Chủ tịch Tập Cận Bình

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Chủ tịch Tập Cận Bình được dự kiến sẽ công bố kế hoạch phát triển 15 năm của Trung Quốc tại Hội nghị

Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm thứ Hai bắt đầu nhóm họp một hội nghị trung ương được cho là quan trọng nhất trong năm, kéo dài bốn ngày tại Bắc Kinh với hơn 300 ủy viên trung ương đảng chính thức và dự khuyết tham dự.

Hội nghị Trung ương lần thứ năm của Ban Chấp hành Đảng Cộng sản khóa 19 từ ngày 26/10 đến ngày 29/10/2020 dự kiến chứng kiến việc cường quốc kinh tế thế giới ở châu Á đưa ra kế hoạch phát triển và kinh tế 5 năm của mình.

Đồng thời Chủ tịch Tập Cận Bình cũng được cho là sẽ công bố một kế hoạch dài hạn hơn cho giai đoạn 15 năm tới mà ông gọi là "Tầm nhìn 2035", điều mở ra suy đoán là ông sẽ trở thành "nhà lãnh đạo đảng và nhà nước trọn đời".

Tuy nhiên, trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm thứ Hai từ Hà Nội, một nhà nghiên cứu Trung Quốc học cho rằng ông Tập Cận Bình và ban lãnh đạo đảng và nhà nước Trung Quốc đang đối diện với những thách đố to lớn và chưa từng có từ trước vào chính thời điểm này.

"Trung Quốc đang tuyên truyền rất mạnh mẽ những gì họ muốn thế giới thấy về sức mạnh của mình, nhưng thực chất họ đang gặp đầy rẫy những khó khăn và thách thức," Giáo sư Trần Ngọc Vương từ Đại học Quốc gia Hà nội nói.

"Trung Quốc đúng là một cường quốc rất mạnh đang lên và đảng Cộng sản Trung Quốc công khai tham vọng của mình trên thế giới, nhưng một vấn đề hết sức hệ trọng trong nội bộ của Trung Quốc ít được đảng CSTQ và ban lãnh đạo Tập Cận Bình nói ra hết đó là sự phân hóa cực kỳ sâu sắc về phát triển và thụ hưởng giữa các vùng miền ở nước này.

"Do sự chênh lệch thu nhập và phát triển vùng miền này đi kèm với cư dân, đây là vấn đề rất đáng quan ngại, những vùng đồng bằng, ven biển và đô thị lớn có thu nhập bình quân đầu người rất là cao, có những đơn vị cấp tỉnh thành có thể ngang hàng với một nước giàu có, phát triển ở phương Tây, thậm chí họ có năm, bảy thành phố, đơn vị tỉnh thành như vậy, mà mỗi một đơn vị ấy riêng biệt đã có tiềm năng ngang với một quốc gia ở phương Tây.

"Thì đó là điểm ưu điểm của họ mà họ đã tích lũy nhờ nhiều thập niên phát triển theo đường lối chiến lược từ trước để lại của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, đó là điểm mạnh, nhưng đồng thời ở hơn ba chục tỉnh, thành của Trung Quốc, lại chỉ có mức thu nhập bình quân trên đầu người so với chuẩn của thế giới vẫn là trung bình thấp, cho đến thuộc vào diện nghèo.

"Điều này gây ra một áp lực rất lớn đối với chính quyền Trung ương và là một bài toán đau đầu cho ông Tập Cận Bình và ban lãnh đạo đảng Cộng sản, vì thế cho nên điều hòa giữa những chênh lệch khác biệt trong phát triển và thụ hưởng cực kỳ sâu sắc ấy giữa các vùng miền và các tầng lớp cư dân, mà đảng Cộng sản Trung Quốc tự nhận mình là một nhà nước theo tôn chỉ xã hội xã hội chủ nghĩa mà một trong mục tiêu cuối cùng là sự bình đẳng của người dân, thì sự phân hóa giàu nghèo này trở thành sự phân cực, phân hóa cao nhất thế giới.

"Tầng lớp giàu có mới có thu nhập càng cao bao nhiêu, thì sự chênh lệch với những người sống ở những ngưỡng nghèo, trung bình thấp và những tầng lớp dưới lại càng tương phản và hố giãn cách càng lớn bấy nhiêu.

"Tôi cho rằng đây đã từng là một mâu thuẫn kinh điển trong lòng các xã hội tư bản cổ điển, nhưng Trung Quốc ngày nay là một quốc gia cộng sản chủ nghĩa tự đặt tôn chỉ của mình theo cái gọi là 'xã hội chủ nghĩa hiện đại', nhưng lại để thực tế diễn ra như thế, thì nó chỉ càng tô đậm thêm sự chênh lệch, sự đối kháng ấy và đối kháng giữa các tầng lớp nhân dân càng ngày càng có dấu hiệu sâu sắc và có thể sẽ trở thành những xung đột rất lớn tiềm tàng trong lòng của cường quốc phát triển thiếu cân đối này."

Mỹ vẫn là thách thức lớn, dù ai đắc cử?

Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương khóa 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh đối ngoại quốc tế là chỉ cách ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đúng một tuần, theo Giáo sư Trần Ngọc Vương, chính sách của nước Mỹ đối với Trung Quốc tới đây sẽ tiếp tục là một thách thức lớn đối với Trung Quốc, dù ai trong cặp ứng viên đối thủ giữa Trump và Biden sẽ đắc cử Tổng thống ở kỳ bầu cử 2020.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc học nêu quan điểm với BBC:

"Theo tôi quan sát, đã có một thực tế đối kháng với Trung Quốc với tư cách chống lại một cường quốc có khả năng cạnh tranh trực tiếp với Mỹ đã diễn ra trong thời kỳ Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền bốn năm vừa qua.

"Tới đây dù ai thắng cử trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ sau hôm 03/11/2020, thì dù đó là Donald Trump hay Joe Biden, thì đều không dễ dàng gì cả cho Trung Quốc của ông Tập Cận Bình và đảng Cộng sản đang cầm quyền của ông ấy.

"Tôi cho rằng chính quyền Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống tới sẽ có một sự đối kháng rất mạnh, không chỉ là chống Trung Quốc thông thường mà sẽ là đề phòng cao độ những hiểm họa của Trung Quốc và đó là nhận thức chung của cả hai đảng lớn của Mỹ là Cộng hòa và Dân chủ.

"Hai nhân vật đang tranh cử là Trump và Biden tuy khác nhau rất nhiều điều, nhưng có một việc mà giới quan sát phải thừa nhận rằng họ có điểm chung với nhau, đó là họ và đảng của họ hiện nay, cả Cộng hòa và Dân chủ, đều đề phòng và lo lắng cao độ, đều cảnh giác rất lớn với sức mạnh của thể chế và của nhà nước cộng sản đầy tham vọng của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Tập và ban lãnh đạo do ông đứng đầu.

"Và tôi cho rằng dù là Trump chiến thắng hay Biden đắc cử, thì liên minh của các nhà nước phương Tây, từ Âu sang Á, từ Bắc xuống Nam, và các nhà nước bảo vệ quyền lợi của dân tộc mình theo tinh thần lành mạnh, thì họ đều cộng hưởng với một trong hai chính trị gia này, bất luận ai thắng cử, để bảo vệ sự phát triển và độc lập, tự do và lợi ích quốc gia của mình.

"Và tôi cho rằng tới đây nước Mỹ sẽ củng cố việc trở thành một điểm tựa và trụ cột chung để cho thế giới và các lực lượng tiến bộ và văn minh dựa vào đó để tồn tại và phát triển, trước nguy cơ cạnh tranh và tham vọng của Trung Quốc, bởi vì có thể thấy rõ sự đồng thuận về mặt mô hình nhà nước văn minh, tiến bộ giữa các quốc gia trên thế giới, so và đối chiếu với mô hình nhà nước chuyên quyền, độc đoán, tham vọng, dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc hiện nay, thì rất hiếm khi các quốc gia nào trên thế giới lại đi theo, để chịu ảnh hưởng và cuối cùng để chịu bị tác động gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia then chốt của họ bởi Trung Quốc."

Đả hổ, diệt ruồi, nay thì sao?

Giáo sư Trần Ngọc Vương cho rằng, về mặt nào đó có thể đánh giá là ông Tập Cận Bình từ khi lên cầm quyền đã có những thao tác lãnh đạo, quyền lực có thể tạm cho là thành công với ông và nhóm quyền lực xung quanh ông khi đưa ra các chiến dịch rầm rộ như 'đả hổ, diệt ruồi', với đa mục đích trong đó vừa 'đánh tham nhũng', 'trị quan tham', nhưng cũng qua đó lật đở được nhiều con hổ to, nhỏ, những đối thủ chính trị của ông và phe cánh của ông.

"Nhưng chính điều này cũng sẽ tạo ra cho ông thêm nhiều kẻ thù hoặc đối thủ," nhà nghiên cứu Trung Quốc học nói.

"Và có thể nói là ông Tập Cận Bình đang có rất nhiều kẻ thù và đối thủ chứ không ít đâu, và qua thời gian thì họ cũng biết ẩn mình, náu mình chờ thời, không dễ để cho phát hiện và để được an toàn.

"Nhân đây, tôi cũng nói thêm một khía cạnh nữa là có nhiều nhân vật trung cao trong đảng Cộng sản Trung Quốc cũng bất đồng với đường lối và quyền lực của ông Tập, đặc biệt khi ông có những tham vọng trở thành một nhà lãnh đạo tuyệt đối, tập quyền, chuyên quyền duy nhất và tới cuối đời.

"Họ cũng không tán thành với chính thể với cách thức cầm quyền của đảng Cộng sản Trung Quốc mà đang gây ra đầy rẫy những khó khăn cho chính Trung Quốc do hậu quả của các chính sách đối ngoại tham vọng, bộc lộ ra quá sớm, đồng thời trong nước thì đối xử với nhân dân, vùng miền, với các dân tộc rất thiếu dân chủ và có xu hướng đàn áp, toàn trị, độc đoán, rất nhiều bất mãn đến từ không chỉ các dân tộc ở Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông, hay từ Hong Kong, mà còn từ trong chính trong nội bộ người dân Trung Quốc ở trong cả nước.

"Những chính sách với Đài Loan cũng gây tranh cãi và có thể sẽ đẩy tới những vấn đề hệ trọng tiềm tàng trong tương lai không xa của khu vực và thế giới, nếu tiếp tục cách tư duy và xử lý như hiện nay.

"Những cán bộ đảng viên suy nghĩ như thế có không ít trong nội bộ đảng cầm quyền và chính quyền Trung Quốc từ trung ương tới địa phương và đặc biệt còn có cả lực lượng trí thức tinh hoa, tinh anh rất hiểu biết.

"Những lực lượng trí thức này nhận thức rất rõ bản chất, bộ mặt thật của ban lãnh đạo Tập Cận Bình, của đảng Cộng sản và chính quyền Cộng sản Trung Quốc bây giờ, hiểu rất rõ tham vọng, toan tính, thâu tóm quyền lực độc tôn của ông Tập và tập đoàn quyền lực của ông.

"Đã hết thời họ là những vật trang trí cao cấp của các chính quyền, như từ thời xưa cho đến đặc biệt là bây giờ, và họ rất đông đảo, ông Tập Cận Bình và ban lãnh đạo của ông biết, nhưng sẽ không bao giờ có thể ngăn cản được họ và họ là những tầng lớp tinh anh có thể đóng vai trò nòng cốt cho tương lai tiến bộ và đổi mới của Trung Quốc sau này.

"Trên đây là một số những thách thức mà Tập Cận Bình và giới lãnh đạo Trung Quốc đang đối diện, và từ quan điểm góc nhìn cá nhân, tôi không cho rằng mô hình cầm quyền độc tôn trọn đời của ông Tập cũng như những tham vọng nội trị, bang giao của ông sẽ khả thi, trái lại sẽ rất khó được chấp nhận, nếu như cứ tiếp tục tư duy và hành động theo cách cũ và không có đổi mới, cải tổ gì," Giáo sư Trần Ngọc Vương nói với BBC từ Hà Nội hôm 26/10/2020.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Đời sống và sinh hoạt kinh tế, xã hội ở Trung Quốc đang trở lại bình thường sau Covid-19

Được biết, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất công bố kế hoạch chính sách 5 năm và đã làm như vậy kể từ năm 1953.

Một trong những nội dung chính được đưa ra tại Hội nghị trung ương lần này là kế hoạch 5 năm được cho là rất tham vọng từ 2021-25 của Trung Quốc, trong đó ông Tập Cận Bình sẽ trình bày chi tiết chính sách và các ưu tiên phát triển của cường quốc kinh tế hàng đầu này của thế giới trong 5 năm tới, bên cạnh một tầm nhìn tham vọng tới 15 năm.

Vào ngày họp cuối cùng dự kiến bế mạc hôm 29/10, cơ quan truyền thông nhà nước của Trung Quốc được chờ đợi sẽ thông báo chi tiết về những gì đã được thống nhất bởi các ủy viên trung ương trong kỳ họp.

Hội nghị Trung ương 5 khóa 19 của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang phục hồi sau đợt bùng phát virus có nguồn gốc từ Vũ Hán, trong lúc cuộc sống và các sinh hoạt kinh tế, xã hội ở hầu hết các tỉnh, thành của Trung Quốc đã trở lại bình thường.