“Mốt” của truyền thông

Thứ Tư, 31 Tháng Giêng 20187:00 SA(Xem: 5660)
“Mốt” của truyền thông

Nhân vật chính hôm nay là một khoảnh đất trống khá bự men theo đường “làng” tôi. Nếu ở ngoài đường lớn “nó” sẽ là một cái vỉa hè đầy ấn tượng tiện dụng cho người đi bộ;  béo bở cho các hàng quán lề đường, cho các ông chủ doanh nghiệp kinh doanh ngành… giữ xe. Đặc biệt không thể quên, người được lợi nhất vẫn là các đơn vị phường quận nơi nó “cư trú”. Khi đó, mỗi mét vuông của nó sẽ “đáng giá ngàn vàng”, hơn hẳn cái ngàn vàng của cô Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Vì cổ chỉ bán một lần và không tăng giá theo thời gian cho thuê…

mot-cua-truyen-thong7
Khoảnh đất buổi sáng

Tiếc là “làng” tôi ở trong một cái hẻm bự, cái khoảnh đất trống kia cũng cùng số phận vì nó ở đối diện nhà tôi. Lúc này, hiển nhiên nó bị “mất giá” đôi chút so với bạn bè “đồng trang lứa” đang “cư ngụ” ngoài các con đường lớn. Những người buôn bán, làm ăn trên khoảnh đất đó đa phần là dân kỳ cựu trong xóm, có “số” lắm mới chiếm dụng được một khúc. Khoảnh đất vô tư kia cứ như một nhà bếp tập thể, cứ mỗi giấc thì mỗi người chia nhau một khúc đất để “nấu nướng”, sau khi xong việc thì thu dọn sạch sẽ trước khi người khác vào làm việc của họ. Không biết từ bao giờ mà trở thành một cái nếp hiển nhiên, mỗi ngày mỗi giờ sẽ xảy ra như thế. Hôm nào người này không dọn hàng ra thì có ngay người thế chỗ. Lâu lâu cũng có người mới đến “làm thân” muốn “chiếm” thì những người trong xóm (dẫu buôn bán hay không) đồng loạt trao tặng những ánh mắt kỳ thị, họ đành tự rút lui. Nhờ vậy mà không khí luôn vui vẻ, bình yên, sạch sẽ và cũng chẳng ai sợ có người đến làm khó dễ. Người ta hay nói “rừng nào cọp nấy” chẳng sai. Chính vì thế mà túi những kẻ “đầy tớ nhân dân” nơi khoảnh đất “cư ngụ” lại không thể dày lên được bi nhiêu do “Đa số là buôn bán nhỏ” với  “Quen biết không hà! Thu cái gì?”. Chỉ có chủ quán nhậu buổi chiều, lâu lâu dâng vài “thang thuốc bổ”, gọi là… lệ làng.

mot-cua-truyen-thong6
Khoảnh đất buổi trưa

Khoảnh đất như một người bận rộn,  cần mẫn làm nhiều “jobs” mỗi ngày và liên tục để nuôi cả xóm. Sáng thì được chia làm ba, một bên là quán cơm tấm, một bên bán hủ tiếu, bánh canh, ở giữa thì là sạp bán trái cây “bệt” (cũng giống giống như mấy chỗ bán cà phê bệt ngoài trung tâm SG vì người bán và người mua đều ngồi bệt “giao dịch”). Trưa thì được chia làm hai, một bên là xe nước mía một bên là “vựa ve chai” bự nhất (vì duy nhất) xóm. Chiều nó được một quán nhậu toàn quyền quyết định tâm tư nửa ngày còn lại. Quán đông thì nó nhộn nhịp tưng bừng còn quán vắng thì nó hiu hắt, chỏng chơ nghe mấy cái ghế tâm sự chuyện đời. Mỗi lần ra khỏi nhà là chúng tôi lại gặp nhau, mỗi lần gặp tôi thì nó lại “say hi” bằng một… mùi thức ăn khác nhau. Buổi sáng là mùi sườn nướng, mùi nước lèo thơm ngào ngạt. Buổi trưa thì mùi tắc xay với nước mía, mùi cà phê rang nứt mũi, mùi nhựa ve chai bị phơi dưới nắng chảy… mỡ. Buổi chiều thì nghe mùi ốc nướng, mùi lẩu, mùi rượu bia…

mot-cua-truyen-thong5
Khoảnh đất buổi chiều

Mặc dầu mỗi khi đi đâu, làm gì thì điều làm tôi trăn trở nhất vẫn là thức ăn ở đó có ngon không. Tuy nhiên từ khi về đây, điều làm tôi cảm thấy sợ hãi nhất lại là… đồ ăn. Vì nó có ở khắp mọi nơi. Không phải sợ vì ngán mà là sợ vì…  thèm. Món nào cũng hấp dẫn và giá cả vô cùng hữu nghị vì “Bán toàn người quen, mắc ai mua?”. Đó là chưa kể, quanh xóm tôi cứ vài mét vuông là có cả chục quán ăn. Ai gặp tôi cũng cười toe toét vẫy tay, hỏi han đầy thân thiện. Trong cái rủi có cái không… may, nhờ các lời chào “thân thiện” đó mà một tuần tôi đã lên tới hai… ký khi một năm tập gym tôi chẳng giảm được gram nào! Phần lớn 2 ký mỡ trên là nhờ ơn của khoảnh đất trước nhà tôi. Trong một phút đau khổ, tôi tự hỏi nếu “làng” tôi ở quận 1, thì tôi có nên làm một tờ đơn nhờ ông phó chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải mang “quân” đến dẹp gọn nơi này không. Nhắc tới ông Hải không phải là tôi “thầm thương trộm nhớ” ổng mà là gần đây nghe tin phong phanh trên báo là ổng từ chức, cũng nhiều người xót thương tiếc rẻ, coi ổng là một huyền thoại, một anh hùng của tp Hồ Chí Minh 40 năm qua chỉ có một người. Tuy đến thời điểm tôi viết bài viết này thì chuyện ông Hải có thật sự từ chức hay không vẫn còn rất bí ẩn và nhiều lời đồn đoán. Nhưng tôi rất có ấn tượng về “hành trình” của ông đến (và đi khỏi) lòng dân Sài Gòn.

mot-cua-truyen-thong4
Tháo dỡ nhà dân nhưng…

Đầu tiên là về hình ảnh:  Ông luôn xuất hiện chỉn chu với quần tây và áo sơ mi trắng, mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi đi ăn cưới của một vị hoa hậu và đại gia có tiếng. Cái áo trắng của ông nổi tiếng đến nỗi lâu lâu ông không xuất hiện liền có người đồn ông mắc đi… giặt. Hoặc có hồi ông hứa nếu không dẹp được vỉa hè ông cởi áo về vườn thì dân tình ai cũng thắc mắc sau khi cởi áo trắng ông sẽ mặc áo màu gì?

Có một thời gian, nhiều bà mẹ “bỉm sữa” đã lấy hình ông để răn đe con trẻ khi chúng không nghe lời. Vì mặt ông lúc nào cũng ngầu, mắt trợn ngược, mặt hầm hừ. Ngầu lắm, đến tôi còn sợ hãi. Hình ảnh kế tiếp khi người ta nghĩ đến ông là hình ảnh từ các clip ông đi đến đâu thì các bậc tam cấp, bậc thềm, tường nhà, biển hiệu, mái hiên tan hoang đến đó. Đội quân hùng hậu không chỉ vài ba tay “lính lác” của phường, quận như người ta vẫn nghĩ mà là cả một tập đoàn máy khoan, xe cẩu, biệt đội đánh thuê anh dũng. Anh dũng đến nỗi nó tạo nên một hiệu ứng đập phá và cướp bóc lan nhanh khắp Sài Gòn. Tuy nhiên tôi cũng rất ngưỡng mộ ông, vị lãnh đạo đầu tiên (và duy nhất đến nay) mở rộng phong trào “live stream cùng lãnh đạo”, nhờ vậy mà hình ảnh của ông được nhiều người dân nhìn nhận một cách chân thực hơn là nhiều lãnh đạo khác, lâu lâu chỉ xuất hiện phát ngôn trên báo hoặc trong… tòa. Các clip cho thấy ông rất cứng rắn với dân, bắt luôn xe của anh taxi phải đi nhà vệ sinh vội, tịch thu xe cá viên chiên của ông cụ già trên đường Nguyễn Trãi, nhưng lại bỏ qua cho xe ngoại giao, mặc kệ các bà con đến quận yêu cầu từ chức, cách chức nhà báo vì dám thắc mắc sao ông có đồng hồ giá bằng cả gia tài…

mot-cua-truyen-thong3
… không phạt xe ngoại giao

Thứ hai là về tư cách: Quả thật lúc đầu khi ông Hải nói từ chức tôi đã rất… vui và cảm động. Vì không biết sau bao nhiêu năm qua, ông là người hiếm có, dám từ chức. Nhưng, lại nhưng! Sau phát ngôn từ chức mấy ngày thì ông Hải lại vẻ vang lên báo với dòng tiêu đề: “Ông Đoàn Ngọc Hải đình chỉ 48 bãi giữ xe ‘sân sau’ của quận 1” kèm lời bạt được in hoa tô đậm trên hầu hết các mặt báo VN “Lần đầu lên tiếng sau đơn từ chức, ông Đoàn Ngọc Hải cho biết sẽ đình chỉ ngay 48 bãi xe do các đơn vị của quận 1 đứng tên, trong hôm nay.” Chính ông Đoàn Ngọc Hải nói với báo chí ngày 11/1/2018 rằng không chỉ 48 bãi xe mà hơn thế rất nhiều cũng “không có giấy tờ gì hết” và “lâu nay đã được các phường làm ngơ cho hoạt động”. Trong khi mọi người tung hô ông ta lên tận mây xanh thì tôi giật mình, tại sao ông không làm việc này đầu tiên khi mới “ra quân”?

mot-cua-truyen-thong2
Ông Hải đi đám cưới, đại gia vẫn mặc sơ mi trắng quần tây

Một sự thật là không phải các mái hiên, các bậc tam cấp, mấy xe cá viên làm chật chội vỉa hè mà chính là các bãi giữ xe mang danh “của phường, của quận, của các đơn vị” này. Một quận nhỏ trung tâm thành phố mà tìm được 48 điểm (trước đó ông Hải còn chia sẻ với báo chí rằng ông “đã dẹp đến 22 bãi giữ xe “vô pháp vô thiên” kể từ dạo ra quân “giành lại vỉa hè” và “sóng gió cũng bắt đầu nổi lên từ đây” (trích lời ông Hải). Đó là vẫn kể đến các điểm chưa ai sờ tới ở khắp các quận giữa thành phố xe nhiều hơn người này. Tại sao ông nhắm ngay vào người dân suốt chặng đường dài rồi đến cuối con đường ông mới làm việc cần làm nhất? Tại sao khi đập phá nhà dân ông không hề nhân nhượng, không có một thông báo cụ thể dân vi phạm ở đâu, không đưa ra một kỳ hạn cho dân tự di dời (xem các clip do báo Tuổi Trẻ, Thanh niên quay lại các bạn sẽ thấy có rất nhiều người dân đối chất rằng ông Hải không gửi thông báo, công văn, không cho thời hạn di dời gì cả). Sau khi dẹp xong lại “căng ô”, tính tiền từng mét vuông với các hộ dân, bắt họ thuê lại đất vỉa hè ngay trước cửa nhà, cửa hàng của mình nếu muốn được đỗ xe. Nhưng khi đụng đến mấy cái bãi giữ xe kia lại im ắng một cách đáng ngờ như thế? Không có hình ảnh gì cho thấy đây là hành động của một ông “phá chủ tịch” huyền thoại cả. Những hình ảnh trên báo lại quay về thời “mị dân” truyền thống, như thúc giục: tất cả nhân dân hãy cúi đầu cám ơn ông Hải, vì ông ta đã cho một vỉa hè thông thoáng chỉ sau một đêm. Hãy bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tiếc thương cho một người hùng! Như cách mà người ta đang lèo lái dư luận tung hô ông tổng bí thư không tham nhũng nên hô hào chống tham nhũng, ông Đinh La Thăng hào sảng, ông Trịnh Xuân Thanh đáng thương vậy… Người dân Việt Nam sau bao nhiêu năm sống với internet, lực lượng K47 mà vẫn bị mấy cái “mốt” lỗi thời của truyền thông xoay như chong chóng là vậy! Như cách nói của anh Đàm Hà Phú, bạn tôi, thì: “Đồng bào mình nhân hậu quá, đánh kẻ chạy đi chớ không đánh người chạy chọt… xăng tăng, thuế tăng, giá cả tăng, đời sống khó khăn, BÓT đồn dày đặc… đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên với nợ nần, nghèo đói lạc hậu và kém văn minh, y tế giáo dục môi trường đều đội sổ… là nhờ ơn các vị anh hùng hào sảng đó, nhờ thầy trò nhà đó đó… đồng bào nhân hậu à!”

mot-cua-truyen-thong1
“Chị ơi ship cho tôi một ly hột é qua quận 8!”

Nhìn lại chuyện ông Hải tôi bỗng thấy thương khoảnh đất đối diện nhà mình trở lại. Nó mà bị dẹp rồi tôi không biết ăn sáng, bán ve chai hay… nhậu ở đâu cho ngon, bổ, rẻ, dễ… mắng vốn trong cái xã hội đầy lừa lọc này. Suy cho cùng, dân Việt dẫu quan chức hay người buôn gánh bán bưng hay ngồi bàn giấy đều khổ và trầy trụa vì “miếng ăn”. Nhất là khi họ cùng ở chung trong một nước nghèo nàn lạc hậu, quy hoạch chắp vá, thực phẩm bẩn tràn lan, luật pháp như một diễn viên hài. Tôi cũng không nằm ngoài quy luật đó, chỉ khác là miếng ăn mỗi bữa của tôi chỉ vòng vòng khoảng vài chục, vài trăm ngàn đổ lại là sang chảnh lắm rồi, còn các vị quan chức phải từ vài tỷ đến vài ngàn tỷ mới gọi là “ăn”. Viết xong bài, ăn xong tô bún, tôi đưa hình ảnh cái khoảnh đất đối diện nhà tôi cho một người bạn ở Mỹ xem, khoe cảnh thay đổi sáng, trưa, chiều của nó. Nói sẽ viết về nó. Anh ta liền tạt nước: “Đi khỏi Việt Nam 20 năm mà nó vẫn y như vậy, không thay đổi!” Tôi hỏi lại:“Anh nhìn chỗ nào?” Anh ta nói: “Quần áo, phương tiện…” Tôi liền gợi ý: “Hay anh thử nhìn chỗ khác xem, 20 năm lận mà…”

mot-cua-truyen-thong
Trái cây “bệt”

DU

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn