Trung Cộng cảnh báo Việt Cộng "tránh làm quân cờ" trước chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ

Thứ Tư, 13 Tháng Bảy 20222:00 SA(Xem: 2043)
Trung Cộng cảnh báo Việt Cộng "tránh làm quân cờ" trước chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ
rfa.org

Trung Quốc cảnh báo Việt Nam "tránh làm quân cờ" trước chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ

RFA

Một chuyên gia nhận định lời cảnh báo của ông Vương Nghị đưa ra cho 10 nước Đông Nam Á mới đây thực ra là nhắm đến Việt Nam trước chuyến thăm của một tàu sân bay Hoa Kỳ.

Hôm 11 tháng 7, phát biểu tại thủ đô Jakarta của Indonesia, Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị, cảnh báo các quốc gia Đông Nam Á không được biến mình thành quân cờ trong cuộc cạnh tranh của các cường quốc.

Hãng tin Reuters, dẫn lời ông Vương Nghị phát biểu trước Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN cho rằng, hiện các nước này đang chịu sức ép phải chọn bên.

Trong bối cảnh Trung Quốc luôn đổ cho Mỹ là tác nhân gây ra sự bất ổn tại khu vực Đông Nam Á, tuyên bố không được biến mình thành quân cờ mà vị ngoại trưởng này đưa ra có thể được hiểu như là một lời cảnh báo nhắm đến các nước láng giềng phía nam.

Cụ thể là chớ có chọn bên, hay chính xác hơn là đứng về phía Mỹ trong cuộc cạnh tranh địa chính trị vốn đang ngày càng trở nên gay gắt hơn ở khu vực.

Bình luận về hàm ý của tuyên bố này, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cho biết, Trung Quốc muốn các nước trong khu vực phải e sợ:

“Một là về khía cạnh chiến lượng tổng hợp, đây cũng là điều mà tôi cho rằng ông Vương Nghị đang cố thực hiện.

Cụ thể là ông ta muốn cấy vào tâm trí của các lãnh đạo trong khu vực Đông Nam Á một nỗi sợ hãi, rằng bất cứ điều gì họ thực hiện với Hoa Kỳ, đều sẽ có thể dẫn đến sự đáp trả từ phía Trung Quốc.”

Vị giáo sư người Úc cũng cho rằng điều mà Trung Quốc không muốn các nước trong khu vực làm đó là đứng về phía Mỹ và chỉ trích họ, trong các vấn đề như ngoại giao bẫy nợ, hay việc bắt nạt các nước yếu hơn.

Đáng chú ý là lời nhắc nhở của ông Vương Nghị được đưa ra ngay trước thềm chuyến thăm Việt Nam của hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, USS Ronald Reagan dự kiến vào cuối tháng 7 này.

Theo thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông và quan hệ quốc tế, rõ ràng phát biểu trên của Ngoại trưởng Trung Quốc là có hàm ý nhắm đến Việt Nam:

“Việt Nam là quốc gia đang thể hiện nhiều vai trò cũng như sự năng động, và gần đây thì đã đón nhiều giới chức nước ngoài, chúng ta thấy thủ tướng Nhật Bản, Kishida ghé thăm Việt Nam hồi tháng 5, sau đó thì tháng 6 có ông Bộ trưởng Quốc phòng của Ấn Độ, mới đây thì là Ngoại trưởng Nga ông Lavrov, và dự kiến là ông Blinken cũng sẽ sang.

Thì đây chúng ta có thể hiểu rằng đây là sự nhắc nhở mà Trung Quốc luôn luôn dành cho phía Việt Nam."

000_11Y7K6.jpg
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ ngoài khơi Đà Nẵng hôm 5/3/2018. AFP

Lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ thăm Việt Nam kể từ khi kết thúc chiến tranh là vào năm 2018, với việc tàu USS Carl Vinson ghé thăm Đà Nẵng.

Giáo sư Thayer cho biết, ban đầu phía Mỹ muốn việc tàu sân bay, vũ khí uy lực nhất của họ, ghé thăm Việt Nam trở thành hoạt động thường niên.

Tuy nhiên phía Việt Nam đã từ chối và thay vào đó là chỉ đồng ý cho tàu Mỹ cập cảng mỗi hai năm một lần, để tránh làm Trung Quốc phật lòng.

Qua đây, vị giáo sư về hưu này kết luận rằng trong khu vực thì Việt Nam là nước tỏ ra thận trọng nhất, đôi khi đến mức quá đà, trong việc lo ngại phản ứng từ Trung Quốc:

Trong tất cả các quốc gia trong khu vực tôi không nghĩ là có bất cứ nước nào tỏ ra nhạy cảm hơn Việt Nam trong việc tính toán thiệt hơn, từ đó dẫn đến việc đưa ra cách hành động chậm hơn và thận trọng hơn trong bang giao với Hoa Kỳ.

Trước bất cứ việc gì, Việt Nam đều phải tính toán phản ứng từ Trung Quốc. Ví dụ, khi tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Mỹ thăm Việt Nam, phía Mỹ lúc đó muốn biến đây trở thành sự kiện hàng năm, nhưng Việt Nam không muốn. Vì như vậy sẽ bị cho là quá thường xuyên. Đối với tôi thì như vậy là quá thận trọng, hay làm quá vấn đề.”

Việc duy trì cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc của Việt Nam vẫn được đánh giá cao trong thời gian gần đây, nhưng theo thạc sĩ Hoàng Việt thì sức ép phải chọn bên sẽ ngày càng gia tăng và đến một lúc nào đó thì các quốc gia trong khu vực sẽ buộc phải đưa ra lựa chọn:

“Mỹ và Trung Quốc đều có những cái cần thiết đối với Việt Nam, và đương nhiên là cả hai bên đều gây sức ép lên Việt Nam, cho nên việc Việt Nam duy trì được sự cân bằng đến lúc nào thì đó là câu chuyện khó khăn.

Như thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng hiện bây giờ thì không muốn chọn bên nhưng đến một lúc nào đó thì bắt buộc phải chọn, thì như thế nào?

Thì câu chuyện đó cũng liên quan đến Việt Nam, hiện nay thì Việt Nam muốn duy trì tốt quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc, nhưng nhiều người lo ngại rằng đến một lúc nào đó buộc phải chọn thì nó sẽ rất khó khăn, bởi vì không phải muốn là được.”

Đông Nam Á từ lâu đã là một khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc vì tầm quan trọng chiến lược của nó, đồng thời các quốc gia trong khu vực hiện đang cảnh giác khi bị kẹt giữa sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông dựa trên những gì họ nói là bản đồ lịch sử, gây mâu thuẫn với một số nước ASEAN vốn cho rằng yêu sách này không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ý kiến bạn đọc
Chủ Nhật, 07 Tháng Tám 202212:51 SA
Khách
Lich su lap quoc cua Vietnam da chung minh ro rang : Hoa tu phuong BAC, Dong loa voi phuong Bac la Phuong nam.The gong kim bop chet Vietnam,Chinh vi vay ma Chan lap-Chiem Thanh phai bi xoa xo.Nay,them thang o sau lung thoc ngang.Su kho dai cua cong san la lam duong cao toc ho chi minh.Cambodia-Thailand la dong minh than can song chet de danh Vietnam,vi vay ! moi thu truyen kiep duoc the hien ro rang bang nan HAI TAC.....Chac han Boat People+ walk people da phai nhat theo com thua bo sua ???
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn