Tại sao Tập Cận Bình đưa TQ trở lại chủ nghĩa xã hội

Thứ Năm, 23 Tháng Chín 20212:00 CH(Xem: 2319)
Tại sao Tập Cận Bình đưa TQ trở lại chủ nghĩa xã hội
bbc.com

Tại sao Tập Cận Bình đưa TQ trở lại chủ nghĩa xã hội


  • Stephen McDonell
  • BBC News, Bắc Kinh

Xi Jinping

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Trong nhiều thập kỷ, cuộc sống ở Trung Quốc đã phát triển xung quanh phiên bản 'nhà trồng' về chủ nghĩa tư bản tăng tốc.

Mặc dù về mặt lý thuyết là một quốc gia "cộng sản", chính phủ Trung Quốc đã đặt niềm tin vào nguyên lý kinh tế 'người giàu đi trước, làng nước theo sau', tin rằng việc cho phép một số người trở nên cực kỳ giàu có sẽ mang lại lợi ích cho toàn xã hội, bằng cách kéo nó ra khỏi vũng lầy thảm khốc của cuộc Cách mạng Văn hóa thời Chủ tịch Mao Trạch Đông càng nhanh càng tốt.

Ở một mức độ nào đó, Trung Quốc đã đạt được điều này. Đã xuất hiện một đại bộ phận dân Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu. Kết quả là người dân ở hầu hết mọi tầng lớp trong xã hội đều có mức sống tốt hơn.

Chênh lệch giàu nghèo

Từ chỗ trì trệ những năm 1970, Trung Quốc vươn lên hàng đầu, giờ đây đang thách thức Hoa Kỳ về vị trí thống trị kinh tế toàn cầu.

Nhưng Trung Quốc cũng để lại một hố sâu chênh lệch thu nhập.

Nguồn hình ảnh, Zhang Peng

Điều này được nhìn thấy ở con cái của những người sinh đúng thời và đúng chỗ

Những bậc cha mẹ có thể tiếp quản các nhà máy vào những năm 1980 đã kiếm được mức lợi nhuận quá dồi dào. Tiền này được trả cho con cháu họ - những người giờ đây lái những chiếc xe thể thao đắt tiền quanh các đô thị hào nhoáng, đảo mắt qua các công nhân xây dựng, những người đang tự hỏi làm sao có đủ tiền mua nhà.

"Kim bài miễn trừ" cho Đảng CS Trung Quốc luôn là cụm từ "mang bản sắc Trung Quốc".

Khái niệm chủ nghĩa xã hội - "với bản sắc Trung Quốc" - đã cho chính phủ một không gian triết học bao la để điều hành một xã hội mà, theo nhiều cách, không được xã hội chủ nghĩa cho lắm.

Tổng Bí thư Tập Cận Bình dường như đã quyết định rằng điều này không thể chấp nhận được nữa.

Chính phủ Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của ông, đã bắt đầu đưa Cộng sản trở lại Đảng Cộng sản, ít nhất là ở một mức độ nào đó.

Câu cửa miệng mới là "thịnh vượng chung".

Câu này chưa thực sự xuất hiện trên các áp phích tuyên truyền trên đường phố nhưng điều này không phải là quá xa vời.

Câu nói này hiện là nền tảng cho những gì lãnh đạo Trung Quốc đang làm.

Các cuộc trấn áp trong đời thường

Dưới khẩu hiệu này này, việc chính phủ Trung Quốc ra tay, nhắm vào giới giàu có trốn thuế càng có lý hơn, cũng như việc làm cho giáo dục trở nên công bằng hơn bằng cách cấm các công ty dạy thêm. Cuộc đàn áp hiện nay nhắm vào những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc cũng có thể được coi là một phần của kế hoạch 'thịnh vượng chung'.

Vậy Tập Cận Bình có thực sự tin tưởng vào ý tưởng về một dự án cộng sản? Thật khó để chắc chắn 100%, nhưng một số nhà quan sát sẽ nói rằng cỏ vẻ như vậy.

Để so sánh, trước đây, mọi việc có vẻ không giống như thế đối với nhiều quan chức khác của ĐCS Trung Quốc.

Vấn đề là - cùng với lý tưởng cộng sản là tái phân phối của cải - ông Tập dường như cũng tin rằng việc này có nghĩa là đưa ĐCS trở lại hầu hết các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, như là con đường thực tế duy nhất để đạt được những gì cần phải làm.

Trẻ em đang lười biếng, lãng phí tuổi trẻ chỉ để chơi trò chơi điện tử?Đảng giải cứu: ra luật giới hạn ba giờ chơi game.

Thanh thiếu niên bị 'đầu độc' trí não, sùng bái các thần tượng truyền hình ngớ ngẩn?Đảng giải cứu: Cấm nghệ sỹ nam 'ẻo lả' tham gia chương trình.

Quả bom già hóa dân số đang sắp nổ:Đảng giải cứu: Chính sách ba con cho mọi gia đình!

Bóng đá, điện ảnh, âm nhạc, triết học, trẻ sơ sinh, ngôn ngữ, khoa họcĐảng đều có câu trả lời.

Đối nghịch với niềm tin của cha mình

Để hiểu được điều gì đã khiến Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo như ngày nay, bạn phải nhìn vào lý lịch của ông ấy.

Cha của ông, Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun), là một anh hùng chiến tranh của Đảng Cộng sản, được biết đến như một người ôn hòa, người sau đó đã bị thanh trừng và bỏ tù vào thời Mao.

Vào thời điểm đó, mẹ của ông Tập buộc phải tố cáo cha của ông. Sau khi cha ông được phục hồi danh dự vào năm 1978, ông Tập thúc đẩy tự do hóa kinh tế ở tỉnh Quảng Đông và được cho là đã bênh vực một trong những lãnh đạo tiến bộ nhất của Trung Quốc là Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang).

Với việc cha ông bị đàn áp dưới bàn tay của những thành viên nhiệt thành trong Đảng Cộng sản, với khuynh hướng cải cách của cha ông, nhiều người đặt câu hỏi tại sao ông Tập Cận Bình bây giờ dường như lại đưa Đảng đi theo hướng có vẻ trái ngược với niềm tin của cha mình?

Có nhiều cách giải thích khác nhau.

Có lẽ ông Tập chỉ đơn giản là không đồng ý với đường lối của cha mình về một số vấn đề chính trị.

Hoặc có thể ông Tập dự định theo đuổi một kế hoạch mà, dù rất khác biệt so với các chính sách mà cha ông ưu tiên, sẽ không bao giờ tiệm cận với các chính sách thời Mao Chủ tịch. Ít nhất là ông Tập không có ý định làm vậy.

Tuy nhiên, khuynh hướng này vẫn có vẻ khá đáng chú ý.

Khi cha bị bắt vào tù, ông Tập Cận Bình mới 15 tuổi đã phải đi làm rẫy trong nhiều năm, sống trong hang.

Những khoảng thời gian đầy biến động này rõ ràng đã khiến ông Tập trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng có thể dễ dàng biến chuyển thành sự căm ghét chính trị, đặc biệt là căm ghét những người theo đường lối cứng rắn.

Một số nhà quan sát Trung Quốc suy đoán rằng có lẽ ông Tập tin rằng chỉ có một nhà lãnh đạo mạnh mẽ mới có thể đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không quay trở lại thời kỳ hỗn loạn của những năm 1960 và 70.

Và hãy nhớ các quy định hiện đã được thay đổi để ông Tập có thể tiếp tục nắm quyền bao lâu tùy thích.

Một lý do cho tất cả những phỏng đoán này là chúng tôi chưa từng nghe ông Tập giải thích về các quyết định của mình. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không trả lời phỏng vấn ngay cả các hãng truyền thông do chính ĐCS kiểm soát.

Ông Tập lên tivi khi ông xuất hiện ở các ngôi làng nông thôn, được chào đón bởi đám đông dân địa phương, những người đón nhận sự thông thái của ông về việc trồng ngô hoặc các việc khác, sau đó ông rời đi.

Vì vậy, thật khó để dự đoán những quy tắc, hạn chế hoặc hướng dẫn mới nào có thể được áp dụng đối với hoạt động kinh tế ở Trung Quốc. Và chúng sẽ được áp dụng ở mức độ nào.

Trong thời gian gần đây, chưa đầy một tuần trôi qua mà không có sự thay đổi lớn nào trong các quy tắc quản lý của Trung Quốc.

Thành thật mà nói, thật khó để theo kịp các thay đổi. Nhiều thay đổi được đưa ra thình lình.

Vấn đề ở đây không phải là có cái gì đó sai trong việc nhà nước kiểm soát các đòn bẩy sản xuất khác nhau. Việc này để các nhà kinh tế tranh luận về điều gì là hiệu quả nhất. Vấn đề ở đây là sự không chắc chắn đột ngột.

Làm sao ai đó có thể đưa ra quyết định đầu tư đáng tin cậy nếu họ không biết các quy tắc cơ bản sẽ như thế nào trong thời gian một tháng?

Sẽ có những người cho rằng toàn bộ quá trình này như một lẽ tự nhiên của một đất nước đang 'trưởng thành'. Những lĩnh vực chưa được kiểm soát thì cần phải có các quy định.

Nếu đúng như vậy, thì giai đoạn chuyển đổi mang tính chiến thuật gây sốc này có thể chỉ là một trạng thái tạm thời và cuối cùng sẽ lắng dịu khi các quy định mới trở nên rõ ràng hơn.

Nhưng hoàn toàn không rõ chiến lược này sẽ kéo dài bao lâu và sẽ được thực hiện tới mức độ nào.

Có một điều chắc chắn là bất kỳ sự thay đổi nào cũng nên được nhìn qua lăng kính "thịnh vượng chung" của ông Tập, vào thời điểm mà ĐCS Trung Quốc sẽ không từ bỏ một tấc quyền lực nào trong khi thực hiện mục tiêu này. Và ở Trung Quốc, bạn chỉ có thể hoặc 'lên xe' hoặc sẽ bị nó nghiền nát.

Đây là phần đầu tiên trong loạt ba phần về vai trò đang thay đổi của Trung Quốc trên thế giới.

Phần hai và ba sẽ khám phá cách Bắc Kinh thay đổi các quy tắc kinh doanh, và tác động toàn cầu của việc này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn