Khảo sát Pew: Người dân các nước tiên tiến ít thiện cảm với TQ dưới thời Tập Cận Bình

Thứ Sáu, 30 Tháng Chín 20228:00 SA(Xem: 1493)
Khảo sát Pew: Người dân các nước tiên tiến ít thiện cảm với TQ dưới thời Tập Cận Bình
voatiengviet.com

Khảo sát Pew: Người dân các nước tiên tiến ít thiện cảm với TQ dưới thời Tập Cận Bình

Reuters

Công luận tại Mỹ và tại các nền kinh tế tiên tiến khác nhìn về Trung Quốc “tiêu cực hơn” dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, theo một cuộc khảo sát toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu Pew.

Ông Tập, 69 tuổi, dự kiến sẽ giành thêm một nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba kéo dài 5 năm chưa từng có tiền lệ tại đại hội Đảng Cộng sản bắt đầu ở Bắc Kinh vào ngày 16 tháng 10, đảm bảo vị thế là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông.

Trong khi sự trỗi dậy kinh tế và đầu tư của Trung Quốc được coi là tích cực đối với một số nước Mỹ Latin, Trung Đông và Châu Phi, thì cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc được coi là “vấn đề nghiêm trọng” ở các nền kinh tế tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Úc, theo Pew.

Cuộc khảo sát được công bố hôm 28/9 cho thấy quan điểm không ưa chuộng Trung Quốc tại các nền kinh tế phát triển dao động với biên độ tương đối hẹp từ năm 2002-2017, trước khi trở nên tồi tệ hơn giữa các mối quan tâm bao gồm nhân quyền và sức mạnh quân sự, với một số thay đổi rõ nét nhất từ năm 2019 đến năm 2020, Pew có trụ sở tại Washington cho biết.

Sự thay đổi quan điểm được kích hoạt một phần từ cảm nhận về việc Trung Quốc xử lý COVID, xuất hiện ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm 2019, cũng như cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, chính sách đối ngoại hiếu chiến và việc xây dựng quân đội ở Biển Đông.

Tại Hoa Kỳ, 82% số người được hỏi năm nay bày tỏ “quan điểm không cảm tình” với Trung Quốc, tăng từ mức 79% vào năm 2020.

Tỷ lệ những người nói rằng họ “không tin tưởng” ông Tập làm đúng trong các vấn đề thế giới là 87% ở Hàn Quốc vào năm 2022, tăng từ 29% vào năm 2015. Ở Anh, con số này tăng lên 70% năm 2022 từ 44% của năm 2014.

Bà Laura Silver, tác giả dẫn đầu báo cáo, nói với Reuters: “Ở khắp các nền kinh tế tiên tiến, có rất ít niềm tin vào cách xử lý của ông Tập về các vấn đề thế giới và có các quan điểm rất tiêu cực về Trung Quốc tổng thể”.

Bà nói, một số hậu quả của sự suy thoái này bao gồm sự xoay trục của các quốc gia như Úc, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc theo hướng ngày càng ủng hộ mối quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ hơn là với Trung Quốc.

Trong khi hầu hết những người được hỏi ở Bắc Mỹ và châu Âu muốn nước họ ưu tiên vào nhân quyền ở Trung Quốc hơn là các mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh thì đa số ở Israel, Malaysia, Singapore và Hàn Quốc cho rằng việc tăng cường quan hệ kinh tế với Bắc Kinh là quan trọng hơn.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác báo cáo của Pew khi được hỏi bình luận trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 29/9.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nói với các phóng viên: “Cuộc thăm dò mà bạn đề cập được tiến hành giữa một số ít các nước phát triển và không đại diện cho quan điểm của một số lượng lớn các nước đang phát triển chiếm gần 90% dân số thế giới.”

“Chủ tịch Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo được 1,4 tỷ người Trung Quốc ủng hộ và có uy tín cao trong cộng đồng quốc tế”, ông Uông nói.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn