Công nghệ kiểm soát người dân đáng sợ của ĐCSTQ sắp hoàn thiện

Thứ Tư, 26 Tháng Tám 20207:00 CH(Xem: 3542)
Công nghệ kiểm soát người dân đáng sợ của ĐCSTQ sắp hoàn thiện
Trong nhiều tháng gần đây, một loạt các bằng chứng và nhân chứng đã cho thấy hành vi đàn áp tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với người dân tộc thiểu số tại Tân Cương. Theo đó, hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ tùy tiện, bị sát hại, tra tấn và đối xử vô nhân đạo trong trại tập trung, họ bị cưỡng ép lao động, ép buộc tách con cái khỏi cha mẹ, bị thu hoạch nội tạng. Ở cả trong và ngoài trại tập trung, họ bị cưỡng chế triệt sản và thu thập các thông tin sinh trắc học như mẫu ADN, mẫu máu. Hơn thế nữa, Đại sứ Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ Sam Brownback còn chỉ ra rằng với công nghệ kiểm soát người dân một cách toàn diện đang được hoàn thiện trong tương lai gần, thì ĐCSTQ rồi sẽ không cần phải dùng đến những trại tập trung nữa, mà sẽ cô lập và thao túng công dân ngay trong xã hội mà họ sinh sống.
Sam Brownback: Công nghệ kiểm soát người dân đáng sợ của ĐCSTQ sắp hoàn thiện
Dòng người đi lại trên đường phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Shutterstock)

Theo Forbes, ông Sam Brownback nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Tổ chức Cảnh sát kỹ thuật số của ĐCSTQ được thực thi cụ thể bởi ông Trần Toàn Quốc, bí thư Khu ủy Khu tự trị Tân Cương tại Tân Cương, người đã thực thi hoạt động cảnh sát kỹ thuật số nhà nước đối với người dân Tân Cương. Ông ta đã làm điều đó trước đây ở Tây Tạng. Ông ta lại đang làm điều đó tại Tân Cương.”

Ông Sam Brownback cho biết, hệ thống kiểm soát công dân hiện tại được ĐCSTQ gọi là nền tảng hoạt động tích hợp chung (IJOP – Integrated Joint Operations Platform). Nền tảng này sử dụng trí tuệ nhân tạo, hệ thống camera giám sát và công nghệ dữ liệu lớn để quản lý giám sát người dân Trung Quốc. Thông tin về người dân bao gồm từ hình ảnh nhận dạng khuôn mặt, tới địa vị xã hội, tình hình kinh tế, trình độ học vấn, quan điểm chính trị, mối liên hệ với các cá nhân nước ngoài cho đến cả thông tin về sức khỏe, máu, ADN, thậm chí cả những nơi họ đi tới trong cuộc sống hàng ngày như trường học, cơ quan, cửa hàng, v.v.. hay việc họ có sử dụng biện pháp tránh thai hay không. Hệ thống này kết hợp với hệ thống điểm số tín nhiệm xã hội đã trở thành một công nghệ kiểm soát người dân đáng sợ.

Ông Sam Brownback nhận xét: “Tương lai của hoạt động áp bức, đặc biệt là áp bức tôn giáo, sẽ là ít người bị bắt nhốt hơn, và nhiều người bị cô lập tại xã hội thông qua các hệ thống công nghệ cao này hơn. Và đó là điều mà chúng tôi thực sự muốn đấu tranh đến cùng trước khi nó được phát triển mở rộng bởi các chính phủ độc tài.”

“Đây là một viễn cảnh rất đáng sợ về những gì [chế độ] Trung Quốc đã áp đặt lên chính Trung Quốc. Và chúng tôi không muốn thấy hệ thống áp bức này được xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các nơi khác trên thế giới chứ không riêng gì người dân ở Tân Cương.”

Ông Sam Brownback khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thúc bách ĐCSTQ về vấn đề đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ một cách mạnh mẽ và trên tất cả các diễn đàn đa phương. Ông cũng nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ cũng không quên các cộng đồng tín ngưỡng khác ở Trung Quốc, bao gồm cộng đồng Công giáo, Nhà thờ tại gia, cộng đồng Tin Lành, Pháp Luân Công và Phật giáo Tây Tạng.

Ngày 9/7/2020, chính phủ Hoa Kỳ đã áp đặt chế tài lên các quan chức cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Tân Cương là: Bí thư khu ủy Khu tự trị Tân Cương, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo); cựu Phó Bí thư khu ủy Tân Cương, đương kim phó chủ tịch cơ quan lập pháp Tân Cương Chu Hải Luân (Zhu Hailun); Giám đốc kiêm Bí thư Cục Công an Tân Cương Vương Minh Sơn (Wang Mingshan); và cựu Bí thư Cục Công an Tân Cương Hoắc Lưu Quân (Huo Liujun).

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng tuyên bố hạn chế thị thực đối với “các quan chức khác của ĐCSTQ, được cho là chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa trong việc giam giữ hoặc lạm dụng bất hợp pháp người Duy Ngô Nhĩ, người dân tộc Kazakhs và thành viên của các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương”.

Phản ứng lại, Bắc Kinh ngay lập tức tuyên bố sẽ áp dụng các “chế tài tương ứng” nhắm vào 4 chính trị gia Hoa Kỳ, bao gồm hai thượng nghị sĩ, một dân biểu và một đại sứ tôn giáo Hoa Kỳ. Các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh sẽ nhằm vào thượng nghị sĩ Ted Cruz, thượng nghị sĩ Marco Rubio, Dân biểu Chris Smith, và Đại sứ lưu động Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế Sam Brownback. Cả bốn đều là thành viên của Đảng Cộng hòa. Tuy nhiên chế độ Trung Quốc không tuyên bố rõ ràng họ sẽ áp dụng chế tài nào đối với 4 chính trị gia của Hoa Kỳ.

Đến ngày 31/7, Bộ Tài chính Hoa Kỳ tiếp tục tuyên bố liệt vào danh sách đen Tập đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC), cùng với ông Tôn Kim Long (Sun Jinlong), cựu bí thư đảng ủy XPCC và ông Bành Gia Thụy (Peng Jiarui), phó bí thư kiêm chỉ huy XPCC. Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc XPCC và các ông Tôn Kim Long, Bành Gia Thụy có liên quan tới hành vi lạm dụng nhân quyền các cộng đồng thiểu số tại Tân Cương.

Mặt khác, ngày 7/8, Bộ Tài chính Hoa Kỳ tuyên bố chế tài quan chức ĐCSTQ và quan chức chính phủ Hồng Kông tham gia và phá hoại mức độ tự trị cao của Hồng Kông; 11 người được liệt vào danh sách này như Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc Trung ương tại Hồng Kông Lạc Huệ Ninh, Chủ nhiệm Văn phòng sự vụ Hồng Kông & Ma Cao Hạ Bảo Long, v.v..

Rõ ràng, phản ứng của ĐCSTQ đã không khiến Hoa Kỳ chùn bước. Ông Sam Brownback tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hối thúc Trung Quốc thú nhận tội lạm dụng quyền con người và quyền tự do tôn giáo của họ… Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi việc lạm dụng nhân quyền, lạm dụng tự do tín ngưỡng tại Trung Quốc.”

Mặc dù các bước đi của Hoa Kỳ chủ động hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, nhưng nó không thể chỉ dừng lại ở các lệnh trừng phạt đối với một số ít cá nhân. Nhu cầu hành động chung trở nên ngày càng cấp thiết để đáp ứng lại tình thế thảm khốc của các nhóm thiểu số tín ngưỡng ở Trung Quốc.

Theo “The Chinese Communist Party’s Fall From Grace Over Mass Atrocities In Xinjiang“, Forbes
Minh Nhật biên tập

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn