CẬP NHẬT diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán ( chiều 15/3)

Chủ Nhật, 15 Tháng Ba 20207:43 CH(Xem: 4446)
CẬP NHẬT diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán ( chiều 15/3)

Những tin tức cập nhật mới nhất về diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán tại Trung Quốc, Việt Nam và thế giới.

Trung Quốc đại lục (*)

  • Từ ngày 16/3, khách du lịch quốc tế đến thủ đô Bắc Kinh sẽ phải cách ly bắt buộc trong 14 ngày và sẽ phải tự chi trả kinh phí thực hiện việc này.
  • 28 tỉnh ở Trung Quốc đã nối lại hoạt động vận tải hành khách đường bộ liên tỉnh. Tổng cộng 549 đường quốc gia, tỉnh, quận và thị trấn đã được mở lại và 11.198 trong số 12.028 trạm kiểm dịch đường cao tốc được gỡ bỏ, theo truyền thông nhà nước.

(*) Lưu ý: Tất cả những số liệu cập nhật tại Trung Quốc Đại lục về số ca nhiễm, số ca tử vong, số ca bình phục … đều chỉ đến từ 1 nguồn là Uỷ ban Y tế Nhà nước Trung Quốc. Hiện chưa có nguồn độc lập nào khác có thể kiểm chứng số liệu, ngoài 1 vài mô hình nghiên cứu giả định con số thực tế có thể cao hơn con số được chính quyền Trung Quốc công bố. 


  • Thế giới 24h qua có thêm 5 quốc gia lần đầu tiên công bố có ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán, nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có dịch lên 157 + 1 du thuyền Diamond Princess. Toàn thế giới đã có hơn 169.000 ca nhiễm và hơn 6.500 ca tử vong.
  • Thế giới 24h qua cũng có thêm hơn 12.500 ca nhiễm mới và ít nhất 666 ca tử vong mới – đây là con số kỷ lục kể từ đầu dịch. Trong đó, riêng châu Âu đã có tới 9.757 ca nhiễm mới, chiếm 77,7% tổng số ca nhiễm mới của toàn thế giới.
  • Ý: Số ca nhiễm mới trong 1 ngày của Ý tiếp tục tăng đột biến với 3.590 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 24.747 ca nhiễm. Đây là mức tăng cao chưa từng có tại Ý, chiếm khoảng 1/3 số ca nhiễm mới toàn thế giới trong vòng 24h qua. Đặc biệt, Ý có thêm tới 368 ca tử vong mới (kỷ lục kể từ khi có dịch, thậm chí cao hơn con số ngày cao nhất của tỉnh Hồ Bắc báo cáo), nâng tổng số ca tử vong lên 1.809, chiếm một nửa số tử vong mới của thế giới. Tình hình dịch bệnh ngày một xấu đi dù Ý đã bước sang ngày thứ sáu phong tỏa toàn quốc. 
  • Tây Ban Nha có thêm một ngày tăng kỷ lục các ca nhiễm mới với 1.452 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 8.162, cao thứ nhì châu Âu chỉ sau Ý. Với tốc độ tăng như hiện nay, chỉ một thời gian ngắn nữa là Tây Ban Nha vượt mốc 10.000 ca nhiễm. Nước này cũng thêm 96 ca tử vong, tổng số 292 ca.
  • Đức có thêm 1.214 ca nhiễm mới trong vòng 24h qua, cũng là con số cao nhất kể từ đầu dịch ở nước này, nâng tổng số ca nhiễm lên 5.813 trường hợp. Đức đã tuyên bố đóng cửa phần lớn biên giới trên bộ tại khu vực tiếp giáp với các nước Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Đan Mạch và Luxembourg.
  • Châu Âu có thêm Hà Lan và Thuỵ Điển “gia nhập” khối các nước có trên 1.000 ca nhiễm. 3 nước khác là Bỉ, Đan Mạch và Áo đang gần chạm mốc này. Như vậy châu Âu là nơi có nhiều quốc gia có trên 1.000 ca nhiễm nhất (hiện tại là 9 trên 13 nước).
  • Anh đã áp dụng việc hạn chế đi lại đối với người cao tuổi (trên 70 tuổi) lên tới 4 tháng. Nước này đã có thêm 251 ca nhiễm mới và 14 ca tử vong mới trong vòng 1 ngày qua. Nhiều mặt hàng như giấy vệ sinh, đồ tẩy rửa, các dụng cụ thiết yếu cùng thực phẩm đã gần như hết hàng tại các siêu thị tại Anh.
  • Nhiều nhà khoa học Anh đã lên tiếng phản đối chiến lược “miễn dịch cộng đồng” của chính phủ Anh do sẽ khiến hệ thống y tế chịu nhiều áp lực và gây tổn thất sinh mạng nhiều hơn.
  • Pháp cũng có một ngày với số ca nhiễm mới tăng thêm 924 ca lên tổng cộng 5.423 trường hợp. Pháp đang chuẩn bị sắc lệnh “bán phong tỏa” toàn quốc nhằm ứng phó dịch bệnh, theo đó sẽ siết chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế đi lại và tiếp xúc xã hội đối với khoảng 66 triệu dân, hiệu lực từ đêm 17/3 (giờ địa phương). Mọi cơ sở kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa, trừ nhà thuốc và siêu thị. Các địa điểm vui chơi giải trí và tập trung đông người như nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và sân vận động thể thao sẽ phải dừng hoạt động. Ghi nhận tại Pháp vào ngày chủ nhật 15/3 hôm qua, vẫn có hàng nghìn người đổ ra đường, công viên, quảng trường tắm nắng, picnic với bạn bè.
  • Bỉ sẽ thành lập chính phủ khẩn cấp để triển khai việc phòng chống dịch corona. Chính phủ này được trao quyền lực đặc biệt trong thời hạn 6 tháng mà không nhất thiết phải có đa số ủng hộ tại Nghị viện.
  • Iran có thêm một ngày tang tóc với 1.209 ca nhiễm mới và 113 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 13.938 và số ca tử vong lên 724, đứng thứ 2 châu Á và thứ 3 thế giới. Hệ thống y tế tại Iran đã bị quá tải, nước này đang kêu gọi các nước khác hỗ trợ để chống chọi với dịch bệnh. Đáng lưu ý, người đứng đầu chiến dịch chống dịch viêm phổi Vũ Hán của chính phủ Iran cho biết nhiều trường hợp tử vong trước đó hoàn toàn khỏe mạnh. Theo các con số thống kê từ Bộ Y tế Iran, 55% các trường hợp tử vong là những người trong độ tuổi 60, còn số người tử vong dưới 40 tuổi chiếm khoảng 15%.
  • Ngày 15/3, Tổng thống Kazakhstan đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ít nhất 1 tháng để đối phó dịch viêm phổi Vũ Hán, hạn chế tối đa việc xuất nhập cảnh.
  • Syria: Tuy chưa ghi nhận trường hợp nào mắc COVID-19 song Syria vẫn quyết định đóng cửa các trường học cho đến đầu tháng 4 và hoãn tổ chức bầu cử quốc hội tới 20/5 thay vì ngày 13/4 như kế hoạch trước đó để phòng bệnh.
  • Malaysia có một ngày tăng đột biến với 190 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 428. Hầu hết những ca nhiễm mới này có liên quan đến một sự kiện diễn ra tại thánh đường Hồi giáo gần Kuala Lumpur với khoảng 16.000 người tham dự. Thủ tướng Malaysia cho biết nước này đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai.
  • Singapore: Từ ngày 17/3, Singapore sẽ yêu cầu cách ly tự nguyện 14 ngày với hành khách nhập cảnh vào nước này đến từ hoặc đi quan các nước ASEAN, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Những người này sẽ phải cung cấp chứng nhận nơi cư trú trong thời gian cách ly ở Singapore và có thể bị yêu cầu xét nghiệm COVID-19 nếu cần.
  • Philippines có thêm một ngày với 29 ca nhiễm mới và 3 ca tử vong mới. Nước này đã triển khai hàng nghìn cảnh sát, cùng quân đội và lực lượng tuần duyên phong tỏa khu vực Manila để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Khu vực Metro Manila có dân số lên đến hơn 12 triệu người với 17 thành phố và thị trấn. Người dân địa phương được yêu cầu ở nhà, hạn chế ra đường trừ lý do công việc và nhu cầu cấp thiết. Phần lớn hoạt động của chính phủ cũng tạm dừng. Các biện pháp hạn chế này có hiệu lực trong vòng một tháng, trong đó thủ đô Manila là nơi được kiểm soát chặt chẽ nhất.
  • Nhật Bản: số ca nhiễm vẫn tăng đều đặn với 35 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 839 và số ca tử vong lên 24. Chính phủ Nhật vẫn kiên quyết sẽ tổ chức Olympic Tokyo 2020 vào tháng 7.
  • Thái Lan cũng có một ngày tăng kỷ lục với 32 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 114. Chính phủ Thái đang xem xét việc đóng cửa các hộp đêm, quán bar và tiệm massage, có hiệu lực từ ngày 16/3, và cảnh báo nước này đang ở giai đoạn 2 của việc lây truyền tại địa phương. Có nhiều lo ngại rằng tình hình ở Thái Lan sẽ xấu đi rất nhiều trong những tuần tới vì khả năng đang có nhiều những ca “lây truyền thầm lặng” trong cộng đồng vì nhiều người Thái không thực hiện các biện pháp tự cách ly bởi tự tin giả định rằng tình hình đã được kiểm soát.
  • Mỹ có thêm 754 ca nhiễm mới và 11 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.590, cao thứ 8 trên thế giới. Từ ngày 16/3, Mỹ sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng vắc xin kháng virus corona. Thống đốc bang New York đã kêu gọi Tổng thống Donald Trump mở thêm nhiều phòng xét nghiệm và huy động quân đội tham gia vào cuộc chiến chống lại dịch bệnh.
  • Du thuyền Golden Princess: giới chức y tế New Zealand thông báo khoảng 3.700 hành khách và thủy thủ đoàn trên du thuyền Golden Princess cập cảng Akaroa, gần thành phố Christchurch, miền Nam nước này, sẽ không được phép rời tàu do phát hiện trường hợp nghi nhiễm virus corona. Hiện có 3 ca nghi nhiễm đang được xét nghiệm và sẽ có kết quả trong hôm nay.

  • Trong ngày 16/3, Việt Nam công bố 4 ca nhiễm mới đều là người nước ngoài, nâng tổng số ca nhiễm đến nay ở Việt Nam là 57 ca, trong đó có 16 ca đã bình phục và xuất viện.
  • Theo thông báo của Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam, công dân các nước ASEAN trong đó có Việt Nam muốn nhập cảnh ngắn hạn vào Singapore phải cung cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho các cơ quan đại diện Singapore ở nước sở tại để xem xét trước khi tới Singapore. Bộ Ngoại giao Việt Nam lưu ý công dân Việt Nam không nên đến Singapore thời gian này nếu không thực sự cần thiết.
  • Phú Quốc tạm ngừng việc tiếp nhận người nước ngoài ra đảo, chuẩn bị bệnh viện dã chiến có sức chứa 1.000 người; tạm dừng hoạt động chợ đêm, các cơ sở karaoke, massage; học sinh được nghỉ học cho đến khi có thông báo mới.

(tiếp tục cập nhật)

Bảo Minh (t/h)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn