Típ, cũng là bo

Thứ Ba, 13 Tháng Ba 201812:00 CH(Xem: 6404)
Típ, cũng là bo

tien-tip-dep
Nhà tôi mới đi xa về, qua phi trường Los Angeles, thấy một hành khách lúng túng không lấy được khuân cái va li nặng trên vòng quay hành lý. Một nhân viên mặc đồng phục tới giúp kéo hai cái va li ra, đặt lên xe đẩy hộ bà ta. Bà khách nói cảm ơn, rồi đưa anh tờ giấy 5 đô la làm típ. Anh nhìn đồng bạc rồi quay mặt đi, không lấy.

Một bài báo trên tờ Wall Street Journal năm trước cho biết những người đứng tiếp nhận hành lý ở bên lề đường phi cảng Los Angeles kiếm được từ 30,000 đến 100,000 mỹ kim một năm, toàn bằng tiền típ. Kiếm được việc ở đó rất gay, phải nộp đơn rồi chờ đợi hàng năm.

Những người này giúp hành khách kiểm vé, lấy chỗ ngay ngoài cửa, không phải lo mang, sách, kéo, đẩy hành lý qua các trạm kiểm soát dò chất nổ, đỡ tốn bao thời giờ, họ thấy rất đáng thưởng công cho người phục vụ vài chục đô la.

Nhưng nếu một người chỉ đẩy giúp xe một quãng ngắn từ trong phi trường ra ngoài cửa thì trả bao nhiêu? Không ai biết giá, cũng không có ai định giá. Và chắc chắn không có ai mặc cả, vì tiền típ là tiền thưởng, giả thiết rằng người phục vụ đã được trả lương để làm việc đó rồi, típ chỉ là hương hoa thôi. Nhưng không phải như vậy.

Típ, cũng là bo

Còn ở Việt Nam, một anh bạn tôi kể chuyện có bữa đến khách sạn được một cô ra tiếp xách hộ cái va li nhỏ, cô nói nhỏ, "Chú bo cháu nghe!" Xong việc anh tặng cô tờ bạc 10,000 đồng vì dân Mỹ về thấy con số 10,000 là to lắm. Cô gái lác đầu chê ít, "Xin chú cứ giữ lấy." Anh ngượng quá, vì không biết phong tục địa phương cho típ thế nào mới đủ. Đến tối cô mới lên gõ cửa hỏi anh có cần phục vụ nữa hay không, anh lễ phép từ chối. Nhưng vẫn đưa cô tiền típ, chỉ vì thiện chí mà thôi, nhưng lớn hơn 10,000 đồng.

Ở Việt Nam cũng dùng chữ típ, theo tiếng Mỹ. Nhưng chữ "boa" hay dùng hơn, do chữ Pháp pourboire, mà người Việt còn đọc là "bo." Chữ pourboire có nghĩa rõ ràng, là tiền "để uống" cà phê. Còn "tip" trong tiếng Anh có gốc tích không được rõ. Theo Ofer Azar, giáo sư kinh tế Đại Học Northwestern thì chữ này có từ thế kỷ 16. Thời đó ở các quán cà phê hay quán rượu người ta để một cái bình bằng đồng để khách hàng thưởng cho nhân viên phục vụ, trước khi gọi nước. Trên cái bình đó có mấy chữ: "To Insure Promptitude" (Để bảo đảm nhanh chóng).

Sau đó, viết tắt lại là TIP cho lịch sự. Có một cách giải thích khác, gốc từ tiếng Hà Lan, tippen, có nghĩa là gõ. Gõ đồng bạc kêu leng keng để kêu các cô cậu hầu bàn, rồi thưởng cho họ luôn.

Giáo sư Azar kể rằng phong tục cho típ bắt đầu từ thế kỷ 16 trong giới phong lưu quý tộc. Khi một nhà quý tộc đi xe ngựa đến thăm bạn, ở lại một vài ngày, những kẻ hầu người hạ trong nhà phải phục vụ, ngoài bổn phận thường nhật của họ. Vì vậy, khi ra về người khách thưởng công cho đầy tớ của ông chủ, tiền thưởng đó không gọi là típ mà gọi là vails - cử chỉ ngả mũ, nghiêng đầu chào. Tục lệ đó dần dần biến thành bổn phận, ai đến thăm nhau cũng phải cho tiền thưởng công những người hầu cúi chào tiễn mình đi. Những vị khách quên thưởng vails sẽ bị lườm nguýt, lần sau tới có khi thấy con ngựa của mình bị thương, giống như bây giờ bánh xe hơi bị lủng. Có những nhà quý tộc Anh túng thiếu đã mở tiệc, mời mọc lu bù để sau mỗi lần lại chia tiền vails với đầy tớ.

Năm 1760 nhiều nhà quý tộc ở Tô Cách Lan đã họp nhau quyết định từ nay bỏ cái tục cho vails này đi. Năm 1764 những người ở London cũng tính bắt chước, nhưng trong khi các quan họp thì các quân hầu đi phá, đập bể đèn và cửa kính.

Cuối cùng, tục lệ cho típ lan tràn ra chốn dân gian. Có lẽ giới bình dân xứ nào cũng thích bắt chước các nhà quý tộc, để có cảm tưởng là mình sang trọng.

Cũng giống như vậy, phong tục cho típ đang lan tràn ở Việt Nam. Trong các quán ăn ở Hà Nội hầu như người ta không để típ. Nhưng ở các quán sang tiếp nhiều người ngoại quốc hoặc Việt Kiều thì khách ăn thường cho típ. Nhiều người sẽ bắt chước loại khách này vì họ thuộc loại sang trọng, những nhà quý tộc mới, ít nhất là trong tiệm ăn.

Cuối cùng, tại sao

người ta lại cho típ?

Như đã trình bầy trong một bài trước, đem các lý thuyết kinh tế ra giải thích lý do cho típ thì không được.

Theo các nhà nghiên cứu ở các tiệm ăn, số tiền típ thưởng công chẳng mấy liên hệ đến cung cách phục vụ của người hầu bàn. Theo giáo sư Michael Lynn ở Đại Học Cornell đã nghiên cứu nhiều năm về hiện tượng này thì, "Việc cho típ có thể giải thích bằng nguyên nhân văn hóa chứ không phải kinh tế."

Thứ nhất là phong tục, tập quán. Mỗi xã hội, mỗi địa phương có những tục lệ ai cũng tôn trọng. Người không theo tục lệ thường không bị phạt nhưng sẽ bị chung quanh dè bỉu, lườm nguýt, và đó là biện pháp trừng phạt để phải theo phong tục. Những nơi đời sống đắt đỏ (tiền thuê nhà, tiền đậu xe, là những chỉ số đáng tin cậy) thì tiền típ cho người lao động cũng cao hơn. Tại tiệm ăn ở thành phố New York thường người hầu bàn trông đợi sẽ được típ ít nhất 15%, nếu bạn cho ít hơn họ sẽ cười khinh, có khi còn nói những lời thô lỗ. Người cắt tóc thường được típ 15% đến 20%. Người đem giao hàng, thức ăn gọi từ tiệm hoặc rau, trứng gọi từ cửa hàng thực phẩm, phải tặng họ ít nhất 2 đô la.

Một người vào một tiệm ăn ở Las Vegas thường nghĩ là mình phải cho típ hậu hĩ hơn là ở San Jose, chỉ vì trong thành phố cờ bạc đó người ta coi quý vị đều dư tiền đi đánh bài, dù đã thua cháy túi cũng mặc.

Còn sự khác biệt trong lối cho tiền típ giữa các xứ thì chắc hẳn là một vấn đề văn hóa. Cho típ là một tục lệ bắt chước gới quý tộc, vì vậy ở các nước Âu Châu là nơi vẫn còn ảnh hưởng của chế độ phong kiến, tục lệ cho típ thịnh hành hơn ở các xứ khác.

Kerry Segrave viết về lịch sử phong tục cho típ ở nước Mỹ cho biết đến năm 1870 tục lệ cho típ vẫn chưa xâm nhập Tân Thế Giới. Nhưng dần dần người Mỹ cũng bắt chước người Anh và lục địa Âu Châu. Nhưng dân Mỹ đã "nổi lên" chống đối. Năm 1915 đã có nhiều tiểu bang làm dự luật cấm việc cho típ. Đó là Wisconsin, Illinois, Iowa, Arkansas, Mississippi, Nebraska, Tennessee, và South Carolina. Một số tiểu bang thông qua luật này, có tiểu bang thì vị thống đốc phủ quyết. Nhưng sau cùng các đạo luật đó bị tòa án bác vì vi hiến. Tòa phán rằng nhà nước không có quyền gì để bảo dân Mỹ chi tiêu tiền của họ ra sao cả. Cấm cho típ thì cũng giống như xâm phạm tự do của người dân.

Nhưng nhiều người Mỹ vẫn muốn gây phong trào ngừng típ. William Scott xuất bản một cuốn sách năm 1916, tiên đoán dân Mỹ sẽ bãi bỏ cái hủ tục bắt chước các nhà quý tộc phong kiến. Ông đã nhầm. Đến nay cũng vẫn còn nhiều nhà báo Mỹ hô hào ngưng típ. Cuối cùng dân Mỹ vẫn cho típ, và vui vẻ nhận típ, miễn là típ cho đủ!

Khi cho típ, nếu người ta không làm vì mục đích thủ lợi, thì có mục đích nào khác? Giáo sư Lynn cho là một phần tại mặc cảm. Bên phía người cho típ, cảm thấy mình đang sai khiến một đồng loại làm những việc mà đáng lẽ mình phải làm lấy, cho nên phải thưởng họ, ngoài giá tiền đáng lẽ phải trả, để dền bù lại. Ông Lynn cho biết những xứ mà người ta mang thương mại lý xao xuyến bất an cũng là những xứ mà phong tục cho típ thịnh hành nhất. Thí dụ như ở Mỹ. Người Mỹ rất thích tinh thần bình đẳng, cho nên khi được người khác hầu là họ cảm thấy có tội. Cho típ, bớt cảm tưởng tội lỗi. Cho nên, khi được phỏng vấn thì thực khách bao giờ cũng nói họ cho típ nhiều hay ít là do cung cách người hầu bàn có tốt hay không; nhưng trong thực tế số tiền cho không thay đổi bao nhiêu nếu dựa trên cách phục vụ. Cho típ là một cách tỏ ra mình là hàng trên trong xã hội, nhưng không bị mặc cảm đè nén người khác.

Michael Lynn còn suy rộng ra, nói rằng những xứ mà người dân có tâm lý hướng ngoại, thích giao du, hay là tinh thần không bình thản, thì cho típ nhiều hơn. Những nước mà người dân hướng nội thì ít cho típ. Đó có lẽ là một lý do người Nhật Bản không hay cho típ. Họ mô phỏng Tây phương, nhất là Mỹ, đủ thứ phong tục, nhưng không hay cho típ. Một phần có lẽ vì tâm lý dân Á Đông thường hướng nội.

Mặt khác, cũng có các cuộc nghiên cứu kết luận rằng những xứ mà người dân không thân thiện với nhau, có khuynh hướng chống lại xã hội chung quanh, chống cơ quan nhà nước, không thích kỷ luật, thì người ta cũng không hay cho típ. Ngược lại, những nơi nào dân chúng thân thiện, cởi mở, người ta cho típ rộng rãi hơn.

Bí quyết để được

típ cao hơn

Trong các sách bàn về típ, thế nào cũng có những lời khuyên cho giới hầu bàn, làm cách nào để khách ăn để lại nhiều típ. Những lời khuyên này áp dụng ở các tiệm ăn đông khách Mỹ, không chắc đúng đối với khách Việt Nam. Tất nhiên các người phục vụ chỉ làm theo những lời khuyên này nếu họ được hưởng cả hay chia phần lớn tiền típ. Nếu chủ tiệm ăn cả thì người làm cố gắng làm chi?

Tất nhiên các người hầu bàn đều nên chào hỏi nhã nhặn chứ đừng đứng nghệt ra hoặc vênh mặt lên làm như đang bị Trời đầy đi bưng phở. Nên tự giới thiệu tên, các hầu bàn ở tiệm ăn Mỹ thường làm như vậy. Đưa kẹo cho khách lúc đưa bản tính tiền. Người sách va li đưa khách lên phòng ở hotel sẽ được típ nhiều hơn nếu chỉ dẫn cho khách cách mở, tắt máy lạnh, vặn T.V., v.v. Căn cứ vào các khảo sát thực nghiệm, người ta còn thấy nhiều điều bất ngờ.

Thí dụ, khi đưa bản tính tiền ra trên một cái khay bằng nhựa, những cái khay có in tấm hình của một cái thẻ tín dụng thì hay làm cho thực khách để lại tiền típ cao hơn. Có lẽ hình ảnh credit card khiến người trả tiền cảm thấy mình được tiêu tiền thong thả, ung dung hơn, dù họ trả đang tiền mặt.

Giáo sư Lynn khuyên các người hầu bàn hãy làm cho nhân diện bên ngoài mình có cái gì đáng chú ý, tiền típ sẽ lên. Một cuộc nghiên cứu cho thấy các cô cài một bông hoa lên tóc được típ cao hơn các cô khác 17%!

Những tiểu xảo khác để được thêm tiền típ là: Khen hôm nay trời đẹp, hoặc báo trước thời tiết sẽ tốt, khách thích nghe lắm. Những người hầu bàn ngổi xổm xuống bên cạnh bàn, để mắt mình ngang với mắt khách, họ cũng thường được típ cao hơn. Một điều lạ khác: đụng chạm nhẹ vào cánh tay khách hoặc vỗ nhẹ lên vai, cũng dễ được típ cao. Có lẽ điều này xẩy ra ở Mỹ thì có lý, vì người Mỹ muốn cảm thấy được săn sóc một cách thân mật, được đối xử như người nhà. Họ không thích những người lạ có vẻ trịch thượng hay khúm núm đối với họ.

Một tiểu xảo gây hai phản ứng trái ngược là dùng bút vẽ một cái mặt nhoẻn miệng cười, vẽ trên tấm giấy tính tiền. Khảo sát thực nghiệm của giáo sư Lynn cho thấy các cô hầu bàn làm trò đó được thêm 18% tiền típ, nhưng đối với các cậu thì số tiền típ giảm mất 9%! Không hiểu tại sao cả. Có ai giải thích được không? Con người luôn luôn là một niềm bí mật! u

Viet Mercury

_________________________


Đỗ Quý Toàn, nhà thơ, nhà báo, giáo sư đã dạy tài chánh học tại các đại học McGill, UQAM và Concordia ở Canada, ngành chuyên môn là lý thuyết tài chánh và thị trường vốn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn