Nghĩ về tương lai làm thay đổi thói khất lần?

Thứ Năm, 01 Tháng Hai 20189:00 CH(Xem: 4869)
Nghĩ về tương lai làm thay đổi thói khất lần?
bbc.com

Nghĩ về tương lai làm thay đổi thói khất lần?

Alina Dizik BBC Capital

Mường tượng từng bước của một dự án mà bạn đã bị chậm có thể giúp bạn trở lại với tiến độ, Sridu Pillay nói Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Mường tượng từng bước của một dự án mà bạn đã bị chậm có thể giúp bạn trở lại với tiến độ, Sridu Pillay nói

Một nghiên cứu cho rằng việc hình dung đến ‘tương lai của mình’ có thể chống được sự trì hoãn và đưa ra được những quyết định tốt hơn.

Bạn hãy nhắm mắt và tưởng tượng bạn đang hoàn thành một dự án chán ngấy kéo dài hàng tháng mà bạn đang khổ sở vì nó.

Hãy nghĩ về báo cáo bạn đang chuẩn bị trên mặt bàn, các tài liệu cần in, các cuộc trao đổi phải có để hoàn thành dự án và thậm chí bạn sẽ mặc gì vào ngày trình bày hoặc cảm giác sẽ thế nào khi xong dự án; hình ảnh mà càng sống động trong tâm trí bạn thì càng tốt hơn.

Thao tác này có vẻ đơn giản, nhưng một số nghiên cứu gần đây cho thấy hình dung mình trong tương lai có thể là một cách mới để đánh bại sự lần khân.

Lập luận của nó là thế này: hầu hết chúng ta không thật giỏi trong việc mường tượng ra những hành động ngay trước mắt của ta sẽ ảnh hưởng thế nào đến ta về lâu dài. Nhưng nếu chúng ta liên tục thấy hình ảnh mình trong tương lai và thấy quyết định hàng ngày của ta ảnh hưởng thế nào đến ta trong tương lai, thì nó có thể giúp ta đưa ra các quyết định trước mắt tốt hơn, bởi vì ta dễ dàng tưởng tượng ra những hậu quả lâu dài.


An toàn cho tương lai

Một phần của ý tưởng này là từ nghiên cứu của Hal Hershfield, nhà tâm lý học và phó giáo sư marketing tại Trường Quản trị Anderson của UCLA, người đang nghiên cứu cách nhận thức về thời gian có thể làm thay đổi việc quyết định.

Trong một loạt bốn thử nghiệm, người ta được yêu cầu tương tác với "bản thân trong tương lai" (chân dung họ được thay đổi bằng kỹ thuật số cho thấy hình ảnh họ ở tuổi già) thông qua một chương trình thực tế ảo. Hershfield nhận thấy rằng những người thấy hình ảnh mình trong tương lai sau đó có nhiều khả năng trích tiền cho một tài khoản tiết kiệm tuổi giả.

Hershfield nói rằng chúng ta thường hành xử theo những cách có thể bất lợi cho tương lai: "Nó rất giống với việc ăn uống không lành mạnh ngày nay và chịu hậu quả về sau này."

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Chúng ta không thực sự hiểu rõ những quyết định nhỏ hằng ngày của chúng ta ảnh hưởng như thế nào đến chúng ta về lâu dài, và điều đó cũng áp dụng cho cả việc quản lý thời gian nữa.

Nhưng "khi chúng tôi giúp người ta hình dung và suy nghĩ sâu sắc hơn về bản thân trong tương lai, nó sẽ làm tăng xu thế hành động theo những cách có định hướng tương lai hơn."

Ý tưởng này có thể được áp dụng cho quản lý thời gian. Thí dụ, có thể có cảm giác sẽ không bị ảnh hưởng gì nếu chậm dự án lại một ngày để lướt Facebook vào buổi chiều. Nhưng nếu hình dung bản thân phải đối phó với những căng thẳng tăng thêm do quyết định nhỏ này một khi mà hạn chót là trong một tháng nữa, thì nó sẽ giúp bạn quay trở lại làm việc.

Chắc chắn rằng cách luyện tập này không phải là mới. Cách tưởng tượng bằng hình ảnh cũng được sử dụng trong thể thao, là việc bắt buộc đối với vận động viên Olympics, nhưng nó có thể được áp dụng ở bất cứ đâu trong cuộc sống khi mà bạn đang muốn trì hoãn, Eve-Marie Blouin-Hudon, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Carleton, Canada, người đã công bố nghiên cứu về chủ đề này năm ngoái, nói.

Trong nghiên cứu của mình, bà đã làm việc với 193 sinh viên đại học được phân công, hoặc là thiền định tập trung vào hiện tại hoặc là thiền định hình ảnh tương lai. Bà phát hiện ra rằng những người thường xuyên thực hành hình dung tương lai sẽ có khả năng hiểu bản thân hơn trong tương lai và trải nghiệm cái gọi là "sự liên tục của bản thân" do ít trì hoãn hơn. "Những người trì hoãn thì cảm thấy bị ngắt kết nối với bản thân trong tương lai," bà nói. "Bạn càng tưởng tượng được bản thân trong tương lai thì bạn càng cảm thấy liên kết cảm xúc với bản thân."


Tất nhiên, ý tưởng này không phải lúc nào cũng là điểm then chốt để chấm dứt sự trì hoãn hoặc thay đổi hành vi, bởi vì không phải tất cả những người trì hoãn là vì những lý do như nhau, Hershfield nói thêm. Thay vào đó, hiểu lý do trì hoãn là quan trọng.

Thí dụ, nếu lý do để trì hoãn chỉ đơn giản là bạn không thích làm một công việc nào đó hoặc bạn sợ thất bại, thì hình dung bản thân trong tương lai có thể thậm chí làm cho bạn lo lắng hơn, ông nói. "Nếu bạn đang trì hoãn vì bạn thực sự lo lắng rằng bạn không làm tốt nhiệm vụ đó, thì việc hình dung bản thân trong tương lai có thể làm trầm trọng thêm sự lo lắng."

Vậy sẽ phải làm thế nào?

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Vận động viên trượt tuyết tự do của Mỹ Emily Cook sử dụng hình ảnh trong óc để hình dung từng động tác nhảy xoắn người của cô.

Srini Pillay, trợ lý giáo sư tâm thần học tại Trường Y Harvard và tác giả của Tinker Dabble Doodle Try, đã xây dựng một phương pháp để tăng cường hành vi này.

Ông đề xuất là hình dung việc hoàn thành toàn bộ dự án bằng cách chú ý đến từng bước của công việc, chứ không chỉ vào kết quả cuối cùng. "Điều tưởng tượng không phải là thời đưa tay đón thành quả, mà là việc làm thực tế cho dự án như thế nào," ông nói.

Hãy lựa chọn một cảnh không những chỉ cụ thể mà còn có thể tin được để bộ não của bạn có thể xử lý được hình tượng tốt hơn. "Hãy tưởng tượng cái gì đó thực tế và phù hợp với con người bạn," ông nói.

Ông đề nghị cố gắng hình dung cả ở cương vị bản thân (bạn đang trải nghiệm kịch bản) và ở cương vị người thứ ba (bạn đang theo dõi bản thân mình trải nghiệm), hai hình ảnh này có thể giúp bạn củng cố quang cảnh mà bạn đang tưởng tượng, Pillay nói. Ông khuyên nên chọn một thời điểm trong ngày, khi mà tâm trí đang trong tình trạng "suy giảm tự nhiên" như vào giữa buổi chiều, và dành 15 phút mỗi ngày cho việc tập luyện này.

Đừng chờ đợi có thể làm chủ việc tập luyện hình dung này trong một buổi. Công việc này có thể là căng thẳng với một số người, Blouin-Hudon, người hướng dẫn các buổi mường tượng bằng hình ảnh, cho hay. Bà khuyên người ta nên lặp lại các buổi tập cho đến khi cảm thấy việc này là thoải mái hơn.

Tất nhiên, không phải tất cả mọi người đều có khả năng tưởng tượng ra những điều khó khăn. Thực hành này lại khó khăn hơn khi các lý do của sự trì hoãn là mơ hồ hoặc khó hiểu hơn.

Cuối cùng, việc rèn luyện có thể giúp bạn hiểu tại sao bạn đang trì hoãn về một thứ mà bạn đang cố gắng đạt được và giúp bạn tiến lên phía trước, Pillay nói.

"Sửa lại trí tưởng tượng của bạn sẽ làm bật mạch nghĩ không tập trung này lên, và giúp bạn tập hợp lại được các mảnh ghép bị thiếu," Pillay nói.

Bài tiếng Anh trên BBC Capital

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn