Bạch Cung ra báo cáo về ‘các hoạt động xấu xa’ của Trung Quốc

Thứ Năm, 21 Tháng Năm 20209:57 SA(Xem: 3762)
Bạch Cung ra báo cáo về ‘các hoạt động xấu xa’ của Trung Quốc
voatiengviet.com

Nhà Trắng ra báo cáo về ‘các hoạt động xấu xa’ của Trung Quốc


Ngoài cuộc khẩu chiến gay gắt với Trung Quốc về việc xử lý virus corona, Nhà Trắng tiếp tục đưa ra một cuộc tấn công trên diện rộng vào các chính sách kinh tế hung hãn, củng cố quân đội, các chiến dịch xuyên tạc và vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh.

AP dẫn nguồn tin từ một giới chức chính phủ cấp cao đề nghị giấu tên cho biết bản báo cáo dài 20 trang không báo hiệu sự thay đổi trong chính sách của Mỹ, nhưng nó củng cố những chỉ trích mạnh mẽ của ông Trump, mà ông hy vọng sẽ gây tiếng vang với các cử tri đang tức giận về cách xử lý dịch bệnh của Trung Quốc khiến hàng chục triệu người Mỹ mất việc.

“Việc truyền thông chỉ tập trung vào rủi ro đại dịch hiện nay đã bỏ lỡ bức tranh lớn hơn về thách thức từ Đảng Cộng sản Trung Quốc”, AP dẫn lời Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói hôm 20/5, trước khi Nhà Trắng công bố báo cáo.

“Trung Quốc đang bị cai trị bởi một chế độ tàn bạo, độc tài, một chế độ cộng sản kể từ năm 1949. Trong nhiều thập niên, chúng ta nghĩ rằng chế độ này sẽ dần dần trở nên giống chúng ta hơn - thông qua thương mại, trao đổi khoa học, tiếp cận ngoại giao, cho phép họ tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới với tư cách một quốc gia phát triển. Điều đó đã không xảy ra”, ông nói.

Sau đó trong ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố đã chấp thuận bán ngư lôi tiên tiến cho quân đội Đài Loan, một động thái chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh chỉ trích mạnh mẽ.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đã thông báo cho Quốc hội về việc bán ngư lôi hạng nặng, các phụ tùng thay thế, thiết bị hỗ trợ và thử nghiệm, trị giá 180 triệu đô la, được cho là “sẽ giúp cải thiện an ninh của Đài Loan và hỗ trợ duy trì ổn định chính trị, cân bằng quân sự và tiến bộ kinh tế trong khu vực”.

Trong 20 năm qua, Hoa Kỳ tin rằng nếu mở cửa thị trường rộng hơn, đầu tư nhiều tiền hơn vào Trung Quốc và cho các sĩ quan quân đội Trung Quốc được tiếp cận nhiều hơn với đào tạo và công nghệ hàng đầu của Hoa Kỳ , thì dần dà sẽ khiến Trung Quốc tự do hóa, quan chức Mỹ nói với AP.

Nhưng thay vào đó, Trung Quốc ngày càng chuyên chế hơn bất cứ lúc nào kể từ khi Bắc Kinh giết người biểu tình chống chính quyền ở Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, và Đảng Cộng sản Trung Quốc đang ngày càng khẳng định các ý tưởng chính trị của họ trên toàn cầu.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào thời chính quyền Nixon.

“Hơn 40 năm sau, rõ ràng là cách tiếp cận này đã đánh giá thấp ý chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc hạn chế phạm vi cải cách kinh tế và chính trị ở Trung Quốc”, báo cáo của Mỹ nói. “Trong hai thập kỷ qua, các cải cách đã chậm lại, bị đình trệ hoặc đảo ngược”.

Theo báo cáo, chính quyền Trump thấy rằng “không có giá trị gì” khi can dự với Bắc Kinh chỉ để có tính biểu tượng và phô diễn. “Khi ngoại giao âm thầm tỏ ra vô ích, Hoa Kỳ sẽ gia tăng áp lực công cộng” đối với Trung Quốc.

Ví dụ mới nhất về sự cạnh tranh sức mạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong hội nghị thường niên của cơ quan y tế thuộc Liên Hiệp Quốc vào tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham gia vào hội nghị qua video để cung cấp thêm tiền và hỗ trợ cho WHO. Trong khi đó, ông Trump lên tiếng chống lại WHO trong một lá thư, cáo buộc tổ chức này đã cùng với Trung Quốc che đậy sự bùng phát virus corona, và ông đe dọa sẽ ngừng vĩnh viễn tài trợ của Hoa Kỳ, vốn là nguồn tài chính chính của WHO trong nhiều năm qua.

Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc về việc củng cố quân đội, tham gia vào các cuộc tấn công mạng, và cam kết chấm dứt các hoạt động kinh tế hung hãn của Bắc Kinh “đã bị vùi lấp bởi những lời hứa lèo rỗng tuếch”.

Trong thời chính quyền Obama, Trung Quốc đã hứa sẽ ngăn chặn các hành vi trộm cắp, do chính phủ chỉ đạo, ở trên mạng hay nhằm vào các bí mật thương mại, nhằm thu lợi từ thương mại, và đã lặp lại lời hứa tương tự trong hai năm đầu tiên của chính quyền Trump, AP dẫn báo cáo nói.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2018, Hoa Kỳ và hàng chục quốc gia khác đã báo cáo rằng Trung Quốc đang tấn công các máy tính, nhắm mục tiêu vào sở hữu trí tuệ và đánh cắp thông tin kinh doanh.

Chính quyền Trump cũng bất bình về cách Trung Quốc tiếp tục tranh luận với Tổ chức Thương mại Thế giới rằng mình là “quốc gia đang phát triển”, mặc dù Trung Quốc đã là nhà nhập khẩu hàng đầu các sản phẩm công nghệ cao và chỉ đứng sau Hoa Kỳ về tổng doanh thu sản phẩm nội địa, chi tiêu quốc phòng và đầu tư bên ngoài.

Dưới thời Tập Cận Bình, các quan chức Trung Quốc đã thanh trừng phe đối lập chính trị; các blogger, nhà hoạt động và luật sư bị truy tố bất công; áp đặt kiểm soát nghiêm ngặt để kiểm duyệt không chỉ truyền thông, mà cả các trường đại học, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ; công dân và các tập đoàn bị nhắm mục tiêu giám sát; và những người được coi là bất đồng chính kiến đã bị giam giữ tùy tiện, tra tấn và lạm dụng.

“Trung Quốc tiếp tục giữ cấu trúc kinh tế phi thị trường và cách tiếp cận do nhà nước dẫn đầu về thương mại và đầu tư”, báo cáo nói. “Những cải cách chính trị cũng đã suy yếu hoặc đảo ngược, và sự phân biệt giữa chính phủ và Đảng Cộng sản Trung Quốc đang bị xóa nhòa”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn