Đọc xong nội dung bài viết, có cảm giác như đây là một bài ‘Hịch văn’ để Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) buộc tội Hoa Kỳ và các đồng minh, sau đó lấy danh nghĩa ‘thay Trời hành đạo’ để thảo phạt họ vậy. 

Ngày 4/8, Tân Hoa Xã có bài viết với tiêu đề: “7 đại tội của Hoa Kỳ và các đồng minh” với 25.000 chữ, trong đó một đoạn rất đáng để phân tích với nội dung như sau: 

“Hệ thống của Hoa Kỳ và các đồng minh đã đi ngược trào lưu lịch sử, nhìn thì có vẻ ‘diễu võ dương oai’, ‘tiền hô hậu ủng’ (1), nhưng thực ra là ‘ngoài mạnh trong yếu’, mất dần nhân tính, bạo lực, cướp bóc, xâm lược, phá hoại, dối trá, lấp liếm, đấu đá nội bộ, tội ác càng ngày càng rõ ràng, đang dần dần rơi xuống vực sâu của ‘xã hội đen hoá’.

Nay bố cáo cho thiên hạ ‘7 đại tội’ của Hoa Kỳ và các đồng minh, để cho ‘chủ nghĩa bá quyền’ và ‘chính trị cường quốc’ không còn nơi nào lẩn trốn, để ánh sáng của hoà bình và chính nghĩa chiếu rọi khắp nhân gian”. 

Chúng ta cùng làm một phép thử thế này: lấy ‘Hệ thống của Hoa Kỳ và các đồng minh’ thay bằng ‘Hệ thống nào đó’, sau đó bạn đi ra đường bạn hỏi: Hệ thống đó là hệ thống nào? ‘Hệ thống nào đi ngược trào lưu lịch sử, bạo lực, cướp bóc, xâm lược, phá hoại, dối trá, lấp liếm, đấu đá nội bộ v.v.’, tôi cho rằng 80-90% đều trả lời rằng đó là hệ thống của ĐCSTQ. 

Cho nên đây tương đương với ‘hịch văn’ mà ĐCSTQ tự phê phán chính mình. Cách làm của ĐCSTQ là lấy đối tượng cần phê phán chuyển thành ‘Hoa Kỳ và các đồng minh’, thế là xong. 

Điều này làm tôi nhớ đến một câu chuyện cười. Có một người trên đường phố lớn mà hét to lên rằng ‘Chính phủ này hủ bại (tham nhũng) quá rồi’. Kết quả anh ta bị cảnh sát bắt. Về đồn anh ta phân trần: ‘Tại sao anh lại bắt tôi? Tôi có nói đích xác chính phủ nào đâu?’. Sau đó viên cảnh sát trả lời: ‘Tôi đã làm cảnh sát bao nhiêu năm, chẳng lẽ tôi không biết chính phủ nào hủ bại sao, chẳng lẽ tôi không hiểu ý anh sao?’. 

Cho nên bài viết trên Tân Hoa Xã trên thực tế là nói về ĐCSTQ.

Tôi cho rằng ai xem bài viết này cũng sẽ có thắc mắc: Nếu tội ác cự đại của Hoa Kỳ và các đồng minh giống như lời ĐCSTQ nói là ‘nhân Thần đều phẫn nộ’, thì tại sao khi Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong trong Hội đàm Thiên Tân gặp Phó Ngoại trưởng Wendy Sherman lại đưa yêu cầu đầu tiên: “Phía Trung Quốc kêu gọi phía Hoa Kỳ dỡ bỏ vô điều kiện các hạn chế về thị thực đối với thành viên ĐCSTQ và gia đình của họ”? Vì sao các quan chức lại đưa thành viên trong gia đình của họ đến một nước Mỹ ‘xấu xa’ như vậy? Qua Mỹ để bị bóc lột, để bị phân biệt chủng tộc sao? Phóng viên Tân Hoa Xã viết bài này giống như lấy đá nện chân mình vậy. 

Trong bài viết thể hiện sự phẫn nộ của ĐCSTQ đối với Hoa Kỳ và các đồng minh. Chúng ta để ý điều này, trước đây khi ĐCSTQ tức giận hoặc giả vờ tức giận, thì phương tây luôn tìm cách an ủi vỗ về. Nhưng 2 năm trở lại đây, bạn sẽ thấy rằng, sự tức giận của ĐCSTQ… không còn tác dụng nữa. Họ càng phát nộ thì càng nhận nhiều lệnh trừng phạt hơn từ Hoa Kỳ và các đồng minh. 

Lúc này lại xuất hiện một vấn đề: ĐCSTQ có tức giận hay không cũng không tác dụng, việc truy trách nhiệm trong đại dịch không thể tránh, vậy tại sao họ vẫn làm vậy? 

Họ tức giận không phải cho Mỹ, Nhật, Hàn, Úc hay Liên minh châu Âu xem, mà là cho những ‘tiểu phấn hồng’ trong nước xem, để kích thích chủ nghĩa dân tộc. Đây là tính toán của Tập Cận Bình. 

Kỳ thực tôi vẫn khá nghi ngờ về lòng trung thành của các tiểu phấn hồng. Họ thể hiện sự trung thành để mang lại cảm giác an toàn, hoặc là dấu hiệu của loại thân phận biểu thị rằng mình đứng cùng hàng ngũ với giới chủ lưu trong xã hội. Rất nhiều người biểu đạt lòng trung thành với ĐCSTQ như: nào là học tập chính trị, viết ‘tâm đắc thể hội’ (lĩnh ngộ tâm đắc)… nhưng thực tế họ biết rất rõ bản chất ĐCSTQ. Tuy đa số họ nói trung thành, nhưng trên thực tế là khinh thường ĐCSTQ.

Chú thích:

(1) Tiền hô hậu ủng – 前呼後擁: trước có người la hét mở đường, sau có người xúm xít đi theo. Phô trương thanh thế rất lớn.