Sợ sinh con ở Trung Quốc

Thứ Bảy, 15 Tháng Năm 20217:01 CH(Xem: 2841)
Sợ sinh con ở Trung Quốc

Không ít người trẻ Trung Quốc ngày nay cho rằng sinh con sẽ mang đến gánh nặng kinh tế lớn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ.

Những người trẻ Trung Quốc đều tỏ ra không ngạc nhiên trước thông tin mới đây cho thấy quê hương họ là một trong các nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Thực tế, hầu hết dường như đều đồng cảm với xu hướng ngần ngại sinh con ngày càng tăng ở nước này.

Nhiều ý kiến cho rằng đa phần giới trẻ Trung Quốc giờ đây đều coi việc có con là một gánh nặng tài chính và việc có ít hoặc không sinh con là điều cần thiết để duy trì chất lượng cuộc sống.

Y tá chăm sóc một em bé mới chào đời tại Bệnh viện Nhân dân Dung An thuộc huyện Dung An, Liễu Châu, khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc, hồi tháng một. Ảnh: Xinhua.

Y tá chăm sóc một em bé mới chào đời tại Bệnh viện Nhân dân Dung An thuộc huyện Dung An, Liễu Châu, khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc, hồi tháng một. Ảnh: Xinhua.

"Tôi không muốn yêu đương, không muốn kết hôn và không muốn có con", Zhang Jie, nhân viên kinh doanh 31 tuổi tại một công ty thương mại tư nhân ở Quảng Châu, cho biết. Anh vừa chia tay mối tình 4 năm của mình. "Với tầng lớp lao động, việc nuôi dạy một đứa trẻ ở các thành phố lớn ngày càng trở nên khó khăn", anh nói thêm.

Dữ liệu điều tra dân số 10 năm một lần được công bố hôm 11/5 cho thấy Trung Quốc năm ngoái đón 12 triệu em bé, giảm từ mức 14,65 triệu năm 2019, đánh dấu mức giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong gần 6 thập kỷ.

Tỷ lệ sinh của Trung Quốc cũng giảm xuống còn 1,3 trẻ trên một phụ nữ, thấp hơn nhiều so với con số 2,1 trẻ, mức cần thiết nhằm duy trì dân số ổn định. Để so sánh, tỷ lệ sinh của Nhật Bản năm 2020 là 1,369.

Cây gia phả nhà Zhang trông giống như hình kim tự tháp ngược và nó phản ánh thái độ của rất nhiều người trẻ Trung Quốc đối với việc kết hôn và sinh con.

Bà ngoại anh sinh 10 người con trong những năm 1950, 1960. Tuy nhiên, trong số 10 người này, chỉ có chị cả của mẹ anh là sinh ba con vào những năm 1970. 9 người còn lại bị hạn chế việc sinh đẻ vì chính sách một con mà Trung Quốc áp dụng những năm 1980, 1990. Trong 11 anh em họ của Zhang, có hai người sinh hai con, số còn lại chỉ sinh một, bất chấp chính sách đã thay đổi từ năm 2016, cho phép họ sinh hai con.

"Tôi thấy tất cả bọn họ đều gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa thu nhập và chi tiêu. Tất cả đều nhờ cha mẹ chăm sóc con cái, dùng tiền tiết kiệm của cha mẹ để mua tài sản, thậm chí là trợ cấp chi phí sinh hoạt", Zhang nói về các anh em họ của mình. "Thực sự, nhìn cuộc sống như vậy khiến tôi sợ kết hôn chứ chưa bàn đến việc sinh con. Đây là lý do tôi và bạn gái cũ chia tay".

Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 11 năm ngoái, mạng xã hội hàng đầu của Trung Quốc Weibo đã đặt câu hỏi: "Bạn sẵn sàng sinh bao nhiêu con nếu các giới hạn về sinh đẻ được gỡ bỏ hoàn toàn?".

Trong 284.000 người tham gia trả lời, 150.000 người nói họ sẽ không có con, 85.000 người muốn có một con, 39.000 người chọn hai và khoảng 10.000 người nói muốn có ba con hoặc hơn. Kết quả trên cũng tương đồng với một cuộc khảo sát khác do Viện Nghiên cứu Evergrande thực hiện hồi năm 2019 trên 160.000 người.

Những người Trung Quốc sinh sau năm 1990 là nhóm ít sẵn sàng kết hôn và sinh con nhất so với các thế hệ trước do chi phí nuôi dạy con cái tăng mạnh và tỷ lệ nợ cá nhân cao.

Trên các mạng xã hội Trung Quốc, có vô số bài đăng thảo luận về những gánh nặng tài chính và thách thức đi kèm khi bạn có một đứa con.

Số lượng các cuộc kết hôn của Trung Quốc trong năm ngoái đã giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước đó, xuống mức 8,13 triệu, theo số liệu do Bộ Nội vụ công bố. Tổng số cuộc kết hôn năm 2018 là 10,14 triệu và năm 2013 là 13,47 triệu.

"Tôi nghĩ lớp trẻ ngày nay ở Trung Quốc có cách nhìn rất khác về việc sinh con so với thế hệ trước", Wendy Li, nhân viên văn phòng 34 tuổi ở Thượng Hải, cho hay. "Những người sinh ra trong các thập niên 1940, 1950 thường có 4 con hoặc hơn trong mỗi gia đình. Những người sinh ra trong thập niên 1960, 1970 chỉ có một con vì giới hạn của chính phủ. Nhưng chúng tôi, thế hệ trẻ bây giờ, cảm thấy chúng tôi không cần thiết phải có con nếu nó làm giảm chất lượng cuộc sống".

Trung Quốc đang già hóa với tốc độ chưa từng thấy do chính sách một con. Điều tra dân số năm 2020 cho thấy có 264 triệu người Trung Quốc trên 60 tuổi, chiếm 18,7% dân số, tăng từ mức 254 triệu người vào cuối năm 2019. Với nhóm người trên 65 tuổi, con số tăng từ 176 triệu năm 2019 lên 190 triệu năm 2020, hiện chiếm 13,5% dân số.

Theo một báo cáo năm ngoái của Quỹ Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc, đến năm 2050, Trung Quốc sẽ có hơn 500 triệu người bằng và trên 60 tuổi, tương đương gần 1/3 tổng dân số dự kiến vào thời điểm đó.

Từ năm 1970 đến 2015, độ tuổi trung bình của dân số Trung Quốc tăng nhanh chóng, từ 19,3 lên 37 và dự kiến đạt 50 tuổi vào năm 2050.

Theo các kịch bản hiện tại, dân số Trung Quốc nhiều khả năng sẽ giảm 32 triệu người trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến 2050. Mỹ trái lại sẽ có thêm 50 triệu dân, theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.

Người phụ nữ đeo khẩu trang chở con trên xe máy tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, hồi năm ngoái.

Người phụ nữ đeo khẩu trang chở con trên xe máy tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, hồi năm ngoái.

Huang Wenzheng, chuyên gia nhân khẩu học, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho rằng toàn bộ xã hội cần được huy động nhằm thay đổi thái độ của người trẻ tuổi đối với việc sinh con. "Khi người trẻ nghĩ họ sẽ mất nhiều hơn là được khi có con, vậy làm sao thuyết phục nổi họ sinh con?", ông đặt vấn đề.

Tình trạng sụt giảm đều đặn số lượng phụ nữ có thể và mong muốn sinh con, bên cạnh chi phí nuôi dạy con cái tăng cao là những trở ngại chính đối với nỗ lực tăng tỷ lệ sinh của Trung Quốc.

Theo Viện Nghiên cứu Evergrande, số phụ nữ tuổi từ 20 đến 35 của Trung Quốc đạt đỉnh với 190 triệu người vào năm 1997. Con số này giảm xuống còn khoảng 170 triệu vào năm 2017 và dự kiến còn 110 triệu vào năm 2030.

Và theo một báo cáo tiêu dùng do nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc Tmall.com thực hiện hồi năm 2019, chi tiêu của người tiêu dùng liên quan đến chăm sóc con cái đã tăng 60% từ năm 2016 đến 2019 ở các bậc cha mẹ từ 25 tuổi hoặc trẻ hơn.

Một báo cáo năm 2017 về chi phí giáo dục do Sina Education đăng tải cho thấy chi tiêu giáo dục trung bình chiếm khoảng 26% thu nhập hàng năm của một gia đình Trung Quốc ở giai đoạn mầm non, chiếm 21% ở giai đoạn tiểu học, trung học và 29% ở giai đoạn đại học.

Theo dữ liệu do Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải công bố năm ngoái, việc nuôi dạy một đứa trẻ từ sơ sinh đến trung học cơ sở ở quận Tĩnh An giàu có của thành phố này tốn trung bình 800.000 nhân dân tệ, tương đương khoảng 124.000 USD.

Thêm vào đó, một cuộc khảo sát do HSBC thực hiện năm 2019 còn cho thấy tỷ lệ nợ trên thu nhập của người trẻ Trung Quốc sinh ra ở thập niên 1990 đã đạt mức đáng kinh ngạc là 1.850%.

Ngay cả ở những vùng nông thôn Trung Quốc, nhiều người vẫn cảm thấy khó khăn khi nuôi dạy con cái với mức thu nhập trung bình của địa phương.

"Tại nơi tôi sống, học phí mẫu giáo một năm rơi vào khoảng từ 5.000 tệ (772 USD) đến 10.000 tệ (1.544 USD)", Yu Mingqian, 21 tuổi, đến từ ở huyện Bí Dương, tỉnh Hà Nam, cho biết và thêm rằng cô chỉ có ý định sinh nhiều nhất là hai con.

Các bậc cha mẹ di cư lên thành phố làm ăn phải chi khoảng 15.000 (2.316 USD) một năm cho mỗi đứa con họ để lại quê nhà, Yu nói.

"Hầu hết bạn bè và bạn học của tôi đều vẫn độc thân và sống tại những thành phố hạng một", Stela Peng, một phụ nữ ngoài 30 tuổi ở Thâm Quyến, cho hay. "Các khoản trả tiền vay mua nhà vượt quá hầu hết thu nhập của chúng tôi và phải trả trong 30 năm. Mỗi người trong chúng tôi đều có nhiều khoản nợ khác nhau, như nợ thẻ tín dụng, hay các khoản vay mua sắm trực tuyến. Mong muốn sinh con của chúng tôi gần như bằng không".

"Vấn đề dân số già quá xa vời với chúng tôi. Chúng tôi vẫn có nhiều khoản nợ phải trả mỗi tháng và đây thực sự là 'biện pháp tránh thai' hiệu quả nhất", cô nói thêm.

Vũ Hoàng (Theo SCMP)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn