ do những người tiền nhiệm lập nên

Gabor Steingart

Liệu Trung Quốc vẫn còn có một mô hình kinh doanh có khả năng hoạt động không? Câu hỏi này xuất hiện càng lúc càng nhiều hơn trong những ngày này. Tập Cận Bình nên tránh năm điều điên rồ vì chúng gây nguy hiểm cho sự cai trị của ông ta.

Tập Cận Bình đang đánh liều với hầu hết mọi thứ do những người tiền nhiệm của ông ta tạo dựng: từ khu vực tư nhân nội địa Trung Quốc đến mô hình xuất khẩu được ngưỡng mộ khắp nơi.

Sự kính trọng trước đó đã nhường chỗ cho nỗi sợ hãi, và nỗi sợ hãi giờ đây đã nhường chỗ cho sự nghi ngờ về việc liệu đất nước Trung Quốc này có còn một mô hình kinh doanh có khả năng hoạt động hay không.

Có năm điều điên rồ mà nhà cai trị chuyên quyền ấy phải đối mặt vì cuối cùng thì chúng gây nguy hiễm cho nền thống trị của ông ta

Chiến lược No-Covid không thể hoạt động trong thực tế

Điều điên rồ 1: Chiến lược không Covid là một cấu trúc lý thuyết xuất phát từ một quan điểm máy móc về con người và chỉ vì lý do này không thôi thì đã không thể hoạt động được trong thực tế.

Thêm vào đó là sự phát triển năng động của các loại virus, mà DNA chống độc tài của chúng cũng không thèm quan tâm đến mệnh lệnh của ĐCSTQ. Và kết quả là sự đàn áp ngày càng tăng của nhà nước, được đáp trả bằng sự phẫn nộ ngày càng tăng của người dân.

Điều điên rồ 2: Cả trong nền kinh tế, Đảng Cộng sản và nhà lãnh đạo tối cao của nó gần đây cũng đóng vai trò một lãnh tụ mạnh mẽ. Kết quả là khu vực tư nhân mà nhà cải cách Đặng Tiểu Bình từng cởi trói đang ngày càng bị sách nhiễu nhiều hơn.

Phương châm tự do về kinh tế của nhà cải cách – “Mèo trắng hay mèo đen đều không quan trọng, quan trọng là chúng bắt chuột” – đã bị thay thế bằng câu châm ngôn cũ của cán bộ: “Đảng luôn luôn đúng”.

Những nhà sáng lập thành công như Jack Ma của Alibaba đột nhiên biến mất khỏi hiện trường. Các công ty như công ty điều phối xe chở khách DiDi hay dịch vụ thanh toán Alipay đang bị nhà nước giải thể vì cho rằng họ có quá nhiều quyền lực.

Kết thúc của câu chuyện này: Nền kinh tế bị điều khiển sẽ dần ngừng tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng 15% đáng tự hào từng giúp hàng triệu người Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo bây giờ đã là dĩ vãng.

Điên rồ thứ 3: Sự xuất hiện mang tính thống trị của của Tập Cận Bình trong chính sách đối ngoại đã khiến cho người Mỹ bước vào cuộc. Chính người Trung Quốc, những người cam kết tuân theo các giá trị hài hòa và cân bằng qua truyền thống triết học của họ, đã tự làm chậm sự phát triển của chính họ bằng một pha trộn bất thường từ tính thống trị và kiêu ngạo, vốn trước đây chủ yếu được biết đến từ Mỹ.

Ban lãnh đạo ĐCSTQ rõ ràng đã quên một bài học quan trọng từ lịch sử gần đây: chỉ khi Trung Quốc hội nhập vào tất cả các thể chế phương Tây, và thậm chí được trao quyền phủ quyết tại Liên Hợp Quốc, thì các điều kiện cho sự thịnh vượng ngày nay mới được tạo ra.

Theo Kevin Rudd trong tác phẩm “Cuộc chiến có thể tránh được”, tư cách thành viên WTO năm 2001 là “cơ hội thay đổi cục diện thị trường toàn cầu” cho nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Bây giờ đồng hồ đang chạy ngược cho người Trung Quốc. Mỹ đã hạ cấp nước này từ đối tác thành đối thủ trong học thuyết an ninh chính thức của họ.

Điều điên rồ thứ 4: Vì Chính sách Đài Loan mới, rõ ràng là gây tranh cãi, mà các hệ thống báo động đã được kích hoạt, không chỉ ở người Mỹ mà còn trên khắp lãnh thổ NATO.

Những người đứng đầu chính phủ trước đây của Trung Quốc đã có một thành công ngoại giao rất lớn, về cơ bản là không thể tưởng tượng được. Bởi vì đi cùng với chiến thắng của cuộc cách mạng cộng sản ở Trung Quốc là sự công nhận cấp nhà nước cho những người cai trị mới ở Bắc Kinh và lần ly khai với chính phủ cũ mà giờ đây đang ở Đài Loan.

Hầu như tất cả các nước phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ, đã chấp nhận chính sách một Trung Quốc, mà qua đó trên thực tế đã tước đi tính hợp pháp của chính phủ ở Đài Loan. Ngày nay, chỉ có 13 trong số 193 quốc gia của Liên Hợp Quốc công nhận sự tồn tại của Đài Loan dân chủ như là một quốc gia riêng biệt.

Con số những cuộc diễn tập quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở ngoài khơi Đài Loan và việc mở rộng các hòn đảo không có người thành các căn cứ hàng hải đang buộc phương Tây xích lại ngày càng gần nhau hơn trong một liên minh chống Trung Quốc.

Tổng thống Hoa Kỳ Biden gần đây đã nói trên chương trình truyền hình “60 Minutes” rằng việc chiếm đóng Đài Loan sẽ ngay lập tức dẫn đến việc Hoa Kỳ tham chiến.

Điều điên rồ thứ 5: Tập Cận Bình đã chấm dứt nguyên tắc đồng thuận trong giới lãnh đạo cộng sản. Trung Quốc luôn là một quốc gia độc đảng và chuyên chế – nhưng không phải là chế độ độc tài một người. Mọi nhà lãnh đạo đều biết rằng sự lãnh đạo của mình là quyền lực vay mượn và sẽ kết thúc chậm nhất là sau hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm.

Người kế nhiệm phải được chỉ định sớm để quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra một cách hòa bình từ Giang Trạch Dân sang Hồ Cẩm Đào và sau đó từ Hồ Cẩm Đào sang Tập Cận Bình.

Tập Cận Bình, người tự tuyên bố là nhà lãnh đạo trọn đời, do đó đã phá bỏ chiếc van chuyển giao hòa bình từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo, cũng như từ phe này sang phe kia.

Công cụ cai trị quan trọng nhất của ông ta không phải là gia tăng thịnh vượng, mà là gia tăng đàn áp. Điều này phân biệt ông ta với tất cả các nhà cai trị thời hậu Mao. Ông ta gần với Stalin hơn Đặng Tiểu Bình.

Kết luận: Áp lực trong nồi hơi Trung Quốc đang ngày càng gia tăng. Sự giảm sút của chỉ số thị trường chứng khoán Shanghai Composite – giảm 50% so với mức đỉnh – chỉ là con chim báo bão đang cảnh báo trước một cơn bão đang kéo đến.

Phan Ba dịch

https://www.focus.de/politik/experten/gastbeitrag-von-gabor-steingart-xi-jinping-riskiert-alles-was-seine-vorgaenger-aufgebaut-haben_id_180413181.html

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn