Trên kênh Civil Rights and Liverhood Watch bằng tiếng Trung mới đây có bài viết nhan đề: “Nền giáo dục nô lệ hóa của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng”.

Sau đây là nội dung bài viết:

Vào ngày 22/10, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã đăng một thông báo trên trang web chính thức nêu rõ,  “‘Sự lãnh đạo của Đảng’ – Nội dung liên quan trong hướng dẫn chương trình giảng dạy của các trường tiểu học, trung học cơ sở và đại học” được ban hành gần đây để học sinh nâng cao “nhận thức chính trị, nhận thức tư tưởng, và nhận thức tình cảm đối với chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và ĐCSTQ”.

Theo thông báo, Hướng dẫn do Ủy ban Sách giáo khoa Quốc gia Trung Quốc phát hành này, dưới đây gọi tắt là “Hướng dẫn”, là lần đầu tiên các cơ quan chức năng lồng ghép nội dung liên quan tới “sự lãnh đạo của Đảng” vào thiết kế tổng thể của chương trình và sách giáo khoa của các trường đại học, trung học cơ sở và tiểu học. “Nó có ý nghĩa to lớn đối với việc quảng bá sâu rộng ‘Tư tưởng Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới'”. Qua thông báo có thể thấy, Bộ Giáo dục Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy hơn nữa việc nô dịch hóa học sinh và biến họ trở thành công cụ phục tùng đảng một cách triệt để.

Mặc dù trên thế giới hiện nay còn nhiều nhận thức khác nhau về bản chất của giáo dục, nhiều quan điểm gây tranh cãi, nhưng bản chất của giáo dục con người là kế thừa văn minh và làm cho con người trở thành con người có nhân cách, phẩm giá, quyền lợi và tư tưởng, chứ không phải thành một công cụ, đây là cách hiểu ở mức thấp nhất cũng là sự nhận thức cơ bản nhất. Nếu giáo dục của một quốc gia trở thành công cụ để giai cấp thống trị nô dịch và thuần hóa công dân của mình, thì giáo dục sẽ mất đi tinh thần cơ bản và đi chệch khỏi bản chất của giáo dục.

“Hướng dẫn” do Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành, không thể khiến chúng ta thấy được bản chất thật sự của giáo dục, mà chỉ thấy được một công cụ nô dịch hoàn toàn lệch lạc và biến tướng. “Hướng dẫn” nêu rõ: “Nhấn mạnh vào việc vận dụng toàn diện nhiều hình thức truyền đạt để đẩy mạnh việc đưa nội dung liên quan đến sự ‘Lãnh đạo của Đảng’ vào chương trình và tài liệu giảng dạy”. 

Trong đó yêu cầu phải khái quát được đặc điểm và sứ mệnh của ĐCSTQ, vai trò lãnh đạo, hệ thống và cơ chế lãnh đạo của Đảng. Đồng thời giải thích cụ thể 38 quan điểm nội dung khác liên quan đến sự lãnh đạo của đảng cũng như nguyện vọng và sứ mệnh ban đầu của ĐCSTQ, tinh thần xây dựng đảng vĩ đại, tuân thủ và tăng cường sự lãnh đạo chung của đảng, và dự án lớn mới về xây dựng đảng trong thời kỳ mới, cung cấp cơ sở cho việc xây dựng các tài liệu khóa học. Căn cứ theo đặc điểm của từng giai đoạn học mà đề xuất yêu cầu khác nhau. Giai đoạn tiểu học tập trung vào những câu chuyện về lãnh tụ của đảng, những chiến công anh hùng, những sự kiện quan trọng, thành tích lớn, v.v… 

Tóm lại, thông qua “Hướng dẫn”, chúng ta có thể thấy rằng toàn bộ nền giáo dục của các trường tiểu học, trung học và đại học phải bồi dưỡng học sinh từ tình cảm, niềm tin, nhận thức để tin yêu và ủng hộ ĐCSTQ.

Từ “Hướng dẫn” này, thế giới bên ngoài thấy rõ rằng mục đích của giáo dục Trung Quốc là làm cho học sinh tin đảng, yêu đảng và bảo vệ ĐCSTQ, đồng thời trở thành công cụ cho sự cai trị của ĐCSTQ, là phục vụ và phục tùng theo giáo dục “lãnh đạo của đảng” này, còn mọi thứ khác chỉ là thứ yếu.

Nhận thức phổ biến hiện nay đối với giáo dục ở phương Tây là định nghĩa giáo dục thành giáo dục phổ thông, tức là giáo dục tự do, nuôi dưỡng một tâm hồn tự do, cốt lõi của nó là tinh thần tự do, trách nhiệm của công dân và chí hướng cao xa . Tự do phát huy tiềm năng cá nhân, tự do lựa chọn phương hướng học tập, không bị chủ nghĩa thực dụng đè nặng, xác định phương hướng phát triển cuộc sống, đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội và nhân loại. Có thể thấy rằng, giáo dục không phải là truyền bá sự ủng hộ và yêu một đảng, một chính quyền nào đó mãnh liệt.

Mặc dù sự hiểu biết của Trung Quốc về nền giáo dục văn minh hiện đại bắt đầu tương đối muộn, nhưng ngay cả trong thời đại chuyên quyền, nền giáo dục cũng không hoàn toàn nhằm phục tùng kẻ thống trị, tức là Nho giáo truyền thống của Trung Quốc, cũng không nhằm mục đích hoàn toàn thuyết phục và ủng hộ những kẻ cai trị, nếu không thì sao lại tin vào “Đạt tắc kiêm thiện thiên hạ, thối tắc độc thiện kỳ thân” (nghĩa là khi chưa đủ thiện thì phải tự bồi dưỡng đạo đức, còn khi đủ thiện thì phải lo cho thiên hạ)? Nếu bạn hoàn toàn trở thành nô lệ của quyền lực, thì sẽ không thể tự bồi dưỡng đạo đức được. 

Trong thời hiện đại, một nhóm các nhà giáo dục Trung Quốc tiếp tục đưa ra những yêu cầu hiện đại và văn minh cho giáo dục. Khi bắt đầu thành lập Trung Hoa Dân Quốc năm 1912, bốn tiêu chuẩn nhận thức đã được thiết lập để giáo dục công dân, đó là: ý thức công dân, ý thức về quyền lợi, ý thức pháp quyền và ý thức bình đẳng. 

Tại diễn đàn “Liên minh sinh viên Tô Châu” năm 1922, nhà giáo dục nổi tiếng Lương Khải Siêu đã giải thích bản chất của giáo dục là: giáo dục tri thức, giáo dục tình cảm và giáo dục ý thức. Giáo dục tri thức phải được dạy cho thông suốt, giáo dục tình cảm cần dạy đến mức độ không lo lắng, còn giáo dục ý thức phải dạy đến được tâm không sợ hãi.

Hơn nữa mục tiêu cuối cùng của giáo dục không chỉ đơn giản là truyền thụ kiến ​​thức, mà là dạy cho học sinh cách ứng xử. Có thể thấy rằng Trung Quốc đã có cách hiểu về giáo dục theo nghĩa văn minh hiện đại từ hơn 100 năm trước. Tuy nhiên, ngày nay, hơn 100 năm sau, ĐCSTQ rõ ràng đã  đặt ra bốn tiêu chuẩn nhận thức để giáo dục: nhận thức chính trị, nhận thức đại cuộc, nhận thức cốt lõi và nhận thức noi gương.

Hiện nay thông qua “Hướng dẫn” đã thấy rõ rằng, giáo dục của Trung Quốc là để đào tạo con người thành công cụ tin đảng, yêu đảng và bảo vệ đảng, tước bỏ hoàn toàn ý thức hiện đại của công dân là tự do, độc lập, quyền lợi và danh dự.

Toàn bộ “Hướng dẫn” giáo dục của ĐCSTQ đi ngược lại bản chất và mục đích của giáo dục con người. Nó chỉ dành cho các nhu cầu chính trị. Việc truyền bá “sự lãnh đạo của đảng” vào tâm trí học sinh, việc giảng dạy và đào tạo khác nhau chắc chắn sẽ xóa bỏ sự sáng tạo, xóa bỏ ý thức tìm tòi và khoa học của con người, từ đó khiến cả dân tộc lâm vào trạng thái bảo thủ, cứng nhắc, và cuối cùng sẽ bị bỏ rơi bởi sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại.