Trung Quốc, quốc gia sản xuất những bóng ma

Thứ Sáu, 03 Tháng Mười Hai 20215:00 CH(Xem: 2169)
Trung Quốc, quốc gia sản xuất những bóng ma
rfi.fr

Trung Quốc, quốc gia sản xuất những bóng ma

Thanh Phương

Vụ mất tích trong 18 ngày của ngôi sao quần vợt nữ Bành Súy và sự tái xuất hiện của cô theo sự dàn dựng của chính quyền làm nổi rõ một các hành xử quen thuộc của chế độ Cộng sản Trung Quốc: gạt bỏ những người “gây khó chịu” bằng cách làm họ biết mất. Đó là thực tế mà nhật báo Công Giáo La Croix nêu bật trong bài viết tựa đề “ Trung Quốc, quốc gia sản xuất những bóng ma”.

Bành Súy còn sống nhưng không hề được tự do. Theo La Croix, ngày 2/11, khi tố cáo một lãnh đạo rất cao cấp của Đảng Cộng sản đã cưỡng hiếp cô, ngôi sao quần vợt Trung Quốc đã khởi động một tiến trình “khốc liệt”. Bản thân phụ nữ trẻ 35 tuổi này không ngờ mình lại trở thành tâm điểm của một vụ tai tiếng gây ầm ĩ toàn cầu, mà chính các cơ quan tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc cũng bị choáng ngợp bởi phản ứng phẫn nộ của quốc tế sau lời tố cáo can đảm này.

Tờ La Croix nhắc lại, làm biến mất những kẻ “ gây rối”: nghệ sĩ, nhân vật nổi tiếng, chính khách hay quan chức cao cấp vẫn là cách hành xử quen thuộc trong chính sách đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ khi đảng này ra đời cách đây một thế kỷ. Đây là điều mà các tổ chức nhân quyền vẫn tố cáo. Các quốc gia khác thì bày tỏ phẫn nộ hoặc lên án lấy lệ. Nhưng chế độ Bắc Kinh vẫn bác bỏ những cáo buộc đó, qua những thông cáo chỉ trích “ những sự can thiệp của bên ngoài vào công việc nội bộ của Trung Quốc”. Vụ Bành Súy chỉ thêm vào một danh sách rất dài gồm hàng trăm người Trung Quốc, Tây Tạng, hay Duy Ngô Nhĩ, nổi tiếng hay vô danh, đã bị biến thành các “bóng ma” ở Trung Quốc. 

La Croix trích lời Benedict Roger, sáng lập viên tổ chức nhân quyền Hongkong Watch: “ Chế độ Cộng sản Trung Quốc hoạt động giống như là một băng đảng chuyên bắt cóc, khủng bố và hăm dọa.” Ông nhắc lại trường hợp điển hình nhất, mà nay gần như bị quên lãng, đó là trường hợp của Ban Thiền Lạt Ma Gedhun Choekyi Nyima, năm nay 36 tuổi. Vào năm 6 tuổi, ông đã được Đức Đạt Lai Lạt Ma chọn là hóa thân của Ban Thiền Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần đứng hàng thứ hai của Phật Giáo Tây Tạng. Nhưng chỉ ba ngày sau, ông đã bị chế độ Bắc Kinh bắt cóc và giữ tại một nơi bí mật cho tới nay.

Theo giải thích của Phelim Kine, cố vấn châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, việc giam giữ một người tại một nơi bí mật, cắt đứt hoàn toàn liên lạc với bên ngoài đã được hợp pháp hóa trong hệ thống tư pháp Trung Quốc. 

Biển Manche, “vết thương không lành”

Về thảm kịch 27 người vượt biên bỏ mạng trên biển Manche, trong bài xã luận, tờ Le Monde nhắc lại rằng, từ hơn 20 năm qua, biển Manche vẫn là “ vết thương không lành” giữa lòng lục địa châu Âu. 

Theo các hiệp hội, từ năm 1999 đến nay, đã có hơn 300 người di dân thiệt mạng ở đây. Nhiều di dân bị xe lửa cán chết hoặc chết ngạt trong các xe tải khi tìm cách vượt biên sang Anh qua đường hầm dưới biển Manche. Kể từ năm 2018, khi các ngõ đường đó bị chặn lại, họ phải vượt biển trên những chiếc tàu mỏng manh và đôi khi chết đuối, nạn nhân của những kẻ buôn người vô lương tâm, cũng như của thái độ vô trách nhiệm của Paris và Luân Đôn. 

Theo Le Monde, sở dĩ ngày càng có chuyến vượt biên, bọn buôn người vẫn làm ăn khấm khá, đó là do hầu như không có một con đường di dân hợp pháp nào đến Anh Quốc. Tờ báo cho rằng vấn đề căn bản hiện nay không còn là vấn đề những kẻ tổ chức vượt biên, mà là vấn đề chia sẻ việc tiếp nhận những người xin tị nạn giữa Liên Hiệp Châu Âu, mà đặc biệt là Pháp, với Anh Quốc.

Chích ngừa Covid cho trẻ em: Pháp không vội

Cơ quan Dược phẩm châu Âu hôm qua đã bật đèn xanh cho việc chích ngừa Covid cho trẻ em ở châu Âu, với việc phê duyệt vac-xin Pfizer cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, nhưng theo Le Figaro, chính phủ Pháp không tỏ vẻ vội vã trong vấn đề này.

Theo tờ báo này, trong cuộc họp báo hôm qua, bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Véran đã có phản ứng ngay lập tức, cho biết ông sẽ tham khảo ý kiến của Hội đồng Tham vấn Đạo đức Quốc gia về những mối lợi cá nhân và tập thể của việc chích ngừa vac-xin này cho trẻ em, cũng như sẽ hỏi ý kiến của Cơ quan Y tế Cao cấp. Ông Véran còn nói: “ Trong mọi trường hợp, nếu được quyết định ở Pháp, việc tiêm chủng này sẽ không bắt đầu trước năm 2022.”

Tờ báo nhắc lại là hiện giờ, các dữ liệu duy nhất có được là từ cuộc thử nghiệm lâm sàng do hãng Pfizer thực hiện với 2.285 trẻ em ở Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Phần Lan và Ba Lan. Kết quả được đăng tải vào tháng 11 trên tờ New England Journal of Medicine cho thấy là nơi trẻ em, vac-xin Pfizer bảo vệ rất tốt chống lại biến thể Delta và có hiệu quả 90% ngăn ngừa các dạng bệnh có triệu chứng, giống như nơi người lớn. Các tác dụng phụ thường được quan sát ( đau ở chỗ chích, mệt, nhức đầu, sốt, nhức mỏi ) nói chung là nhẹ và sẽ hết vài ngày sau khi tiêm.

Le Figaro trích lời giáo sư Alain Fischer, chủ tịch Hội đồng Định hướng Chiến lược Tiêm chủng, cũng cho rằng tình hình dịch tễ hiện nay ở Pháp cho phép chúng ta đợi một thời gian. Tuy nhiên, giáo sư Fischer cho biết, nếu các thử nghiệm cho kết quả tốt, hội đồng của ông sẽ đề nghị chích ngừa Covid cho trẻ em ở Pháp ngay từ tháng Giêng năm tới.

Covid-19: Giao thông hàng không lại bị gián đoạn

Đợt dịch Covid thứ 5 đã cản trở đà phục hồi chậm của giao thông hàng không ở châu Âu và đe dọa tác động đến kỳ nghỉ Noel sắp tới. Đó là điều gây lo ngại cho nhật báo kinh tế Les Echos.

Cơn ác mộng phải chăng sẽ lại tái diễn đối với các hãng hàng không Pháp và châu Âu? Trong khi giao thông hàng không đang bắt đầu dần dần trở lại mức giống như trước khủng hoảng dịch tễ nhờ việc mở lại các biên giới, sự bùng phát mạnh trở lại của dịch Covid-19 tại châu Âu đang đe dọa kéo giao thông hàng không xuống trở lại.

Les Echos trích lời ông Michael O’Leary, chủ nhân hãng hàng không giá rẻ Ryanair: éCho tới cuối tuần trước, mọi việc diễn ra rất tốt, nhưng rồi lại bị xáo trộn với việc nước Áo phong tỏa trở lại và các biện pháp khác được thông báo nhằm đối phó với làn sóng thứ năm của dịch Covid-19”.

Riêng các hãng hàng không Pháp lại gặp thêm khó khăn do tình hình tại hai lãnh thổ hải ngoại Guadeloupe và Martinique, nơi mà các vụ bạo loạn và cuộc tổng đình công đã khiến ngành du lịch bị ngưng trệ, trong khi đây là hai điểm đến quan trọng đối với nhiều hãng hàng không bay đường dài, như Air France, Air Caraibes,...

Theo Les Echos, đối với các hãng hàng không, rất có thể là đến mùa hè năm 2022, tình hình mới hy vọng trở lại bình thường. 

Pháp - Ý: Quan hệ ít khi nào suôn sẻ

Về thời sự châu Âu, tờ Le Monde quan tâm đến quan hệ Pháp-Ý, nhân dịp hôm nay tổng thống Emmanuel Macron ký một hiệp ước song phương với thủ tướng Mario Draghi. 

Tờ báo nhắc lại là giữa Pháp và Ý hầu như chưa bao giờ có chiến tranh, nhưng trong một thế kỷ rưỡi lịch sử, quan hệ giữa hai nước không hề suôn sẻ, cứ thỉnh thoảng những vấn đề gây bất hòa lại tái xuất hiện, nhất là vấn đề di dân. 

Dưới chiêu bài chống nhập cư lậu, Matteo Salvini, một chính khách cực hữu lên làm bộ trưởng Nội Vụ, đã đạt mức uy tín rất cao, và xem tổng thống Macron là đối thủ “ưa thích” của ông. Phe “ 5 sao” cũng không kém gì, thể hiện qua việc phó thủ tướng Luigi Di Maio, vào ngày 05/02/2019, đến vùng Loiret để gặp nhiều đại diện của những người “Áo Vàng”. Vài ngày sau, đại sứ Pháp ở Roma được triệu về Paris để tham vấn. 

Nhưng với cuộc khủng hoảng dịch tễ ập đến, lập trường của Pháp và Ý trong mọi lĩnh vực đã trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Sự hòa hợp giữa hai nước càng rõ nét với việc Mario Draghi, một nhân vật cũng ủng hộ châu Âu hợp nhất giống như tổng thống Macron, lên làm thủ tướng Ý. Họ thừa biết rằng, trên chính trường châu Âu, Paris và Roma có quá nhiều lợi ích chung để chia rẽ với nhau.  

Thẩm kế viện châu Âu cũng gian lận

Nhận tiền phụ cấp nhà ở cho những địa chỉ giả, lạm dụng công tác phí, các chuyến công tác không ai kiểm chứng. Tờ Libération hôm nay có một bài phóng sự điều tra về những vụ gian lận tại Thẩm kế viện châu Âu, mà trong các “thủ phạm” có cả chủ tịch của cơ quan này.

Có ai đi kiểm tra một thanh tra? Trong Liên Hiệp Châu Âu, chẳng có ai cả, cho nên đã có gian lận ngay cả trong một cơ quan danh giá như Thẩm kế viện châu Âu, trụ sở tại Luxembourg, có nhiệm vụ bảo đảm cho ngân sách châu Âu được sử dụng đàng hoàng. Định chế châu Âu nào cũng rất “ngán” các báo cáo thường niên của cơ quan này.

Nhưng ngay cả chủ tịch của Thẩm kế viện châu Âu cũng không hề là mẫu mực về liêm khiết. Theo quy định, toàn bộ các thành viên của Thẩm kế viện châu Âu ( cũng như các công chức và nhân viên của cơ quan này ) bắt buộc phải thường trú tại Luxembourg hoặc sống ở biên giới nước này.

Theo điều tra của Libération, chủ tịch Thẩm kế viện Klaus-Heiner Lehne, đã “mướn” một căn hộ ở Luxembourg chung với 3 thành viên khác, cũng là người Đức, nhưng đó gần như là địa chỉ giả, vì hiếm khi nào ông ngủ trong căn hộ này, mà phần lớn thời gian ngài chủ tịch sống tại thành phố Dusseldorf, cách đó 220 km, nơi mà thậm chí ông vẫn là một đảng viên rất “hăng hái” của đảng CDU, trong khi theo quy định, các thành viên Thẩm kế viện châu Âu không được phép có bất cứ hoạt động chính trị nào, dù chính thức hay không.

Tựa lớn trên các trang nhất

Vac-xin. Và một và hai và ba… Đó là hàng tựa trên trang nhất của nhật báo Libération hôm nay, nói về việc chính phủ Pháp hôm qua vừa thông báo quyết định mở rộng việc chích liều thứ ba cho toàn bộ người lớn, trong nỗ lực nhằm kềm chế đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh trở lại. Nhật báo kinh tế Les Echos cũng quan tâm đến tình hình dịch tễ trên trang nhất, với hàng tựa “ Covid: mũi nhắc lại” và dành nhiều trang về đề tài này.

Trang nhất của các báo kia thì chú ý hơn đến cái chết của 27 người vượt biên trên biển Manche, đã gây sốc trong công luận hai nước Anh Pháp. Le Figaro cho biết “ Di dân: sau thảm kịch, cuộc truy lùng những kẻ buôn người gia tăng”. Nhật báo Công Giáo La Croix thì nhấn mạnh “ Calais: Bắt buộc phải đồng thuận”, ghi nhận là trong lúc 27 người vượt biên vừa bỏ mạng ngoài khơi vùng Calais, Pháp và Anh vẫn không giải tỏa được bế tắc trong hồ sơ di dân. Tờ Le Monde cũng quan tâm đến “ 27 người chết ở biển Manche, thảm kịch mới của khủng hoảng di dân”. Tờ báo cho biết là sau thảm kịch chưa từng có này, các tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội yêu cầu mở ra những con đường di dân hợp pháp đến Anh Quốc. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn