Trung Quốc có nguy cơ giảm tăng trưởng vì bất động sản

Thứ Ba, 16 Tháng Mười Một 20218:33 CH(Xem: 1916)
Trung Quốc có nguy cơ giảm tăng trưởng vì bất động sản

Trung Quốc có nguy cơ giảm tăng trưởng vì bất động sản - Ảnh 1.

Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, xuống gần mức tăng trưởng thấp từ năm 1990 - Ảnh: BLOOMBERG

Giới chuyên gia cho rằng hệ quả từ nỗ lực siết kiểm soát ngành bất động sản của Bắc Kinh sẽ kéo dài tới tận năm sau và có thể là xa hơn nữa.

Theo Hãng tin Bloomberg, nhiều ngân hàng như Goldman Sachs, Nomura và Barclays đã hạ mức dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc cho năm 2022 xuống dưới 5%.

Trừ năm 2020 - thời điểm toàn thế giới lao đao vì đại dịch COVID-19 - đó sẽ là mức tăng trưởng kém nhất của Trung Quốc sau hơn 30 năm qua. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vào năm 1990 là 3,9%.

Dưới 5% cũng thấp hơn hẳn mức tăng trưởng 7% thời trước đại dịch. Vì Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, điều này đồng nghĩa rằng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm xuống, ảnh hưởng đến đầu ra tại các nước sản xuất như Úc và Indonesia.

Các nhà kinh tế đang dần nhận ra rằng Bắc Kinh nghiêm túc với cam kết họ đưa ra trong năm nay. Theo đó, Chính phủ Trung Quốc sẽ không sử dụng ngành bất động sản làm động lực cho nền kinh tế như những năm trước.Giới quan chức tại đây cho rằng nguồn cung nhà ở dư thừa đang đe dọa tính ổn định của nền kinh tế. Họ muốn nguồn vốn đầu tư chảy vào các lĩnh vực được ưu tiên khác như sản xuất công nghệ cao, thay vì vào bất động sản.

“Chủ tịch Tập cho rằng lĩnh vực bất động sản phình quá to. Ông Tập đã trực tiếp tham gia vào chính sách bất động sản, vì thế các bộ sẽ không dám nới lỏng chính sách nếu không có sự đồng ý của ông”, ông Chen Long - nhà kinh tế thuộc hãng tư vấn Plenum (Trung Quốc) - nhận định.

Bên cạnh đó, xu hướng chi tiêu ít hơn của người tiêu dùng Trung Quốc cũng là một yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc.

Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc đã buộc phải đóng cửa vì chính quyền chọn duy trì chiến lược “Zero COVID” (quét sạch virus khỏi cộng đồng), siết chặt các biện pháp phong tỏa.

“Nếu chính sách Zero COVID kéo dài tại Trung Quốc hoặc ngành bất động sản suy giảm sâu hơn, tăng trưởng GDP năm 2022 có thể giảm còn 4%”, nhà kinh tế Tao Wang chuyên về Trung Quốc của Ngân hàng UBS cảnh báo.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn