Đây là cách một 'viên đạn Made in China' đã găm vào thân thể của gã khổng lồ Foxconn

Thứ Bảy, 08 Tháng Tám 20207:00 CH(Xem: 3628)
Đây là cách một 'viên đạn Made in China' đã găm vào thân thể của gã khổng lồ Foxconn
Đây là cách một 'viên đạn Made in China' đã găm vào thân thể của gã khổng lồ Foxconn

Một nữ công nhân nhỏ bé đã tìm ra cách gây dựng cơ nghiệp dưới đôi cánh khổng lồ của Foxconn, để từ đó vươn lên trở thành đối thủ ngang tài ngang sức.

Vào tháng 10 năm 1988, Terry Gou (hay Quách Đài Minh) cuối cùng đã đứng vững chân trên vùng đất Longhua, Thâm Quyến. Một nhà máy với quy mô hơn một trăm người đã sẵn sàng vươn lên trên vùng đất hoang này. Thời điểm này sau đó trong lịch sử được gọi là những năm khởi nghiệp đầu tiên của doanh nhân Đài Loan.

Lúc đó, Terry Gou có thể đã không nhận ra được Foxconn sẽ mang lại lợi ích bao nhiêu cho ngành sản xuất ở Trung Quốc, hay bao nhiêu nhân tài sản xuất điện tử và bao nhiêu thực tập sinh ở nhà máy sẽ được đào tạo ra sau đó.

Và trong năm đầu tiên của nhà máy Thâm Quyến Longhua này, có một nữ công nhân khiêm nhường. Cô là đợt công nhân đầu tiên của Foxconn ở Trung Quốc, năm đó chỉ mới 21 tuổi.

Đây là cách một viên đạn Made in China đã găm vào thân thể của gã khổng lồ Foxconn - Ảnh 1.

Wang Laichun

Chín năm sau, cựu nữ công nhân đã được đề bạt làm "trưởng phòng" - vị trí cao nhất mà một quản lý người Trung Quốc có thể đạt được trong một công ty Đài Loan. Khi đã có đủ kinh nghiệm, cô chọn rời đi và cùng với anh trai mình mua lại công ty Hong Kong Luxshare. Nữ công nhân này tên là Wang Laichun, và công ty sau này được biết tới với tên gọi là Luxshare Precision.

Sau khi mua lại Hong Kong Luxshare, Wang Laichun bắt đầu sử dụng những gì mình thấy và học được ở Foxconn, quyết định chọn bắt đầu với việc kết nối với xưởng đúc cũ nơi mình từng làm việc. Năm 2004, Wang Laichun thành lập Luxshare Precision tại Thâm Quyến và sớm trở thành một công ty Trung Quốc. Năm 2010, Luxshare Precision đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán Thâm Quyến và người sáng lập Wang Laichun sở hữu số tài sản trị giá 2,3 tỷ nhân dân tệ.

Từ một người học việc cũ tại Foxconn, sau hơn 20 năm, cuối cùng cô đã trở thành một đối thủ có thể cạnh tranh với bậc thầy chính thức của mình. Đó là khi Luxshare Precision lọt vào danh sách các công ty OEM iPhone.

Vào tối ngày 17/7 vừa qua, Luxshare Precision đã đưa ra một thông báo cho biết đã lên kế hoạch mua 100% vốn của Công ty TNHH Đầu tư Wistron (Giang Tô) và Công ty TNHH Wistron (Kunshan) với giá 3,3 tỷ nhân dân tệ. Luxshare Precision có kế hoạch đầu tư không quá 600 triệu nhân dân tệ và có kế hoạch hoàn thành các giao dịch liên quan trước cuối năm 2020. Sau khi hoàn thành giao dịch này, Luxshare Precision cũng sẽ trở thành nhà sản xuất iPhone đầu tiên tại Trung Quốc đại lục.

Trước đây, việc sản xuất iPhone được các nhà sản xuất Đài Loan độc quyền. Theo tính toán của công ty tư vấn chứng khoán Yuanta, tỷ lệ của Hon Hai Precision cao hơn 70%, Pegatron (Đài Loan) vượt quá 20% và cổ phần của Wistron Đài Loan là dưới 5%. Và sự xuất hiện của Luxshare Precision đã được tờ Nikkei gọi là "cuộc phản công" của các công ty Trung Quốc, nhằm chấm dứt lịch sử độc quyền trong sản xuất iPhone của các công ty Đài Loan.

Foxconn đã từng xây dựng một pháo đài sản xuất khổng lồ, nhưng bây giờ những viên gạch của pháo đài này đang lỏng lẻo.

Những đòn tấn công chính xác của Luxshare

Đây là cách một viên đạn Made in China đã găm vào thân thể của gã khổng lồ Foxconn - Ảnh 2.

Luxshare lựa chọn đi từ sản xuất phụ kiện dần tiến lên các sản phẩm chủ chốt của Apple như iPad, iPhone.

 Là một "người học việc", Luxshare Precision đã tái tạo gần như hoàn hảo con đường phát triển của Foxconn. Wang Laichun rõ ràng đã học hỏi và nhìn thấu được bản chất của Foxconn trong suốt sự nghiệp của mình ở công ty này. Tất nhiên, bà giờ đây không ngại đề cập tới điều này và đã nhiều lần tuyên bố công khai rằng sự phát triển của công ty đã được học hỏi từ mô hình của Hon Hai.

Sau khi được niêm yết trên thị trường chứng khoán Thâm Quyến năm 2010, có đủ tiền, Luxshare bắt đầu một loạt các vụ mua lại và cổ phần hóa. Năm 2011, mua lại Kunshan Liantao Electronics và gia nhập chuỗi cung ứng của Apple. Năm 2012, mua lại một công ty khác trong tình huống đôi bên cùng có lợi, để tham gia vào lĩnh vực PFC (bảng mạch linh hoạt). Năm 2013, trở thành cổ đông của nhà sản xuất linh kiện điện tử Đài Loan. Năm 2013, mua lại SUK, một công ty phụ tùng nhựa ô tô của Đức và tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất xe hơi hạng sang.

Ngoài ra, Luxshare còn có các thương vụ mua lại trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử và linh kiện ô tô, từng bước mở rộng ranh giới kinh doanh của mình. Thương vụ quan trọng gần đây nhất là Luxshare Precision đã lấn sân sang lĩnh vực linh kiện âm thanh và lắp ráp, thông qua việc mua lại nhà máy sản xuất linh kiện âm thanh Melody Tô Châu năm 2017. Với động thái này, Luxshare đã thành công gia nhập chuỗi cung ứng âm thanh của Apple và trở thành nhà sản xuất tai nghe AirPods cho công ty Mỹ.

Từ năm 2017 đến 2019, giá cổ phiếu của Luxshare liên tục cất cánh. Cho đến nay, công ty đã trở thành đơn vị sản xuất lớn nhất cho dòng tai nghe AirPods. Tính đến thời điểm hiện tại, giá trị thị trường của Luxshare Precision đã xấp xỉ 57 tỷ USD, trong khi giá trị thị trường của Hon Hai Precision đang dao động trong khoảng từ 30 đến 40 tỷ USD trong những năm gần đây.

Không thể phủ nhận rằng Luxshare Precision đã phát triển dưới đôi cánh của Hon Hai. Trong những năm đầu tiên, phần lớn doanh thu của Luxshare đến từ bộ phận xưởng đúc được kết nối với Honhai, sản xuất một phần linh kiện sau đó bàn giao cho Foxconn để hoàn thiện. Bản cáo bạch năm 2010 cho thấy doanh thu Luxshare, từ Foxconn đã vượt quá 45% trong ba năm liên tiếp và e trai của Terry Guo là Taiqiang Guo cũng trở thành cổ đông lớn thứ ba của Luxshare, ngay trong đêm trước khi công ty niêm yết.

Với chính sách "mua, mua và mua", Luxshare trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử và trở thành một trong những nhà cung cấp cốt lõi của Apple. Thông qua việc mua lại nhà máy của Wistron, Luxshare cuối cùng đã bước vào lĩnh vực OEM.

So với các dòng sản phẩm như AirPods và Apple Watch, iPhone là mảng kinh doanh cốt lõi của Apple, nên nó có ngưỡng yêu cầu cao hơn. Đối với Luxshare hiện tại, bắt đầu bằng việc mua lại là một bước đi vững chắc.

Nhà máy của Wistron tại Kunshan chưa thực sự bước vào hoạt động kinh doanh các dòng máy cao cấp của Apple. Trước đây, công ty chủ yếu sản xuất iPhone SE, iPhone 8 và iPhone XR. Vì vấn đề chất lượng, công ty từng bị yêu cầu đình chỉ công việc trong hai tuần. Trong hai năm trở lại đây, biên lợi nhuận của công ty liên tục giảm và báo cáo kinh doanh thua lỗ liên tiếp.

Wistron muốn thoái vốn doanh nghiệp thua lỗ của mình, trong khi Luxshare cần mở rộng ranh giới kinh doanh, một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.

Những lo lắng của Terry Gou

Đây là cách một viên đạn Made in China đã găm vào thân thể của gã khổng lồ Foxconn - Ảnh 3.

Apple rất giỏi trong việc nâng đỡ các công ty nhỏ để gây sức ép với các đối tác lớn của mình.

  Sự phát triển ban đầu của Luxshare không thể tách rời với sự hỗ trợ của Hon Hai. Nhưng chắc chắn không ai muốn chứng kiến cảnh "đệ tử giỏi việc, sư phụ chết đói" cả.

Mặc dù Terry Guo đã từ chức chủ tịch Foxconn, nhưng ông vẫn là người đứng đầu Hon Hai Group. Theo tờ "Nhật báo kinh tế" của Đài Loan, việc mua lại của Luxshare đã gây ra những cú sốc đối với các công ty trong ngành. Liu Young-way, chủ tịch mới của Hon Hai, cũng ra lệnh tích cực đáp trả việc mua lại tài sản của Luxshare.

Tất nhiên, quy mô và lợi nhuận của Foxconn vẫn quá lớn khi so với Luxshare. Năm 2019, Hon Hai đạt được thu nhập hoạt động 5,34 nghìn tỷ Đài tệ và Luxshare chỉ có một phần nhỏ. Các báo cáo cho biết việc mua lại Wistron của Luxshare sẽ chỉ có tác động hạn chế đối với Hon Hai và Pegatron trong thời gian ngắn.

Nhưng từ góc độ cạnh tranh, sản lượng sản phẩm hàng năm của Apple là có giới hạn. Mỗi khi Luxshare nhận được đơn đặt hàng, điều đó có nghĩa là các nhà cung cấp khác bị mất một đơn hàng. Và vấn đề quan trọng nhất là "tình cảm" của Apple sẽ giành cho ai.

Mặc dù các xưởng đúc của Đài Loan vẫn dẫn đầu thế giới, nhưng Apple là kiểu công ty đã nếm trải được "sự ngọt ngào" khi làm việc với các mô hình cấp thấp, hơn là trở thành đối tác với các công ty lớn có sức mặc cả cao hơn. Để kiểm soát chi phí của toàn bộ hệ thống, Apple bắt đầu hỗ trợ các công ty mới và đây cũng là điều mà Apple đã làm rất giỏi trong quá khứ. Lần này, mục tiêu được hỗ trợ là Luxshare.

Theo báo cáo của Nikkei, Apple đã chỉ đạo Luxshare tham gia đầu tư vào Catcher Technology, một nhà cung cấp khung vỏ kim loại cho iPhone, hy vọng hỗ trợ cho việc Luxshare sẽ thách thức vị trí của Hon Hai trong ngành lắp ráp điện tử.

Ngoài Luxshare, BYD Electronics cũng đã gia nhập chuỗi cung ứng lắp ráp của Apple. Theo báo cáo nghiên cứu do nhà phân tích Ming-Chi Kuo công bố, BYD dự kiến ​​sẽ thay thế Guangda để trở thành nhà cung cấp việc lắp ráp iPod Touch độc quyền vào năm 2020. Và trong tương lai công ty này cũng sẽ nhận được ít nhất 10-20% đơn đặt hàng lắp ráp iPad từ Compal. .

Terry Gou đã bắt đầu phải lo lắng cho nền tảng của toàn bộ ngành công nghiệp điện tử của Đài Loan. Đây cũng là xương sống của nền kinh tế Đài Loan. Từ những năm 1980, Đài Loan đã chứng minh rằng công nghệ và sản xuất là trụ cột của nền kinh tế. Được thúc đẩy bởi các chính sách, sau nhiều năm tích lũy, ngành công nghiệp điện tử Đài Loan cuối cùng đã đạt được vị thế như ngày nay.

Trong số các nhà sản xuất bán dẫn top 50 trên thế giới, Đài Loan chiếm tới 8 vị trí. Nhưng đồng thời với thành công, Đài Loan cũng đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế khác nhau như dòng chảy của ngành, đầu tư trong nước không đủ và mức lương thấp cho sinh viên mới tốt nghiệp. Do đó, ngành công nghiệp điện tử là một lĩnh vực mà Đài Loan không thể để mất.

Tiếng còi phản công?

Đây là cách một viên đạn Made in China đã găm vào thân thể của gã khổng lồ Foxconn - Ảnh 4.

 Ngành công nghiệp sản xuất điện tử của Trung Quốc đang khởi động một cuộc phản công và những thay đổi trong chuỗi cung ứng của Apple là một mô hình thu nhỏ của nó.

Năm 2012, chỉ có 8 công ty trong danh sách chuỗi cung ứng Apple đến từ Trung Quốc đại lục, chiếm tổng số 2% lợi nhuận. Nhưng đến năm 2019, con số này đã tăng lên 30, cộng với tổng số 40 công ty của Hồng Kông, lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản. Đài Loan vẫn có nhiều công ty trong chuỗi cung ứng nhất của Apple, với 46 đơn vị.

Nhưng hãy chú ý đến một con số khác. So với năm 2018, chuỗi cung ứng của Apple đã giới thiệu 25 công ty mới trong năm 2019, trong đó có 5 đến từ Hồng Kông và 4 đến từ Trung Quốc. Và trong số 25 công ty bị loại, Đài Loan có 8 công ty, trong khi chỉ có một ở Trung Quốc. Ngoài ra, số lượng nhà máy ở Trung Quốc đang dần tăng lên. Năm 2019, 47,6% sản lượng của tất cả các công ty trong chuỗi cung ứng của Apple đã tập trung ở đại lục.

Trong kỷ nguyên của PC và điện thoại, Đài Loan được ví như "Đảo công nghệ Silicon" quan trọng nhất trên thế giới. Sau năm 2010, nhờ phát triển công nghiệp và dự trữ nhân lực, Trung Quốc đã tận dụng chi phí lao động và các lợi thế khác để tham gia vào hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là chuỗi công nghiệp điện thoại thông minh. Do đó, mối quan hệ giữa các ngành công nghiệp của Trung Quốc đại lục và Đài Loan đã dần thay đổi từ nguồn cung cấp thượng nguồn và hạ nguồn sang cạnh tranh song song.

Hiện tại, có ba nhà sản xuất lớn về tai nghe không dây là TWS - Goertek, Luxshare Precision và AAC Technologies, tất cả đều đến từ Trung Quốc đại lục. Các nhà máy sản xuất linh kiện âm thanh ở Đài Loan hoặc được mua lại, hoặc đã bị thay thế.

Do lợi thế của chi phí lao động và ảnh hưởng của quy mô, gần như "định mệnh" của Đài Loan sẽ bị Trung Quốc chiếm lấy một số linh vực sản xuất linh kiện có ngưỡng kỹ thuật thấp hơn, và con hào ngăn cách cuối cùng là lắp ráp máy, thiết kế và sản xuất bán dẫn...

So sánh về "sức chịu đựng", Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn với thị trường rộng lớn, dân số đông, cơ sở công nghiệp hoàn chỉnh và các biện pháp khuyến khích đầu tư liên tục. Đây là những điều mà Đài Loan chỉ có thể nhìn vào và ghen tị. Tuy nhiên, trong bối cảnh của cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ đang ngày càng căng thẳng, các công ty đang dần dần xem xét di dời chuỗi cung ứng của họ.

Các nhà sản xuất Đài Loan hiểu rằng tốt hơn là kết bạn thay vì trở thành kẻ thù. Ngay sau khi bán nhà máy, Wistron đã mua lại khoảng 3 tỷ nhân dân tệ chứng khoán từ Luxshare thông qua các công ty. Công ty tuyên bố rằng đầu tư vào Luxshare có hai mục đích, một là đầu tư tài chính và hai là tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên.

Pegatron cũng tăng tỷ lệ sở hữu tại Luxshare thêm 2,5 tỷ nhân dân tệ, với tuyên bố rằng sự gia tăng này chủ yếu là một khoản đầu tư tài chính. Trên thực tế, Pegatron đã bắt đầu nắm giữ cổ phiếu Luxshare từ đầu năm 2014.

Về vấn đề này, Chủ tịch tập đoàn Hon Hai Liu Young-way cho biết : "Trước các đối thủ cạnh tranh hiện tại hoặc tiềm năng, chúng tôi duy trì cảm giác cẩn trọng bất cứ lúc nào, nhưng sẽ không lo lắng trước bất kỳ thách thức nào."

Trên thực tế, ngay khi Foxconn chỉ ra hướng đi cho người thợ học việc Wang Laichun, chuỗi ngành công nghiệp điện tử của Đài Loan cũng đã chỉ ra con đường phát triển ngành công nghiệp điện tử cho cả Trung Quốc đại lục. Những thách thức mà Hon Hai phải đối mặt hiện nay, cũng chính là những gì mà toàn bộ chuỗi ngành công nghiệp điện tử Đài Loan phải đối mặt trong thực tế.

Tham khảo Sina

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn