‘Văn nhân nô bộc’ của Mao Trạch Đông vì sao bị chính Mao đả đảo?

Chủ Nhật, 24 Tháng Bảy 20222:00 CH(Xem: 1737)
‘Văn nhân nô bộc’ của Mao Trạch Đông vì sao bị chính Mao đả đảo?

Theo hồi ức của Vương Lực, sau khi bị tống vào nhà tù Tần Thành, ông bị biệt giam, không ai thẩm vấn. Trong năm năm đầu tiên, không được ra ngoài không khí, không được xem bất kỳ thứ gì có chữ; mỗi ngày 24 giờ đều có người theo dõi từ lỗ giám sát nhỏ trên cửa; ngủ cũng không được phép trở thân, luôn phải đối diện với lỗ giám sát nhỏ…

Xin kính chào quý vị độc giả, chào mừng các bạn đến với chuyên mục Trăm Năm Chân Tướng!

Vào những năm 1960, Mao Trạch Đông đang phát động Cách mạng Văn hóa, dựa vào một tổ “chấp bút” để tả xung hữu đột, đi đầu trong mặt trận tuyên truyền lừa gạt quần chúng. Nhưng sau khi “xong việc”, không một ai trong số những “cây bút” này kết cục có hậu.

Hôm nay, chúng tôi sẽ chủ yếu dựa trên những ghi chép của cuốn sách “Xét lại Vương Lực” (Vương Lực phản tư lục) để nói chuyện về “cây bút lớn” Vương Lực, hồi tưởng lại cách ông ấy tận lực vì ĐCSTQ cống hiến thế nào, rồi làm sao mà bị Mao Trạch Đông đả đảo, cuối cùng bị giam giữ bí mật suốt mười bốn năm.

Vương Lực là người như thế nào?

Ông nguyên danh là Vương Quang Tân, sinh ra tại Hoài An, tỉnh Giang Tô vào tháng 8 năm 1921, trong một gia đình “môn đệ thư hương”, ông cha cả 5 đời đều là tú tài, nhưng không ai trúng cử nhân ra làm quan, đều là lấy dạy sách làm nghiệp.

Năm 1935, Vương Lực mười bốn tuổi bị lời tuyên truyền của ĐCSTQ mê hoặc gia nhập đoàn thanh niên Cộng sản, năm 1939, tiếp tục gia nhập ĐCSTQ. Từ năm 1939 đến năm 1950, ông trước sau lệ thuộc Chi bộ Sơn Đông và Cục Hoa Đông  của Trung ương ĐCSTQ, chủ yếu làm công tác tuyên truyền.

Sau khi Đại hội 20 của đảng Cộng sản Liên Xô (ĐCSLX) vào năm 1956 bắt đầu phê đấu Stalin, các vấn đề đối nội và đối ngoại của ĐCSLX đã trải qua những biến hóa lớn. ĐCSTQ cho rằng hành động của ĐCSLX là sai lầm, và sự chia rẽ song phương ngày càng rộng, phát sinh luận chiến kịch liệt. Cuối cùng, ĐCSTQ tuyên bố rằng những gì ĐCSLX đã làm không phải là chủ nghĩa Mác-Lênin, mà là chủ nghĩa tu chính (chủ nghĩa xét lại).

Trong trường luận chiến này, Vương Lực đã trở thành một trong những người chấp bút quan trọng nhất của ĐCSTQ.

Năm 1960, ông tham gia tổ chấp bút do ĐCSTQ thành lập tại Điếu Ngư Đài Quốc Tân Quán ở Bắc Kinh, và từ ngày 15 tháng 12 năm 1962 đến ngày 8 tháng 3 năm 1963, tham gia soạn thảo nhiều bài báo phê phán ĐCSLX.

Trong thời kỳ này, ĐCSTQ đã nhiều lần cử phái đoàn sang Liên Xô đàm phán với Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản, Trưởng phái đoàn có khi là Chu Ân Lai, Thủ tướng Quốc vụ viện, có khi là Đặng Tiểu Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, và đôi khi là Bành Chân, ủy viên Cục Chính trị ĐCSTQ. Các thành viên của đoàn đàm phán thường có biến động, nhưng người duy nhất bất biến là Vương Lực. Quách Mạt Nhược, một “văn nhân nô bộc” khác của Mao Trạch Đông, từng nói đùa với Vương Lực rằng, ông “đến Mạc Tư Khoa mười lần, ngồi vững trên Điếu Ngư Đài”.

Tổ chấp bút Điếu Ngư Đài Quốc Tân Quán (Nhà khách Điếu Ngư Đài) do Mao Trạch Đông trực tiếp lãnh đạo. Sau khi Vương Lực và những người khác viết bản thảo đầu tiên (sơ cảo), nó được chuyển đến Ủy ban Thường vụ Tổng cục Chính trị ĐCSTQ, và sau đó bản sơ cảo được Đặng Tiểu Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương hoàn thiện sơ bộ, và cuối cùng trình Mao Trạch Đông định cảo.

Năm 1963, cuộc tranh luận giữa ĐCSTQ và Liên Xô bước vào giai đoạn kịch liệt nhất, Trung ương ĐCSTQ liên tiếp phát ra 9 bài bình luận, đương thời được mệnh danh là “Cửu bình Liên Xô Cộng sản đảng” (Chín bài bình luận về ĐCSLX). Vương Lực đã tham gia viết 8 bài báo, trong đó 5 bài một mình ông chấp bút. “Cửu bình Liên Xô Cộng sản đảng” thể hiện tư tưởng cực tả của Mao Trạch Đông, xông pha vào đấu tranh giai cấp cả trong và ngoài nước, và chính Vương Lực là người đã đóng góp nhiều nhất cho việc lý luận hóa, hệ thống hóa bộ tư tưởng này.

Đỉnh cao của sự nghiệp chính trị ngắn ngủi

Sau khi Cách mạng Văn hóa nổ ra vào tháng 5 năm 1966, công tác chính của Vương Lực, theo cách nói của ông, là truyền đạt những “chỉ thị tối cao” của Mao Trạch Đông càng chuẩn xác càng tốt.

Trước khi bị đả đảo vào tháng 8 năm 1967, trong vòng 15 tháng, Vương Lực không chỉ soạn thảo một lượng lớn văn kiện cho Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, mà còn viết nhiều bài xã luận và bình luận “nặng ký” cho tạp chí “Hồng Kỳ” và “Nhân dân nhật báo”, cực lực nghênh đón Mao Trạch Đông “đoạt quyền”, “lật đổ những kẻ theo đường lối tư bản”, phê bình ý đồ của Lưu Thiếu Kỳ “bước theo con đường chủ nghĩa xét lại”. Một số chỉ thị, phê thị, lời nói của Mao, thông qua văn chương của Vương Lực đã nhanh chóng truyền bá khắp nơi toàn quốc.

Mao đã đưa ra nhiều nhận xét về những bài báo này, chẳng hạn như “viết rất hay”; “Tôi đọc bài báo này, nghĩ rằng nó rất hay, đã viết chỉnh sửa”; “ban hành ngay”; “Văn kiện rất tốt, có thể công khai phát biểu, và quảng bá” v.v.

Ngoài ra, trong 10 năm Cách mạng Văn hóa, cơ sở lý luận trọng yếu họa quốc ương dân, chỉnh nhân hại người của Mao Trạch Đông – lý luận “tiếp tục cách mạng dưới chế độ chuyên chính của giai cấp vô sản”, cũng là Vương Lực dùng những phát biểu có liên quan của Mao “chỉnh hợp” lại mà thành, và được đại hội 9, 10, 11 của ĐCSTQ gọi là “đường lối căn bản của giai đoạn lịch sử của cách mạng xã hội chủ nghĩa”.

Vào tháng 1 năm 1967, Đào Chú, cựu Bộ trưởng Tuyên truyền của Trung ương ĐCSTQ, bị đả đảo, và Mao chỉ định Vương Lực làm tổ trưởng tổ tuyên truyền Trung ương ĐCSTQ. Lúc này, Vương Lực đã đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp chính trị, và trở thành “đài truyền thanh” quan trọng nhất của Mao.

Vương Lực trong nhà tù Tần Thành

Tuy nhiên, “đỉnh cao” này quá ngắn ngủi.

Chưa đầy 8 tháng sau, ngày 26 tháng 8 năm 1967, Mao Trạch Đông nói với Dương Thành Vũ, lúc đó là quyền tham mưu trưởng Quân ủy Trung ương: “Vương, Quan và Thích đang phá hoại Đại cách mạng văn hóa của giai cấp vô sản, họ không phải là người tốt, cậu báo cáo tới thủ tướng Chu Ân Lai, bắt họ lại, giao cho thủ tướng chịu trách nhiệm xử lý.”

Vương từ miệng Mao chính là Vương Lực, Quan là Quan Phong, và Thích là Thích Bản Vũ. Vào thời điểm đó, ba người này đều là thành viên của Tiểu Tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương, những nhân vật hô phong hoán vũ trong những ngày đầu của Cách mạng Văn hóa dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Mao Trạch Đông và phó tổ trưởng Tiểu Tổ CMVH Giang Thanh (vợ Mao).

Nhưng mà, Mao vừa phát ra một câu như vậy, Vương, Quan, Thích ba “cây bút lớn”, trong nháy mắt đều bị hạ gục.

Vương Lực ban đầu bị quản thúc tại Tòa nhà 2 của Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài, và sau đó được áp giải đến một biệt thự ở Tây Sơn, Bắc Kinh, nơi ông tiếp tục bị quản thúc tại gia, dưới sự quản thúc của Quận đồn Bắc Kinh. Vào ngày 26 tháng 1 năm 1968, chính vào đêm giao thừa, ông bị tống giam vào nhà tù Tần Thành, một lần giam là 14 năm.

Theo hồi ức của Vương Lực, sau khi bị tống vào nhà tù Tần Thành, ông bị biệt giam, không ai thẩm vấn. Trong năm năm đầu tiên, không được ra ngoài không khí, không được xem bất kỳ thứ gì có chữ; mỗi ngày 24 giờ đều có người theo dõi từ lỗ giám sát nhỏ trên cửa; ngủ cũng không được phép trở thân, luôn phải đối diện với lỗ giám sát nhỏ.

Cái giường ông ngủ là tấm ván gỗ gãy kê hai cái ghế đẩu, tấm nệm nát và cái chăn rách, ban ngày không được ngồi trên tấm nệm mà chỉ được ngồi trên tấm ván gỗ, phải ngồi vào đúng một vị trí được chỉ định. Ông ngay đến cả ăn cũng không được ăn đủ, và điều thậm chí không thể chịu đựng được là, ông chỉ được cho uống vô cùng ít nước.

Việc Vương Lực bị đả đảo không phải được tiến hành một cách phô trương, mà là tiến hành bí mật; quá trình bị đạp đổ của ông là quá trình “bị mất tích”. Mười năm sau khi ông bị bắt, gia đình ông đều không biết ông đang ở đâu, còn sống hay đã chết. Mãi đến năm 1978, khi con gái của Vương Lực lần đầu được phép đến nhà tù Tần Thành, lúc ấy cô mới biết được cha mình lưu lạc ở đâu.

Không hề trải qua xét xử hay kết án, Vương Lực đã bị bỏ tù 14 năm mà không rõ lý do.

Ngày 15 tháng 1 năm 1982, ông nhận được thư “Miễn truy tố” do Vụ trưởng Vụ Công tố đặc biệt của Viện Kiểm sát Tối cao ký, và được ra tù vào ngày 28 tháng 1 cùng năm. Tuy nhiên, tất cả các vấn đề được liệt kê trong thư “Miễn truy tố” đều chưa được chất chứng và thẩm thực một cách hợp pháp, không có bằng chứng đầy đủ. Việc Vương Lực ra tù cũng không minh bạch.

14 năm lao ngục, Vương Lực đã làm gì sai?

Có một giả thuyết: bởi vì ông đã công khai đề cập trên các tờ báo và tạp chí của đảng rằng ông đã “lôi kéo một nhóm nhỏ người trong quân đội”; một giả thuyết khác là vì ông đã phát biểu công kích Bộ Ngoại giao trong “Bài phát biểu ngày 7 tháng 8 của Vương Lực”.

Liên quan đến “lôi kéo một nhóm nhỏ người trong quân đội”, Vương Lực cho biết trong bài báo “Làm rõ chân tướng của một số vấn đề khác” rằng: “Vương Lực không biết thuật ngữ ‘lôi kéo một nhóm nhỏ người trong quân đội’ là gì. Sau sự kiện Vũ Hán, khi tuyên truyền đường lối sự kiện 7.20, Khương Sinh (cố vấn tiểu tổ CMVH Trung ương) đề xuất không nêu tên (Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc) Vương Nhiệm Trọng và (Tư lệnh Quân khu Vũ Hán) Trần Tái Đạo, và sử dụng khẩu hiệu “một số ít những kẻ theo đường lối tư bản trong đảng và quân đội ở địa khu Vũ Hán.” Khương Sinh đã gọi điện cho (Giám đốc Văn phòng Tổng cục Trung ương) Uông Đông Hưng ở Thượng Hải và yêu cầu Uông Đông Hưng báo cáo với Chủ tịch Mao và xin Chủ tịch Mao phê chuẩn. Mao đã phê chuẩn. Vì vậy, việc tuyên truyền về sự kiện Vũ Hán đã sử dụng khẩu hiệu “một số ít những kẻ đi theo đường lối tư bản trong đảng và quân đội”.

“Vương Lực lúc này đang nghỉ phép bởi vì chân của ông bị (phái tạo phản) đánh gãy, phải quấn nẹp, không làm việc được, nên công tác tuyên truyền trong thời gian này không phải do Vương Lực quản lý. Lúc này, xuất hiện trên báo chí một loạt thuật ngữ ‘một nhóm nhỏ của những kẻ đi theo đường lối tư bản trong đảng và quân đội’, nhưng điều này không liên quan gì đến Vương Lực.”

Về “bài phát biểu ngày 7 tháng 8 của Vương Lực”, trong cuốn “Lịch sử hiện trường – Biên niên sử Cách mạng Văn hóa”, Vương Lực hồi ức lại: Ngày 7 tháng 8 năm 1967, ông được lệnh đến Bộ Ngoại giao để tìm hiểu tình hình. Tại đó, ông “không có bài phát biểu có hệ thống, chỉ là (trong khi nghe báo cáo) có xen vào một số ngôn luận”, là do người khác chỉnh lý thành cái gọi là “bài phát biểu ngày 7 tháng 8 của Vương Lực”, và “có một số nội dung trọng yếu họ không tiến hành chỉnh lý”. 

Vương Lực cho biết lời nói của ông đều “dựa trên giai điệu của Mao Chủ tịch. Đó gần như là những lời nguyên văn lời nói của Chủ tịch (Mao).” Ví dụ, với khẩu hiệu “Đả đảo Trần Nghị”, Mao từng nói: “Quần chúng muốn hét lên đả đảo, hãy để họ hét lên!”

Khi nói đến vấn đề ngoại giao của Hồng vệ binh, Vương Lực nói, “Tôi không nói, ‘Hồng vệ binh không thể làm ngoại giao?’ Ý tôi là nói, ‘Những người có thể xử lý các vấn đề của hồng vệ binh’ có thể làm ngoại giao.’ Đó cũng không phải là ý của tôi, mà là ý tứ của Mao Chủ tịch.” Còn có “có chút quyền lực mới có uy phong”, “đây không phải lời tôi nói, là lời Mao chủ tịch từng nói”.

Vương Lực cũng nói rằng Mao Chủ tịch “đã xem bài phát biểu ngày 7 tháng 8 của Vương Lực, nhưng ông ấy không nói gì cả”.

Vì vậy, vì Vương Lực nói rằng cả hai điểm trên đều không phải lỗi của ông, tại sao Mao lại muốn hạ bệ ông?

Có hai lý do thực sự

Đầu tiên, khi sự kiện “7.20” xảy ra ở Vũ Hán năm 1967, Trần Tái Đạo, tư lệnh Quân khu Vũ Hán, và những người khác đã ủng hộ một số hành động cực đoan của một bộ phận quần chúng phản đối Cách mạng Văn hóa. Đây là một hành động phản kháng của hệ thống quân đội kể từ khi Cách mạng Văn hóa nổ ra.

Thứ hai, vào ngày 22 tháng 8 năm 1967, hồng vệ binh phóng hỏa văn phòng đại diện của Anh tại Bắc Kinh, tạo ra sự cố ngoại giao nghiêm trọng nhất kể từ khi ĐCSTQ soán chính quyền và làm dấy lên làn sóng phản đối quốc tế mạnh mẽ.

Để dập tắt sự tức giận của các tướng lĩnh cao cấp của quân đội trong nội bộ và sự tức giận của cộng đồng quốc tế bên ngoài, Mao không còn cách nào khác là chọn Vương, Quan và Thích làm con dê tế thần.

Cuốn sách “Xét lại Vương Lực” ghi lại rằng sau khi Vương Lực bị giam trong nhà tù Tần Thành, “Chủ tịch Mao không cho phép tổ chuyên án thẩm vấn Vương Lực.”

Tại sao? Câu trả lời rất đơn giản: bởi vì các bài báo đã xuất bản của Vương Lực đều trung thành tuyên truyền và chấp hành các chỉ thị của Mao, và việc thẩm vấn Vương Lực chẳng khác gì thẩm vấn Mao Trạch Đông.

Sau khi Vương Lực và Quan Phong bị bắt, Thích Bản Vũ không bị bắt ngay lập tức vì ông ta cũng từng là thư ký cho Mao Trạch Đông và Giang Thanh, nhưng đã bị đình chức thẩm tra. Ngày 4 tháng 9 năm 1967, Thích Bản Vũ viết bản kiểm điểm cho Mao. Ngày 7 tháng 9, Mao ra chỉ thị: “Tôi đã đọc, và xin rút lui khỏi đồng chí Thích Bản Vũ. Nếu phạm một số sai lầm có lợi, có thể dẫn đến tư duy và cải chính sai lầm. Nhân tiện, đề nghị thông tri cho hai đồng chí Quan, Vương.” Chỉ thị này đã được thu lục lại trong trang 412 của tập mười hai văn cảo của Mao Trạch Đông kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do Nhà xuất bản Cách mạng Văn hóa Trung ương xuất bản.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn