Bạn có phải là người nghiện công việc?

Thứ Hai, 15 Tháng Giêng 20184:00 SA(Xem: 6367)
Bạn có phải là người nghiện công việc?
bbc.com
Alison Birrane BBC Capital

Nghiện việc không phải là một chứng rối loạn chính thức, nó chỉ hơn một thuật ngữ khá thông thường Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Nghiện việc không phải là một chứng rối loạn chính thức, nó chỉ hơn một thuật ngữ khá thông thường

Có sự khác biệt giữa người làm việc nhiều và người bị cuốn vào việc ngoài tầm kiểm soát. Ranh giới nằm ở chỗ nào?

Ai cũng thích người làm việc tích cực.

Thực tế, làm việc nhiều và kiếm được nhiều tiền là điều nhiều người coi là dấu hiệu của sự thành công. Trong khi bị gọi là nghiện việc thường bị xem là không được hay ho lắm.

Nhưng với một số người thì nhu cầu ám ảnh về công việc phải trả giá bằng mọi thứ khác, đó là sức khỏe, quan hệ và thậm chí cả chất lượng công việc. Đó là giá rất đắt.

Cho dù thế nào thì sự thúc bách làm việc đã dẫn đến việc người ta phải điều trị và tham gia các nhóm tự hỗ trợ trong nhiều năm. Thậm chí nghiện việc có thể gây tử vong. Đầu tháng này, một nghiên cứu của chính phủ Nhật cho hay 1/5 lực lượng lao động Nhật có nguy cơ tử vong vì làm việc quá sức.

Làm việc quá tải không chỉ là vấn đề nan giải ở Nhật Bản. Chương trình 12 bước Workaholics Anonymous phỏng theo chương trình Alcoholics Anonymous, đã tổ chức hội nghị quốc tế đầu tiên ở Anh trong tháng 6, với những người tham dự từ khắp thế giới.

Ai cũng thích người làm việc tích cực? Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Ai cũng thích người làm việc tích cực?

Cho tới nay, có ít nghiên cứu về nguyên nhân gây ra nghiện việc. Nhưng những năm gần đây đã có thay đổi, hiện tượng nghiện việc được chú ý hơn và đang được xử lý, chứ không chỉ được coi là một từ thông dụng.

Nghiện việc hiện không được công nhận là một bệnh y học theo Cẩm Nang Chẩn Đoán Và Thống Kê Của Hội Bác Sĩ Tâm Thần (là tiêu chuẩn chuẩn mực để chẩn đoán bệnh tâm thần).

Nhưng ngay cả khi không có định nghĩa chính xác thì tác động của nó có liên quan đến sức khỏe, nơi làm việc và những vấn đề tinh thần, và các nhà nghiên cứu ghi nhận là có. Một nghiên cứu toàn diện mới đây, mang tính định lượng, của Đại học Georgia cho thấy, ngoài những vấn đề khác, những người nghiện việc có năng suất kém các đồng nghiệp có quan điểm lành mạnh hơn trong công việc.

Một nghiên cứu khác lớn hơn được xuất bản vào tháng Năm của trường Đại học Bergen ở Na Uy, đã chứng minh mối quan hệ giữa nghiện việc với các vấn đề tâm lý khác, như chứng rối loạn cưỡng bức ám ảnh, lo lắng và trầm cảm.

Không phải là công việc tốt nhất

Nhưng khi nào thì làm việc vất vả trở thành tiêu cực? Điều gì có thể làm ai đó tin là mình bị nghiện việc? Nghiện việc là một sự cưỡng bách, một sự thôi thúc ngoài tầm kiểm soát và ám ảnh phải làm việc hoặc phải nghĩ về làm việc, Bryan Robinson, một bác sỹ điều trị tâm thần ở Bắc Carolina và đã thực hiện nghiên cứu tác động của nghiện việc, tác giả cuốn cẩm nang Bị Khóa Vào Bàn Làm Việc, nói.

"Nghiện việc không tính bằng giờ. Nó được xác định bằng điều đã xảy ra bên trong chúng ta," ông nói.

"Một người nghiện việc là một người trong khi đang trượt tuyết thì mơ quay trở về để làm việc. Một người làm việc lành mạnh là người khi đang làm thì mơ đi trượt tuyết."

Robinson (là người đưa lời khuyên cho những người đã ly dị, bị thôi việc hoặc bị khủng hoảng sức khỏe do làm việc quá mức) nhớ lại một khách hàng nói rằng bà nói với chồng rằng mình đã đi tập ở phòng gym, nhưng thực tế là bà đi làm, trước đó bà đã mặc quần áo thể thao và làm cho ướt người để trông giống như toát mồ hôi.

Có giống như ai đó mà bạn biết không?

Nhưng những người nghiện việc không tất yếu tạo ra kết quả tốt nhất hoặc gắn bó hơn ở cơ quan so với đồng nghiệp, sự phân tích toàn diện của trường Đại học Georgia phát hiện như vậy.

Malissa A Clark, một giáo sư trợ giảng về tâm lý của Đại học Georgia, chỉ đạo nghiên cứu này. Bà nói những người nghiện việc bị căng thẳng hơn và kém hài lòng hơn trong công việc, kém hài lòng hơn trong cuộc sống và bỏ nhiều công sức hơn.

Họ cũng bị xung đột lớn hơn trong quan hệ công việc và cuộc sống, sức khỏe thể lực và tinh thần kém hơn và dẫn đến kết cục bất lợi cho gia đình, như rắc rối trong hôn nhân.

"Ít có những kết cục tốt," bà nói, mặc dù quan niệm của nghiện việc thường liên quan với những đặc điểm như gắn bó với việc, cạnh tranh, ham muốn và có năng suất tốt.

Bạn có nghĩ rằng bạn có vấn đề không? Có một số tiêu chí tự đánh giá để thử.

Các nhà nghiên cứu Na Uy có thiết lập thang đo mức nghiện việc Bergen để bạn đo cách hành xử, cảm giác và thái độ của bạn đối với công việc. Chương trình Workaholics Anonymous cũng có các câu hỏi trên mạng giúp bạn xác định nếu bạn cần.

Bước đầu tiên, chuyên gia nói, là cứ thừa nhận rằng bạn có vấn đề.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Vì bạn không thể từ bỏ nó một cách đột ngột, bạn phải có kế hoạch giải quyết cách thức làm việc của mình

Đối với Robinson (tự cho mình là người mới khỏi nghiện việc) thì việc điều trị gồm sự quan tâm, điều trị, thay đổi cách cư xử và bộc lộ các vấn đề nằm dưới. "Nó có những nguyên nhân sâu xa. Đôi khi đó là thể diện, đôi khi đó là một cách để điều chỉnh mối lo lắng," ông nói.

Đối với Bob, 61 tuổi, ở California, ông đã thừa nhận là có vấn đề khi vợ ông nói với ông là bà không chịu nổi khi nửa đêm thức giấc và thấy ông không ở nhà, vẫn còn ở cơ quan. Bob (người không nêu tên họ để đảm bảo việc ẩn danh của chương trình Workaholics Anonymous) hiện là nhân viên biệt phái cho chương trình này, làm tự nguyện.

"Thuốc cho người nghiện việc là adrenaline," ông nói. "Sự căng thẳng, áp lực, khủng hoảng, hạn phải xong việc, tất cả những thứ này cho phép năng lực có thêm adrenaline để hoạt động với nhịp độ điên cuồng."

Bob có công việc đầu tiên khi 5 tuổi, đó là giúp anh đưa báo, tái chế lon đồ uống và chai lọ, cắt cỏ và xúc tuyết. Ông đã trở thành một doanh nhân thành công, nhưng cuối cùng thì sức khỏe giảm sút, và nếu ông không tìm sự hỗ trợ thì cuộc sống gia đình cũng sẽ tồi tệ, ông nói. Vợ ông đã không chịu đựng nổi.

"Việc vợ ông không còn muốn sống như thế nữa đã làm ông sẵn sàng để cuối cùng theo đuổi chương trình này một cách tận tâm và tin tưởng," Bob nói.

Nhưng công việc, cũng như thức ăn, không phải là cái mà ta có thể từ bỏ nó một cách đột ngột. Vậy làm thế nào có thể kiểm soát sự thôi thúc làm việc không ngừng? "Đó là phải có kế hoạch và làm theo kế hoạch thay vì lao một cách ép buộc vào bất cứ công việc gì xuất hiện," Bob nói. Nghĩa là việc nào giờ đó, nếu có việc gì đột xuất, thay vì cố dồn ép và làm nhiều việc một cách hỗn loạn, hãy lập lại danh sách việc và xếp hạng ưu tiên lại.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Bạn không nghe khi bạn bè bảo bạn làm việc ít đi?

Những lựa chọn khác là tìm gặp một bác sỹ điều trị giỏi trong lĩnh vực này. Hoặc bạn có thể tham dự các hội thảo và chương trình của bệnh nhân ngoại trú, thí dụ như của The Bridge To Recovery ở Ohio, Mỹ, hỗ trợ cho những người nghiện việc kèm các cách điều trị cho trạng thái cưỡng bức ép buộc, lo sợ và suy sụp.

Nhưng yếu tố lớn nhất trong việc thiếu cách điều trị hiệu lực sẵn có, Clark nói, là việc thiếu nghiên cứu. "Hiện chưa có nhiều nghiên cứu về sự phát triển của nghiện việc và gần như không có nghiên cứu về mối liên quan giữa nghiện việc và những rối loạn bệnh lý." Nghiên cứu của Na Uy là một trong những nghiên cứu đầu.

Cần có thêm nhiều nghiên cứu, bà nói. "để nghiện việc trở thành một môn chính thống hơn là một từ thông dụng ngoài lề nói chơi của quần chúng. Nó đang có những kết cục có hại chính thức đến cuộc sống và hạnh phúc của con người."

Bài tiếng Anh trên BBC Capital

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn