Đâu là giá trị con người?

Thứ Bảy, 24 Tháng Hai 20185:30 SA(Xem: 5306)
Đâu là giá trị con người?

FB Mạc Văn Trang

Vợ chồng tỷ phú Bill Gates – Melinda với trẻ em nghèo Ấn Độ. Ảnh: internet

1. Giá trị con người là gì?

Ngoài đời, nhiều người kêu: “Xã hội bây giờ đảo lộn mọi giá trị”! Ông cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng phải than thở về “thang giá trị” trong việc bổ nhiệm công chức là “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”; người khác thì bảo, “Tiền và Quyền” chuyển hóa lẫn nhau và chi phối tất cả; một cựu chiến binh ở quê tôi bảo, bây giờ ở địa phương chả ai lãnh đạo đâu, tiền nó lãnh đạo tất!… Vào Google gõ cụm từ “Giá trị của con người”, 30 giây, cho biết có 812.000 kết quả. Càng đọc, càng thấy mung lung, hoang mang, vì giá trị được tiếp cận theo rất nhiều ngành khoa học, dưới nhiều góc độ. Bao nhiêu đề tài nghiên cứu, bao nhiêu hội thảo, bao nhiêu bài viết về “giá trị phổ quát”,“giá trị truyền thống và hiện đại”, “giá trị sống”, ”giá trị bản thân”, “giá trị nhân cách”, “giá trị đạo đức”, “giá trị nghề nghiệp”, “giá trị tôn giáo”,… cần giáo dục cho trẻ em và người lớn, để cho con người có được những giá trị như mong đợi. Nhưng rồi chẳng biết vậy giá trị đích thực của con người là gì? Thế nào là con người có giá trị?

Rồi nhiều danh ngôn lắm, đại loại như: “Giá trị của một người không nằm ở những thứ mà anh ta có, hay thậm chí là những điều mà anh ta làm, mà là bản chất của anh ta” (Henri Frederic Amiel); hay “Giá trị của cuộc đời mỗi người không phải ở điều họ làm hay những người họ biết, mà ở chính con người họ”; rồi, “Khi sống mà ta được nhiều người kính trọng, quý mến và noi gương thì tức là ta đã xác định và thể hiện được các giá trị sống” v.v… (Chán, chả buồn ghi tác giả nữa)! Ừ thì giá trị “là bản chất của anh ta”, là “ở chính con người họ”… nhưng làm thế nào để biết rõ họ có giá trị và đánh giá bằng cách nào? Còn nếu “được nhiều người chung quanh kính trọng, quý mến và noi gương” thì nhiều cán bộ lãnh đạo đương chức ở ta có “giá trị sống” cao lắm đấy! Ngay như đám ma bố ông ta cũng đông nghịt người xếp hàng, chen nhau phúng viếng, “chia buồn sâu sắc”!..

Vậy thì căn cứ vào đâu để xác định người ấy có giá trị thật hay toàn hư danh ảo? Có giá trị tích cực cho tiến bộ xã hội hay phản giá trị, càng nói, càng làm nhiều càng gây hại cho xã hội?

2. Một cách hiểu giá trị con người 

Ánh mắt của cậu thanh niên nghiện ma túy hôm đó, cách đây đã 2 năm, cứ ám ảnh tôi mãi. Cậu ta nói: Con thuộc loại “cặn bã xã hội” rồi, liệu còn hy vọng gì không? Tôi bảo, “cặn bã xã hội” là vì chẳng làm ra cái gì có ích cho xã hội, lại còn ăn tàn phá hại… Còn khi mình làm ra cái gì có ích cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội, thì mình sẽ trở nên CÓ GIÁ TRỊ. Cậu có thấy bao nhiêu người như cậu, tự nhận là “cặn bã xã hội” nhưng đã cai nghiện thành công, làm lại cuộc đời, tự làm nên giá trị của mình. Cậu thấy anh Nam, anh Tuấn “trố” mà cậu vừa gặp, trước cũng như cậu, nay hai người phụ trách 2 đội sản xuất, vừa lái xe, vừa tổ chức anh em làm việc hiệu quả, cuối năm 2016 đều là lao động xuất sắc, mỗi anh được thưởng mấy chục triệu đồng… Anh Lê Trung Tuấn, trước cũng như cậu, sau cai nghiện được, tự đi chăn vịt, buôn bán nuôi sống bản thân và gia đình. Rồi lập ra công ty, làm ăn ngày càng phát đạt. Đã thế lại viết ra sách, đi truyền thông PCMT ở khắp nơi, tổ chức ra Viện PSD để nghiên cứu, trị liệu cho những người như cậu…Những việc làm của anh ta được mọi người quý trọng, xã hội tôn vinh. Thế là con người từ chỗ “PHẢN GIÁ TRỊ”, đã TỰ LÀM NÊN GIÁ TRỊ của mình. Giá trị của con người đó chính là làm ra những SẢN PHẨM CÓ ÍCH cho xã hội.

Từ đó mở rộng quan niệm ra: Giá trị của con người chính là những sản phẩm người đó tạo ra gắn liền với công việc, vị trí xã hội của họ và có ích cho bản thân, gia đình, xã hội. Bằng việc “phân tích sản phẩm” không chỉ thấy rõ GÍÁ TRỊ CÁ NHÂN CON NGƯỜI, mà còn thấy được GIÁ TRỊ CỦA MỖI TỔ CHỨC. Đó chính là những “sản phẩm có ích” do mỗi con người hay tổ chức tạo ra. Có nhiều loại sản phẩm với nhiều mức độ “có ích” khác nhau.
– Có sản phẩm VẬT CHẤT, như: lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt, các công cụ sản xuất, các cơ sở vật chất cho đời sống và phát triển xã hội …

– Có sản phẩm TINH THẦN, như: Những tư tưởng, triết lý; những quyết định (Nghị quyết, chủ trương, chính sách…) của các nhà lãnh đạo, quản lý; những sản phẩm khoa học công nghệ; những sản phẩm văn học, nghệ thuật; những bài viết, bài nói, những lời tư vấn, khuyên nhủ; những sự giao tiếp, ứng xử mà nhờ đó thiết lập nên những MỐI QUAN HỆ (cũng là sản phẩm tinh thần)… thúc đẩy tiến bộ xã hội…

Khi nói “giá trị” của sản phẩm cần hiểu là: Mức độ “có ích” của sản phẩm sẽ làm nên “giá trị”; sản phẩm “vô ích” cũng có nghĩa là “vô giá trị” và có loại sản phẩm “phản giá trị” vì gây hại cho con người, xã hội, môi trường tự nhiên. Có những “giá trị” trước mắt và lâu dài, có những “giá trị đặc biệt” chỉ những chuyên gia đích thực trong lĩnh vực đó mới đánh giá được, v.v…

Có rất nhiều ví dụ sinh động làm rõ điều này, nên không cần thiết dẫn ra ở đây. Ta có thể phân tích đánh “giá giá trị” của bất kỳ người nào, dù là nông dân, công nhân, giáo viên, bác sĩ, doanh nhân, một công chức hay thủ trưởng cơ quan, bộ trưởng hay thủ tướng; Tổng bí thư…;có thể phân tích đánh giá “giá trị” của một tổ chức, như một nhà máy, một doanh nghiệp, trường học, viện nghiên cứu hay UBND xã, đến một bộ, một ban, ngành (Ban tuyên giáo, Hội phụ nữ, Đoàn TN…) cho đến Chính phủ, Quốc hội… Bản đánh giá chỉ cần làm rõ:
a/ Chủ thể (cá nhân/ đơn vị, chức vụ, chức năng, nhiệm vụ…);

b/ Những việc đã làm (sản xuất, nghiên cứu, hội họp, ra văn bản… );

c/ Sản phẩm làm ra (các sản phẩm vật chất, tinh thần như nói ở phần trên);

d/ Giá trị của các sản phẩm (làm lợi gì cho con người, xã hội, môi trường tự nhiên? Hay vô ích? Hay làm hại gì cho con người, xã hội, môi trường tự nhiên?)

e/ Từ đó ta rút ra kết luận: Cá nhân hay tổ chức đó CÓ GIÁ TRỊ hay VÔ GIÁ TRỊ, PHẢN GIÁ TRỊ? Người đó có “CÔNG” hay “TỘI”, hay “công 7, Tội 3”…(Có thể đánh giá khoảng thời gian 5 năm, 10 năm hay cả cuộc đời hoạt động).

3. Lợi ích của cách xác định giá trị này

Cách xác định “Giá trị con người” (hay tổ chức), kiểu này có nhiều cái lợi.

a/ Khái niệm “giá trị con người” mơ hồ, chung chung trừu tượng, cảm tính, được thao tác hóa, cụ thể hóa một cách khách quan, tường minh, có thể lượng hóa được “giá trị” đối với mỗi cá nhân hoặc tổ chức;

b/ Khi đánh giá sẽ trừu xuất, lột bỏ hết mọi hư danh như: Giáo sự, Viện sĩ, Tiến sĩ, bằng cấp du học nước này, nước nọ; quên hết những danh hiệu lòe người, như giấy khen, bằng khen, huân chương, chiến sĩ thi đua, anh hùng, thâm niên, chức tước, chỉ trần trụi anh đã làm gì? Bao nhiêu sản phẩm? Những sản phẩm đó có lợi hay gây hại cho xã hội ra sao? Như vậy mới xác định rõ, công khai, minh bạch giá trị đích thực của mỗi cá nhân con người hay mỗi tổ chức;

c/ Một chức danh nào đó hay đơn vị tổ chức trong hệ thống xã hội, sau khi phân tích, đánh giá, thấy nó chẳng làm ra sản phẩm gì ích nước, lợi dân, thậm chí còn tốn cơm, vô ích, gây hại rõ ràng, không thể chối cãi, thì phải thay nó hay phế bỏ nó một cách khách quan, không thương tiếc;

d/ Cách làm này sẽ góp phần đầy lùi, tiến tới xóa bỏ thói sùng bái hư danh; cho thiên hạ thấy, có những người bằng cấp, danh hiệu, chức tước đầy mình, nhưng toàn thứ hão, tiêu xài bao nhiêu tiền của của nhân dân mà chẳng làm ra sản phẩm gì có ích cho xã hội; sẽ thấy, có những tổ chức có tên tuổi rất hoành tráng, mấy mươi năm thâm niên, bao nhiêu “thành tích huy hoàng”, mấy lần “anh hùng”, bao nhiêu “huân chương” nhưng rốt cục, có làm ra sản phẩm gì có ích cho xã hội, hay toàn làm hại và “thành tích” đểu? Ta lại có thể phát hiện, tôn vinh những cá nhân, tổ chức chả có “chức danh” gì, chả tiêu tốn tiền dân, mà làm ra nhiều sản phẩm có ích cho xã hội… Cần một cuộc cách mạng chuyển từ nhận thức giáo điều, cảm tính mê muội, sang tư duy “thực chứng”, phê phán, mới giúp cho mỗi con người biết nhìn nhận sự vật một cách khách quan, trung thực, đúng với giá trị đích thực của nó.

4.Thay lời kết.

ĐÂU LÀ “GIÁ TRỊ CON NGƯỜI” là vấn đề cấp thiết của Triết học và nhiều ngành khoa học hiện nay ở nước ta. Bài viết này được gợi ý từ câu nói của một thanh niện nghiện ma túy, đi trại cai nghiện mấy lần không thành công; anh ta đặt ra câu hỏi: Con người “cặn bã xã hội” liệu còn hy vọng gì không? Trả lời của tôi là: Hãy làm ra những sản phẩm có ích cho xã hội, tức là tự làm nên giá trị con người mình! Bài viết mới sơ lược, phác thảo một ý tưởng, mong được tranh luận, chia sẻ để làm sáng tỏ một vấn đề rất cơ bản và thời sự ở nước ta hiện nay.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn