Nếu bạn không bao giờ gặp đồng nghiệp nữa?

Thứ Tư, 21 Tháng Ba 20188:00 CH(Xem: 6501)
Nếu bạn không bao giờ gặp đồng nghiệp nữa?
bbc.com
Bryan Lufkin BBC Capital

Other Bản quyền hình ảnh Other

Trong suốt quá trình đi làm của mình, tôi từng hợp tác với những người mình không bao giờ gặp trực tiếp. Về mặt lý thuyết, tôi có thể dành nguyên ngày mà không gặp gỡ trực tiếp bất kỳ ai.

Nhưng liệu việc tự cô lập mình như vậy có trở thành cách làm việc chuẩn mực trong tương lai?

Các nghiên cứu cho thấy tại Mỹ, số lượng những người làm việc từ xa tăng 115% trong thời gian từ 2005 đến 2017. Vào đầu năm 2015, có khoảng 500 ngàn người sử dụng Slack, một chương trình trò chuyện trực tuyến, trực tiếp, mỗi ngày. Tính đến cuối tháng Chín năm ngoái, con số này tăng vọt lên trên 6 triệu.


Trong năm 2017, một khảo sát do Gallup thực hiện cho thấy 43% trong số 15 ngàn người Mỹ nói họ dành một khoảng thời gian nhất định để làm việc từ xa, tăng 4% so với năm 2012. Một nghiên cứu của YouGov cho thấy 30% các nhân viên công sở ở Anh nói rằng họ cảm thấy đạt hiệu quả hơn khi làm việc bên ngoài văn phòng.

Chúng ta sẽ cảm thấy thế nào nếu không bao giờ gặp mặt trực tiếp người khác khi làm việc nữa? Liệu ta có bận tâm về việc đó không? Liệu có phải mọi thứ đã đi quá xa nhưng ta thậm chí không nhận ra?

Việc chúng ta ngày càng có xu hướng làm việc một mình có thể sẽ tạo tác động to lớn tới sức khỏe thể chất và tinh thần, tới cách thức các công ty hoạt động, thậm chí tới cả việc định hình các thành phố.

BBC Capital đã hỏi chuyện một nhóm các chuyên gia về chủ đề này.

Nơi làm việc không bóng người trông sẽ thế nào?

Có vẻ như năm 2018 là lúc chúng ta đang trong giữa kỷ nguyên làm việc từ nhà với bộ pyjama và chương trình trực tuyến Slack.

Nhưng những người theo thuyết vị lai dự liệu ra những thứ mang tính viễn tưởng hơn nhiều cho những thập kỷ tới.

Chẳng hạn như ngày làm việc có thể bắt đầu với việc tải lịch làm việc và các mục tiêu cần đạt được trong ngày lên những anh chị em 'sinh đôi' của chúng ta trong thế giới ảo, là những người sẽ thay mặt đại diện, được chúng ta gửi tới các cuộc họp trực tuyến thay vì chúng ta phải trực tiếp có mặt.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Trên 40% nhân viên ở Anh cảm thấy làm việc từ xa hiệu quả hơn là phải bó buộc trong văn phòng, và số người làm việc từ xa đã tăng lên 115% ở Mỹ trong 12 năm qua

"Người ảo đại diện cho tôi có thể cùng lúc giao lưu với khách hàng, với nhân viên và các đối tượng tôi cần phục vụ ở khắp nơi trên thế giới," James Canton, CEO của Viện Tương lai Toàn cầu, đồng thời là người đã cố vấn cho ba đời chính phủ ở Tòa Bạch ốc về những khuynh hướng làm việc trong tương lai, nói. "Tôi sẽ ra chỉ dẫn và người ảo có thể tự quyết ở chừng mực nào đó."


Ông đang làm việc cùng các khoa học gia để phát triển các cỗ máy online này: "Sẽ có những siêu máy tính có khả năng xử lý những chức năng như thế, và có dịch vụ Điện toán Đám mây." Nhưng chúng sẽ trông giống như những gì chúng ta muốn. "Bọn trẻ con có thể muốn chọn là con khủng long, thanh niên có thể thích chọn mẫu Emma Stone," Canton nói.

Dân nhân viên văn phòng vốn đã vui vẻ từ bỏ các cuộc tiếp xúc trực tiếp để đổi lấy chuyện được lựa chọn làm việc linh hoạt, hay nói cách khác là làm việc từ xa.

Nhưng liệu việc suốt ngày ngồi trước màn hình máy tính có gây tác động xấu tới sức khỏe tinh thần, hay thậm chí có gây tổn hại tới sự tinh tế về cảm xúc của chúng ta hay không?

Làm việc một mình gây ảnh hưởng gì tới tâm trí chúng ta?

Một số người tin rằng sự gia tăng mô hình làm việc từ xa sẽ dẫn đến nhẹ nhất là sự chán nản ở nhân viên, và tệ nhất là gây ra trầm cảm.

Faith Popcorn, một người theo thuyết vị lai từng tư vấn cho các tập đoàn khổng lồ như AT&T, IBM và Coca-Cola về tương lai của lực lượng lao động, nói "bạn sẽ cần phải tới đâu đó, phải tìm chỗ để xả hơi, giải trí."

Việc chuyển hướng đó có thể liên quan tới việc các công ty cấm nhân viên bỏ thời gian ra xem video trên YouTube hoặc nghe nhạc, hoặc thậm chí còn theo dõi các chuyến đi, bà nói.

Popcorn vẫn tin rằng một môi trường làm việc từ xa, không có người thật sẽ khiến một số nhân viên đi vào "các cuộc phiêu lưu tưởng tượng". Điều đó có thể là 'những ngày đi nghỉ thêm' bằng cách đắm mình vào thế giới ảo, hoặc thậm chí nghiện xem các sản phẩm khiêu dâm.

"Với một số người thì việc (làm việc từ xa) không tốt cho thể chất - thiếu những giao tiếp thông thường, thoải mái với các đồng nghiệp trong suốt cả ngày sẽ khiến họ cảm thấy mệt mỏi," David Ballard, bác sỹ thuộc Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, nói. "Việc thiếu cơ sở vật chất khi phải tự xoay sở với các thiết bị của mình tại nhà hoặc làm việc trong điều kiện máy móc kết nối từ xa khiến họ khó giữ quy củ làm việc hơn."

Tuy ý tưởng gửi những hình ảnh holographic trông giống chúng ta tới dự các cuộc họp nghe có vẻ vui, nhưng việc trải qua những vòng làm việc hàng tuần hoàn toàn một mình lại không hề. Nhiều khả năng nó sẽ khiến các nhân viên và cấp quản lý của họ cảm thấy khó khăn hơn trong việc xây dựng bất kỳ kiểu hợp tác làm việc theo nhóm nào.

"Hẳn nhiên là nó sẽ gây ra thách thức to lớn hơn trong việc xây dựng tinh thần làm việc cộng sinh khi mà mọi người không trực tiếp có mặt để cùng ăn trưa với nhau - điều đó làm thay đổi động lực làm việc," Ballard nói thêm

Không gì có thể thực sự thay thế được các giao tiếp, giao lưu và kết nối trực tiếp. Điều mà bạn có thể cảm nhận được từ việc gặp gỡ trực tiếp một người nào đó - như ngôn ngữ cơ thể, ngữ điệu, hay cảm nhận được tâm trạng buồn bực của ai đó, hay có ẩn ý gì nằm sau cuộc đối thoại - là những ưu thế mà những người chỉ dùng công nghệ làm thay mình không cảm nhận được.

Kate Lister, chủ tịch của Global Workplace Analytics, hãng chuyên phân tích các chiến lược nơi công sở, nói rằng trí tuệ xúc cảm đang đi xuống. "Một phần là bởi mọi người dính vào máy tính quá nhiều thay vì ra ngoài trời và có các vận động thể chất."

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Các robot thông minh đang thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, và tâm lý biết cảm thông vốn có giữa người với người có nguy cơ bị mất đi khi mọi người chuyển hết sang chế độ làm việc từ xa, các chuyên gia cảnh báo

Việc giảm sút trí tuệ xúc cảm (EQ - emotional intelligence) đã được các nhà nghiên cứu theo dõi và ghi nhận từ cách đây vài năm: hồi 2010, một nghiên cứu của Đại học Michigan cho thấy các sinh viên đại học thể hiện sự cảm thông 40% ít hơn so với giới sinh viên vài thập kỷ trước đó, ít đồng tình hơn với các tuyên bố kiểu như "đôi khi tôi cố gắng hiểu bạn mình hơn bằng cách đặt mình vào vị trí của họ để nhìn nhận vấn đề" và "tôi thường có cảm giác nhẹ nhàng, lo lắng quan tâm tới những người kém may mắn hơn mình."


Nhưng việc phát triển kiểu trí tuệ cảm xúc này sẽ là điều then chốt cho việc tìm kiếm việc làm trong tương lai, đặc biệt là với các công việc đòi hỏi có ít người thật nhưng nhiều công nghệ hoạt động xung quanh.

Lập luận phản bác mô hình làm việc từ nhà

Nhìn thoáng qua thì có vẻ như các hãng sẽ tiết kiệm được hàng triệu đô la từ việc cho phép có thêm nhiều nhân viên áp dụng cách làm việc linh hoạt. Tiềm năng là các hãng sẽ tiết kiệm được những khoản tiền khổng lồ: Theo Global Workplace Analytics, mỗi công ty có thể dôi ra 11 ngàn đô la mỗi năm trên mỗi nhân viên nhờ việc tiết kiệm được các khoản chi phí bất động sản, luân chuyển người và hóa đơn tiền điện.

Nhưng việc quản lý trên thực tế toàn bộ lực lượng lao động làm việc từ bên ngoài văn phòng sẽ gây ra những khoản chi phí to lớn không lường trước được.

Hồi năm ngoái, IBM đảo ngược quan điểm về mô hình làm việc linh hoạt khi yêu cầu nhân viên trở lại hiện diện trực tiếp. Trước đó, hồi 2007, 40% trong tổng số 400 ngàn nhân viên của hãng đã không còn tới sở làm việc theo cách thức truyền thống nữa.

Yahoo cũng áp dụng chính sách tương tự vào năm 2013; một bản ghi nhớ gửi cho các nhân viên của hãng và bị rò rỉ ra ngoài nói rằng một số các quyết định sáng suốt nhất của hãng là đến từ "các cuộc thảo luận ở hành lang và ở những khu vực uống cà phê, các buổi gặp gỡ giữa mọi người, và các cuộc họp nhóm ngẫu hứng tại văn phòng."

Dẫu chưa có đủ các số liệu vững chắc để cho thấy các hãng sẽ mất tiền khi để đa số nhân viên làm việc từ xa, nhưng nỗi sợ hãi ở đây là những nhân viên đó có thể sẽ làm việc kém hiệu quả hơn, hoặc kém trung thành, gắn bó với công ty hơn.

Sau hết, "bạn không muốn các nhân viên của mình cứ lấy thời gian làm việc cho công ty để đi lo cho các công ty khởi nghiệp của riêng họ," Ballard nói.

Sự trỗi dậy của "nền kinh tế lớn" đã tạo ra một làn sóng các chuyên gia có tay nghề cao chọn hoạt động theo kiểu tự do thay vì gắn bó với một công ty cụ thể nào, và các nhân viên làm việc từ xa.

Đi theo khuynh hướng này là Fairtrade cafe ở các thành phố lớn, nơi bạn hẳn sẽ nhìn thấy những chuyên gia có trình độ ngồi bên những chiếc Macbook và những tách cà phê. Nhưng việc theo dõi lực lượng lao động không gắn với công sở này và nắm được hiệu suất làm việc của họ là điều không dễ gì.

Một số công ty, như Humanyze, một công ty khởi nghiệp ở Boston, đã phát triển thẻ làm việc để theo dõi dấu vết dữ liệu sinh trắc của các nhân viên, như các di chuyển trên thực tế, giọng điệu, hay độ dài cuộc nói chuyện, là những dữ liệu có thể hữu ích cho nhu cầu theo dõi nêu trên.

Cấp quản lý cần chuẩn bị sẵn sàng cho việc chuyển dịch sang mô hình làm việc mới

Xu hướng ngày càng nhiều người làm việc từ nhà là điều không tránh khỏi. Trách nhiệm của giới quản lý là phải thích nghi với môi trường mới.

"Một phần vấn đề là chúng ta vẫn quản lý con người theo cách thức mà ta đã làm hồi Cách mạng Công nghiệp, tức là khi nhìn thấy mọi người làm việc trong một dây chuyền thì ta nghĩ rằng họ đang làm việc năng suất," Ballard từ Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ nói. "Chúng ta cần huấn luyện cho giới quản lý nắm được cách quản lý tốt hơn đối với các lực lượng lao động làm việc từ xa."

Bằng cách nào?

Hồi 2015, Havard Business Review (HBR) viết rằng nhiều công ty cho phép nhân viên làm việc từ xa đã "quá tập trung vào công nghệ mà không chú ý đủ mức tới tiến trình thực hiện. Điều này hơi giống như việc cố tìm cách cải thiện thành tích thi đấu của một đội thể thao bằng cách mua những thiết bị tốt hơn."

Điều cần làm là phải chú trọng tới các vấn đề căn bản như việc liên hệ và phối hợp làm việc với nhau, HBR nói.

Điều đó có nghĩa là những người ở cấp bậc quản lý vẫn phải có khả năng giải thích các ý tưởng phức tạp cho nhân viên hiểu, ngay cả khi diễn đạt thông qua môi trường ảo. HBR nhắc tới một ví dụ trong đó người A mô tả một hình ảnh cho người B qua điện thoại. Sau đó, B phải cố thể hiện nội dung được mô tả đó cho người C thông qua email - không ngạc nhiên gì, diễn giải của C sau đó thường rất sai lệch so với nội dun mô tả ban đầu.

Những người ở cấp bậc quản lý cũng cần chấp nhận đòi hỏi là nhân viên ở mọi múi giờ khác nhau có thể tiếp cận được với họ vào bất kỳ thời điểm nào vào nhằm xây dựng lòng tin và hiệu quả công việc.

Và đó là thách thức thực sự có thể xảy ra, cũng là điều dễ xảy ra hơn (hoặc ít nhất cũng là gây áp lực nhiều hơn) so với chuyện làm việc một mình và bị vây quanh bởi những hình hologram biết nói.

Ranh giới phân định giữa vấn đề làm việc hay không làm việc đang ngày càng trở nên nhạt nhòa do tình trạng làm việc từ xa đang ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Chúng ta có thể đi đến tình trạng được tự do làm việc ở bất kỳ nơi nào mình muốn, nhưng những công nghệ cho phép chúng ta khả năng dịch chuyển sẽ đồng thời trói buộc chúng ta vào công việc nhiều hơn, bởi chúng ta sẽ trở thành đối tượng bị người khác liên hệ, hỏi ý kiến vào bất kỳ lúc nào, cho dù khi đó chúng ta đang ở đâu chăng nữa, hay đó có phải là thời điểm ta cần nghỉ ngơi trong ngày hay không.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn