Nếu đập Tam Hiệp vỡ, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Thứ Hai, 20 Tháng Bảy 20202:00 SA(Xem: 3146)
Nếu đập Tam Hiệp vỡ, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Sau gần 30 năm từ ngày thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng vận động xây dựng, đập Tam Hiệp nay như một quả bom nước khổng lồ chực nổ.

Đập thủy điện Tam Hiệp nằm chặn ngang dòng Dương Tử (sông Trường Giang), phía tây thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Công trình chạy suốt 2.335 m, đỉnh đập cao 185 m. Đập được khởi công xây dựng vào năm 1994, là dự án kỹ thuật lớn nhất ở Trung Quốc lúc bấy giờ. Vào thời điểm hoàn thành năm 2006, đây là công trình đập thủy điện lớn nhất thế giới với thiết kế là kết hợp 28 triệu mét khối bê tông và 463.000 tấn thép, đủ xây 63 tháp Eiffel ở Pháp.

Công trình nhấn chìm vùng rộng lớn các hẻm núi Cù Đường, Vu, và Tây Lăng khoảng 600km thượng nguồn, tạo ra một hồ chứa nước sâu mênh mông cho phép các phương tiện đường thủy di chuyển 2.250 km từ thành phố Thượng Hải nằm bên bờ biển Hoa Đông tới thành phố nội lục Trùng Khánh.

Các tỉnh thành ngập úng trong đợt mưa lũ năm 2020, từ Trùng Khánh, Nghi Xương, Vũ Hán (Hồ Bắc), An Huy tới Thượng Hải ven bờ biển Hoa Đông (ảnh vệ tinh Google Maps).

Sản xuất thủy điện ở đập Tam Hiệp bắt đầu vào năm 2003 tuy còn hạn chế nhưng tăng dần đều khi các máy phát điện tua-bin bổ sung được đưa vào vận hành trong nhiều năm cho đến năm 2012, khi tất cả 32 tổ máy phát điện tua-bin hoạt động. Những máy phát điện này cùng với 2 máy phát điện bổ sung đã mang lại cho đập khả năng tạo ra 22.500 megawatt điện, biến Tam Hiệp trở thành đập thủy điện có năng suất cao nhất thế giới.

Con đập này cũng được dự tính bảo vệ hàng triệu người khỏi lũ lụt định kỳ ở lưu vực sông Dương Tử, mặc dù hiệu quả của nó trong vấn đề này đã gây ra tranh cãi và trong đợt mưa lũ tháng 6 năm nay, hồ chứa Tam Hiệp giống như một quả bom nước khổng lồ chực nổ đe dọa hàng triệu sinh mạng hạ nguồn Dương Tử.

Đập thủy điện như một biểu tượng đã biến thành hình mẫu của thảm họa.

Lần đầu tiên ý tưởng đập Tam Hiệp được bàn tới là từ thời Quốc dân đảng những năm 1920, nhưng bị gác lại hàng chục năm do các hoàn cảnh và điều kiện kinh tế chính trị không thuận lợi. Đến năm 1953, lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông khôi phục ý tưởng này và chỉ đạo nghiên cứu một số địa điểm khả thi. Kế hoạch chi tiết là vào năm 1955.

Đã có không ít phản bác kể từ khi dự án còn là ý tưởng cho đến suốt quá trình xây dựng công trình này, những người phản đối lo lắng nguy cơ vỡ đập và hậu quả khủng khiếp của nó.

Phe ủng hộ khăng khăng con đập sẽ kiểm soát lũ lụt dọc hai bên dòng Dương Tử, tạo điều kiện cho thương mại nội địa và cung cấp phần lớn điện năng cho miền trung Trung Quốc.

Phía phản đối lo ngại viễn cảnh phải di dời khoảng 1,9 triệu người sống ở hơn 1.500 thành phố, thị trấn và làng mạc dọc theo sông, phá hủy cảnh quang tráng lệ và vô số địa điểm kiến trúc cùng khảo cổ quý giá.

Cũng có những lo ngại khác – một vài trong số đó đã xảy ra – chất thải con người lẫn chất thải công nghiệp từ các thành phố sẽ gây ô nhiễm các hồ chứa và thậm chí lượng nước khổng lồ trong hồ chứa có thể gây ra động đất và sạt lở.

Một số kỹ sư Trung Quốc và nước ngoài lập luận rằng một chuỗi đập nhỏ hơn và chi phí xây dựng tiết kiệm hơn và ít có vấn đề hơn trên các nhánh sông Dương Tử có thể tạo ra nhiều điện như đập Tam Hiệp và hiệu quả kiểm soát lũ lụt là tốt tương đương. Họ khẳng định việc xây dựng những con đập như vậy sẽ giúp đáp ứng các ưu tiên chính của chính phủ mà không gặp rủi ro.

Tuy nhiên, tới năm 1992, Thủ tướng Lý Bằng, người được đào tạo thành một kỹ sư đã vận động xây đập, và quyết định xây dựng đập Tam Hiệp được Quốc hội Trung Quốc phê chuẩn vào tháng 4, mặc dù 1/3 đại biểu bỏ phiếu chống, một dấu hiệu kháng cự chưa từng có tiền lệ ở một cơ quan thông thường nhanh chóng thông qua các đề nghị của chính phủ.

Năm 1993, dự án đã bắt đầu với việc mở các con đường tới địa điểm xây đập và trạm điện. Công nhân đã chặn và chuyển hướng dòng sông vào năm 1997, khép lại giai đoạn đầu xây dựng. Giới quan sát lưu ý, trong lễ động thổ công trình năm 1994, chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân không xuất hiện cùng Thủ tướng Lý Bằng, và Ngân hàng Thế giới từ chối cấp vốn cho Trung Quốc xây dự án và chỉ trích các mối nguy hại về môi trường và những lo ngại khác. Nhưng dù sao dự án vẫn tiến hành, trong suốt quá trình xây có không ít bê bối tham nhũng, đội vốn…

Vào năm 2003, các hồ chứa bắt đầu đầy nước, các âu tàu (thiết bị lắp đặt trên các cảng biển để tăng và giảm mực nước) – cho phép các tàu trọng tải 10.000 tấn di chuyển qua đập – được đưa vào hoạt động sơ bộ, các máy phát điện đầu tiên của đập được kết nối với lưới điện, hoàn thành xây dựng giai đoạn II.

Sau khi hoàn thành giai đoạn hai, khoảng 1.200 địa điểm có tầm quan trọng lịch sử và khảo cổ từng nằm giữa sông Dương Tử tiêu tan khi nước lũ dâng cao. Việc xây dựng bức tường chính của đập được hoàn thành vào năm 2006. Phần còn lại của các máy phát điện của đập đã hoạt động vào giữa năm 2012 và một thang nâng cho phép các tàu có trọng tải lên tới 3.000 tấn vượt qua các âu tàu và nhanh chóng di chuyển qua đập, bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2015.

Với hồ trữ nước có dung tích 39,3 kilomet khối, con đập được xác định sẽ giảm tỉ lệ lũ lụt từ 1/10 năm thành 1/100 năm. Tuy nhiên, đập Tam Hiệp dần mất đi chức năng ngăn chặn lũ lụt do hệ sinh thái rừng lưu vực sông bị mất đi, đồng thời do con đập đã tích lại khoảng 530 triệu tấn bùn mỗi năm khiến thể tích hồ giảm đi đáng kể, tạo thành mối đe dọa lớn đối với toàn bộ hoạt động của nhà máy thủy điện.

Chuyên gia thủy lợi nổi tiếng người Trung Quốc Vương Duy Lạc trong một bài viết có tiêu đề “Đập Tam Hiệp – Ai đã xây dựng tượng đài ngu ngốc này với Lý Bằng” cho biết, từ ngày 4/6/1989 đến tháng 3/1993, Quốc hội Trung Quốc đã thảo luận về dự án Tam Hiệp.

Ngày 4/6 cũng là ngày đảng Cộng sản Trung Quốc tàn sát sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, còn gọi là sự kiện Lục Tứ.

“Nếu không có sự đàn áp mạnh tay phong trào Lục Tứ, sẽ không có dự án đập Tam Hiệp hại nước hại dân”, ông Vương nói và cảnh báo, nếu đập Tam Hiệp vỡ bờ kè, thì vùng trung lưu và hạ lưu của sông Dương Tử cho đến Thượng Hải đều bị cuốn trôi. Ông nhắc nhở người vùng hạ nguồn Tam Hiệp phải nhanh chóng tìm đường thoát thân và chuẩn bị dụng cụ thoát hiểm.

Ông Vương nói, Lý Bằng và những người khác đã sử dụng “cơ hội thuận lợi” chính trị này để xúc tiến xây dựng đập Tam Hiệp. Theo ông, ba lãnh đạo ĐCSTQ gồm Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Lý Bằng là những người dẫn đầu 3 nhóm trong việc thúc đẩy xây dựng đập Tam Hiệp.

Ông Vương đếm có tới hơn 400 người được nhắc tới trong “Lý Bằng Nhật ký ngoại sự” (李鹏外事日记). Được nhắc đến nhiều nhất trong tài liệu đó là Giang Trạch Dân với tổng cộng 104 lần, xếp thứ hai là Đặng Tiểu Bình, 39 lần. Ông Vương cho rằng nếu không có sự hậu thuẫn của Giang, một mình quyền lực của Lý Bằng không thể xây dựng đập Tam Hiệp. Mặc dù Lý Bằng đã nỗ lực rất nhiều trong việc đàn áp phong trào dân chủ ngày 4/6, nhưng ông ta đã thất bại trong việc trở thành tổng bí thư như mong muốn. Tuy nhiên, ông ta đích thân loại bỏ Triệu Tử Dương, người phản đối dự án Đập Tam Hiệp và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ tân Tổng bí thư khi đó là ông Giang Trạch Dân.

Những lo ngại về đập Tam Hiệp bắt đầu xôn xao từ mùa hè năm 2019 sau khi ảnh vệ tinh ghi nhận thân đập có vẻ bị lõm do sức ép của nước, nhưng giới chức Bắc Kinh khẳng định đập vẫn an toàn. Đến mùa mưa tháng 6 năm nay, trận mưa lũ kỷ lục giáng xuống miền nam Trung Quốc là thử thách lớn cho đập Tam Hiệp.

Vào 2 giờ chiều ngày 02/7/2020, đập Tam Hiệp buộc phải mở 3 cửa xả lũ do tình trạng mưa kéo dài với sức nước cực đại là 53.000 mét khối mỗi giây. Tới nay, toàn cảnh Trung Quốc là ngập úng.

Tiến sĩ Hoàng Quan Hồng, con trai của ông Hoàng Vạn Lý – chuyên gia thủy lợi nổi tiếng ở Trung Quốc, bày tỏ năm xưa khi khởi công xây dựng đập Tam Hiệp, nhóm người của cha ông đã biết trước sẽ có thảm họa như vậy. Ông Hoàng Quan Hồng khẳng định, “những ai khởi xướng xây dựng đập Tam Hiệp cần phải bị lên án, bởi họ thật sự có tội”.

Nhưng nay ông Lý Bằng, còn được biết đến với biệt danh “tên đồ tể Bắc Kinh” đã qua đời vào năm 2019. Truyền thông phương Tây trong các bản tin cáo phó cái chết của ông còn nêu rõ khi trong vai trò thủ tướng Trung Quốc từ năm 1988 đến năm 1998, ông Lý Bằng chủ trì vụ thảm sát quảng trường Thiên An Môn, ra lệnh cho quân đội đàn áp chống lại những người biểu tình sinh viên ủng hộ dân chủ vào tháng 6/1989.

Ba mươi năm sau, cũng vào tháng 6, mưa lũ bất thường nhấn chìm nhiều thành phố làng mạc Trung Quốc. Nếu Đập Tam Hiệp vỡ, ông Lý Bằng chết rồi, người Trung Quốc biết tìm ai để truy cứu trách nhiệm?

Có lẽ họ sẽ tìm người ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng đập Tam Hiệp, tìm người được nhắc tới nhiều nhất trong “Lý Bằng Nhật ký ngoại sự”, tìm ông Giang Trạch Dân, hiện ông ấy vẫn còn sống!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn