Harvard :Vũ Hán có thể đã bị virus corona từ sớm

Thứ Tư, 10 Tháng Sáu 202010:00 SA(Xem: 2638)
Harvard :Vũ Hán có thể đã bị virus corona từ sớm
bbc.com

'Vũ Hán có thể đã bị virus corona nhiều tháng trước khi TQ báo cáo'


Students have their bags disinfected before entering Wuhan University, on the first day of classes in Wuhan on June 8, 2020 Bản quyền hình ảnh AFP

Tình trạng rất đông xe cộ qua lại bên ngoài các bệnh viện ở Vũ Hán từ tháng 8/2019 có vẻ như là chỉ dấu cho thấy virus corona đã tấn công nơi này vào thời điểm sớm hơn so với báo cáo chính thức, một nghiên cứu nói.

Các nhà nghiên cứu từ Harvard nói rằng các hình ảnh chụp được từ vệ tinh cho thấy lưu lượng giao thông bên ngoài năm bệnh viện của thành phố này tăng trong thời gian từ tháng Tám đến tháng Mười Hai.


Mức độ giao thông tăng vọt trùng hợp với việc tăng mức tìm kiếm trực tuyến các thông tin về những triệu chứng như "ho" và "tiêu chảy".

Trung Quốc nói nghiên cứu này là "lố bịch" và dựa trên những thông tin "hời hợt".

Người ta tin rằng virus lần đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc là trong khoảng tháng Mười Một.

Giới chức đã báo cáo về một ổ các trường hợp bị bệnh phổi không rõ vì nguyên nhân gì cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào hôm 31/12/2019.

"Rõ ràng là có một sự gián đoạn xã hội nào đó trước thời điểm được xác định là khởi đầu của đại dịch virus corona chủng mới," Tiến sỹ Johnh Brownstein, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, nói với hãng tin ABC.

Nội dung nghiên cứu chưa được đánh giá, bình duyệt bởi các đồng nghiệp.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét các dữ liệu thu được từ vệ tinh thương mại bên ngoài năm bệnh viện ở Vũ Hán, và so sánh với các dữ liệu của giai đoạn từ cuối hè đến đầu thu năm 2018.

Trong một trường hợp, các nhà nghiên cứu xác định là có 171 chiếc xe hơi đậu tại một trong những bệnh viện lớn nhất của Vũ Hán trong tháng 10/2018.

Dữ liệu vệ tinh trong cùng thời điểm vào năm sau, 2019, cho thấy số xe đỗ ở cùng vị trí là 285 chiếc, tăng 67%.

Việc tìm kiếm trực tuyến liên quan tới các triệu chứng giống như khi mắc virus corona trên công cụ tìm kiếm của Trung Quốc, Baidu, có vẻ như cũng tăng trong cùng thời kỳ.

"Toàn bộ những điều này cho thấy có điều gì đó xảy ra tại Vũ Hán trong thời điểm đó," Tiến sỹ Brownstein nói với ABC.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong cuộc họp báo hôm thứ Ba đã bác bỏ kết quả nghiên cứu trên.

"Tôi thấy là thật lố bịch, cực kỳ lố bịch khi đưa ra kết luận này, dựa trên những quan sát hời hợt như dựa vào lượng xe cộ đi lại," bà nói.

Nghiên cứu này có những tác động gì?

Phóng viên BBC từ Bắc Kinh, John Sudworth, nói rằng có những giới hạn về dữ liệu mà các nhà nghiên cứu sử dụng. Chẳng hạn như không phải lúc nào cũng có thể so sánh những hình ảnh vệ tinh được chụp vào cùng một ngày trong các năm khác nhau liên tiếp, do mây có thể che phủ một phần trong các tấm ảnh.

Tuy nhiên, nếu như có tình trạng lây nhiễm - mà có thể là khi đó chưa bị phát hiện - thì một số người có thể đã rời Vũ Hán đi ra nước ngoài, và điều đó phù hợp với một số bằng chứng khác mà chúng ta đã bắt đầu nhìn đến ở một số vùng trên thế giới, theo đó cho thấy có những ca đã nhiễm Covid-19 từ sớm, phóng viên BBC nói.

Tuy nhiên, có thể sẽ là không công bằng nếu sử dụng kết quả nghiên cứu làm bằng chứng về việc Trung Quốc đã che đậy hoặc phản ứng chậm đối với bệnh dịch, bởi với loại bệnh chưa từng biết tới từ trước tới nay, khi nó xảy ra trong một cộng đồng thì rất có thể đã có sự lây lan nhưng không bị phát hiện trước khi chính thức được thông báo, phóng viên BBC nói thêm.

Screen grad of researchers data Bản quyền hình ảnh Harvard University
Image caption Các nhà nghiên cứu xem xét hình ảnh do vệ tinh thu được, theo đó cho thấy quang cảnh bên ngoài các bệnh viện ở Vũ Hán

Trung Quốc báo về các ca viêm phối không rõ nguyên nhân cho WHO vào hôm 31/12/2019.

Chín ngày sau, giới chức Trung Quốc tiết lộ rằng họ đã phát hiện ra một chủng virus corona mới (về sau được đặt tên là Sars-Cov-2, là loại virus đã gây ra bệnh dịch Covid-19) trong một số các ca viêm phổi.

Vũ Hán và các thành phố khác của Trung Quốc đã bị phong tỏa từ 23/1/2020.

WHO công bố Covid-19 là Mối Quan ngại Toàn cầu đối với Tình trạng Khẩn cấp trong Y tế Cộng đồng vào ngày 30/1/2020, sau khi có 82 ca dương tính được xác nhận ở bên ngoài Trung Quốc.

Trong hôm thứ Ba 9/6/2020, các chuyên gia dịch tễ đã đặt câu hỏi về một tuyên bố của WHO theo đó nói việc lây nhiễm Covid-19 từ những người không có triệu chứng bệnh là "rất hiếm", Reuters tường thuật.

Các chuyên gia nói chỉ dẫn này của WHO có thể đã khiến chính phủ các nước gặp vấn đề khi cân nhắc việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn