Quân đội Trung Quốc bị chê huấn luyện lỗi thời

Thứ Ba, 11 Tháng Năm 20213:00 SA(Xem: 2511)
Quân đội Trung Quốc bị chê huấn luyện lỗi thời
556318717404a-linh-Trung-Quoc-7780-1620005015

Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc chỉ trích một số chỉ huy không hiểu biết về công nghệ và không áp dụng tư duy hiện đại trong huấn luyện.

Quân đội Trung Quốc (PLA) mất hai thập kỷ để tự động hóa hoàn toàn các hệ thống vũ khí của mình, chuyển phần lớn thao tác thủ công sang vận hành bằng kỹ thuật số. Tuy nhiên, hoạt động huấn luyện binh sĩ không theo kịp tiến bộ về vũ khí khiến tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc, tuần trước đăng loạt bài “phê bình” một số chỉ huy không áp dụng tư duy hiện đại với công nghệ mới.

Binh sĩ Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật với pháo tự hành PLC-09. Ảnh: PLA.

Một số bài viết nhận định hệ thống huấn luyện của lục quân Trung Quốc “thiếu sót”, nhiều cuộc diễn tập “có vẻ rất khó nhưng thực sự lỗi thời và hoàn toàn kém hiệu quả”.

Các chuyên gia quân sự Trung Quốc chỉ trích một số chỉ huy quân đội “không hiểu biết về công nghệ” và cách nó ảnh hưởng đến các hoạt động tác chiến hiện đại.

“Tất cả đối thủ đều coi trọng và dựa vào công nghệ trong chiến tranh hiện đại”, Trương Tích Thành, chuyên gia thuộc Học viện Quân sự Trung Quốc, cho biết trong bài viết xuất bản ngày 26/4. “Sẽ rất khó đạt được thành công nếu chúng ta không có những bước đột phá trong huấn luyện và không chú ý đến tác chiến sáng tạo”.

Loạt bài chỉ trích các chỉ huy quân đội Trung Quốc được đăng sau khi PLA tuyên bố hoàn thành tự động hóa tất cả tổ hợp vũ khí, nhằm theo đuổi mục tiêu lớn hơn là xây dựng quân đội lớn nhất thế giới thành “lực lượng chiến đấu nhanh nhẹ và có năng lực”.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc năm 2020 thông báo đã đạt mục tiêu tự động hóa khí tài, trong bối cảnh Quân ủy Trung ương Trung Quốc đặt tham vọng xây dựng quân đội thành lực lượng hoàn toàn hiện đại vào năm 2027 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập.

Chuyên gia quân sự Antony Wong Tong tại Macau nhận định tự động hóa các hệ thống vũ khí là một phần trong quá trình chuyển hướng sang hiệp đồng tác chiến của quân đội Trung Quốc. Thay vì việc các quân binh chủng hoạt động độc lập như trước đây, quân đội Trung Quốc yêu cầu các đơn vị phối hợp và kết nối với nhau qua Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược.

“Lục quân Trung Quốc hoạt động theo cơ chế pha trộn giữa kiểu Mỹ và Liên Xô, trong khi đơn vị không gian mạng của Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược đã học được phần lớn những điều cần thiết từ quân đội Mỹ”, chuyên gia Wong cho biết.

Một trong các hoạt động nổi bật của Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược Trung Quốc là việc tích hợp hệ thống chỉ huy của 10 đơn vị lục quân vào hệ thống cảnh báo sớm của không quân thuộc Bộ Chỉ huy chiến khu phía Tây, PLA Daily đưa tin hôm 27/4.

Chu Thần Minh, chuyên gia thuộc viện nghiên cứu Yuan Wang có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết lục quân Trung Quốc đang đối mặt với áp lực biến các đơn vị cồng kềnh thành các đội tác chiến nhỏ và linh hoạt, sử dụng vũ khí mới, nhẹ và chính xác hơn.

“Những tổ hợp vũ khí mới nhẹ nhưng mạnh hơn nhiều so với các hệ thống cũ của thế kỷ trước, vốn phụ thuộc nhiều vào sức người để vận hành. Ví dụ pháo phản lực và lựu pháo ngày này có thể bắn với tỷ lệ trúng cao hơn, song cần ít người vận hành hơn. Trước đây, cần ít nhất 10 binh sĩ để vận hành một tổ hợp pháo phản lực, nay chỉ cần 4-5 người là đủ”, chuyên gia Chu cho biết.

Phần lớn các cuộc diễn tập trên khí tài của quân đội Trung Quốc trước đây là hoạt động trên thực địa, sử dụng đạn thật, song chuyên gia Chu Thần Minh nói điều này không phải là cách tiếp cận hiệu quả. “Điều đó tốn kém và lãng phí, không phù hợp với lý thuyết chiến tranh hiện đại và vi phạm mục tiêu cơ giới hóa”, chuyên gia Chu nói.

Một cách cắt giảm chi phí là thực hành trên thiết bị mô phỏng, chiến thuật được quân đội Mỹ sử dụng và đang được Trung Quốc nghiên cứu.

“Hoạt động này có kết quả khả quan”, chuyên gia Chu nói. “Giống lính Mỹ, các binh sĩ trẻ Trung Quốc đang thể hiện độ chính xác trong diễn tập trên máy tính lẫn thực địa, dù chỉ bắn đạn thật một đến hai lần trong năm. Các chỉ huy sẽ phải thay đổi tư duy để theo kịp, nếu không họ sẽ không thể dẫn dắt lớp trẻ”.

Nguyễn Tiến (Theo SCMP)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn