Luật an ninh quốc gia mà chính quyền Trung Quốc áp đặt đối với Hồng Kông từ ngày 30/6 không chỉ khiến hàng ngàn thanh niên Hương Cảng ủng hộ dân chủ có nguy cơ bị bỏ tù, mà các công dân nước ngoài hoặc người Hoa ở nước ngoài cũng đối mặt với rủi ro tương tự.

Đó là một trong những nội dung cảnh báo được nêu trong một bài phân tích của bà Sarah Cook, một chuyên gia tại tổ chức ủng hộ dân chủ Freedom House, được đăng trên The Diplomat ngày 13/7.

Điều 38 của luật an ninh quốc gia Hồng Kông tự cho mình quyền tài phán không chỉ đối với cư dân Hồng Kông, mà còn đối với người nước ngoài bị cho là “vi phạm luật an ninh quốc gia Hồng Kông” ở bên ngoài Hồng Kông. Các chuyên gia pháp lý chỉ ra rằng luật an ninh quốc gia Hồng Kông còn có quy mô rộng lớn hơn cả luật an ninh quốc gia ở Trung Quốc đại lục.

Bà Cook cho biết những người từng chỉ trích chính quyền Trung Quốc như bà và nhiều người khác trên thế giới có nguy cơ bị tống giam, bị truy tố nếu đến Hồng Kông hay bất kỳ nước nào có thượng tôn pháp luật yếu kém, và chính phủ nước đó có xu hướng chiều lòng Bắc Kinh. Để nêu ví dụ, bà đề cập đến khuyến cáo của giáo sư luật Donald Clarke thuộc Đại học George Washington: “Nếu bạn ở trong tầm ngắm của chính quyền Trung Quốc, tôi khuyên bạn đừng tới Thái Lan”.

Bà Cook gọi đây là một hình thức “thông qua Hồng Kông, Bắc Kinh mở rộng đàn áp ra thế giới”. Bà cũng kể đến một số trường hợp công dân nước ngoài gốc Hoa bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ.

Chuyên gia của Freedom House viết: “Vào ngày 30/6, một tòa án ở Bắc Kinh đã kết án công dân và nữ doanh nhân người Canada Sun Qian 8 năm tù vì bà tập luyện Pháp Luân Công, môn tu luyện thiền định bị cấm ở Trung Quốc dù được tự do tập luyện ở Canada và mọi nơi khác trên thế giới”.

Các học viên Pháp Luân Công tụ tập trước Nghị viện Canada ở thủ đô Ottawa ngày 9/12/2015 để kêu gọi chính phủ Canada giúp ngăn chặn cuộc đàn áp ở Trung Quốc (ảnh: Minghui.org).
Các học viên Pháp Luân Công đứng trước Nghị viện Canada ở thủ đô Ottawa ngày 9/12/2015 để kêu gọi chính phủ Canada giúp ngăn chặn cuộc đàn áp ở Trung Quốc (ảnh: Minghui.org).

Bà Cook đề cập đến tình trạng của bà Sun mà báo chí Canada cũng đưa tin, rằng bà Sun bị giam giữ hơn ba năm qua. Có thông tin cho biết bà bị tra tấn trong tù, và rõ ràng chính quyền Trung Quốc đã ép buộc bà phải từ bỏ quyền công dân Canada của mình.

Bà Cook nhấn mạnh rằng các vụ chính quyền Trung Quốc bắt giữ công dân nước ngoài đang có xu hướng gia tăng. Một ví dụ khác là ông Quế Mẫn Hải (Gui Minhai), một công dân Thụy Điển có tiệm sách ở Hồng Kông từng bán những cuốn chỉ trích giới lãnh đạo Trung Quốc. Ông Quế bị bắt cóc ở Thái Lan vào năm 2015, sau đó bị đưa đến Trung Quốc, bị ép buộc từ bỏ quốc tịch Thụy Điển và bị kết án 10 năm tù.

Một trường hợp khác là ông Dương Quân (Yang Jun), một công dân và nhà văn người Úc bị bắt giữ ở một sân bay Trung Quốc vào tháng 1/2019, sau đó bị kết tội làm gián điệp. Bà Cook lo ngại rằng số phận của ông Dương cũng tương tự như ông Quế.

Không chỉ đối với người gốc Hoa, chính quyền Trung Quốc cũng bắt giữ những người khác hoàn toàn là công dân nước ngoài. Ngày 15/6, Trung Quốc công bố các vụ tố tụng đối với 2 công dân Canada, gồm cựu nhà ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor. Họ bị cáo buộc “làm gián điệp”, và có nguy cơ lãnh án tù chung thân. Hai người này bị bắt giữ vào tháng 12/2018, trong một động thái được cho là trả thù Canada về vụ bắt giữ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của tập đoàn Huawei.

Chuyên gia Cook cũng dự báo về tình trạng “tự kiểm duyệt”, tức là tự kiềm chế tiếng nói chỉ trích của mình để chiều lòng Bắc Kinh. Bà cho rằng tình trạng này sẽ trở nên phổ biến hơn do ảnh hưởng từ luật an ninh quốc gia Hồng Kông.

Bà Cook viết: “Vô số tổ chức và cá nhân đang đối mặt với việc phải lựa chọn giữa việc tự kiểm duyệt, thoái lui hay kháng cự”. Bà cho rằng vấn đề này đặt ra đối với những người có kế hoạch tới Trung Quốc, Hồng Kông, hay bất kỳ nước nào có chính phủ thân Bắc Kinh, cũng như đối với bất kỳ ai có thân nhân, nhân viên, hay đối tác ở những quốc gia đó.