Tản mạn ... uống trà

Thứ Bảy, 17 Tháng Ba 20187:00 CH(Xem: 5221)
Tản mạn ... uống trà

tra-xanh-bot
Cái vỏ trấu trong ấm trà

Tôi không phải là người sành uống trà. Cái đó là chắc chắn. Nhưng mà cái hương vị của trà thực sự ấn tượng lắm. Trà của Việt Nam cũng thú vị lắm đấy chứ. Nó không dễ uống như Lipton hay Qualitea, những loại trà đã khử tanin. Nuớc và trà , hai cái đó mang lại 1 cảm xúc. Chế nước sôi vào ấm trà, tráng qua cho nóng ấm. Cho trà vào rồi chế nước sôi để tráng trà. Nhấp 1 ngụm trà, đắng ngắt. Chát. Cái vị của trà là thế. Cái đắng trong cổ họng nó chuyển thành vị ngọt lúc nào không hay. Không ngọt như đường, vị ngọt dịu dịu.


Cái ngọt của trà quẩn trong cổ họng, rồi nó chợt biến mất cũng như cách nó xuất hiện. Điều đó khiến người uống trà phải nhấp thêm một ngụm trà nữa, rồi lại thưởng thức nó.

Chợt nhớ đến Nguyễn Tuân với tác phẩm "Cái ấm đất". Chỉ 1 cái vỏ trấu trong ấm trà mà cũng có thể phát hiện ra. Một cái vỏ trấu nhẹ bẫng, không có vị gì cũng làm thay đổi mùi vị của ấm trà. Nó chỉ là hư cấu, nhưng nó nói đến cái cảm giác thanh tao và sâu sắc trong trà.

Ấm và nước
Bạn muốn thưởng thức trà tinh tế thì trước hết phải có một cái ấm trà tốt đã, ví dụ có thể là đồ gốm BÁT TRÀNG chẳng hạn và sau đó mới đến trà ngon và bạn phải pha trà bằng nước mưa mới phát huy hết hương vị vốn có của trà (nhưng bây giờ ô nhiễm quá); còn về các loại trà thì ở miền Bắc có Bắc Thái , miền Trung có trà Mai Hạc , miền Nam có trà của Bảo Lộc cũng tương đối ngon . Bạn phải hứng nước mưa vào đầu mùa hè ; đun sôi lọc hết cặn và chứa vào thùng . Nên pha trà ở nhiệt độ khoảng 80 độ C thì tốt nhất . Nói chung thưởng thức trà là cả một quá trình công phu , nếu có trà ngon bạn hiền cùng ngắm trăng hoặc chờ đợi hoa quỳnh nở thì đó là những giây phút tuyệt vời và lãng mạng nhất .

Một cách uống trà tuyệt diệu
Tôi có được nghe kể về một cách uống trà tuyệt diệu: Một ấm trà 3 hương vị. Này nhé, một bộ ấm trà bằng đất nung có 3 cái chén, rót chén thứ nhất là hương nhài, chén thứ hai là hương sói, chén thứ ba là hương sen. Biết thế nào không? Người ta dùng một khay nhôm đặt trên một bếp than hồng, trên đó úp 3 cái chén. Trong chén đặt một bông hoa (nhài, sói, sen...) để một lúc cho hương ngấm vào chén.

Trà Phong
Người Trung Quốc có Trà Kinh, Nhật Bản có Trà Đạo, còn Việt Nam có lẽ được gọi là Trà Phong, vì VN có nhiều phong cách uống trà khác nhau. Người Bắc học uống trà đá của người Nam và ngược lại người Nam tập uống trà Bắc, rồi nhà giàu học cách uống trà của nhà nghèo... Trà VN làm cho con người ta có cảm giác được gần gũi nhau.

Vì sao mà uống trà người ta không xài tách có quai ? Chính vì cách cầm tách và cầm chén khác nhau. Cầm tách thì dùng hai ngón tay kẹp vào quai tách, hờ hững. Cầm chén thì phải nâng niu hơn, ít nhất là 3 ngón tay nâng đỡ toàn bộ chén trà, ngón trỏ và ngón cái giữ miệng chén, ngón giữa kê dưới trôn chén ( người ta gọi là Tam long giáng ngọc-3 con rồng nâng viên ngọc). Có lẽ trà VN dễ uống mà không phải gò bó vào một khuôn khổ nào hết, ai cũng có thể uống trà theo cách của mình ở mọi nơi trên đất nước.

Một cách uống trà sen
Xin bổ xung một cách uống trà sen dân dã nữa cho mọi người thưởng thức. Cách này cũng khá công phu.

Khi hoàng hôn, đi thuyền ra hồ sen. Giữa rừng sen đó, bạn phải chọn những bông nào nở vừa nhất, dậy hương nhất, cho một chút trà vào giữa bông sen rồi buộc túm các cánh hoa lại. Sáng sớm hôm sau, khi sương còn chưa tan, bạn lại đi thuyền ra, gỡ từng cánh sen, mang trà về với cả cái ẩm của sương và hương sen được ấp ủ trong một đêm. Trà đó được pha với nước mưa được để lắng cặn từ nhiều ngày trước, hoặc là nước trong chuẩn bị ít nhất là 24h. Trà mang tính âm, hạ nhiệt tốt, uống vào mùa hè.

Cái này mình được thưởng thức đúng một lần, quả là hương vị mộc mạc hơn, nhưng uống lần nào phải ủ trà lần đó, vì cách ủ này không giữ được hương, mỗi lần chỉ được 1 đến 3 ấm trà.

Trà đạo Việt
Thực ra chữ "đạo" trong trà không nên hiểu như là đạo giáo, đạo trong Trà Đạo của Việt Nam chỉ có nghĩa là con đường, hướng đi. Trà VN mang tính chất gần gũi với thiên nhiên, nó dạy cho người thưởng trà cái tính cộng đồng, gần gũi, biết cảm ơn những người đã hai sương một nắng trên cánh đồng trà...

Lấy việc rót trà làm ví dụ, sau khi tráng chén bằng nước sôi cho sạch và giữ nhiệt, người ta xếp các chén vào sát nhau, tạo thành một hình tròn. Bình thường ai cũng nghĩ nó chỉ giúp cho việc rót trà dễ hơn. Nhưng nếu hiểu theo cái đạo của trà VN thì sao ? Các chén nằm sát nhau thể hiện sự gắn bó giữa con người với con người, cái tình làng nghĩa xóm khi mời nhau chén trà. Hình tròn của các chén xếp thành thể hiện mong muốn viên mãn, đầy đủ.

Nếu rót trà theo hình tròn của các chén, mỗi chén rót một chút, từ đầu đến cuối, rồi lại vòng ngược lại đến đầu, điều này làm cho trà không có sự chênh lệch đậm nhạt giữa chén đầu và chén cuối. Ý nghĩa của nó là thể hiện sự bình đẳng giữa chủ và khách trong sự hưởng thụ tinh tuý của thiên nhiên.( Cũng có thể rót nước trà vào một chén to, gọi là chén tống, rồi từ chén to rót sang các chén con, gọi là chén quân, cho đều nước). Nếu rót liền tay một vòng không ngừng thì gọi cách rót đó là "Quan Công tuần thành", còn nếu rót một chén rồi cao tay lên mà ngắt nước trà rồi mới chuyển qua chén khác gọi là " Hàn Tín điểm binh" (2 cái này là du nhập từ Trung Hoa). Tất cả những cái đó không phải tự nhiên mà có, không phải ngẫu nhiên người xưa thuận tay mà tạo ra như vậy, nó là cái đạo hết sức giản dị của ông cha ta.

Nghệ thuật ẩm thủy
Trà sư Lục Vũ nhà Đường đã tôn vinh "nước là trà hữu, lửa là trà sư". Chỉ thế thôi cũng đủ thấy người Trung Hoa quan niệm uống trà là nghệ thuật ẩm thuỷ tinh tế đến nhường nào. Người Hà Nội từ rất xưa cũng có những cách thưởng ngoạn trà vô cùng tinh tuý, nhưng rồi qua thời gian, nghệ thuật ẩm thuỷ này đã mai một hết.

Người Trung Quốc nâng việc uống trà thành một thứ nghệ thuật cao quý, còn người Nhật lại khép trà đạo trong những nghi lễ phức tạp. Việt Nam thì tự hào về một nghệ thuật trà không quá phức tạp, nhưng lại rất tinh tế, mang tính văn hoá rất cao.

Không ít danh nhân Việt Nam đã tốn nhiều giấy mực cho chén trà. Sau "Vân Đài loại ngữ" (Lê Quý Đôn), "Vũ Trung tuỳ bút" (Phạm Đình Hổ, còn có tuỳ bút "Chén trà sương" của Nguyễn Tuân cũng không tiếc lời ca ngợi nghệ thuật uống trà Việt Nam bình dị mà trang trọng. Giai thoại còn lưu truyền huyền thoại về sự cầu kỳ của Chúa Trịnh Sâm - người được coi là một trong những ông tổ của nghệ thuật trà Việt Nam. Tự nhận mình là trà nô, chỉ ấm trà tự pha, hợp khẩu vị mới làm ông hài lòng. Ngay đến Tuyên phi Đặng Thị Huệ được ông sủng ái hết mực cũng không được phép hầu trà. Chén trà ngon phải đạt được 4 tiêu chuẩn: Xanh nước, trong, độ chát êm dịu, có hậu vị. Đằng sau một chén trà ngon có biết bao điều có thể nói, từ những chuyện nhỏ nhất.

Chọn trà cũng phải học. Cọng trà non phải có màu xanh đen đều đặn. Gói trà điểm vàng thì ít hay nhiều cũng lẫn lá trà già, nước uống chát. Lấy nhúm trà đặt vào lòng bàn tay, cánh chè êm dịu mới là chè ngon, nếu nhiều lá già, hoặc có "cẳng" trà sẽ có cảm giác thô ráp. Lấy vài cánh chè nhai giập rồi vê cánh trà , nếu cánh trà nát vụn, đó cũng là trà già, còn lá chè mềm, dẻo thì mới là chè non.

Nước pha trà cũng chỉ có 3 loại đạt yêu cầu: Sơn thuỷ thượng, giang thuỷ chung, tĩnh thuỷ hạ tức là nước đầu nguồn mạch suối tự nhiên, hoặc nước lấy giữa dòng sông, giữa giếng sâu. Lửa đun trà được tôn vinh là trà sư. Nước sôi cần đợi đến khi sôi trào lên gần tới điểm bốc hơi. Chọn bộ đồ pha trà cũng phải tuỳ số người uống mà chọn ấm độc ẩm, đối ẩm hay quần ẩm. Mới chỉ nói khâu chuẩn bị như thế đã thấy sự tinh tế trong nghệ thuật uống trà. Nhưng cao quý hơn là sự giao lưu tình cảm giữa những ngươì cùng sẻ chia một ấm trà. Vì thế, bên chén trà, những người xa lạ bỗng cởi mở hơn, chia sẻ với nhau những tâm tư thầm kín nhất...

Trà nguyên chất và trà ướp hương
Trà nguyên chất có cái ngon riêng của nó, nước trà mộc mạc, không tạp vị. Chính Cao Bá Quát cũng phản đối việc ướp hương vào trà, ông muốn có chất trà mộc mạc vốn có được tích tụ từ thiên nhiên. Nhưng không thể phủ nhận loại trà được ướp hương (hương liệu tự nhiên, không phải là hoá chất) . Nó mang lại cho người thưởng thức một cảm nhận theo mùa của loại trà. Bạn nghĩ sao nếu đêm mùa hạ uống trà sen thơm, chiều thu vàng uống trà hoa cúc dịu ngọt, trong cái lất phất mưa xuân nhấp chén trà nhài dậy hương và đêm đông được xua tan bởi mùi hương sói ấm áp, mộc mạc ?

Uống trà ướp hương phải kể đến trà sen. Loại trà ướp công phu nhất. Từ sáng sớm, người ta đã phải đi thuyền trên hồ sen, dùng tăm để gạt chút bột trên hạt gạo sen (Hạt mà trẻ con vẫn đập một cái vào trán rồi mới ăn). Tỷ mẩn và công phu, từng bông một, có khi cả ngày đi như thế chỉ được một chén ăn cơm con con. Để có một cân trà sen, người ta phải lấy từ hơn 1000 bông sen.

Sau khi đã có được "gạo sen", người ta ủ trà trong một cái lu, cứ một lớp trà lại rải một lớp gạo sen. Rồi đem ủ, thời gian ủ chính xác thì tôi không được biết, nhưng sau 3 ngày là có thể dùng được, dùng bao nhiêu lấy bấy nhiêu, còn lại cứ để ủ đó.

Trà cúc chi thì đơn giản hơn, chọn loại hoa cúc chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay cái, rửa sạch, cắt cành, rồi ủ chung với trà. Hoặc là khi nào uống thì rửa hoa cúc, cho vào trong ấm trà rồi châm nước sôi. Mùi vị của trà cúc thì dễ nhận, rất dịu. Người ta còn ăn luôn cả bông hoa được ngâm trong ấm trà.

Trà đá, trà nóng
Trà đá bắt nguồn từ miền Nam, trong Nam thường xuyên nóng nên mới có trà đá.

Miền Bắc có thêm mùa lạnh, nên trà nóng uống thường xuyên hơn. Chính vì nóng và lạnh mà bộ uống trà phải thay đổi theo mùa. Mùa nóng thì bộ uống trà làm bằng gốm mỏng, miệng của chén loe ra. Gốm mỏng khiến cho trà toả nhiệt nhanh, không quá nóng khi uống. Miệng chén loe ra để tạo một bề mặt rộng hơn của mặt nước trà, cũng để toả nhiệt và còn thêm một tác dụng đó là dậy hương trà. Nhắc đến gốm mỏng phải nói đến gốm sứ Giang Tây Trung Quốc, nổi tiếng với gốm mỏng đến độ nếu để nó dưới ánh đèn, người ta còn nhìn thấy ánh sáng mờ mờ, nó mỏng và nhẹ hơn tất cả các loại gốm khác.

Mùa đông thì ngược lại, đồ uống trà được làm dày hơn, để giữ nhiệt được lâu hơn. Khi uống trà mùa lạnh, người ta thường để chén trà trong lòng bàn tay, vừa giữ nhiệt cho chén, vừa làm ấm tay. Mỗi miền, mỗi mùa mang lại cho người uống trà một cách thưởng thức khác nhau. Càng tìm hiểu về nó, người ta càng ngạc nhiên, thú vị.

Trà tây, trà ta
Mấy loại trà Tây mới du nhập kia làm sao sánh được với trà Việt Nam chính hiệu. Lipton là loại trà rẻ tiền, xuất xứ từ Anh Quốc thật, nhưng vòng đời sản phẩm ở Anh đã đến điểm chót, không còn nhìn thấy ở đó, nên phải tiếp thị sang châu Á. Mùi vị chát, làm từ trà đen đã bị vỡ vụn thành bột, đựng trong túi lọc, nước đỏ quạch, chát. Hoàn toàn trái ngược với sở thích của đại đa số người Việt Nam. Qualitea thì mới xuất hiện ở Hà Nội, nhưng chẳng nhìn thấy ở đâu ngoài Việt Nam cả, không rõ xuất xứ và phong cách thế nào. Tất cả các loại trà nhập ngoại đều tồn tại được nhờ có đặc điểm chung là uống vào ít độc hại hơn trà Việt Nam.

Trà Việt Nam vốn đã nhiều cafeine, ai không quen uống một vài chén, mất ngủ cả đêm. Kết hợp với kiểu pha của các bà hàng quán Việt Nam thì đúng là cách tận dụng trà thôi, chứ không có chút gì là văn hóa. Cho trà vào ấm có giỏ để giữ nhiệt, nước sôi ngâm suốt từ sáng đến trưa, lấy đũa ngoáy ngoáy. Trà ấy uống vào thì độc hại nhiều mà mùi vị đắng chát, nước cũng đỏ nhiều hơn xanh. Thế nhưng uống suốt thời thanh niên thì đâm ra nghiện. Đi xa cứ nhớ mãi chén trà uống ở vỉa hè ngay cạnh cống thối, đầy bụi, xe máy đỗ ngổn ngang, ngồi trên một cái ghế gỗ bé bằng hòn gạch, trời mùa đông gió rít trên những ngọn cây bàng.

Trà trong tâm thức văn hoá Việt
Trà Tầu quá thực tế hay lại quá cầu kỳ kiểu Trảm mã trà, Long Tĩnh.... Nó quá nhân vị chè còn chè Việt Nam tươi xanh, mộc mạc hơn, "chè ngon xin chớ ướp hoa" - như lời thơ của Cao Bá Quát trong " Tiểu kệ uống chè" khi ông ngồi cùng Phan Sinh đã viết.. Nhưng mọi người vẫn không từ chối chè ướp sen, ướp nhài... và xin nhắc khéo văn hoá chè ướp sen Hà Nội cũ chỉ ướp bằng chè mạn Hà Giang với sen Tây Hồ chưa bóc cánh với độ hương cao nhất. Không ướp sen bằng chè đen Phú Thọ hay trà Tân Cương Thái Nguyên . Và trà Việt Nam đã vào đời sống dân gian với những thành ngữ của sĩ phu bình dân " trà dư, tửu hậu", " Tửu sáng trà trưa" ( chứ không phải chỉ là "bán dạ tam bôi tửu, bình minh nhất trảm trà") và câu tục ngữ dân gian : " Rượu ngâm nga, trà liền tay". Tôi cũng thích nhâm nhi chút rượu. Còn uống trà có vẻ tấp nập, cộng đồng hơn, có thể vì sợ trà chóng nguội , hương vị bay đi ít nhiều, kém ngon hơn chăng?

Tảo tuyết chỉ trà, hiên trúc hạ Phần hương đối án ổ mai hiên Có nghĩa là : Thắp hương trước án, bên mai luỹ Quét tuyết đun trà trước trúc hiên. Chỉ đọc hai câu này ta cũng thấy Trà từ thời Nguyễn Trãi đã đi vào và hoà nhập với tâm thức văn hoá Việt Nam.

Chín điều kỵ khi uống trà

Vài điều nho nhỏ xin lưu ý mọi người khi uống trà như sau:
1.
Không uống trà khi đói bụng. Vì chất trà sẽ đi vào tạng phế làm lạnh 2 tạng tỳ và vị.

2.
Không uống trà quá nóng. Người ta tính rằng nếu uống trà nóng trên 65 độ C sẽ dễ bị tổn thương vách trong của bao tử dẫn đến đau bao tử. Nhiệt độ lý tưởng khi uống trà là 56 độ C.

3.
Không uống trà lạnh. Vì dễ lạnh bụng dẫn đến biếng ăn và tích đờm.

4.
Không nấu trà quá lâu. Vì những chất phenol, chất béo và hương trà sẽ bị mất đi trong quá trình oxy hóa. Nấu trà lâu cũng làm cho nước trà bị đục, trông mất ngon.

5.
Không nấu trà nhiều lần. Theo kinh nghiệm của ông cha ta : đun trà lần đầu thì dung chất là 50%, lần hai còn 30%, lần ba còn 10%, lần thứ tư thì trà đã chẳng còn là trà mà đã thành nước độc.

6.
Không uống trà trước khi ăn. Vì như thế sẽ kích thích bao tử tiết ra nhiều chất chua làm mất cảm giác ngon miệng, khiến cơ thể hấp thụ kém đi.

7.
Không uống trà ngay sau khi ăn. Vì điều này sẽ tạo ra một phản ứng kết tủa khiến bao tử khó hấp thụ được chất sắt - một chất rất cần cho cơ thể - trong thức ăn.

8.
Không uống thuốc bằng nước trà. Vì trà sẽ làm cho thuốc mất tác dụng. Người xưa từng có câu: "trà diệp thủy giải dược" (nước trà có thể hoá giải tất cả các thuốc men).

9.
Không uống trà để qua đêm. Vì khi để lâu như vậy, rất có thể trong nước trà xuất hiện những loài vi sinh và nấm mốc.

Giới thiệu bởi DrSlump, Queenbee và Pense trên
Diễn đàn Amthuc.com

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn