Hạ thủy tàu Trường Chinh, Hải Nam và Đại Liên, Chủ tịch Tập gửi ra thông điệp gì?

Tam Á

Nguồn hình ảnh, Xinhua

Chụp lại hình ảnh,

Chủ tịch Tập Cận Bình đích thân tới căn cứ Tam Á trên đảo Hải Nam dự lễ hạ thủy cùng lúc một tàu ngầm nguyên tử, một khu trục hạm và một chiến hạm đổ bộ

Hôm 24/04/2021, Chủ tịch Tập Cận Bình đích thân tới đảo Hải Nam dự lễ hạ thủy cùng lúc ba chiến hạm Trung Quốc, chỉ dấu nhà lãnh đạo tối cao chú tâm đến các vấn đề hải quân.

Cùng lúc, có các đánh giá liệu có hay không một xung đột hải-lục-không quân xảy ra quanh Đài Loan hay tại vùng Trường Sa trong tương lai gần.

Căng thẳng Biển Đông vẫn không giảm nhưng đã xuất hiện nhận xét của giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng các cứ điểm nhân tạo ở gần Trường Sa "rất khó bảo vệ" nếu bị tấn công.

Tên lửa từ tàu ngầm nguyên tử nhắm vào đâu?

Chủ tịch Tập Cận Bình dự lễ hạ thủy tàu ngầm nguyên tử Trường Chinh, khu trục hạm Đại Liên, và tàu đổ bộ Hải Nam, với sự tham gia của 2.400 người, được truyền hình Trung Quốc đưa tin trên cả nước.

Dù Hải quân Quân Giải phóng (PLA Navy) không công bố chi tiết kỹ thuật về ba chiếc tàu mới, giới quan sát nước ngoài ghi nhận một số điểm quan trọng:

  • Tàu Trường Chinh (Changzheng 18 - mang tên cuộc hành quân gian khổ thời Mao) là tàu ngầm nguyên tử Type 09IV chở tên lửa đạn đạo, theo DefenseWorld.Net (25/04/2021);
  • Tàu Đại Liên (Dalian) là chiếc khu trục hạm thứ ba của Trung Quốc thuộc Type 055, trọng tải 10 nghìn tấn;
  • Tàu Hải Nam là chiếc tàu đổ bộ đầu tiên Type 075 của Trung Quốc, với thiết kế để chiếm đảo của đối phương.

Hoàn cầu Thời báo viết rằng tàu Đại Liên "ưu việt hơn các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ, và chiếc Hải Nam chở được trực thăng vũ trang và xe tăng.

Năm 2019, các tàu Type 055 và 052D đã trở thành lực lượng nòng cốt của hải quân Trung Quốc.

Một đánh giá của giới quan sát nói về lý thuyết, tàu Type 055 của Trung Quốc được đánh giá là tàu khu trục mạnh thứ nhì thế giới, chỉ sau tàu DDG-1000, tức tàu lớp Zumwalt, của hải quân Hoa Kỳ, và có kích thước to lớn giống với tàu tuần dương hơn là tàu khu trục.

Hai chiếc này sẽ cùng hàng không mẫu hạm tập thành tiểu hạm đội, lực lượng tấn công tương đương 'task group' của Mỹ và đủ khả năng "phòng không, chống hỏa tiễn, chống ngầm, và năng lực đổ bộ".

Tuy thế, các báo quốc phòng chú ý lời lẽ của quan chức Trung Quốc lần đầu nhắc rõ đến "năng lực răn đe hạt nhân" của tàu ngầm nguyên tử mà họ sở hữu.

Gần đây nhất, quan chức quốc phòng Hoa Kỳ nói về cán cân lực lượng bằng số hỏa tiễn nguyên tử Mỹ - Trung.

Không rõ vì lý do gì, tại buổi lễ đông đảo quan khách, Hải quân Trung Quốc cho mở cửa nắp (hatch) của chiếc tàu ngầm nguyên tử đời mới.

Trong khi báo TQ ca ngợi công nghệ lặn ngầm giảm tiếng động và độ chính xác của tên lửa mà tàu Trường Chinh đã có, giới quan sát nói để tàu ngầm mở cửa nắp trước công chúng là điều khác thường.

Phải chăng Trung Quốc có vẻ muốn tỏ ra độ tự tin của Hải quân Quân Giải phóng?

Trang NavalNews viết tàu ngầm Trung Quốc đã được trang bị hỏa tiễn đạn đạo chiến lược xuyên lục địa (JL-2 SLBM), với tầm tác xạ 7.400 km.

Báo Đài Loan trích giới chuyên gia cho rằng tàu Trường Chinh có thể bắn tên lửa đạn đạo từ Biển Đông tới lãnh thổ Hoa Kỳ.

Đài Loan hay Biển Đông?

NavalNews nói phía Trung Quốc đã công khai về khả năng dùng tàu đổ bộ vào chiến dịch tương lai đánh Nam Sa, Đông Sa và Bành Hồ, cũng như đảo Đài Loan, khi cần.

Nam Sa là tên Trung Quốc gọi Trường Sa.

Trong khi đó, trang The Australian nói lễ hạ thủy ba tàu chiến Trung Quốc gọi là "đẳng cấp quốc tế" là thông điệp nhắm vào Đài Loan.

Trang The Times ở Anh cũng nêu nhận xét tương tự.

Đầu tháng 12/2020, tờ South China Morning Post (06/12/2020) và các báo quốc tế trích một tạp chí chuyên ngành Trung Quốc nói việc bảo vệ các đảo nhân tạo xây ở Biển Đông là rất khó khăn.

Tạp chí Hạm thuyền Tri thức (舰船知识杂志 - Jianchuan Zhishi) đặt vấn đề ứng cứu cho các đảo nhân tạo sẽ không dễ dàng khi bị tấn công.

"Các đảo nhân tạo có ưu thế đặc biệt để đảm bảo chủ quyền của Trung Quốc và duy trì sự hiện diện quân sự ở vùng đại dương, nhưng chúng có bất lợi về tự vệ."

Nếu bị tấn công, lấy ví dụ Đá Thập tự (Fiery Cross Reef - Vĩnh Thử), nằm cách Tam Á 1000 km, sẽ cần tiếp tế của tàu chiến đi từ Hải Nam, và phải mất ít nhất 20 giờ mới tới được, theo tạp chí TQ.

Các điểm này cũng "dễ bị tấn công từ nhiều hướng" vì nằm ngay trục lộ của hàng hải quốc tế.

Cùng lúc, giới chức Mỹ - Úc nêu các ý kiến khác nhau về khả năng xung đột ở Eo biển Đài Loan.

Hồi tháng 3/2021, Đô đốc Mỹ Philip Davidson cảnh báo Trung Quốc "có thể tấn công Đài Loan trong vòng sáu năm tới".

Tuy thế, có ý kiến khác nói khả năng vận chuyển cả triệu quân qua eo biển rộng 160 km, chỉ có thời tiết tốt trong vài tuần vào tháng 4 và 10, sẽ đặt ra những thách thức lớn cho Trung Quốc.

Một là yếu tố bất ngờ sẽ không có nếu Trung Quốc phải cần 1-2 năm để chuẩn bị đánh Đài Loan.

Hai là hàng nghìn tàu thuyền qua biển chuyển quân sẽ dễ trở thành mục tiêu bị tấn công từ trên không, trên biển và dưới ngầm.

Đây vẫn là các vấn đề Tanner Greer nêu ra tháng 9/2018, trong bài trên Foreign Policy, đặt câu hỏi về khả năng chiến thắng của Trung Quốc trước các thách thức hậu cần, quân sự nghiêm trọng.

Tác giả này còn nêu ý rằng 'Đài Loan có thể thắng cuộc chiến với Trung Quốc' nếu biết phòng thủ tốt.

Thế nhưng, việc Trung Quốc có đánh hay không các vị trí của Đài Loan ở ngoài khơi, gồm cả đảo Thái Bình (VN gọi là Ba Bình) ở Trường Sa, hay Đông Sa (Pratas) là điều đang được chú ý.

Ba tàu mới "ra lò", và nhiều tàu nữa đang sắp được hoàn tất chắc chắn sẽ tăng sức mạnh của Hải quân TQ, bất kể đối thủ của họ là ai.