Nếu Trung Quốc đánh Đài Loan thì…

Chủ Nhật, 22 Tháng Giêng 20236:00 SA(Xem: 2421)
Nếu Trung Quốc đánh Đài Loan thì…
Hieu Chan

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – một think-tank lớn của Hoa Kỳ, vừa thực hiện một cuộc chiến tranh mô phỏng hay chiến tranh giả lập (wargame) để nghiên cứu chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc dùng vũ lực tấn công Đài Loan như giới lãnh đạo Bắc Kinh thường đe dọa, và như cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine hiện nay.

Trong trò chơi giả lập có tên “Trận chiến đầu tiên của cuộc chiến tranh kế tiếp” (The First Battle of the Next War), CSIS đặt ra tình huống là năm 2026, đảo quốc Đài Loan bị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bất ngờ tấn công bằng cả hải lục không quân. Quân đội Trung Quốc từ Hoa Lục tấn công qua eo biển mà nơi hẹp nhất chỉ 80 dặm. Đài Loan nhỏ bé kiên cường chống trả. Các lực lượng Hoa Kỳ và Nhật Bản lao tới cứu viện cho đồng minh của mình nhưng bị kẹt vào lưới lửa của quân đội Trung Quốc. Sinh mệnh của 24 triệu dân Đài Loan như chỉ mành treo chuông.

CSIS đã cho “chạy” kịch bản mô phỏng chiến tranh này 24 lần với những thông số khác nhau để tính xem Trung Quốc lục địa có đủ năng lực xâm chiếm và thu phục Đài Loan hay không, và Trung Quốc phải làm gì để đạt được điều đó.

Trong phần lớn các kịch bản, kết quả cuối cùng là một sự tổn thất có tính hủy diệt đối với tàu bè, quân lính, phi cơ của tất cả các bên – báo cáo cuối cùng của CSIS nhận định.

“Hoa Kỳ và Nhật Bản mất hàng chục tàu chiến, hàng trăm phi cơ và hàng ngàn binh sĩ. Tổn thất đó phá hủy vị thế toàn cầu của Hoa Kỳ trong nhiều năm về sau,” báo cáo cho biết.

“Trung Quốc chịu tổn thất nặng nề. Hải quân Trung Quốc bị vỡ nát, phần cốt lõi trong lực lượng đổ bộ của họ bị đập tan và hàng chục ngàn binh lính bị bắt làm tù binh,” theo báo cáo của CSIS.

GettyImages-1853736
Hệ thống phóng hỏa tiễn diệt hạm Harpoon Mark 7 trên chiến hạm USS San Jacinto của Mỹ 20 năm trước. Mỹ sẽ cung cấp cho Đài Loan 60 hỏa tiễn này để phòng vệ trước khả năng tấn công mạnh mẽ của hải quân Trung Quốc. Ảnh lưu trữ của Mark Wilson/Getty Images

Trong đa số các kịch bản chiến tranh giả định, hải quân Hoa Kỳ sẽ mất hai hàng không mẫu hạm; từ 10 đến 20 tàu chiến mặt nước cỡ lớn; khoảng 3.200 binh sĩ Mỹ sẽ thiệt mạng trong ba tuần giao tranh đầu tiên – nhiều hơn đáng kể so với tổng số tử vong của quân đội Mỹ trong hai thập niên chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. 

Trung Quốc sẽ có khoảng 10.000 binh sĩ bị giết, mất 155 chiến đấu cơ và 138 chiến hạm các cỡ. Nhật Bản cũng sẽ mất 100 phi cơ và 26 chiến hạm. Các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản sẽ bị Trung Quốc tấn công. 

Nhưng Đài Loan sẽ đứng vững trước cuộc xâm lược của Trung Quốc cho dù quân đội, nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của đảo quốc sẽ bị phá hủy. Toàn bộ các khu trục hạm và tuần dương hạm của hải quân Đài Loan bị xóa sổ; 3.500 binh sĩ Đài Loan chết trong khi chiến đấu để bảo vệ đảo quốc. 

Nhưng để bẻ gãy cuộc xâm lược, liên minh Mỹ-Nhật-Đài cần thực hiện bốn việc lớn: Đài Loan phải giữ chân được lực lượng đổ bộ của Trung Quốc tại các bờ biển; Mỹ cần sử dụng các căn cứ ở Nhật cho cuộc chiến và cần nguồn cung cấp lớn các loại phi đạn chống hạm tầm xa; Mỹ phải trang bị đầy đủ cho lực lượng phòng thủ Đài Loan; và cuối cùng là tất cả các chiến binh phải vào trận ngay lập tức.

Báo cáo lưu ý, cuộc xâm lược thất bại sẽ tàn phá xã hội Trung Quốc. Phải gánh chịu tổn thất khủng khiếp mà vẫn không chiếm được hòn đảo có thể gây mất ổn định cho sự cai trị của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Những kịch bản chiến tranh và kết quả của chúng không phải là tài liệu chính thức của chính phủ Hoa Kỳ, được phổ biến công khai nhưng các nhà nghiên cứu của CSIS nhấn mạnh rằng, một cuộc xâm lược của Trung Quốc không phải là chuyện sắp xảy ra, báo cáo không nhất thiết là những kết luận đã được định trước. Một cuộc chiến tranh như vậy cũng không phải là chuyện không thể tránh được hoặc chắc chắn sẽ đến.

Quân đội Đài Loan chưa bao giờ ngưng tập trận trước sự đe dọa không ngừng nghỉ của Trung Quốc (ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)

Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng gia tăng sức ép lên đảo quốc Đài Loan. Phi cơ chiến đấu của Trung Quốc thường xuyên vượt qua đường trung tuyến trên Eo biển Đài Loan – ranh giới không chính thức ngăn cách đảo quốc với Trung Hoa lục địa – và xâm nhập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Theo dữ kiện của chính phủ Đài Loan được hãng tin Pháp AFP theo dõi, trong năm 2022 có 1.727 lượt chiến đấu cơ Trung Quốc đi vào vùng ADIZ của Đài Loan, gần gấp đôi so với con số 960 lượt năm 2021 và gấp năm lần con số 380 lượt năm 2020.

Tại đại hội 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc cuối năm ngoái, Tổng Bí thư đảng Tập Cận Bình nhắc lại mong muốn của Bắc Kinh là “thống nhất hòa bình” với Đài Loan nhưng đồng thời cảnh báo “Trung Quốc sẽ không bao giờ cam kết từ bỏ việc sử dụng vũ lực và bảo vệ quyền lựa chọn sử dụng mọi phương tiện khi cần thiết”.

Trong khi đó, Hoa Kỳ gần đây đã nỗ lực gấp đôi để hỗ trợ Đài Loan chống lại cuộc xâm lược của Trung Quốc, nếu có. Trong đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) mới thông qua, Quốc hội Hoa Kỳ đã quyết dành khoảng $10 tỷ để hỗ trợ an ninh cho Đài Loan trong năm năm tới và khởi sự một chương trình hiện đại hóa quân đội Đài Loan. Các quyết định yểm trợ của Hoa Kỳ là cần thiết để liên minh Mỹ-Nhật Đài đáp ứng được bốn nhu cầu căn bản của Đài Loan nhằm ngăn chặn Trung Quốc phiêu lưu vào một cuộc chiến tranh để thâu tóm đảo quốc, như kịch bản chiến tranh giả lập của CSIS cho thấy.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Hai, 15 Tháng Giêng 20184:00 SA
Có sự khác biệt giữa người làm việc nhiều và người bị cuốn vào việc ngoài tầm kiểm soát. Ranh giới nằm ở chỗ nào?
Chủ Nhật, 14 Tháng Giêng 20189:00 CH
Khi trận động đất sóng thần xảy ra vào năm 2011, lại một lần nữa, thế giới phải nghiêng mình trước tinh thần quật cường của người dân Nhật Bản trước thảm họa.
Chủ Nhật, 14 Tháng Giêng 20188:00 SA
Cho dù đã đóng chặt các cửa, cả đêm lão – gọi là lão vì khứa cũng đã ngoài 60 – vẫn không ngủ được vì tiếng pháo vẫn nhẹ nhàng, âm thầm và lì lợm,
Chủ Nhật, 14 Tháng Giêng 20182:30 SA
Ngày 9 tháng 1, trong phiên xử Phạm Công Danh và các đồng phạm “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”
Chủ Nhật, 14 Tháng Giêng 20181:00 SA
Tất cả chúng ta phải cảm ơn Henry Ford vì đã "phát minh" ra khái niệm 2 ngày nghỉ cuối tuần. Tuy nhiên, lý do thực sự đằng sau không được nhân văn cho lắm.
Thứ Bảy, 13 Tháng Giêng 201810:00 SA
Nhà hoạt động môi trường hàng đầu của Nga là một trong số hơn một triệu người -đa phần còn trẻ và có trình độ học vấn cao- đã đóng gói hành lý và rời khỏi đất nước trong những năm gần đ
Thứ Sáu, 12 Tháng Giêng 201811:00 SA
Hiệu ứng nhãn tiền của một vụ nổ bom là lửa và khói. Tuy nhiên, những thứ gây nguy hiểm cho chúng ta gồm 2 yếu tố: mảnh vụn, và chấn động (blast wave).
Thứ Sáu, 12 Tháng Giêng 20183:30 SA
Tính chất, mức độ phản kháng đối với chuyện thu phí cho những công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT càng lúc càng mãnh liệt
Thứ Năm, 11 Tháng Giêng 20185:56 CH
Tại sao trước đấy, không nghe ai lên tiếng đòi tháo còng cho chúng tôi, những Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Lê Thị Công Nhân,
Thứ Năm, 11 Tháng Giêng 20188:00 SA
đầy người xa lạ nhưng lúc rời đi thì họ đã có thêm 10 người bạn mới, lên lịch cho một cuộc hẹn ăn trưa vào ngày hôm sau, và một lời hứa hẹn sẽ giới thiệu họ làm quen với ai đó.