Áp sát Đài Loan, chiến đấu cơ Trung Quốc nhắm hai đích

Thứ Sáu, 23 Tháng Tư 20213:00 SA(Xem: 3886)
Áp sát Đài Loan, chiến đấu cơ Trung Quốc nhắm hai đích

Trung Quốc điều 25 máy bay chiến đấu áp sát Đài Loan dường như nhằm tăng sức ép quân sự lên hòn đảo, đồng thời gửi thông điệp răn đe Mỹ.

Nhóm máy bay quân sự Trung Quốc tiến vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) phía tây nam đảo Đài Loan hôm 12/4 gồm 14 tiêm kích đa năng J-16, bốn tiêm kích J-10, bốn oanh tạc cơ chiến lược H-6K, hai máy bay săn ngầm Y-8 và một máy bay cảnh báo sớm KJ-500, hoạt động ở vùng trời giữa đảo Đài Loan với quần đảo Đông Sa do Đài Bắc quản lý.

Lực lượng phòng vệ Đài Loan cho biết đây là đợt áp sát lớn nhất từ trước tới nay của máy bay quân sự Trung Quốc. Đài Bắc đã triển khai tiêm kích chặn máy bay của Bắc Kinh, trong khi các hệ thống tên lửa phòng không cũng được kích hoạt để giám sát.

Jon Grevatt, nhà phân tích châu Á - Thái Bình Dương tại công ty dữ liệu tình báo Janes, nhận định thành phần máy bay trong đợt áp sát Đài Loan lớn chưa từng thấy này cho thấy quân đội Trung Quốc coi đây là một cuộc tuần tra chiến đấu trên không, nhưng cũng là dịp để phô trương lực lượng nhằm phát thông điệp đến cả Đài Loan lẫn Mỹ.

Tiêm kích Đài Loan kèm oanh tạc cơ Trung Quốc đại lục hồi năm 2020. Ảnh:Cơ quan phòng vệ Đài Loan.

Tiêm kích Đài Loan (trái) giám sát oanh tạc cơ Trung Quốc đại lục hồi năm 2020. Ảnh: Cơ quan phòng vệ Đài Loan.

"Các cuộc tuần tra chiến đấu hoặc trinh sát trên không thường diễn ra trong không phận quốc gia. Bằng hành động này, Trung Quốc rõ ràng coi Đài Loan như sân nhà của họ", Grevatt cho hay, nói thêm rằng một số phi cơ như máy bay săn ngầm còn giúp thu thập thông tin tình báo giá trị.

"Khi tiến vào ADIZ Đài Loan, hoạt động này còn mang ý nghĩa phô trương lực lượng, nhằm chứng minh Trung Quốc sẽ chơi đến cùng và sẽ không lùi bước sau những bình luận của Ngoại trưởng Mỹ", chuyên gia phân tích.

Một ngày trước cuộc áp sát, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Trung Quốc sẽ "mắc sai lầm nghiêm trọng" nếu tìm cách thu hồi đảo Đài Loan bằng vũ lực. Theo chính sách "Một Trung Quốc", Bắc Kinh coi hòn đảo 24 triệu dân là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết.

Blinken còn nhấn mạnh rằng theo Đạo luật Quan hệ với Đài Loan năm 1979, Washington có cam kết lâu dài trong việc đảm bảo "khả năng tự vệ" cho hòn đảo, cũng như hòa bình và an ninh ở khu vực phía tây Thái Bình Dương. "Chúng tôi ủng hộ những cam kết đó", Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố.

Hơn hai tuần trước, vào ngày 26/3, Trung Quốc cũng điều 20 máy bay quân sự áp sát đảo Đài Loan, ngay sau khi Đài Bắc và Washington ký thỏa thuận đầu tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về hợp tác tuần tra trên biển. Trước đó, Trung Quốc đã thông qua đạo luật cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào tàu nước ngoài tại vùng biển mà nước này nêu yêu sách chủ quyền.

Các đợt áp sát gần đây phá vỡ kỷ lục về số máy bay quân sự tiến vào ADIZ Đài Loan của Trung Quốc trong năm 2020. Theo ước tính của tờ Liberty Times trụ sở ở Đài Bắc, hoạt động này đã diễn ra ít nhất trong 86/102 ngày của năm 2021, tính đến hôm 12/4.

Việc không quân Trung Quốc, vốn có lực lượng rất đông đảo, tăng cường hoạt động khiến phòng vệ trên không Đài Loan hứng chịu sức ép rất lớn, trong khi họ chỉ có nhân lực và khí tài ít hơn nhiền. Lãnh đạo cơ quan phòng vệ Đài Loan Khâu Quốc Chính tháng trước cho biết họ có thể phải sử dụng những loại phi cơ khác, thay vì chỉ điều tiêm kích, để ngăn chặn máy bay quân sự của quân đội Trung Quốc hoạt động trong ADIZ Đài Loan, nhằm giảm thiểu các nguy cơ.

Theo chuyên gia quân sự Chu Thần Minh tại Bắc Kinh, đợt áp sát Đài Loan mới nhất của quân đội Trung Quốc nhằm gửi một thông điệp rõ ràng tới hòn đảo.

"Lãnh đạo Thái Anh Văn ngày càng xích lại gần Washington, nên Bắc Kinh sử dụng đợt tuần tra này để cảnh báo hòn đảo không lợi dụng quan hệ thân thiết hơn với Mỹ, trong khi cũng được hưởng lợi ích kinh tế từ Trung Quốc đại lục", Chu Thần Minh nêu ý kiến.

Chieh Chung, giáo sư quan hệ quốc tế và nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Đài Bắc, cho rằng hoạt động của nhóm máy bay Trung Quốc còn có thể mang mục đích tập dượt kịch bản tấn công tàu chiến Mỹ gần hòn đảo.

"Đó là một đội hình tiến công, với máy bay cảnh báo sớm KJ-500 có nhiệm vụ giám sát tình hình, các oanh tạc cơ phóng tên lửa tấn công mục tiêu, trong khi tiêm kích yểm trợ và bảo vệ chúng. Tuy nhiên, do Bắc Kinh không điều máy bay tiếp nhiên liệu nào tham gia đợt tuần tra, đây chỉ là một nhiệm vụ tầm ngắn", Chieh nhận định.

Trong động thái mới nhất về vấn đề Đài Loan, Tổng thống Biden đã cử phái đoàn "không chính thức", gồm cựu thượng nghị sĩ Chris Dodd cùng các cựu thứ trưởng ngoại giao Richard Armitage và James Steinberg, đến hòn đảo nhân kỷ niệm 42 năm ký Đạo luật Quan hệ Đài Loan, văn kiện Biden từng bỏ phiếu thuận khi ông còn là thượng nghị sĩ.

Một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên gọi chuyến thăm này là "tín hiệu riêng" của Biden. "Việc lựa chọn những chính khách cấp cao, đồng thời là bạn bè lâu năm của Đài Loan và thân thiết với Tổng thống Biden, gửi đi tín hiệu quan trọng về cam kết của Mỹ đối với Đài Loan", quan chức này nói.

Bộ Ngoại giao Mỹ cuối tuần trước cũng thông báo sẽ ban hành những hướng dẫn mới, cho phép quan chức Mỹ gặp gỡ tự do hơn với quan chức Đài Loan, động thái tăng cường mối quan hệ bất chấp việc Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự xung quanh hòn đảo.

"Trung Quốc lo ngại về khả năng Mỹ can dự sâu thêm vào vấn đề Đài Loan dưới thời Biden. Họ đang ngày càng tăng áp lực lên hòn đảo, đồng thời gửi thông điệp đến Mỹ rằng tốt hơn hết nên cẩn thận", Bonnie Glaser, nhà phân tích về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định.

Tuy nhiên, giới quan sát chỉ ra rằng bất chấp giọng điệu và những động thái quân sự gần đây, Trung Quốc hiểu rõ rằng việc phát động chiến dịch tấn công đảo Đài Loan có thể sẽ khơi mào cho một cuộc xung đột lâu dài và tốn kém.

Đài Loan tháng trước công bố Đánh giá Phòng thủ 4 năm, trong đó vạch chiến lược bảo vệ hòn đảo trước cuộc tấn công tiềm tàng bằng cách "tập kích kẻ thù trên biển, hủy diệt địch khi tiến vào gần bờ, và xóa sổ lực lượng đổ bộ lên bãi biển". Phòng vệ Đài Loan sở hữu nhiều loại tên lửa, ngư lôi, khí tài hạng nặng có thể thực hiện chiến lược này.

Ngoài ra, Mỹ cũng có thể can thiệp vào cuộc xung đột, khi các nhóm tác chiến tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân và tên lửa sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công để khiến quân đội Trung Quốc hứng chịu thiệt hại nặng.

Christian Le Miere, cố vấn chính sách đối ngoại sáng lập công ty tư vấn chiến lược Arcipel ở London, ước tính Trung Quốc có thể mất hàng nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn binh sĩ nếu tấn công Đài Loan. Đấy là chưa kể đến nhiệm vụ bất khả thi bình định hòn đảo 23,5 triệu dân sau khi chiến dịch quân sự hoàn tất.

Bởi vậy, Miere cho rằng dù không thể loại trừ kịch bản Trung Quốc phát động chiến dịch quân sự vào Đài Loan, đây không phải là thượng sách với Bắc Kinh. Thay vào đó, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ theo đuổi chính sách gây sức ép từ từ, tương tự chiến lược "cải bắp" mà nước này đang thực hiện để gặm nhấm các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông, biển Hoa Đông.

"Với Mỹ và Đài Loan, nhiệm vụ ứng phó với chiến lược cải bắp này sẽ trở nên cấp bách hơn trong ngắn hạn", Miere nói.

Ý kiến bạn đọc
Thứ Hai, 26 Tháng Tư 20214:03 CH
Khách
"Trung Quốc điều 25 máy bay chiến đấu áp sát Đài Loan dường như nhằm tăng sức ép quân sự lên hòn đảo, đồng thời gửi thông điệp răn đe Mỹ." Đúng là như vậy. Nhưng, mục đích chính là tập luyện tác chiến. Trong quá khứ, không quân Trung Quốc (TQ) chưa bao giờ tham dự tác chiến với đầy đũ nhiếu loại phi cơ khác nhau với nhiệm vụ khác nhau, nên rất thiếu kinh nghiệm điều hợp tác chiến (combat coordination), điều kiện quan trọng nhất trong một cuộc hành quân tỗng hợp. Cho nên, dầu có những phi cơ tối tân nhất và lợi hại nhất cũng như phi công toàn là loại siêu đẵng, nhưng, trong một cuộc chiến tỗng lực, kém điều hợp tác chiến cũng thành vô dụng. Điền này cũng áp dụng cho cã lục quân và hãi quân tác chiền riêng rẽ, và sau hết là cã ba quân chũng trong một thế trận tỗng hợp.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn