Trung Quốc, Trung Quốc và… Trung Quốc!

Thứ Ba, 04 Tháng Năm 20214:00 SA(Xem: 4179)
Trung Quốc, Trung Quốc và… Trung Quốc!

Blog VOA

Trân Văn

3-5-2021

Bộ trưởng Quốc phòng và một số vị tướng hàng đầu của quân đội Mỹ tiếp tục cảnh báo cả về sự hung hăng lẫn tham vọng của Trung Quốc. Trung Quốc tiếp tục là trọng tâm trong việc điều chỉnh quan điểm về chiến lược quốc phòng của Mỹ.

***

Quân đội Mỹ vừa tổ chức chia tay Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương của quân đội Mỹ (INDOPACOM). Theo báo giới Mỹ, trước khi cởi quân phục để về hưu sau 39 năm phục vụ quân đội, trong diễn văn từ biệt đồng đội, Đô đốc Davidson tiếp tục táng thêm đòn cuối cùng vào dã tâm của Trung Quốc, đồng thời khuyến cáo chính phủ và quân đội Mỹ phải lưu ý đến họa Trung Quốc…

Xin đừng sơ xuất! Cộng sản Trung Quốc đang tìm cách thay thế ý tưởng về cởi mở và tự do vốn là nền tảng của trật tự thế giới thành một loại… trật tự mới kiểu Trung Quốc. Theo đó, sức mạnh của Trung Quốc quan trọng hơn luật pháp quốc tế! Trung Quốc đang nỗ lực tiếp cận khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương bằng nhiều cách: Cưỡng ép, mua chuộc, hợp tác để chi phối các tổ chức, doanh nghiệp, dân chúng.

Thay thế Đô đốc Davidson là Đô đốc John Aquilino nguyên là Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của quân đội Mỹ. Cách nay khoảng hai tuần, vị tướng kế nhiệm Đô đốc Davidson để chỉ huy INDOPACOM từng cảnh báo Quốc hội Mỹ rằng: Số lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đang tăng nhanh hơn sự mường tượng của nhiều người

Đô đốc Aquilino – tân Tư lệnh INDOPACOM, người được dự đoán là có quan niệm cần cứng rắn với Trung Quốc, không thua người tiền nhiệm – từng đề nghị Quốc hội Mỹ, gia tăng mức độ đầu tư cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (The Pacific Deterrence Initiative – PDS) để kiềm chế tốt hơn nỗ lực nhằm mở rộng ảnh hưởng trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương của Trung Quốc (1).

Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương với 36 quốc gia đã được Bộ Quốc phòng Mỹ xác định là trọng tâm chiến lược vì có các hải lộ nhộn nhịp nhất, bao gồm 9/10 hải cảng lớn nhất thế giới và là động lực quan trọng cho kinh tế toàn cầu, do vậy sẽ tạo ra nhiều tác động nhất đến tương lai của Mỹ.

Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cũng là nơi có 2/3 quốc gia nằm trong nhóm mười quốc gia có sự hiện diện của các lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới và năm quốc gia trong khu vực này có trang bị vũ khí hạt nhân. Năm nay, Mỹ đầu tư 2,2 tỉ Mỹ kim cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương và người ta tin mức đầu tư sẽ lớn hơn vào năm tới.

***

Tham dự lễ tiễn Đô đốc Philip Davidson về hưu có ông Lloyd Austin từng là Đại tướng của quân đội Mỹ. Bốn tháng qua, từ khi được Tổng thống Biden đề cử và Quốc hội Mỹ phê chuẩn làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Austin chỉ phát biểu về những vấn đề thời sự liên quan đến quân đội Mỹ như rút khỏi Afghanistan, ngăn chặn khuynh hướng cực đoan trong quân đội, tổ chức đánh giá lại chiến lược quốc phòng.

Lần đầu tiên, ở lễ tiễn Đô đốc Austin về hưu, tổ chức tại Pearl Harbor – Hawaii (nơi đặt INDOPACOM, trung tâm chỉ huy toàn bộ hoạt động của quân đội Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương), ông Austin đề cập đến việc phải có “cách nhìn mới” (new vision) về quốc phòng Mỹ khi quốc gia đối mặt với các đe dọa từ Internet, không gian và những cuộc chiến qui mô lớn hơn.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã đến lúc quân đội Mỹ nên cung cấp các đòn bẩy để giới ngoại giao Mỹ sử dụng nhằm ngăn ngừa xung đột: Quân đội sẽ không đứng ngoài mà sẽ hỗ trợ chính sách đối ngoại để hoạt động ngoại giao có thể tận dụng toàn bộ sức mạnh của xứ sở chúng ta.

Người ta tin rằng, Trung Quốc là lý do để ông Austin chọn Pearl Harbor – Hawaii làm nơi giới thiệu “cách nhìn mới”. Dù Austin không đề cập đến Trung Quốc nhưng phát biểu đầu tiên của Austin ở cương vị Bộ trưởng Quốc phòng về chính sách quốc phòng Mỹ rõ ràng là một thông điệp về Trung Quốc và cho Trung Quốc.

Austin lưu ý: Quân đội Mỹ không thể bằng lòng với ý kiến cho rằng đó là đội quân có năng lực nhất và mạnh nhất vì đây là thời điểm những kẻ thù tiềm ẩn đang cố gắng làm suy giảm các lợi thế của chúng ta. Những cuộc chiến sắp tới sẽ rất khác so với những cuộc chiến gần đây. Đó là lý do tất cả chúng ta cần hướng tới ‘cách nhìn mới’ trong việc bảo vệ đất nước của chúng ta.

Trước phát biểu của Austin, một số viên chức quốc phòng và chuyên gia quốc phòng đã từng bày tỏ sự lo ngại khi Trung Quốc gia tăng tốc độ hiện đại hóa quân đội, gia tăng nỗ lực chế tạo nhiều loại vũ khí tinh vi trong khi hai thập niên vừa qua, Mỹ chỉ chú ý và tập trung sức lực chống lại các nhóm cực đoan như al-Qaida ở Afghanistan và gần đây là nhóm IS (Nhà nước Hồi giáo) ở Iraq và Syria.

“Cách nhìn mới” về quốc phòng theo phác họa của Austin là khai thác tối đa lợi thế của các công nghệ mới để xử lý dữ liệu ngay vào thời điểm thu thập và chia sẻ dữ liệu ngay lập tức. “Cách nhìn mới” về quốc phòng sẽ là duy trì và gia tăng khả năng răn đe để kẻ thù tiềm ẩn luôn phải thấy rằng, chi phí và rủi ro do gây chiến luôn cao hơn hẳn mọi thức lợi ích mà họ nhắm tới. Để được như vậy, Austin cho rằng, ngoài việc sử dụng các nguồn lực hiện có, phát triển những khả năng mới, quân đội Mỹ còn phải sử dụng tất cả theo phương thức mới trên diện rộng thông qua sự hợp tác với các đồng minh và đối tác song hành với các mục tiêu và nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm ngăn chặn xung đột bùng phát.

Chú thích

(1) https://www.stripes.com/news/pacific/davidson-handing-indopacom-s-reins-to-aquilino-takes-one-last-jab-at-china-1.671850

(2) https://www.militarytimes.com/news/pentagon-congress/2021/05/02/defense-secretary-austin-calls-for-new-vision-for-american-defense/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn