Trung Quốc hứng đòn với ngoại giao 'chiến lang'

Thứ Hai, 04 Tháng Năm 20209:00 CH(Xem: 3975)
Trung Quốc hứng đòn với ngoại giao 'chiến lang'

Ngày càng xuất hiện nhiều lời chỉ trích nhắm về phía Trung Quốc, cho rằng cách xử lý sai lầm của nước này trong giai đoạn đầu của dịch bệnh đã khiến Covid-19 lan khắp toàn cầu, cướp đi sinh mạng của gần 250.000 người và "đánh gục" nhiều nền kinh tế. Những tranh cãi ngày càng gay gắt về nguồn gốc nCoV và bên phải chịu trách nhiệm đã ảnh hưởng đáng kể đến tham vọng của Trung Quốc nhằm "lấp chỗ trống" trong vai trò lãnh đạo toàn cầu mà Mỹ để lại.

Đáp lại, Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ trước những lời chỉ trích. Bắc Kinh vừa tăng cường viện trợ y tế cho một số quốc gia chống Covid-19, vừa thúc đẩy giọng điệu chủ nghĩa dân tộc quyết liệt. Họ vừa tung ra những lời đe dọa tẩy chay kinh tế, đồng thời lại đòi hỏi các nước phải thể hiện lòng biết ơn vì được Trung Quốc giúp đỡ trong khủng hoảng.

Nhưng khi Covid-19 vẫn hoành hành và tranh cãi về nguồn gốc nCoV được Tổng thống Mỹ Donald Trump thổi bùng, chiến lược này của Bắc Kinh tỏ ra phản tác dụng, khiến nhiều nước thêm ngờ vực về Trung Quốc, làm suy yếu hình ảnh "cường quốc hào phóng" mà họ hướng tới.

Ngay từ trước khi dịch bùng phát, Bắc Kinh đã sử dụng chiến lược ngoại giao quyết liệt mang tên "chiến lang", đặt theo tên loạt phim hành động nổi tiếng Trung Quốc, trong đó quân đội Trung Quốc thực hiện hàng loạt chiến dịch táo bạo trên toàn cầu.

Để thực hiện chiến lược này, một thế hệ nhà ngoại giao trẻ tuổi của Trung Quốc thể hiện nhiệt huyết và lòng trung thành bằng những thông điệp dân tộc chủ nghĩa, thậm chí có lúc tung ra những thông điệp mang tính hăm dọa với quốc gia mà họ được phái tới, theo François Godement, cố vấn cấp cao cho viện Montaigne có trụ sở tại Paris.

Kể từ khi dịch bùng lên, giọng điệu này càng trở nên cứng rắn. Trong vài tuần qua, ít nhất 7 đại sứ Trung Quốc tại Pháp, Kazakhstan, Nigeria, Kenya, Uganda, Ghana và Liên minh châu Phi đã bị chính quyền nước sở tại triệu tập để trả lời các cáo buộc, từ truyền bá thông tin sai lệch đến đối xử "phân biệt chủng tộc" với người châu Phi tại Quảng Châu.

Tuần trước, Trung Quốc dọa dừng viện trợ y tế cho Hà Lan vì đã đưa thêm từ "Đài Bắc" vào tên văn phòng đại diện tại Đài Loan. Trước đó, đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin đấu khẩu với báo Bild của Đức khi tờ này cho rằng Trung Quốc cần bồi thường Đức 160 tỷ USD.

Trump tuần trước nói rằng Washington đang tiến hành các "cuộc điều tra nghiêm túc" về cách Bắc Kinh xử lý Covid-19. Ông thúc giục cơ quan tình báo Mỹ điều tra nguồn gốc nCoV, thúc đẩy giả thuyết nó bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm Vũ Hán, dù hầu hết cơ quan tình báo vẫn hoài nghi nhận định này. Tổng chưởng lý bang Missouri Eric Schmitt đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang để tìm cách buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm về Covid-19 và bồi thường.  

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng gọi vụ kiện là "phù phiếm", "nhấn mạnh nó không khả thi và không có cơ sở pháp lý", "chỉ đáng bị chế giễu".

Theo quan điểm của Bắc Kinh, yêu cầu đòi bồi thường này khiến họ liên tưởng đến khoản bồi thường mà triều Thanh đã phải trả sau Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, Theresa Fallon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á, châu Âu và Nga, nói.

Đây là phong trào bạo lực tại Trung Quốc từ tháng 11/1899 đến tháng 9/1901 do tổ chức Nghĩa Hòa Đoàn dẫn đầu, chống lại sự ảnh hưởng của nước ngoài trong các lĩnh vực thương mại, chính trị, văn hóa, công nghệ và bài Kitô giáo. Phong trào diễn ra trong bối cảnh cuối thế kỷ 19 đầu 20, Trung Quốc mở cửa cho các thế lực nước ngoài nên các nhà ngoại giao, thương nhân và truyền giáo từ châu Âu, Mỹ và Nhật đổ về nước này, mang theo nhiều kỹ nghệ mới nhưng cũng khiến gia tăng căng thẳng trong xã hội.

Sau khi nhiều nhà truyền giáo và tín đồ Kitô giáo bị Nghĩa Hòa Đoàn hành quyết, liên quân 8 nước gồm Nhật, Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Italy, Áo-Hung điều lực lượng đến Trung Quốc, đánh bại quân nhà Thanh, buộc Trung Quốc phải bồi thường 450 triệu lạng bạc.

Fallon cho rằng ông Tập sẽ không bao giờ đồng ý bồi thường cho bất kỳ bên nào vì đó sẽ là hành động bẽ mặt. Thay vì những sai lầm ban đầu như trì hoãn chống dịch hay "bịt miệng" người cảnh báo, Trung Quốc muốn "biến tấu lại câu chuyện" thành họ đã chiến thắng dịch bệnh nhờ sự đoàn kết của nhân dân dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trung Quốc dường như cố gắng thể hiện điều đó khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nêu nghi vấn rằng nCoV là do quân đội Mỹ mang đến Vũ Hán.

Bắc Kinh khuyến khích các nhà ngoại giao Trung Quốc đưa ra những phát ngôn mạnh bạo, theo Susan Shirk, giám đốc của Trung tâm Thế kỷ 21 tại Đại học California, San Diego. "Việc ông Triệu được thăng chức lên người phát ngôn và tuyên bố của ông về quân đội Mỹ báo hiệu cho dư luận trong nước rằng đây là quan điểm chính thức, do đó, thuyết âm mưu này càng được khuếch đại", bà nói thêm.

Nhưng về lâu dài, Trung Quốc đang gieo mầm cho sự ngờ vực và làm tổn hại lợi ích của chính họ, Shirk nói.

"Khi Trung Quốc kiềm chế được nCoV và bắt đầu chiến dịch ngoại giao y tế, đó vốn là cơ hội để họ nhấn mạnh tinh thần đồng cảm, xây dựng lại niềm tin và hình ảnh một cường quốc có trách nhiệm", bà nói. "Tuy nhiên, nỗ lực ngoại giao đó đã bị Bắc Kinh làm chệch hướng, sử dụng sự giúp đỡ của họ như đòn bẩy để đổi lấy những lời ca ngợi từ các nước khác".  

Trong những ngày gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa ra nhiều tuyên bố mạnh bạo. Sau khi Australia tuyên bố muốn điều tra về virus, Trung Quốc mô tả Australia như "bã kẹo cao su dính vào đế giày Trung Quốc". Bắc Kinh cảnh báo hàng hóa xuất khẩu của Australia sẽ phải hứng chịu làn sóng tẩy chay từ người tiêu dùng Trung Quốc. Trung Quốc là nước nhập tới 1/3 lượng hàng hóa xuất khẩu của Australia, đặc biệt là nông sản.

"Có lẽ người dân bình thường sẽ nói 'tại sao chúng ta cần uống rượu vang Australia, ăn thịt bò Australia", Đại sứ Trung Quốc Cheng Jingye nói với tờ Australian Financial Review. Ngoại trưởng Marise Payne sau đó chỉ trích Trung Quốc "lấy kinh tế làm công cụ đe nẹt".

Ở các nước châu Âu như Đức, "sự nghi ngờ về Trung Quốc cũng gia tăng nhanh chóng", chuyên gia Angela Stanzel từ Viện các Vấn đề Quốc tế và An ninh Đức cho biết. Tại Đức và Anh, nhiều người lại đặt câu hỏi có nên sử dụng thiết bị Huawei để xây dựng hệ thống 5G hay không. Họ cũng thêm lo ngại về sự phụ thuộc vào nguyên liệu và dược phẩm quan trọng sản xuất tại Trung Quốc.

Pháp, vốn có quan hệ tốt với Trung Quốc, cũng tức giận trước những phát ngôn của các nhà ngoại giao nước này, bao gồm cáo buộc rằng người Pháp cố tình để người cao tuổi chết trong viện dưỡng lão. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và các nhà lập pháp đều thể hiện sự tức giận, mặc dù Pháp - Trung trước đó đã hợp tác trao đổi viện trợ y tế như khẩu trang.

Gần đây, chính phủ Đức phàn nàn rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc đang thúc giục các quan chức chính phủ và người đứng đầu công ty lớn của Đức viết thư bày tỏ lòng biết ơn và sự ủng hộ với sự hỗ trợ và nỗ lực chống virus của Bắc Kinh.

Đại sứ Mỹ tại Warsaw Georgette Mosbacher cho biết điều tương tự xảy ra ở Ba Lan. Ông mô tả Trung Quốc hối thúc Tổng thống Andrzej Duda gọi điện cho ông Tập để cảm ơn ông về hàng viện trợ. Cuộc gọi này sau đó được truyền thông Trung Quốc đưa tin rộng rãi. "Ba Lan sẽ không nhận được hàng trừ khi cuộc gọi được thực hiện, vì vậy họ có thể sử dụng cuộc điện đàm đó để tuyên truyền", Mosbacher nói.

Tại Trung Quốc, một số người đã bày tỏ nghi ngại về chiến lược ngoại giao này. Zi Zhongyun, chuyên gia lâu năm về Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận thấy sự tương đồng trong các phát ngôn chủ nghĩa dân tộc của chính sách "chiến lang" hiện nay với nỗ lực chống lại ảnh hưởng phương Tây thời Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn.

"Cách phản ứng như vậy có nguy cơ khiến mọi thứ mất kiểm soát", bà nói.

Phương Vũ (Theo NYTimes)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn