Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hoàn Cầu Thời Báo nói dù có gia nhập Đảng Cộng sản hay không thì trước tiên đó vẫn là những con người bình thường, và việc đánh đồng một đảng viên với việc người đó làm tình báo, tạo mối nguy về an ninh là "lố bịch, không hiểu biết gì về xã hội Trung Quốc"

Báo chí phương Tây đang mở chiến dịch 'săn lùng' khi loan tin có danh sách tiết lộ chừng 1,95 triệu đảng viên Cộng sản "làm việc cho các cơ quan lãnh sự nước ngoài và chi nhánh các công ty nước ngoài đặt tại Trung Quốc với mục đích hoạt động tình báo", Hoàn Cầu Thời Báo nói.

Cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh trong bài viết hôm 14/12 đặt câu hỏi về tính chính xác của danh sách trên, và nói thêm rằng việc đánh đồng một đảng viên với việc người đó làm tình báo và tạo nên mối nguy về an ninh là "lố bịch và không hiểu biết gì về xã hội Trung Quốc".

Hồ sơ bị tiết lộ

Trước đó, đầu giờ sáng 14/12, giờ Việt Nam, một số tờ báo của Anh và Úc nói rằng có nhiều đảng viên cộng sản đang làm việc tại các cơ quan lãnh sự nước ngoài ở Thượng Hải và tại chi nhánh của các hãng nước ngoài ở Trung Quốc.

Các báo này nhắc tới một bộ hồ sơ ghi danh tính 1,95 triệu người Trung Quốc được cho là đảng viên cộng sản.

Tin tức nói hồ sơ bị lộ có ghi cấp bậc trong đảng, ngày sinh, số chứng minh nhân dân của các cá nhân. Thậm chí số điện thoại của một số người cũng được liệt kê.

Những người này được ghi là làm tại các cơ quan như Boeing, Volkswagen, Pfizer, AstraZeneca, ANZ, HSBC, và lãnh sự quán Anh, Mỹ, Úc tại Thượng Hải, bên cạnh nhiều cơ quan, tổ chức khác.

Hồ sơ được giới đối kháng tại Trung Quốc lấy đi từ một máy chủ tại Thượng Hải năm 2016.

Tháng Chín 2020, họ chuyển cho một nhóm gọi là Inter-Parliamentary Alliance on China, một nhóm tập hợp 150 nghị sĩ các nước có chung lo ngại về Trung Quốc.

Vào tháng Mười, nhóm nghị này chuyển tài liệu cho bốn cơ quan báo chí là The Australian ở Úc, The Sunday Mail ở Anh, De Standaard ở Bỉ và một biên tập viên tại Thụy Điển.

Ngày 14/12, báo Úc The Australian và một số tờ báo bắt đầu đưa tin.

The Sunday Mail của Anh, nơi nhận được hồ sơ, viết rằng hồ sơ ban đầu bị lộ ra trên app Telegram.

Các báo phương Tây nói rõ là đến nay không có bằng chứng là các đảng viên này làm công tác theo dõi tình báo cho Trung Quốc.

Tờ Daily Mail của Anh thậm chí viết rằng việc vào Đảng Cộng sản "là một cách để thăng tiến sự nghiệp ở Trung Quốc".

Tuy nhiên, thông tin này tạo ra lo ngại rằng việc cơ quan nhà nước và tập đoàn Tây phương thuê mướn đảng viên Trung Quốc, có thể khiến xảy ra rủi ro an ninh.

Tại Trung Quốc hiện có hơn 92 triệu đảng viên, và con đường để được kết nạp đảng cũng phải trải qua cạnh tranh gay gắt, Daily Mail viết. "Chưa đến một phần mười những người nộp đơn được duyệt thành công."

Trung Quốc phản bác

Hoàn Cầu Thời Báo đặt câu hỏi về tính chính xác trong hồ sơ trên.

Báo này dẫn lời một trong những người có tên trong danh sách bị tiết lộ, Giáo sư Chen Hong từ Đại học Sư phạm Hoa Đông, nói hôm thứ Hai rằng ông chưa bao giờ là đảng viên Cộng sản Trung Quốc mà là đảng viên một đảng phái khác trong hệ thống chính trị Trung Quốc.

Báo này cũng dẫn lời một số người, nói rằng việc coi đảng viên Cộng sản là rủi ro an ninh là một ví dụ khác cho thấy các thế lực chống Trung Quốc không hiểu biết gì về xã hội nước này.

Một người ẩn danh nói với Hoàn Cầu Thời Báo rằng người này "vào Đảng từ khi còn học đại học", sau đó đi làm cho một hãng nước ngoài và "việc tôi là đảng viên Cộng sản không liên quan gì tới công việc tôi làm".

Một người khác thì nói với dân địa phương, việc vào Đảng Cộng sản "là một vinh dự" khiến người ta muốn "công khai khoe với mọi người", trong lúc với phương Tây thì Đảng Cộng sản bị bôi vẽ thành "một con quái vật".

Hoàn Cầu Thời Báo nói rằng mục tiêu của chiến dịch "săn phù thủy" trên là nhằm làm nhiễu loạn nhận thức của công chúng phương Tây, qua đó ép chính phủ phải áp dụng một số chính sách, mà trong trường hợp này là nhằm "đàn áp các đảng viên Cộng sản".

Đây là "thủ đoạn thường thấy của các thế lực chính trị phương Tây", Hoàn Cầu kết luận.