50 năm sau chuyến đi đêm của Kissinger, Trung Quốc độc tài đe dọa thế giới

Chủ Nhật, 26 Tháng Mười Hai 20211:01 SA(Xem: 3699)
50 năm sau chuyến đi đêm của Kissinger, Trung Quốc độc tài đe dọa thế giới
rfi.fr

50 năm sau chuyến đi đêm của Kissinger, Trung Quốc độc tài đe dọa thế giới

Thụy My

Suy sụp vì thảm họa Cách mạng Văn hóa, lo sợ quân đội Liên Xô ở biên giới, Mao thông qua Rumani bí mật bắn tin mời Nixon. Cất cánh ngoạn mục nhờ sự trợ giúp có phần ngây thơ của phương Tây, 50 năm sau Trung Quốc hung hăng xưng hùng xưng bá.

Hồ sơ của L’Obs tuần này dành cho « Săn bắn, chủ đề luôn gây tranh cãi tại Pháp ». L’Express đăng ảnh Anne Hidalgo, đô trưởng Paris, ứng cử viên tổng thống cánh tả, gọi bà là « Nữ hoàng thảm họa ». Courrier International đặt vấn đề « Mai đây chúng ta sẽ ăn những thức gì ? ». Riêng Le Point dành hẳn một số đặc biệt cho « Trung Quốc và phương Tây », dày hơn 70 trang, công phu như một quyển sách.

Hai mươi thế kỷ lịch sử được lướt qua, từ « Kỷ nguyên vàng » với chuyến phiêu lưu của nhà hàng hải Trịnh Hòa (Zheng He) ; sang « Thời kỳ ô nhục » trong chiến tranh nha phiến, Di Hòa Viên của Từ Hi thái hậu bị bát quốc liên quân tàn phá. Cuối cùng là « Thời của sức mạnh » từ sau cuộc gặp Mao-Nixon, mở cửa kinh tế của Đặng Tiểu Bình và mưu đồ thống trị thế giới của Tập Cận Bình.

Cạy cục mời Nixon sang với ngoại giao bóng bàn

Mùa hè năm nay, Bắc Kinh kỷ niệm 50 năm chuyến thăm bí mật của Kissinger hồi tháng 7/1971. Ngược lại phía Mỹ giữ im lặng, chỉ được nhắc đến trong một video của cựu ngoại trưởng năm nay đã 98 tuổi. Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn không quên nhấn mạnh, nước Mỹ hiện nay đang thiếu một Kissinger mới để giúp hai nước ra khỏi trạng thái nghi kỵ.

Vụ đi đêm này nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm của tổng thống Nixon cuối tháng 2/1972. Mỹ muốn lợi dụng tình trạng xung khắc giữa Trung Quốc và Liên Xô, trấn an các nước Đông Âu và tìm cách thoát khỏi lò lửa Việt Nam. Đối với Bắc Kinh - đang suy sụp vì thảm họa Cách mạng Văn hóa trong lúc « cách mạng vô sản toàn thế giới » chỉ còn là ảo vọng - đây là cơ hội bằng vàng.

Mao Trạch Đông lo sợ trước sự hiện diện đông đảo của quân đội Liên Xô ở biên giới Mông Cổ. Tuy muốn bước vào sân chơi quốc tế, nhưng Mao không muốn cho thấy mình phải lạy lục xin xỏ. Thông qua trung gian bí mật của Rumani, thủ tướng Chu Ân Lai (Zhou Enlai) từ tháng 11/1970 bắn tín hiệu sẽ hoan nghênh ông Nixon đến Bắc Kinh. Nhưng người Mỹ không mấy nhiệt tình : đến cuối tháng Giêng 1971 Kissinger không hề nhắc đến trong lá thư gởi cho Trung Quốc.

Thế là đến lượt ngoại giao bóng bàn. Tháng 4/1971, ê-kíp Mỹ tham dự giải bóng bàn thế giới tại Nhật Bản. Sau khi trao đổi quà, tay vợt Trang Tắc Đống (Zhuang Zedong) mời đồng nghiệp Mỹ Glenn Cowan sang thi đấu tại Trung Quốc. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc không đồng ý, nhưng chính Mao Trạch Đông khẳng định muốn mời ê-kíp Mỹ ; cô y tá riêng ban đầu không tin vì Mao vừa uống cả vốc thuốc ngủ. Tin Trung Quốc cộng sản đưa ra lời mời với Washington nổ lớn như một quả bom.

Hưởng lợi lớn, Mao lại cao ngạo với Mỹ

Tại Hoa Kỳ, nhiều người trách Kissinger đã nhượng bộ Trung Quốc mà không đòi hỏi có đi có lại. Washington bỏ rơi Đài Loan đến hai lần, trước hết là công nhận « chỉ có một nước Trung Hoa », rồi sau đó tặng chiếc ghế Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cho Bắc Kinh. Kissinger tiết lộ cho Bắc Kinh về việc thương lượng vũ khí chiến lược với kẻ thù chung Liên Xô, Trung Quốc cũng được chuyển giao những công nghệ tiên tiến để xây dựng lại kỹ nghệ hàng không đang rệu rã.

Lúc Mao biết những tin vui này, ông ta nói với những người xung quanh : « Từ khỉ, Mỹ đã biến thành người nhưng chưa hoàn toàn, vì cái đuôi vẫn còn đó ». Chu Ân Lai đế thêm : « Tổng thống Mỹ là một con điếm, trang điểm phấn son và đến tận cửa trao thân ». Khi cánh cửa Tử Cấm Thành mở ra trước Nixon hôm 21/02/1972, ông không bàn bạc cụ thể được một điểm nào với Mao. « Những vấn đề này (Đài Loan, Việt Nam, Triều Tiên) không phải là những gì để thảo luận với tôi, xin ngài trao đổi với thủ tướng ». Trong khi Nixon và Kissinger có những lời lẽ lịch sự, Mao tỏ ra cao ngạo, tin rằng Mỹ cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần Mỹ.

Chuyến thăm lịch sử này đã giúp ông Nixon tái đắc cử, nhưng chính Trung Quốc mới hưởng lợi nhiều nhất. Sau đó các nhà lãnh đạo nước ngoài : Canada, Úc, Pháp, Anh lần lượt đến thăm theo những điều kiện do Bắc Kinh áp đặt. Trung Quốc đặt chân vào trường quốc tế với rất ít chi phí.

Học hỏi kinh tế thị trường, tạo tầng lớp tinh hoa mới

Thủ tướng Margaret Thatcher khi thăm Bắc Kinh năm 1982 ngỡ rằng sẽ thuyết phục được Trung Quốc để cho Hồng Kông vẫn chịu sự quản lý của Anh, nhưng bà đã lầm to. Nhà nghiên cứu của Havard, Philippe Le Corre nói : « Chuyến đi này cho thấy sự mù quáng của người Anh, Thatcher đến Bắc Kinh với bông hoa gắn trên nòng súng (…). Đặng chấp nhận để cho Hồng Kông sống dưới chế độ tư bản một thời gian vì tin rằng có lợi cho Trung Quốc, nhằm học hỏi nhanh hơn về kinh tế thị trường ». Ông nhắc đến một phim ngắn được chiếu trên toàn Hoa lục sau đó, với cảnh bà Thatcher vấp té, một cách để cho thấy sự yếu ớt của thực dân cũ.

Marcel Giuglaris, thông tín viên Le Point thời đó nhận xét, Đặng Tiểu Bình đã « đưa Trung Quốc ra khỏi luyện ngục ». Cùng với Chu Ân Lai, ông ta thực hiện « bốn hiện đại hóa » (nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng, khoa học kỹ thuật), với tham vọng GDP tăng gấp bốn trong 20 năm.

Đặng trả đất cho nông dân, cho phép lập doanh nghiệp, tìm kiếm công nghệ nơi phương Tây và đào tạo một thế hệ lãnh đạo mới. Đảng giảng hòa với trí thức, nhiều triệu người bị đàn áp trong Cách mạng Văn hóa được phục hồi, con cái họ được nhận vào làm việc. Trung Quốc được Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ, các trường đại học Âu Mỹ mở rộng vòng tay đón tiếp các du học sinh được Bắc Kinh gởi sang.

Đặng Tiểu Bình muốn Mỹ đứng ngoài để có thể đè bẹp Việt Nam

Ưu tiên của Đặng còn là đạt được sự trung lập của Mỹ ở Đông Nam Á để cạnh tranh với Liên Xô tại đây. Nhất là với Việt Nam, nơi Trung Quốc muốn chà đạp « Cuba phương Đông » (chữ dùng của Đặng). Đặng Tiểu Bình tỏ ra cởi mở, dễ mến trong các chuyến thăm Hoa Kỳ, châu Âu ; và phát minh được phương Tây trao cho vượt quá mong đợi : siêu máy tính, công nghệ quân sự. Nhật Bản cũng giúp đỡ Trung Quốc rất nhiều.

Năm 1989, Bắc Kinh đạt được vô số thành tựu, và tình hình địa chính trị bỗng đảo lộn với sự xuất hiện của Mikhail Gorbatchev. Để mừng tình hữu nghị vừa tìm lại với Liên Xô – vừa ra lệnh cho Việt Nam rút khỏi Cam Bốt và cho triệt thoái khỏi Afghanistan – một hội nghị thượng đỉnh Xô-Trung được chức, với sự hiện diện của các nhà báo khắp thế giới. Nhưng giới phóng viên rốt cuộc đưa tin một sự kiện bi thảm : Thiên An Môn.

Sau vụ thảm sát, Phương Tây cứng rắn với Bắc Kinh một thời gian, rồi do choáng váng trước tình trạng hỗn loạn ở Liên Xô, đã dỡ bỏ cấm vận Trung Quốc (trừ quân sự). Năm 1992, đã 88 tuổi, Đặng vẫn cố đi miền nam để thúc đẩy các đặc khu kinh tế, tạo điều kiện cho tư bản ngoại quốc mở nhà máy dệt may, sản xuất đồ chơi, giày dép, thiết bị điện tử…Năm 2001, Trung Quốc được tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để trở thành công xưởng thế giới và người khổng lồ kinh tế.

Trung Quốc cất cánh nhờ được gia nhập WTO

Phải chăng đó là sai lầm của phương Tây ? L’Express đặt câu hỏi. Giáo sư Christian Saint-Étienne cho rằng việc cho Trung Quốc gia nhập WTO đã phá hủy nhiều mảng công nghiệp của phương Tây trong 20 năm qua, vì không ràng buộc Bắc Kinh trong việc trợ giá doanh nghiệp. Nhờ tài trợ ồ ạt ngành pin mặt trời, Trung Quốc đè bẹp được mọi cạnh tranh và đang tiếp tục với bình điện, xe hơi chạy điện. Hoa Vi (Huawei) là ví dụ cụ thể : từ một xưởng gia công nhỏ, 20 năm sau trở thành tập đoàn toàn cầu.

Với thế mạnh hiện nay, Bắc Kinh ngày càng ngạo nghễ. « Lịch sử sẽ khoan hòa với tôi vì tôi muốn viết nên lịch sử ». Chẳng biết Tập Cận Bình có ngưỡng mộ Winston Churchill hay không, nhưng ông ta đã thực hiện câu nói trên đây của cố thủ tướng Anh, không phải « viết nên » mà là viết lại lịch sử. Hội nghị trung ương tháng 11 vừa qua đã ra nghị quyết thứ hai về lịch sử, trong đó Tập Cận Bình đóng vai trò người hùng của Trung Quốc. Giáo sư Françoise Lauwaert ở Bruxelles nhận thấy những đoàn học sinh đến tham quan Bảo tàng quốc gia ở Bắc Kinh không hề biết đến Cách mạng Văn hóa lẫn Đại nhảy vọt đã làm 40 triệu người chết.

Trung Quốc còn phải đối mặt với ba thử thách : chống tham nhũng (các đối thủ của Tập đã phải trả giá), chống nghèo đói, và thống nhất đất nước. Việc đàn áp Hồng Kông là chiến thắng đầu tiên, trong khi chờ đợi Đài Loan trở về với « mẫu quốc ».

Chế độ Bắc Kinh lo sợ văn hóa thần tượng lấn át đảng

Về đối nội, L’Obs ghi nhận sau khi đàn áp các nhà ly khai, luật sư nhân quyền, báo chí, tư thục, Tập Cận Bình tấn công vào ngành giải trí, không gian thoải mái cuối cùng của giới trẻ mà ông ta muốn điều khiển.

Các nhóm nhạc nam (boy band) xuất hiện cách đây vài năm, bắt chước trào lưu K-pop của Hàn Quốc, rất được yêu chuộng tại Hoa lục. Những chàng trai cao ráo có khuôn mặt đẹp, đôi mắt quyến rũ, nước da trắng trẻo, thu hút được mấy chục triệu người trẻ nhất là các thiếu nữ. Trong bối cảnh đó, vụ bắt giam thần tượng Ngô Diệc Phàm (Kris Wu), 31 tuổi, người Canada gốc Hoa, nổi tiếng nhất trong số các ngôi sao, có tác động như một quả bom.

Bị cáo buộc hiếp dâm, cựu thành viên boy band EXO bị giữ ở một nơi bí mật, nhưng các fan của anh đã quyên góp để mướn luật sư biện hộ, thậm chí giúp vượt ngục ! Có người viết trên trang của một fan-club, nếu Ngô Diệc Phàm không được thả, họ sẽ đào đường hầm để anh trốn thoát và đã mua các dụng cụ cần thiết. Tất nhiên tài khoản các fan này bị đóng, cũng như hàng ngàn nhóm thảo luận và 150.000 post khác mà nhà cầm quyền cho là « độc hại ».

Văn hóa « boy band » với lực lượng người hâm mộ khổng lồ bắt đầu làm chế độ lo sợ. Năm nay những đòn sấm sét đã giáng xuống các siêu sao. Sau Phạm Băng Băng (Fan Bingbing), đến lượt Triệu Vy (Zhao Wei) bị « mất tích » mà không ai biết tại sao. Song song đó, các tập đoàn công nghệ bị trấn áp : nhờ những nền tảng này mà các follower (người theo dõi) tập hợp được với nhau. Họ chia sẻ những hoạt động của thần tượng, tấn công những ai chỉ trích, mua những sản phẩm xa xỉ mà ngôi sao đang làm đại diện, và đưa thần tượng của mình lên dẫn đầu các bảng tổng sắp.

« Văn hóa hâm mộ » tạo ra những mạng lưới có tổ chức tốt và vô cùng hiệu quả. Năm 2016, kỷ niệm sinh nhật 17 tuổi của Vương Tuấn Khải (Wang Junkai), thành viên boy band TFBoy, các fan đã thuê những màn ảnh khổng lồ ở New York, Bắc Kinh, Đài Bắc, Tokyo, Paris, Seoul, Reykjavik…Năm 2018, fan của Ngô Diệc Phàm thi nhau mua album « Antares », đẩy anh lên đứng đầu iTunes, trên cả Ariana Grande. Trước việc nhà cầm quyền ra tay đàn áp ngành giải trí, thế hệ trẻ con một, từ nhỏ đã quen thuộc với mạng xã hội và các fan club là phương tiện giúp họ ra khỏi cô đơn, nay hoang mang không biết làm gì để thư giãn đầu óc.

Các nhà ngoại giao Litva giã biệt Bắc Kinh trong giá lạnh

Cũng liên quan đến Trung Quốc, The Economist tả lại « Cuộc từ biệt lạnh giá », khi Litva rút sứ quán ra khỏi Bắc Kinh. Đó là cuộc khủng hoảng ngoại giao tệ hại nhất giữa Trung Quốc và một quốc gia châu Âu kể từ nhiều thập niên.

Một trong những câu kinh nhật tụng ưa thích của Trung Quốc là cảnh báo phương Tây về một cuộc chiến tranh lạnh mới, một thế giới hòa bình cần hợp tác « đôi bên cùng có lợi ». Mùa đông năm nay những chữ này trở nên trống rỗng tại khu ngoại giao đoàn ở Bắc Kinh. Chính Trung Quốc đã khởi động một cuộc chiến tranh lạnh không tuyên bố, và chừng như tin rằng mình là người chiến thắng.

Ngày 15/12, nước cộng hòa nhỏ bé vùng Baltic sơ tán toàn bộ nhân viên ngoại giao và gia đình khỏi Bắc Kinh « để tham vấn ». Họ rời tòa đại sứ, cửa khóa và trống rỗng, sau nhiều tháng chịu sức ép nặng nề của Trung Quốc vì Litva cho Đài Loan mở văn phòng đại diện tại thủ đô Vilnius. Từ tháng Chín, đại sứ Litva đã bị yêu cầu rời Trung Quốc, đến tháng 11 Bắc Kinh đơn phương giáng cấp đại sứ quán thành văn phòng do một đại biện lãnh đạo. Các nhà ngoại giao Litva có hạn chót là 14/12 để trả lại giấy tờ do Trung Quốc cấp để đổi sang tư cách mới.

Không biết có còn giữ được quyền đặc miễn ngoại giao hay không, và không chấp nhận sự giáng cấp này, Litva chỉ thị cho tất cả nhân viên ngoại giao giữ lại giấy tờ, và ngay hôm sau bay sang Paris. Họ tụ tập tại một con đường tấp nập gần tòa đại sứ trong một buổi sáng giữa tuần trời xám xịt, người lớn vẻ mặt căng thẳng, các thiếu niên đeo tai nghe xách theo lồng đựng mèo, lên chiếc xe ca dưới sự quan sát của công an mặc thường phục. Đồng nghiệp từ các sứ quán bạn bè tiễn họ đến tận phi trường.

Trung Quốc tạo ác cảm khi chèn ép Litva tí hon

Từ vài tuần qua, Litva bỗng biến mất khỏi cơ sở dữ liệu của hải quan Trung Quốc khiến các nhà nhập khẩu không thể khai thuế, các công ty Đức, Pháp được cảnh báo những hàng hóa có thành phần từ Litva có thể bị chận. Bắc Kinh nghĩ rằng các cường quốc châu Âu chú trọng đến thị trường Hoa lục sẽ bỏ rơi quốc gia Baltic tí hon. Tuy nhiên họ không biết là những nước châu Âu nhỏ và trung bình không hề ưa trò ỷ mạnh hiếp yếu.

Không thích ông Trump vì chính sách « Nước Mỹ trước hết », châu Âu cũng rất ghét thói quen cưỡng ép của Trung Quốc, đặc biệt là khi nó đe dọa tính toàn vẹn của thị trường chung châu Âu. Ngay cả Hungary vốn thân thiết với Bắc Kinh cũng bênh vực Litva. Sự xua đuổi một sứ quán khỏi Bắc Kinh sẽ không được nhanh chóng quên đi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn