Nguy cơ Trung Quốc thiếu hụt USD từ các lệnh trừng phạt của Mỹ

Thứ Năm, 18 Tháng Sáu 20202:00 CH(Xem: 3073)
Nguy cơ Trung Quốc thiếu hụt USD từ các lệnh trừng phạt của Mỹ

Theo các nhà phân tích, việc gần đây Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa các đòn trừng phạt sau khi Bắc Kinh quyết định áp đặt Luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông có thể đánh dấu bước khởi đầu của quá trình cắt đứt con đường tiếp cận tới đồng đôla Mỹ của Trung Quốc.

 

CNY-USD
(Ảnh: Getty Images)

Trong khi thông tin chi tiết về các biện pháp từ Mỹ còn chưa rõ ràng, phần lớn các nhà phân tích không tin rằng chính quyền TT Trump sẽ áp đặt biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với các thể chế tài chính Trung Quốc và ngay lập tức gạt họ ra khỏi hệ thống thanh toán bằng đôla Mỹ.

Thêm vào đó, việc tránh một cuộc chiến tài chính toàn diện với Trung Quốc trên vấn đề Hồng Kông có thể duy trì thỏa thuận thương mại giai đoạn một, điều mà đại diện thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer, đã bày tỏ ủng hộ hồi tuần trước.

Tuy vậy, vẫn có khả năng chính quyền TT Trump sẽ gia tăng các lệnh cấm, làm suy yếu các quan hệ thương mại và tài chính với Trung Quốc, dần dần bóp nghẹt nguồn cung đồng đô la Mỹ ở Trung Quốc.

Một bước đi khả thi mà Washington có thể thực hiện là việc trừng phạt các cá nhân ở Trung Quốc và Hồng Kông bị cáo buộc vi phạm quyền con người theo Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông được thông qua tại Mỹ năm ngoái.

Michael Every, nhà chiến lược cao cấp khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Rabobank, nói nếu điều này xảy ra, câu hỏi cơ bản được đặt ra là liệu các ngân hàng lớn Trung Quốc đang giao dịch với các cá nhân đó có bị coi là đối tượng của lệnh trừng phạt tương tự hay không.

Tuỳ thuộc vào bản chất chính xác của các lệnh trừng phạt, điều này có thể buộc các thể chế tài chính quốc tế khác hạn chế hay thậm chí cắt đứt quan hệ của họ với các ngân hàng Trung Quốc, cắt rời họ khỏi phần lớn thị trường đôla Mỹ toàn cầu.

“Hoặc Trung Quốc phải bảo đảm giữ cho đồng đôla lưu thông hoặc thế giới đôla toàn cầu sẽ loại Trung Quốc ra, giống như việc đặt một “bức màn tre” quanh đất nước,” bà Every nói. Thuật ngữ “bức màn tre” là cách nói mô phỏng  thuật ngữ “Bức màn sắt” (Iron Curtain) thời Chiến tranh lạnh để miêu tả tình trạng tách biệt của thế giới tư bản tự do và các quốc gia cộng sản đông Âu và Liên bang Xô viết.

Những đe dọa trừng phạt từ Mỹ đối với Luật an ninh quốc gia Hồng Kông đã khiến quan ngại về việc Trung Quốc có thể thiếu hụt đôla Mỹ ngày một gia tăng, nhất là khi đồng tiền này hiện vẫn là lựa chọn chính của thương mại, đầu tư và thanh toán quốc tế.

Thêm vào đó, đại dịch virus corona đã tạo ra nhu cầu cấp thiết với đồng đôla Mỹ tại Trung Quốc để chi trả cho khối lượng nhập khẩu khổng lồ hay thanh toán những khoản nợ lớn do sự sụt giảm nhanh chóng của nguồn thu ngoại tệ qua xuất khẩu, du lịch và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Kết quả là, Trung Quốc đã ghi nhận số dư tài khoản vãng lai âm –  sự chênh lệch giữa các khoản thu nhập hiện tại từ nước ngoài và các khoản thanh toán hiện tại tại nước ngoài – trong quý đầu tiên năm 2020. Đây là lần thâm hụt đầu tiên kể từ năm 2018 khi Washington và Bắc Kinh bắt đầu cuộc chiến tranh thương mại.

Trong thập kỷ trước, phần lớn thời gian tài khoản vãng lai của Trung Quốc đều có số dư lớn, nhưng nước này đã bị thâm hụt 29,7 tỷ đôla Mỹ trong quý đầu tiên năm 2020, rớt xuống từ khoản thặng dư 40,5 tỷ đôla cuối năm 2019, khiến Trung Quốc thành người xuất khẩu ròng đô la Mỹ.

Tình trạng thiếu hụt đôla Mỹ của Trung Quốc có thể còn xấu hơn nữa khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn tiến triển, khiến nhiều nhà quan sát dự đoán cán cân thương mại của Trung Quốc đang dịch chuyển tới gần bằng 0 trong trung hạn.

Vị thế thương mại của Trung Quốc còn có thể tệ hại hơn nếu các chính quyền Mỹ, Nhật và EU thành công trong việc lôi kéo các công ty sản xuất ra khỏi Trung Quốc và đưa việc sản xuất hàng hoá trở lại đất nước họ sau những đứt gãy trong chuỗi cung ứng do virus corona.

Trong tháng Năm, Trung Quốc ghi nhận thặng dư thương mại kỷ lục 62,93 tỷ đôla Mỹ, phần lớn do nhập khẩu sụt giảm mạnh vì nhu cầu nội địa yếu. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo điều này sẽ không kéo dài do tình hình xuất khẩu trở nên xấu đi khi đơn hàng từ Mỹ và châu Âu giảm mạnh vì dịch virus corona.

Để giảm nhẹ phần nào sức ép từ vấn đề thiếu hụt đôla Mỹ, Bắc Kinh đang bám lấy những hy vọng rằng cải cách tài chính trong nước sẽ thúc đẩy dòng đầu tư vào các thị trường vốn, đặc biệt thông qua các chương trình kết nối thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuần trước, ngân hàng Credit Suisse đã nắm quyền kiểm soát liên doanh chứng khoán Trung Quốc – Credit Suisse Founder Securities – trở thành ngân hàng nước ngoài mới nhất tận dụng lợi thế của việc nới lỏng các quy tắc chủ sở hữu nước ngoài của Bắc Kinh. Ngân hàng này liên kết với các ngân hàng Mỹ JPMorgan, Goldman Sachs và Morgan Stanley, cũng như HSBC của Hồng Kông, UBS của Thuỵ Sĩ và Nomura của Nhật Bản, trở thành cổ đông nước ngoài chiếm đa số của các công ty chứng khoán đặt tại Trung Quốc.

Daniel Tabbush, người sáng lập hãng nghiên cứu ngân hàng châu Á Tabbbush Report, nói những cơ hội từ thị trường khổng lồ và tiềm năng của Trung Quốc có thể tiếp tục lôi kéo vốn từ các thể chế tài chính nước ngoài lớn đến kinh doanh ở Hồng Kông và Trung Quốc bất chấp bầu không khí chính trị không ổn định.

“[Chính phủ Mỹ] có thể đưa ra một vài luận điểm về đạo đức, nhưng nếu đó là một giao dịch lớn, các ngân hàng đầu tư phố Wall sẽ không từ bỏ giao dịch này,” ông Tabbbush nói.

Năm ngoái, các ngân hàng Mỹ đóng vai trò chủ đạo trong một vài vụ niêm yết lớn nhất ở Hồng Kông, giúp cho nhiều công ty Trung Quốc huy động vốn nước ngoài. Các ngân hàng Mỹ đóng góp 19% phí ngân hàng đầu tư ở Hồng Kông năm 2019, tương đương khoảng 309,8 triệu USD, theo số liệu do Refinitiv cung cấp.

 

Tuy nhiên, Mỹ đã bắt đầu tăng cường chú ý đến những dòng tiền như vậy chảy vào Trung Quốc. Vào cuối tháng Năm, để bảo vệ nhà đầu tư Mỹ, ông Trump đã chỉ thị một nhóm giúp việc cho Tổng thống, bao gồm các nhà điều hành tài chính hàng đầu nghiên cứu “những hành vi khác biệt của các công ty Trung Quốc niêm yết trên các thị trường Mỹ”, đặc biệt lưu ý tới việc không tuân thủ những yêu cầu kiểm toán đối với các công ty niêm yết. Trước đó, ông Trump đã cấm quỹ hưu trí chính của chính phủ đầu tư vào thị trường cổ phiếu Trung Quốc.

Một nguồn đôla Mỹ khác cho Trung Quốc đến từ tiền của các công ty Trung Quốc huy động được tại Mỹ. Tổng cộng, các công ty Trung Quốc đã huy động trên một nghìn tỷ đôla bằng cách niêm yết cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán Mỹ. 

Tuy nhiên, một đạo luật được Thượng viện Mỹ thông qua với sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng đã yêu cầu các công ty Trung Quốc phải tuân thủ yêu cầu kiểm toán của Mỹ, cũng như tiết lộ cổ phần chính phủ trong các công ty của họ và các đảng viên ĐCSTQ đang nắm vị trí quản lý. Điều có thể dẫn đến việc huỷ niêm yết của các công ty Trung Quốc không tuân thủ, đồng thời ngăn chặn các công ty Trung Quốc khác chạy theo việc phát hành cổ phiếu lần đầu tại Mỹ.

Nhìn bề ngoài, Trung Quốc dường như là nước cuối cùng trên thế giới phải lo lắng về việc thiếu đôla Mỹ, khi hơn một nửa trong dự trữ ngoại hối trị giá 3,1 nghìn tỷ đôla Mỹ của họ, lớn nhất thế giới, được cho là cất giữ trong các tài sản định giá bằng đô la Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng dự trữ ngoại tệ khổng lồ không phản ánh được những căng thẳng tiềm ẩn của nền kinh tế. 

Dự trữ được duy trì chỉ vì các nhà chức trách kiểm soát kiều hối thông qua các biện pháp kiểm soát vốn hà khắc đối với công dân của họ, và điều này không hỗ trợ Trung Quốc hội nhập vào thị trường toàn cầu hoá do đồng đôla Mỹ thống trị, bà Every nói.

Những tài sản dự trữ của Bắc Kinh không thể biến thành tiền mặt trong trường hợp xảy ra một cú sốc tài chính lớn, cũng không có thể rút ra một lượng lớn để trả nợ nước ngoài mà không làm tổn thương niềm tin thị trường, ông Kevin Lai, nhà tài chính hàng đầu tại thị Daiwa Capital Markets cho hay.

Tổng số 9,38 tỷ đôla Mỹ các khoản vay và nợ do các thực thể Trung Quốc phát hành sẽ đến hạn trong tháng Sáu và 10,66 tỷ đôla trong tháng Bảy, theo Refinitiv.

 “Trung Quốc có thể thực sự duy trì nền kinh tế của họ bao lâu [trong khi thiếu hụt đôla] với việc cắt giảm nhập khẩu và dựa vào tự lực của bản thân?” ông Lai đặt câu hỏi.

Xuân Lan (theo SCMP)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn