Các nhà máy châu Á đình trệ khi Trung Quốc giảm tốc, ảnh hưởng chuỗi cung ứng

Thứ Sáu, 01 Tháng Mười 202111:50 SA(Xem: 2153)
Các nhà máy châu Á đình trệ khi Trung Quốc giảm tốc, ảnh hưởng chuỗi cung ứng
voatiengviet.com

Các nhà máy châu Á đình trệ khi Trung Quốc giảm tốc, ảnh hưởng chuỗi cung ứng

Reuters

Hoạt động sản xuất của châu Á bị đình trệ trên diện rộng vào tháng 9 khi các nhà máy bị đóng cửa do đại dịch và các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc đã đè nặng lên các nền kinh tế trong khu vực, theo các cuộc khảo sát được đưa ra hôm 1/10.

Các quốc gia, nơi các đợt bùng phát mạnh biến thể Delta đã lắng xuống, chứng kiến sự cải thiện trong hoạt động, chẳng hạn như Indonesia và Ấn Độ.

Tuy nhiên, hoạt động của các nhà máy trong tháng 9 giảm sút ở Malaysia và Việt Nam, trong khi có mức độ tăng trưởng chậm nhất ở Nhật Bản trong bảy tháng, do tình trạng thiếu nguồn cung chip và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã làm cho khu vực, vốn vẫn đang phải vật lộn để thoát khỏi ảnh hưởng từ COVID-19, thêm khó khăn.

Động lực kinh tế suy yếu của Trung Quốc giáng thêm một đòn vào triển vọng tăng trưởng của khu vực, với Chỉ số quản lý thu mua (PMI) chính thức được đưa ra hôm 30/9 cho thấy hoạt động nhà máy của nước này bất ngờ giảm trong tháng 9 do nhiều hạn chế hơn về sử dụng điện.

Chỉ số PMI sản xuất cuối cùng của Ngân hàng au Jibun Nhật Bản đã giảm xuống mức 51,5 trong tháng 9 từ mức 52,7 của tháng trước, đánh dấu tốc độ phát triển chậm nhất kể từ tháng 2.

Các nhà sản xuất ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới phải đối mặt với áp lực từ các hạn chế của đại dịch và sự gián đoạn chuỗi cung ứng gia tăng cũng như tình trạng thiếu nguyên liệu thô và giao hàng chậm trễ.

Chỉ số PMI của Hàn Quốc trong tháng 9 đã tăng lên 52,4 từ mức 51,2 trong tháng 8, nhờ sự mở rộng sản xuất và các đơn đặt hàng mới.

Hoạt động nhà máy của Đài Loan tiếp tục được mở rộng nhưng với tốc độ chậm nhất trong hơn một năm.

Chỉ số PMI của Đài Loan đã giảm xuống 54,7 trong tháng 9 từ mức 58,5 trong tháng 8, trong khi chỉ số này ở Việt Nam không thay đổi so với tháng 8 ở mức 40,2.

Với một chút hy vọng, chỉ số PMI của Indonesia đã tăng lên 52,2 từ mức 43,7 trong tháng 8, trong khi chỉ số này của Ấn Độ cải thiện lên 53,7 vào tháng 9 từ mức 52,3 trong tháng trước.

"Dù các chỉ số PMI ở khu vực cho thấy sự gián đoạn từ các đợt bùng phát virus lớn tại đây đang giảm bớt phần nào, nhưng các đơn đặt hàng chưa được giao vẫn tiếp tục chồng chất, có nghĩa là sự thiếu hụt trong chuỗi cung ứng tiếp tục được duy trì trong một thời gian tới", Alex Holmes, nhà kinh tế về khu vực châu Á mới nổi, thuộc tại Capital Economics, cho biết.

Từng được coi là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, các nền kinh tế mới nổi của châu Á đang tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến trong việc phục hồi sau cơn đại dịch do sự chậm trễ trong việc triển khai tiêm chủng vaccine và sự gia tăng đột biến các ca lây nhiễm vì biến thể Delta làm ảnh hưởng đến tiêu dùng và sản xuất của các nhà máy.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn