“Nhà lý luận cung đình” Vương Hỗ Ninh trong nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận Bình và hàm ý cho Việt Nam

Thứ Sáu, 04 Tháng Mười Một 202210:00 SA(Xem: 2393)
“Nhà lý luận cung đình” Vương Hỗ Ninh trong nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận Bình và hàm ý cho Việt Nam
rfa.org

“Nhà lý luận cung đình” Vương Hỗ Ninh trong nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận Bình và hàm ý cho Việt Nam

Bài bình luận của TS Phạm Quý Thọ

Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc mới kết thúc hôm 23/10/2022 là một sự kiện chính trị được cả thế giới quan tâm, trong đó có công tác nhân sự chủ chốt. Ông Vương Hỗ Ninh (tiếng Trung giản thể: 王沪宁 và tiếng Anh Wang Huning) là một trong bảy Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS TQ. Ông được xếp thứ 4 về “vai vế” quyền lực sau Tập Cận Bình - Tổng Bí thư, Lý Cường - dự kiến là Thủ tướng và Triệu Lạc Tế - dự kiến là Chủ tịch Quốc hội. Việc ông Vương được tái đắc cử trong nhiệm kỳ tổng bí thứ thứ 3 của Tập được giới quan sát chính trị phương Tây chú ý vì ông ta có vai trò quan trọng không chỉ đối với công tác lý luận của ĐCS mà còn đối với sự cai trị của Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ Đại hội 20 trong bối cảnh cạnh tranh đối đầu ý thức hệ căng thẳng.

"Lý luận cung đình"

Ông Vương Hỗ Ninh từ lâu được ví như “nhà lý luận cung đình”, “túi khôn cao cấp nhất của Trung Nam Hải”. Một trong những cơ sở mà quan điểm chính trị của Vương dựa vào là lý thuyết chủ quyền quốc gia, coi Trung Quốc là nước lớn, sánh với các cường quốc khác trên thế giới, có bản sắc chế độ riêng, khác biệt với các chế độ tư bản. Ông ta nhấn mạnh nhu cầu “tập trung cần thiết” quyền lực trung ương để cải tổ chính trị, đưa ra lý thuyết “giày vừa chân” nghĩa là thể chế chính trị nhất định cần phải thích ứng với điều kiện văn hoá - xã hội - lịch sử nhất định, trong đó vai trò ĐCS lãnh đạo chính trị “thống nhất và ổn định”. Ngoài ra, ông ta cho rằng nếu chính quyền trung ương suy yếu, xã hội sẽ bị động loạn và, rằng cải tổ chính trị là tất yếu vì tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa sẽ tạo ra xung đột và dẫn tới đòi hỏi dân chủ hóa, cho nên luật pháp phải được tuân thủ nghiêm ngặt…

Trong bối cảnh mô hình Xô - Viết sụp đổ luận thuyết trên được ĐCS TQ đón nhận như một “chủ thuyết” cho vận hành chính sách “cải cách và mở cửa”, được đề xuất bởi Đặng Tiểu Bình với tư tưởng thực dụng, mở cửa kinh tế để thu hút đầu tư tư bản nước ngoài nhưng vẫn duy trì chế độ toàn trị của ĐCS. Ông được coi là người đứng sau cả ba thuyết và là "đại quốc sư" đắc lực cho ba đời lãnh đạo tối cao Trung Quốc: Giang Trạch Dân với Thuyết ba đại diện, Hồ Cẩm Đào với Quan điểm phát triển khoa học và Tập Cận Bình với “Giấc mộng Trung hoa”. Luận thuyết này có thể coi là cấu phần của mô hình tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc trong suốt một phần ba thế kỷ qua, từng được coi là lý tưởng để nhiều nước đang phát triển noi theo.

Điểm nhấn xuyên suốt trong luận thuyết của Vương và, là lý do được coi như chủ thuyết, vì nó phát triển lý luận chính trị của ĐCS cầm quyền dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác Lê -nin, “hiện thực hoá” ý thức hệ cộng sản trong việc xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa mang bản sắc Trung Quốc đối nghịch với chế độ dân chủ ở Mỹ và phương Tây. Quan điểm chính trị này của Vương sớm được bộc lộ vào những năm 1980, trong tác phẩm Nước Mỹ chống lại nước Mỹ (tiếng Trung 美国反对美国, tiếng Anh America Against America), trong đó Vương đã chỉ ra những nhược điểm của chế độ dân chủ Mỹ.

Dưới góc nhìn của các học giả phương Tây, việc ông Vương không bị “bỏ rơi” là vì đông đảo giới trí thức hiện nay ở Trung Quốc vốn ‘‘không tâm phục khẩu phục’’ tư tưởng Tập Cận Bình, nhưng lại được nâng lên không chỉ với Đảng CS mà còn của toàn xã hội. Nhưng đây có lẽ sự suy luận thay vì lý do chính ông Vương Hỗ Ninh tiếp tục được “tin dùng”, hơn cả “nhà lý luận cung đình” còn là người quân sư đắc lực trong việc vận hành chính sách của Đảng CS. Ở cương vị Bí thư thứ nhất của Ban Bí thư ĐCS TQ, tương tự như Thường trực Ban Bí thư ĐCS VN ông Vương được đánh giá cao về vai trò “trợ thủ” cho ông Tập khi đã thâu tóm mọi quyền hành, kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo để thực hiện tầm nhìn về tương lai của Trung Quốc, định hướng chính sách thể hiện rõ sự thù địch với đa nguyên chính trị và các lực lượng của thị trường tự do. Mỹ và phương Tây đang phải đối phó với Trung Quốc đang thay đổi, ưu tiên an ninh thay vì tăng trưởng trong trật tự thế giới lưỡng cực đang định hình phức tạp.

trong china112017.jpegÔng Nguyễn Phú Trọng tại Trung Quốc hồi tháng 11/2017

Hàm ý

Mặc dù mô hình “nhà lý luận cung đình” Trung Quốc không có chỗ đứng trong chế độ ĐCS toàn trị mang nặng tính đức trị ở Việt Nam nhưng sự tương đồng về chế độ chính trị giữa hai nhà nước khiến sự ảnh hưởng của Trung Quốc nói chung, cũng như chỗ dựa về ý thức hệ nói riêng là không tránh khỏi trong bối cảnh cải cách chính trị ở Việt Nam, trong đó kinh nghiệm vận hành tư tưởng Mác - Lênin chắc chắn có hàm ý quan trọng cho ĐCS Việt Nam. Chuyến công du Bắc Kinh của ông Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ngay tức thì sau khi Đại hội 20 ĐCS Trung Quốc vừa kết thúc dù mang tính biểu tượng nhưng phần nào cho thấy mối quan hệ “ý thức hệ” sẽ được nâng tầm. Tuy nhiên, liệu sự căng thẳng tranh chấp lãnh hải có được giải toả hay sự lệ thuộc kinh tế có được giảm bớt thay vì được sử dụng như một sức ép chọn phe hay không?

Cả hai nước dường như đang thực hiện chính sách tương đồng về củng cố và phát triển “Đảng – Nhà nước mạnh”, cùng với mục đích xây dựng xã hội chủ nghĩa, nhưng với những đặc thù riêng và trình độ phát triển khác biệt cách thức vận hành sẽ khác nhau. Như đã phân tích ở trên, ĐCS Trung Quốc tiếp tục dựa vào “luận thuyết cung đình” để đạt mục tiêu của mình trong khi ĐCS Việt Nam luôn coi trọng công tác lý luận, nhấn mạnh “vận dụng sáng tạo” chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tế đất nước, nhưng với chủ thuyết, luận thuyết hay mô hình nào vẫn đang là vấn đề lớn? Chính sách thực dụng có thể sẽ chấm dứt ở Trung Quốc, nhưng ở Việt Nam thì không thể? Việt Nam sẽ học tập kinh nghiệm từ Trung Quốc thế nào?

Thay cho lời kết xin dẫn sự kiện có liên quan đến chủ đề bài viết. Mới đây, giữa tháng 10/2022 ông Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (HĐLLTƯ), đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương ĐCS kỷ luật với mức độ cảnh cáo vì những sai phạm trong vai trò Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VHLKHXH) từ năm 2016 đến năm 2019. Như đã biết, VHLKHXH cùng với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là hai đơn vị thành viên chủ chốt của Hội đồng này với chức năng “là cơ quan tham mưu cho Đảng về các vấn đề lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa xã hội”. Sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống diễn ra nghiêm trọng tại đây khiến vấn đề cải tổ được đặt ra đối với Hội đồng này nói riêng và công tác lý luận chính trị nói chung.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn