CẬP NHẬT diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán ( Chiều 24/3)

Thứ Ba, 24 Tháng Ba 20208:25 CH(Xem: 4071)
CẬP NHẬT diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán ( Chiều 24/3)

Những tin tức cập nhật mới nhất về diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán tại Trung Quốc, Việt Nam và thế giới.

(*) Lưu ý: Tất cả những số liệu cập nhật tại Trung Quốc Đại lục về số ca nhiễm, số ca tử vong, số ca bình phục … đều chỉ đến từ 1 nguồn là Uỷ ban Y tế Nhà nước Trung Quốc. Hiện chưa có nguồn độc lập nào khác có thể kiểm chứng số liệu, ngoài 1 vài mô hình nghiên cứu giả định con số thực tế có thể cao hơn con số được chính quyền Trung Quốc công bố.

Thế giới

  • Thế giới 24h qua có thêm 2 quốc gia lần đầu tiên công bố có ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) là Lào và Libya, nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có dịch lên 198 + 1 du thuyền Diamond Princess. Như vậy đã có khoảng 98% số quốc gia trên thế giới có người nhiễm viêm phổi Vũ Hán.
  • Thế giới 24h qua cũng có thêm hơn 43.700 ca nhiễm mới và ít nhất 2.373 ca tử vong mới, là con số cao kỷ lục từ đầu dịch. Trong đó, châu Âu chiếm phân nửa số ca nhiễm mới.
  • Toàn thế giới đã có hơn 422.500 ca nhiễm và hơn 18.800 ca tử vong do dịch viêm phổi Vũ Hán. Tỷ lệ tử vong trung bình tăng lên 4.44%.
  • Nhóm các nước có trên 10.000 ca nhiễm7 nước gồm Trung Quốc, Ý, Iran, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ và Pháp hiện đã vượt quá 20.000 ca nhiễm. Với tốc độ tăng như hiện tại, dự đoán trong 2 ngày nữa, Ý sẽ có số ca nhiễm tương đương Trung Quốc Đại lục báo cáo; Mỹ cũng chỉ trong 3 ngày nữa sẽ chạm mức này. Thuỵ Sĩ dự báo sẽ lên nhóm này trong ngày mai.
  • Nhóm các nước có trên 1.000 ca nhiễm (trừ nhóm trên): 21 nước đã có mặt trong danh sách này, trong đó 2 nước mới gia nhập là Ecuador và Luxembourg.
  • Thời điểm hiện tại, dịch viêm phổi Vũ Hán đã hạn chế việc đi lại của hơn 2 tỷ người trên thế giới.
  • Ý vẫn là nước có tỷ lệ tử vong tăng cao nhất thế giới, với 5.249 ca nhiễm mới và 743 ca tử vong mới. Tỷ lệ tử vong đã lên tới 9,8% (so với hôm qua là 9,5% và hôm kia là 9%). Tổng số ca nhiễm tại Ý đã gần chạm mức gần 70.000 ca. Như vậy, số ca nhiễm mới và số ca tử vong mới tiếp tục tăng trở lại sau khi có dấu hiệu hạ nhiệt trong vài ngày trước đó. Cơ quan Bảo vệ dân sự Ý hôm 24/3 cảnh báo số ca nhiễm virus Vũ Hán tại nước này có thể cao gấp 10 lần so với thống kê chính thức.
  • Tây Ban Nha hiện là ổ dịch lớn thứ 2 châu Âu sau Ý, với gần 7.000 ca nhiễm mới và 680 ca tử vong mới – tốc độ tăng cao nhất kể từ đầu dịch. Giới chức y tế nước này cho biết khoảng 5.400 nhân viên y tế Tây Ban Nha đã nhiễm virus corona, chiếm 14% tổng số bệnh nhân. Thủ đô Madrid là tâm dịch của Tây Ban Nha, hiện các bệnh viện và nhà xác đều quá tải, đã phải trưng dụng sân trượt băng để chứa xác chết.
  • Anh: Sau lệnh phong toả, chính phủ Anh cho biết họ đang nhanh chóng thiết lập một bệnh viện dã chiến 4.000 giường tại một trung tâm triển lãm ở London để điều trị cho các trường hợp nhiễm virus Vũ Hán. Quân đội nước này cũng đang chuyển đổi những nơi khác trên khắp nước Anh thành các bệnh viện dã chiến.
  • Mỹ tiếp tục là nước có số tăng ca nhiễm mới cao nhất thế giới với gần 10.000 ca nhiễm mới được ghi nhận trong vòng 24h, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 53.600 caca. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong của Mỹ vẫn ở mức thấp với 1,3%. Ông Trump đang tính việc tái khởi động lại nền kinh tế và tuyên bố này đang gây tranh cãi giữa thời điểm Mỹ đang trở thành ổ dịch lớn thứ 3 thế giới.
  • Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 24/3 tiếp tục chỉ trích Trung Quốc trong việc từ chối chia sẻ thông tin mà thế giới cần để ngăn chặn các ca nhiễm virus tăng lên. Ông nói rằng điều này thật sự “đẩy hàng nghìn mạng sống vào nguy hiểm”.
  • Sau khi Lào thông báo 2 ca nhiễm đầu tiên vào ngày 24/3, toàn bộ khu vực Đông Nam Á đã nhiễm COVID-19. Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia với số ca nhiễm mới tăng cao mỗi ngày: Malaysia +106, Thái Lan +106, Indonesia +107, Philippines +90, Singapore +49, Việt Nam +11. Hiện các nước đều đang có các biện pháp siết chặt thêm việc đi lại, tụ tập, trao đổi buôn bán, làm việc của người dân để tránh dịch lây lan. Nhìn từ các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Singapore cho thấy khi số ca nhiễm vượt quá 500 thì tốc độ ca nhiễm mới tăng rất mạnh mỗi ngày, đòi hỏi phải xây dựng chiến lược đối phó khác để kiềm chế dịch.
  • Thủ tướng Thái Lan tuyên bố tình trạng khẩn cấp cùng với một loạt biện pháp hạn chế mới, sẽ có hiệu lực từ ngày 26/3 đến ngày 30/4. Giới chức Thái Lan sẽ có quyền áp đặt lệnh giới nghiêm, cấm đi lại và đóng cửa các tòa nhà mà không cần lý do. Nhân viên an ninh cũng sẽ có quyền kiểm duyệt và đóng cửa các cơ quan truyền thông nếu cần thiết.
  • Ấn Độ đã chính thức phong toả toàn quốc trong 21 ngày. Chính phủ cũng cam kết chi 2 tỷ USD để củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn quốc.
  • Nhật Bản đã chính thức hoãn Olympic đến năm 2021. Quan chức nước này cũng đang cân nhắc việc phong toả khi số ca nhiễm mới tiếp tục tăng. Nhật hiện đã có gần 1.200 ca nhiễm bệnh.
  • Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết thời gian tồn tại của virus corona trên bề mặt một số loại đồ vật tại phòng của hành khách có triệu chứng lẫn không có triệu chứng trên du thuyền Diamond Princess có thể lên tới 17 ngày sau khi những nơi này không còn người ở và trước khi khử trùng. Tính đến ngày 17/3, có ít nhất 25 du thuyền xuất hiện ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán trong thời gian tàu phục vụ hoặc sau khi hải trình kết thúc. Khoảng 46,5% ca nhiễm trên du thuyền Diamond Princess không có triệu chứng khi được xét nghiệm.

Việt Nam

  • Việt Nam trong ngày 24/3 ghi nhận thêm 11 ca dương tính mới với virus Vũ Hán, nâng tổng số ca lên 134. Trong đó, có 17 ca đã xuất viện; ca BN17 đã âm tính 3 lần; 3 ca gồm BN24, 27 và 59 đã âm tính 2 lần; 5 ca gồm BN21, 25, 28, 29, 32 đã âm tính 1 lần; 3 ca nguy kịch đang thở máy, lọc máu, đặt ECMO; 2 ca phải thở oxy.
  • Theo Bộ Y tế, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn 3 của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 khi có những thay đổi về nguồn bệnh.
  • UBND TP.HCM ngày 24/3 đã ban hành chỉ đạo khẩn chưa từng có tiền lệ ở thành phố: Tạm ngừng các hoạt động giải trí trên địa bàn trong thời gian dịch. Các khu vui chơi giải trí, quán bia, nhà hàng (công suất phục vụ 30 người trở lên), câu lạc bộ bi-a, thể hình, cơ sở làm đẹp phải ngừng hoạt động từ 18h ngày 24/3 đến hết 31/3.
  • Thủ tướng yêu cầu tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết để hạn chế việc tụ tập đông người, trừ các cơ sở kinh doanh dịch vụ mặt hàng thiết yếu. Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự không tổ chức các nghi lễ và hoạt động tập trung đông người.
  • Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nêu ý kiến cần tạm ngừng hoạt động các phương tiện công cộng, đặc biệt là xe buýt trong bối cảnh dịch bệnh có xu hướng lây lan mạnh trong cộng đồng.

(tiếp tục cập nhật)

Bảo Minh (t/h)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn