"Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi"...

Chủ Nhật, 05 Tháng Mười Một 20178:00 CH(Xem: 7347)
"Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi"...

Đoan Trang

Khu chung cư cao cấp Royal City ở Hà Nội những ngày cuối tháng 10/2017 có tới hai chuyện buồn liên quan đến sinh mạng con người. Trong đó, mới nhất là vụ một phụ nữ đơn thân được cho là đã mời một thanh niên đến nhà chơi và bị y sát hại để cướp của. Một số tờ báo lập tức giật tít “đùng đùng”: “Phi công trẻ giết người tình tại chung cư cao cấp”, “Vụ án mạng ở Royal City: kết cục đau lòng khi người phụ nữ khát tình”, “Án mạng ở chung cư: rủi ro của các quý bà tìm giai trẻ”, v.v.

Tôi không muốn nói thêm về vấn đề đạo đức báo chí trong trường hợp này, vì nhiều facebooker đã nói rồi.

Tôi chỉ chạnh lòng nhớ đến hình ảnh ba đứa chúng tôi – Trịnh Hữu Long, Nguyễn Anh Tuấn, và tôi – lần đầu tiên đi nước ngoài cùng nhau vào đầu năm 2013. Chúng tôi hoa mắt giữa siêu thị choáng lộn, nườm nượp người qua lại. Chúng tôi lạc chí chết trong ga tàu điện ngầm. Chúng tôi loay hoay toát mồ hôi mới tìm được lối qua đường trên đại lộ 8 làn xe. Tuy nhiên, có lần tự hỏi xem thực sự thì mình muốn đấu tranh để đạt được cái gì nhất ở Việt Nam, ba đứa đều thống nhất: Chỉ cần người Việt yêu thương nhau, tin tưởng nhau, đối xử với nhau thân ái ở mức như dân Philippines hay Thái Lan thôi, là mừng lắm rồi, hạnh phúc lắm rồi. (Mà muốn đạt điều đó, thì chúng ta đều hiểu là phải xử lý được vấn đề thể chế chính trị, “giải quyết” được cái thứ văn hóa chính trị coi dân hoặc là địch để tiêu diệt hoặc là cừu để vặt lông – vì thế cho nên ta mới phải đấu tranh).

Chúng tôi nghĩ thế, bởi chúng tôi thấy… thèm muốn sự thân thiện trong cách đối xử với nhau, của người dân ở những nước chúng tôi đã đi qua. Ở những nơi đó, họ luôn tận tình chỉ đường cho chúng tôi, với một thái độ tận tình nhất, mỗi khi chúng tôi bị lạc. Họ sẵn sàng nhường chỗ cho chúng tôi, thậm chí ngay cả khi đang cùng xếp hàng, vì “không sao, tôi không vội, tôi chờ được, bạn cứ làm trước đi”.

Ở đó, chúng tôi không phải lo giữ chặt túi xách, mắt lừ lừ cảnh giác khi có ai bất thình lình lại gần. Chúng tôi cũng không lo vào bệnh viện thì bị chỉ sang một khu riêng làm thủ tục thật đủng đỉnh, bởi vì không có tiền trong túi. Chết mặc kệ.

Điều đáng nói là những người Việt ở nước ngoài cũng tốt bụng và đầy sự nhiệt tình giúp đỡ như vậy, nhất là ở xứ Âu-Mỹ. Chúng tôi không lo sưng phổi, chết rét, khi phải đi bộ dưới trời mưa tuyết ở New York hay Toronto, bởi vì kiểu gì cũng có bà con cô bác mang quần áo ấm đến chất đầy vali chúng tôi. Và đặc biệt, chúng tôi có thể đến nhà bất kỳ người nào để tá túc trong nhiều ngày, ăn uống no đủ, khỏi phải thuê khách sạn.

Tôi đã ở nhà rất nhiều người Việt bên Mỹ, Canada, châu Âu. Có lần, tôi còn nghỉ ở nhà một người Mỹ da trắng, nghĩa là hoàn toàn không có gì chung với tôi, kể cả gốc gác. Buổi sáng sớm ngủ dậy, trong lúc cô lúi húi pha cà phê và chuẩn bị đồ ăn, tôi tựa cửa sổ, nhìn xuống con phố với những mái nhà đầy tuyết ở phía dưới, và bần thần nghĩ: “Cách đây mới có nửa năm, bạn mình ở Hà Nội đã bị giết sau khi cho người lạ đến nhà ngủ đêm…”.

Bạn tôi bị kẻ lạ đập chết, cướp của. Sau cái chết của anh, bạn bè ai cũng thương xót và trách anh: “Không hiểu nó nghĩ thế nào lại tha người lạ về nhà cho ngủ”. Câu chuyện cũng gần giống như vụ án mạng vừa rồi ở Royal City, nhưng bạn tôi may mắn hơn chút xíu, không bị báo chí bêu lên tít là “khát tình” này nọ.

Trong khi đó, lẽ ra, nếu ở một xã hội… bình thường, thì việc phụ nữ đơn thân mời đàn ông đến tư gia là bình thường, còn việc giúp đỡ người khác bằng cách cho họ đến nhà ở nhờ là điều tốt, điều thiện nên làm, nhất là khi người ta gặp khó khăn, lỡ độ đường, v.v. Không có bất kỳ cái gì là đáng trách ở đây cả.

Vấn đề cốt lõi, căn bản, là sống ở Việt Nam, người ta không thể tin tưởng vào tính thiện của con người, không thể tin nhau, không thể lường trước rủi ro của việc đặt niềm tin sai chỗ được. Cái lẽ ra là đáng tin nhất, công bằng nhất trong xã hội – pháp luật – còn chẳng tin nổi, chẳng dự đoán nổi, nói gì tới đạo đức.

* * *

Nhưng chính vì thế nên chúng ta, chúng tôi mới phải đấu tranh.

Cá nhân tôi luôn tin rằng, văn hóa, tâm lý dân tộc là cái có thể thay đổi. Nó sẽ thay đổi khi văn hóa chính trị thay đổi. Và văn hóa chính trị thay đổi khi thể chế chính trị thay đổi.

Năm 1967, nhà thơ Trần Vàng Sao viết “Bài thơ của một người yêu nước mình”, trong đó đoạn kết vang lên đầy nhức nhối:

… Đất nước này còn chua xót
Nên trông ngày thống nhất
Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
Lòng vui hôm nay không thấy chật
Tôi yêu đất nước này chân thật
Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi…
”.

50 năm đã qua. Bây giờ, bên này vẫn có những người gọi bên kia là “Bắc Kỳ”, và nói rộng ra trên toàn xã hội, người ta vẫn phải cảnh giác với nhau. Không thể tin nhau. Không thể ra đường mà không bảo quản chặt túi xách. Không thể đi bệnh viện mà không có tiền. Không thể cho người ngoài đến nhà ngủ, “gớm, họ hàng ruột thịt còn chả tin được nhau nữa là”.

Nhưng tôi vẫn tin tất cả những điều đó sẽ thay đổi.

Và, bạn có tin không, từ ngày trở về Việt Nam (đầu năm 2015), tôi đã ở một số lượng nhà nhiều hơn tổng số tất cả các nhà tôi từng trú từ khi sinh ra, và đều là ở nhờ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Hai, 13 Tháng Tám 201810:57 SA
(HNPD) Nhà lầu, dinh thự như chơi, Xây vài chục tỉ là đời lên hương. Công nhân đói rách, tha phương, Cùng nông dân khỏi tìm đường đi đâu,