Khi người dân phẫn nộ không còn sợ hãi

Thứ Sáu, 14 Tháng Hai 20201:00 CH(Xem: 3501)
Khi người dân phẫn nộ không còn sợ hãi
corona-dcstq-1
Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 13/2/2020 trong dịch viêm phổi Vũ Hán. (Ảnh: Novikova_Irina/Shutterstock)

Lời giới thiệu: 

“Tháng hai. Chấm mực, khóc than

Viết về Tháng Hai trong cơn nức nở

Khi ngoài kia bùn lầy gầm réo

Cháy lên đen thẫm sắc xuân”.

Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun), nguyên giáo sư Đại học Thanh Hoa, một trong những trí thức nổi tiếng đương thời thường xuyên phê phán Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chọn mở đầu bài viết gần như là tuyệt bút của ông bằng bốn câu đầu tiên trong bài thơ Tháng Hai của Boris Pasternak (Hoàng Hưng dịch).

Bài viết “Khi người dân phẫn nộ không còn sợ hãi” nhân tình hình bệnh dịch được ông công bố trên mạng ngày 4/2 đang gây xôn xao giới trí thức Trung Quốc.

Trong bài viết mà ông tự nhận có thể là tác phẩm cuối cùng được công bố của ông, giáo sư Hứa đả kích dịch bệnh lan tràn là vì một chế độ vô năng, đặc biệt là bại hoại về đạo đức, sẵn sàng hy sinh hàng triệu người dân để bảo vệ quyền lực của mình.

Dưới đây là 9 ý chính trong bài viết của ông về tình hình chính trị hiện nay ở Trung Quốc, dưới thời Tập Cận Bình.

1. Chính trị bại hoại, đạo đức chính thể khánh tận. Bảo vệ gia nghiệp và quyền lực là tư duy cốt lõi của chính thể hiện nay.

2. Dưới nền chính trị bạo ngược hiện nay, hệ thống chính trị đã sụp đổ, 30 năm của hệ thống quan liêu kỹ trị đã chấm dứt, quý tộc Đỏ đã tiếm quyền.

3. Quản lý nội chính đã hoàn toàn bị hủy hoại.

4. Chính trị nội đình lên ngôi vì sự tập trung hóa quyền lực, đảng làm thay chính phủ.

5. Cai trị đất nước và khống chế người dân thông qua chủ nghĩa toàn trị dữ liệu lớn và chủ nghĩa khủng bố Wechat.

6. Mọi con bài đều được tung ra, không còn khả năng cải cách nào nữa.

7. Vì những vấn đề trên, việc Trung Quốc một lần nữa bị cô lập với hệ thống thế giới là kết cục định sẵn.

8. Người dân không còn sợ hãi.

9. Sự sụp đổ đã xảy đến, việc đếm ngược đã bắt đầu, thời khắc lập hiến đang đến.

(Nhà báo Đặng Sơn Duân)

Xin giới thiệu toàn bài viết của GS Nhuận, bản dịch của Sử Nguyễn, dịch từ bản tiếng Trung.

—-

Tí – Hợi giao thời, Vũ Hán phát dịch, cả nước cùng lây. Nhất thời đất Thần châu người người bàng hoàng, khắp chốn thương tang. Kẻ nắm công quyền tiến lui thất trách, khiến dân đen người người gặp họa, dịch khắp toàn cầu, Trung Quốc nay thành Cô đảo. Công sức “Cải cách mở cửa” ba mươi năm tích lũy, nay đem hủy trong một sớm một chiều. Một cái tát cho Trung Quốc, hay những người trị lý quốc gia trở về thời tiền hiện đại.

Nay đường chặn, thành phong, một tai nạn nhân đạo không ngừng ở ngay trước mắt, khác nào đang thời Trung thế.

Nguyên nhân chính bởi, kẻ cầm quyền trên dưới, xuất hiện thì bịt miệng mà dối lừa, tiếp thì đẩy trách nhiệm chỉ muốn tâng công, mắt trừng trừng bỏ qua cơ hội đầu tiên cho trị phòng bệnh dịch. Lũng đoạn tất thảy, chỉ chăm chăm vì “tổ chức vô trật tự” chỉ chịu trách nhiệm với cấp trên trong “chế độ hoàn toàn bất lực”. Một chính thể “Toàn bại hoại đạo đức” chỉ vì lòng riêng để “giữ Giang sơn” mà nướng muôn ngàn dân rơi hầm tai họa, vậy cho nên nhân họa mới quá cả thiên tai. Mang đạo đức suy đồi của thể chế lõa lồ ngay trước mắt, phô bầy nên cảnh kém hèn chưa từng có xưa nay.

Chính vậy, tai họa bởi người, từ luân lý, chính trị xã hội cho đến kinh tế bây giờ, đâu khác gì một cuộc chiến kinh hoàng. Nhắc lại một lần, đấy còn hơn cả một cuộc chiến kinh hoàng. Ấy chính là chưa kịp phô bầy với giặc giã bên ngoài, thì gian thần đã phá tan cả nước. Hoa Thịnh Đốn hoặc muốn diệt tan kinh tế Trung Hoa, chẳng ngờ quan lại nước nhà đã tự hiến thân làm tướng địch. Dịch bệnh hoành hành ở ngay trước mắt, cái gì mà “thân tự” vân vân. Tâm miệng bất nhất, vô xỉ có thừa, càng làm quốc dân bi phẫn, lòng người mết hết. Vậy nên, phẫn nộ quốc dân như hỏa sơn chỉ chờ bộc phát, mà người dân phẫn nộ sẽ không còn sợ hãi. Cho nên, mở mắt nhìn hệ thống thế giới, xét chu kỳ chính trị năm châu đem tóm lược quốc tình từ Mậu Tuất tới nay, khái lược thành chín điều, dâng lên quốc dân.

Trước hết, chính trị bại hoại, đạo đức sạch trơn.

Giữ gia nghiệp, ngồi giang sơn, đã thành hạt nhân của đám thượng tầng trong chính thể. Mở miệng ra là “nhân dân quần chúng” chẳng qua chỉ là đơn vị đo thuế, dưới những con số quản lý là “cái giá phải trả” cho một lòng ổn định vương quyền, chỉ để cúng dường vô số phường sâu mọt trong chính thể cực quyền. Trong chính thể dưới trên che giấu bệnh dịch, hết kéo lại kéo, chỉ xoay quanh những “hạt nhân” đèn xanh đèn đỏ, ca vũ thăng bình, càng lộ rõ làm gì có sinh mạng dân đen con đỏ, mà dám lý luận mạng người hơn cả.

Đến việc phát sinh, vừa làm mất mặt, còn táng tận thiên lương, người gặp tai ương toàn dân đen trăm họ. Gốc quyền còn đó, mà bất lực và loạn tượng khắp nơi, bọn an ninh mạng dốc lòng vì bạo chính, không khác khuyển ưng, thêm giờ thêm điểm chặn đường tin tức, mà tin tức không đường mà chạy, ấy chính vì đặc vụ chính trị lên ngôi, Quốc (gia) an (toàn) ủy (ban) biến thành trung tâm sức mạnh, tuy chẳng thể thêm nay lại càng vô dụng.

Thực ra, người xưa sớm đã nói rồi, chặn miệng dân còn hơn chặn lũ, quản lý mạng có bằng tài thánh, cũng sao ngăn mười bốn ngàn ngàn miệng thế cùng reo, cổ nhân nào có nói chi sai! Mọi việc khắp cả muôn, tưởng quyền lực không gì không thể, đắm chìm trong hô hào “lãnh tụ” để lừa mình, mà rốt cuộc nào che cho nổi. Đại dịch ngay trước mặt, lại không thấy đức người lãnh tụ, dùi đầu vỗ gối, tướng sỹ chết ở tiền phương, họa hại muôn phương dân chúng, chỉ ngồi đó kêu gào khẩu hiệu, cái nọ cái kia, làm quốc dân khinh bỉ, mang trò hề cho cả muôn phương.

Đấy chẳng bởi Nó, mà bởi “đạo đức chính thể hoàn toàn bại hoại” mà nên. Nếu bảo rằng hơn 70 năm liên miên tai nạn cũng cho dân thấu hiểu tàn bạo cực quyền, thì trận đại dịch càng phơi bầy sạch bách. Chỉ mong cho muôn vạn đồng bào, người già người trẻ, thêm trí nhớ, bới tính nô (lệ), trên muôn điều công sự, dùng lý của mình, đừng tiếp tục tuẫn táng cho cực quyền chủ nghĩa. Nếu không, muôn đời chẳng thoát.

Thứ đến, dưới độc tài chính trị, chính thể hủ bại

Kết thúc ba mươi năm hệ thống kỹ thuật quan liêu. Đã biết bao lần, dưới động cơ đạo đức và lợi ích, hàng loạt quan chức xuất thân kỹ thuật khoác áo lên đường, rốt cuộc hình thành dẫu không lý tưởng, khắp chốn tệ đoan, nhưng cũng là hệ thống của một thời phải thế. Nguyên nhân quan trọng, chính là bởi yêu cầu chính tích để có thể lên cao, đã thúc đẩy sỹ tử bần hàn hiến thân chính thể. Còn như Hồng thiếu gia thừa thế ngoi lên, đặt đít có ăn, túi cơm giá áo, thành sự thì ít bại sự vô vàn, ở đây không tính. Đáng tiếc, cùng với mấy năm gần đây không ngừng chỉnh đốn giang sơn nhà Đỏ, vở tuồng xưa diễn lại, chỉ dùng người nhà, thêm kẻ nghe lời. Kết quả là đâu, quan liêu xuất thân kỹ thuật, đức tính và tài năng, những máu lửa vì chính tích để lên cao, không ngờ không biết nay đã mất sạch còn đâu.

corona-dcstq-4

Đặc biệt tập trung lấy nguồn gen Đỏ, chỉ người nhà làm hạt nhân chế độ, làm thiên hạ lòng nguội tựa tàn tro, lại thêm nữa xa đức xa tâm. Chính bởi thế mà quan trường chỉ toàn kẻ bất tài quen ăn quen bợ. Việc loạn Ngạc châu (Hồ Bắc), bầy ma điên loạn, chẳng qua một góc, thực ra tỉnh nào cũng vậy, cả nước khác chi. Nguyên nhân trong đó chính bởi thời đại “Hậu lãnh tụ” chế độ Lãnh tụ bản thân đã hủy việc trị lý, miệng nói phương thức thời hiện đại nhưng lại ném cả quốc gia vào thời kỳ loạn thế. Bệnh tình ở đó chính bởi “Tổ chức vô trật tự” và “Chế độ hoàn toàn bất lực”.

Anh có thấy chăng, Chỉ một người một ngựa mà trông, mà một người u mê, trị nước vô đạo, làm chính trị không trình độ mà chỉ giỏi lộng quyền lộng thuật, cả nước cùng chịu tai ương. Quan lại không biết làm gì, kẻ tốt dẫu có lòng làm việc cũng đâu dám làm gì, kẻ ác khuấy đầm bắt cá, không làm được lại còn phá việc, còn hơn cướp đồ nhà cháy, kẻ hèn lên người tài bị loại, một ổ loạn mê.

Thêm nữa, nội chính trị lý hoàn toàn suy bại.

Chính bởi thế hoàn toàn đi xuống, biểu hiện ở hai phương diện sau đây. Thứ nhất, kinh tế đi xuống đã thành hiện rõ, năm nay lại càng suy kiệt, bởi “phong ba” trước nay chưa từng trông thấy, đem “Tổ chức vô trật tự” và “Thể chế hoàn toàn vô năng” đẩy đến cùng cực. Đối với lòng dân ngày càng xuống dốc, lo sợ bản quyền, bất mãn chính trị, xã hội thu hẹp, văn hóa xuất bản tiêu điều, chỉ có rắm chó cùng bài ca, kịch Đỏ của bọn vô xỉ suốt ngày ca công tụng đức, sớm đã thành sự thực. Chỗ sai lầm nhất chính là sai lầm trong chuyện Cảng, Đài, mặc kệ lời lứa đầu phiếu của dân, đánh bàn cờ thối, làm niềm tin chính trị đâm xuống vực sâu, dẫn đến mảnh đất văn minh Hoa Hạ mà lòng người ly tán nhân tâm, làm thế giới thấy miệng lưỡi của phường vô lại.

Còn phần khác, quan hệ Mỹ Trung mất thế cân bằng, nền tảng bởi quốc gia siêu cấp bởi không có nội chính thuần túy, đấy chính bởi cái gốc của vận mệnh quốc gia không vững. Chính bởi như vậy, quan lại hồ đồ, lại gặp thêm một nước lớn hoàn toàn khó hiểu, nên dẫn đến một mớ bùng nhùng. Dân mạng nói “Chủ nghĩa đế quốc một lòng diệt ta”, muốn làm mà việc vẫn không thành, nay để Nó làm xong, đâu chỉ là nói nhảm, mà thực là đau tận tâm can.

Ngoài ra, vài năm nay công quyền thắt chặt, hạn chế dư luận, chặn đường xã hội, bịt miệng càng tăng, dẫn đến cơ chế cảnh tỉnh xã hội đã suy nhược thậm chí hoàn toàn đánh mất. Gặp cơn đại dịch, từ bịt miệng tới bịt thành, lòng chết lại thêm người chết đó. Bởi vậy, khó gì đâu để hiểu, cùng với những điều đó mang lại Chính trị XX chủ nghĩa và chủ nghĩa dung tục thực dụng lan tràn khắp nơi, không thể nhiều hơn. “Tri thanh chính trị” lên ngôi trong thời điểm đặc thù, thực đã là Đức – (tri) Thức cùng xóa sổ. Có thể nói, trên trên dưới dưới, đây là lớp lãnh đạo tệ nhất hơn bốn chục năm qua.

Bởi thế, chính là lúc này, phải thực hiện đúng điều 35 trong Hiến Pháp, giải trừ đối với việc thắt chặt, dùng hình thức đặc vụ để quản lý không gian mạng, thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do cho cả lương tâm, xóa bỏ cả việc chặn biểu tình, diễu hành, ngay cả việc xây dựng xã, đoàn các quyền để tổ chức tự do, tôn trọng quyền bỏ phiếu của toàn thể quốc dân, đặc biệt quyền bỏ phiếu chính trị, thêm nữa, đối với nguồn cơn của tật bệnh, người có trách nhiệm với tình hình dịch bệnh, phải có cơ chế điều tra độc lập, đấy mới là con đường lớn phải “xây lại sau cuộc chiến” gấp ngay lúc này.

Lại nữa, nội đình chính trị lên ngôi.

Vài năm gần đây hành động tập quyền, Đảng – Chính quyền nhất thể, đặc biệt là lấy Đảng thay Chính, như đã nói ở trước, dường như đem thể chế quan liêu trở thành ung nhọt. Động cơ tàn tạ, kiểm soát không nổi, lấy (ủy ban) kỷ luật kiểm soát làm roi vọt, đánh cơ thể bán mạng. Bởi vì sự thiếu khuyết của tự do ngôn luận và thể chế văn quan hiện đại, càng không quan tâm sự có mặt “kẻ phản đối trung thành của vua” roi vọt bản thân cũng không chịu sự đốc thúc, lại lấy Quốc An ủy (ủy ban kiểm tra an toàn quốc gia) nhất thống để làm cánh tay sắt thống lĩnh. Cuối cùng là tầng tầng trói buộc, quyền lực chỉ ở trong một người. Mà thân người thân phàm xác thịt, không phải toàn năng, dưới thể chế của Đảng lại không có phân quyền để cân bằng hay hợp lực, chỉ có gom thân tín mà nghị họp. Chính bởi thế, nội đình sinh ra. Nói trắng ra, chính là “tập thể lãnh đạo” phân tách thành hình thức “chín rồng trị nước”, sự suy yếu của quyền lực thừa tướng, nhóm quyền lực của lãnh đạo trở thành “Nước ở trong nước”.

Quay trở lại trạng thái bình thường của “chính thể 1949”, quan liêu hệ thống phụ trách hành chính, dẫu là thời đại của Mao đi chăng nữa thì cũng phải nhịn Chu (Ân Lai) vài phần. “Cách mạng ủy ban hội” và “Tổ chức bảo vệ nhân dân” xuất hiện, làm tan kết cấu đó, cuối cùng không thể duy trì. Gần bốn mươi năm trở lại đây, đại đa số thời kỳ “Quân – Tướng” đại để cân bằng, Đảng và Chính quyền nhất thể biến các quản lý hành chính trở thành ý chỉ của Đảng. Chỉ đến những năm gần đây, mới bắt đầu xuất hiện, thực hiện chính trị nội đình, mà triệt để đóng cửa những hoạt động thông thường của chính trị. Một khi tiến hành đóng cửa, nghĩa là không còn đường lui, tình hình xiết chặt, ai cũng đều không làm được việc, chỉ có mắt trừng trừng nhìn tình hình càng trở nên tồi tệ, tệ đến mức không thể sửa được. Dưới tình cảnh đó, kinh tế xã hội sớm đã khó có thể chống lại được tổn thương, những tác động của xã hội thế tục cũng làm tiêu hao luân lý xã hội, sự yếu của xã hội thị dân, công dân xã hội cơ bản không tồn tại, đến như chính trị xã hội đến bóng cũng không còn thấy, thế cho nên một chút tác động hay đại nạn tới nơi, không thể tự cứu, người ngoài cứu chữa thì bị chặn, thế cho nên ắt dẫn đến tai ương. Lần này cái loạn Giang Hạ, hiện tượng ở dưới mà cái gốc ở trên, đối với việc nhất nhất “giữ giang sơn, ngồi giang sơn” chứ không phải đặt mình vào chủ quyền nhân dân “lấy văn minh lập quốc, lấy tự do lập quốc” làm bản thân của thể chế, kết quả, tình hình, như cộng đồng mạng bình luận “tập trung lực lượng làm việc lớn” nhất thời biến thành “tập trung lực lượng gây việc lớn”. Đại dịch Hồ Bắc, chỉ một lần nữa chứng minh sự thực đó mà thôi.

Thứ 5, lấy “Chủ nghĩa cực quyền Big Data” cho đến “Chủ nghĩa khủng bố Wechat” trị quốc trị dân

Hơn ba mươi năm qua, dưới cái gốc không đổi, ý thức hình thái quan phương từ chủ nghĩa dân tộc “Chấn hưng Trung Hoa” và nhu cầu phú cường “Tứ hóa” (Công nghiệp hóa, nông nghiệp hiện đại hóa, quân sự hiện đại hóa, khoa học kỹ thuật hiện đại hóa) đến “ba đại biểu” rồi “tân Tam dân chủ nghĩa” cho đến “Tân thời đại” vv. Về thực chất mà nói tổng thể xu thế là trước lên sau xuống, đạt đến “ba đại biểu” lên đến đỉnh điểm rồi thì đi xuống, cho đến lúc này một thứ lộ rõ chỉ là còn “giữ giang sơn” và “chủ nghĩa cực quyền Big Data”. Tương ứng với đó, là xu thế quá độ từ Cực quyền của Mao chuyển hướng sang uy quyền, sau Olympic là điểm dừng, rồi quay ngược trở lại chủ nghĩa cực quyền của Mao, đặc biệt sáu năm trở lại đây càng trở nên tăng tốc.

corona-dcstq-3

Bởi sử dụng phương thức đổ tiền bạc vô độ vào khoa học để dựng nên “chủ nghĩa cực quyền” 1984. Cũng nhờ điều đó mà “chủ nghĩa khủng bố Wechat” trực tiếp nhắm thẳng tới hàng trăm triệu người dân, dùng mồ hôi nước mắt của người đóng thuế để nuôi hàng triệu an ninh mạng, để nhắm vào khống chế ngôn luận hành vi của cả quốc dân, thực là quốc dân chính là bệnh độc mà thể chế này đối phó. Động một chút báo cáo, cấm nick, chặn nhóm hội trên diện rộng, thậm chí dùng cả vũ lực trị an, dẫn đến người người sợ hãi, bị ép phải tự mình kiểm duyệt, nếu không sẽ lâm vào phạm một tội trên trời mà có. Chặn đứt hết mọi tư tưởng thảo luận công cộng, cũng bóp chết cơ chế dự phòng cảnh tỉnh vốn có của một xã hội kiện toàn. Chính bởi vậy “nền tảng của chủ nghĩa độc tài cực đoan (Fascism) chính trị” dần dần thành hình, nhưng càng lộ rõ “Tổ chức vô trật tự” và “Thể chế hoàn toàn vô năng” vừa phi kết cấu lại giải kết cấu. Nguồn cơn bởi đó, không khó để hiểu, đối diện đại dịch, chủ nghĩa cực quyền thống trị không gì không thể, đứng trên tất cả, đã làm cho một đế quốc sản xuất mà khẩu trang khó kiếm. Trong thành Giang Hạ, khắp cả Ngạc châu cho đến nay vẫn còn vô số người không được trị bệnh, tìm y không chỗ, chỉ có thể nhọc nhằn than khóc, còn không biết bao người vì thế mà mệnh xuống suối vàng, đem những thứ không gì không thể và không gì có thể, phơi bầy lõa lồ trước mắt. Nguyên nhân là bởi vì chặn đứng xã hội, chặt đứt nguồn cơn tin tức, chỉ chấp nhận nhưng tuyên truyền từ ban tuyên giáo, đất nước này thực sự là một người khổng lồ chân thọt, nếu quả thực có là người khổng lồ đi chăng nữa!

Thứ 6, lật ngửa hết bài, chặn đứng tất cả khả năng thay đổi.

Nói cách khác, cái gọi là “cải cách mở cửa” đã chết đứng rồi. Từ cuối năm 2018 cái “nên thay đổi”, “không nên thay đổi” và “kiên quyết không đổi” …. đến mùa thu năm 2019 trong thông cáo thì đã có thể đoán định, lần “cải cách mở cửa” thứ ba trong lịch sử cận đại Trung Quốc đã chính thức cáo chung. Thực tế, quá trình dẫn đến cái chết này chí ít đã bắt đầu từ 6 năm về trước, chỉ có điều bây giờ mới chính thức ra thông cáo mà thôi. Ngoảnh mặt lại, trong lịch sử thế giới trong thế kỷ 20, phàm là thể chế chính trị cực quyền cánh hữu, dưới áp lực đều có khả năng tự mình chuyển biến, cũng không phải có đổ máu quy mô lớn. Cho đến là “Tô Đông Pha” (Sóng Đông Sô viết) – đây chỉ các sự phá sản của các chính thể cực quyền Đỏ ở các nước Đông Âu, cũng vẫn có quá trình quá độ hòa bình, làm người ta ngạc nhiên và mừng vui. Nhưng nước ta giờ này, vẫn đem đường chặt đứt, chắc sự quá độ hòa bình, tự thành câu hỏi. Nếu quả như vậy thì “Hưng, Trăm họ khổ; Vong, Trăm họ khổ”, Biết nói gì đây! Chỉ mong sau cơn đại dịch, toàn dân phản tỉnh, cả nước tự giác, xem xem liệu có thể có cuộc “cải cách mở cửa” lần thứ tư chăng!?

corona-dcstq-2

Thứ 7, từ đó thuận dòng mà xuống, Trung Quốc tiếp tục cô lập với hệ thống thế giới đã trở thành định thế.

Trong cả trăm năm, đối với hệ thống thế giới hiện đại phát khởi từ văn minh Địa trung hải, văn minh cực thịnh ở Đại tây dương, Trung Quốc tự đóng nhiều vai người “chống lại” hay “thuận theo” lên lên xuống xuống. Ba mươi năm trở lại đây, đau lại thêm đau “hoặc cúi đầy tôn trọng” cho tới “ngẩng đầu đuổi theo” cho đến cả “mở mày mở mặt” trở thành chủ lưu. Tiếc rằng những năm gần đây hết phạm Dốt lại phạm Ngang ngược, lộ rõ “cải cách mở cửa” đã đi đến cuối đường rồi. Cực quyền cánh tả “không còn đường lui”, không thể hòa bình để tự mình chuyển biến, chính bởi thế, trở thành quái thai trong hệ thống thế giới. Tuy là như vậy, tổng thể mà nói, vài cuộc kéo cưa, sức lực và tính cởi mở của Trung Quốc cuối cùng cũng tiếp tục dấn thân vào thế giới hiện đại, trở thành kẻ quan trọng trong cuộc chơi lớn, định nghĩa lại đâu là “trung tâm- đường biên” cũng là một sự thực. Thế nhưng, giữa thế nước và thời thế hoàn toàn không phù hợp, chính sách đối ngoại quá ư ngông cuồng, đặc biệt vấn đề nội chính, càng ngày càng độc tài hóa, làm cho những đối thủ trong trò chơi vương quyền đều vừa thận trọng vừa cảnh giác với sự nổi dậy của đế quốc Đỏ, dẫn đến việc một bi kịch là song hành với việc gào thét vận mệnh của nhân loại là một cộng đồng thì bị chính cộng đồng đó tẩy chay, càng ngày càng cô lập là một sự thực ngay trước mắt.

Việc thì phức tạp nhưng đạo lý thì giản đơn, một chính thể không đối đãi tử tế với chính quốc dân của mình thì làm sao tử tế với thế giới được; Một dân tộc không chấp nhận hệ thống chính trị văn minh của nhân loại thì làm sao để người ta có thể là cộng đồng chung với anh được! Vậy cho nên, về mặt giao lưu, trao đổi kinh tế sẽ tiếp tục tồn tại, nhưng bị cô lập với cộng đồng văn minh cũng là một sự thực. Đây không phải chiến tranh văn hóa, cũng không phải một từ “xung đột văn minh” có thể giải quyết, càng không phải vài nước cho đến hàng chục quốc gia thực hành chính sách cấm du lịch đối với Trung Quốc cho đến việc bài Hoa, chống Hoa, khinh Hoa khắp thế giới không phải chỉ là đơn giản như vậy. Ở đây cũng có thể nhắc nhở rằng, ý thức “họa (da) vàng” sẽ thuận thế mà lên, mà người chịu sự kỳ thị và nỗi khổ cách ly đó chỉ có thể là đồng bào của chúng ta, chứ không phải phường quyền quý. Vậy cho nên, phải qua gian nan khổ nạn mới dấn thân được vào giá trị chung của toàn nhân loại, từ đó mà đặt mình vào trong trật tự của các nước, nước ta, dân ta làm thế nào để sinh tồn, cho đến lựa chọn, loại bỏ cho triết học dân tộc. Ở đây chỉ có thể là thuận thì sống, chống thì chết, đấy chính là trở thành kẻ cô lập, trong bản đồ văn minh chính trị hiện đại của toàn cầu trở thành kẻ cô lẻ, thành cô gia quả nhân. Thay chuyển cục diện đó, xây dựng hình tượng một quốc gia lớn có trách nhiệm, gánh trên vai mình những điều đáng gánh, trước hết phải bắt đầu từ việc hoàn thiện nội chính, tất nhiên chỉ có thể dựa vào con đường văn minh của toàn nhân lại, đặc biết phải lấy “Chủ quyền ở Dân” làm gốc của nước. Dựa vào đó, nội chính, vẫn là nội chúng, một chính thể lương thiện và có năng lực trị lý quốc gia “Lập hiến dân chủ, Nhân dân cộng hòa” mới có thể loại bỏ cô lập, tự lập ở trong hệ thống thế giới, đó mới là đại kinh, đại pháp cho một dân tộc muốn sinh tồn, phồn vinh trên con đường lớn. Khi đó, thuận thời ứng thế, Trung Quốc gia nhập G7 trở thành G8, cũng không phải là điều gì khó tưởng tượng.

Thứ 8, Nhân dân đã không còn sợ hãi

Nói một ngàn lờn vạn lời, dân chúng chính bởi sinh kế khó khăn, trải bao gian khổ những “người dân của ta” đã không còn tin vào thần thoại về quyền lực, những người đã hy sinh bao nhiêu để có được cơm áo, một chút tự do của người dân đã càng càng không dễ cúi đầu bịt tai để giao tính mạng mình cho những kẻ chuyên chính mặc chém mặc giết. Đặc biệt qua cơn đại dịch này, người dân căm phẫn, không còn làm nữa. Họ trông thấy sự tảng lờ dịch bệnh, che giấu tình hình không quản an nguy của dân, những kẻ bạc ơn. Những người dân chứng kiến cái giá phải trả của sinh mạng của mình mặc cho thiên hạ ca tụng thanh bình, họ chứng kiến hàng ngàn mạng người ngã xuống từng phút, nhưng vẫn mặc kệ chỉ lo đóng nick, bịt miệng, ca tụng những chuyện cảm động, truyền bá năng lượng tích cực, ca công tụng đức những điều vô xỉ hoang đường. Một câu nói “Tao đéo tin nữa”, tao đéo làm nữa.

Nếu nói lòng người là không trông thấy sờ không được, là vô dụng, dường như kinh nghiệm đã được chứng minh, không phải không có lý. Ở đây không, mọi người đều có thể bị giết, để Nó ngồi sống trăm năm. Nếu như kẻ mà người người đều chửi như Lý Đại Điểu, làm người ta cảm khái rằng trời không mở mắt, đạo trời bất công, nhưng trên thực tế, trời bản thân cũng là khổ nạn, cũng cùng chịu tội với chúng ta. Thế nhưng, nếu như nói người là người, bởi vì trong con người, trong ngực có một trái tim chứ không phải là lòng lang dạ thú, cũng bởi sinh già bệnh chết mà khóc lóc thở than, cũng vì họa phúc lợi lộc mà yêu ghét lẫn nhau, bởi hoa rụng mà rơi lệ, bởi nước chảy mà buồn rầu, thì lòng người tự hướng theo, nếm mật chém gai, xóa tàn hủ bại! Giữa lúc nhân tâm táng tận chính là lúc tận thế tự đến! Đối với phường bại não hay những kẻ chỉ lo cho bản thân, một phường ô hợp, lịch sử chưa bao giờ viết bởi chúng, càng không phải vì chúng may thay dòng đổi hướng, cũng được chứng minh trong sử, không phải là điều tôi nói dối vậy.

Thứ 9, Dấu hiệu suy tàn đã hiện, giờ đếm ngược bắt đầu, thời khắc lập hiến sẽ đến.

Mậu Tuấn sửa Hiến, mở cửa cho được ác, tập quyền lên đỉnh cũng là lúc tình thế đảo ngược. Một con đường đảo ngược, sẽ dẫn đến dấu hiệu suy tàn triền miên. Bỏ qua không luận bàn về lòng người đã mất, thì trước đã nói về việc thất bại sách lược Cảng, Đài hay quan hệ Mỹ, Trung, cho đến suy giảm kinh tế không thể ngăn chặn, toàn cầu cô lập, biểu hiện rõ của trị lý thất bại, đi ngược với chính trị của thời đại. Mọi người đối diện với sự lo lắng về thời cuộc, trầm tư cho việc khai cục và tái bố cục, sự biến đổi trong nội bộ, sự chuyển dịch từ dưới lên trên, thế cuộc phát triển của Cảng, Đài đã là chọc thẳng một đường vào trong vòng sắt. Đây chính là từ biên duyên phá cục, mà tiệm tiến vào con đường quá độ hòa bình ở trung tâm, hoặc là, trở thành cuộc chuyển biến thu hẹp hình thức Trung Quốc. Nói một cách khác, biên duyên đột phá chính là biểu hiện của thời khắc tái lập hiến của Trung Quốc hiện đại sắp đến gần. Trong lúc này đây, trời sắp sáng, chuẩn bị sáng nhưng còn chưa sáng, tàn lưu của cường quyền hẳn sẽ không chấp nhận ý dân, cánh cửa cao vời đã được mở rộng, nhưng đạt được lời dự đoán đó hẳn phải muôn vàn người sẽ phải ngã trước bình minh.

Trên là chín điểm, trình báo quốc dân, đều là thường thức. Nhưng muốn nói thêm một lần nữa, chính ở việc trị lý quốc gia chưa thể tiến vào một quỹ đạo thông thường, văn minh chính trị của dân tộc vẫn còn chờ sự chuyển biến hiện đại, như trong việc tích thiện để bước đi, để chờ “lập hiến dân chủ, cộng hòa nhân dân” đã kéo dài hơn nửa thế kỷ của sự chuyển mình văn minh. Chính ngay lúc này, chúng ta, “nhân dân của ta” chẳng thể như đàn lợn thờ ơ, như đàn chó nô lệ, như đàn sâu mọt ti tiện sao?!

corona-dcstq-5

Lời viết đến đây, ngoảnh mặt về sau, Mậu Tuất đến nay, tôi vì phát ngôn mà chịu tội, giáng cấp dừng chức, bị giam lỏng ở trường, đi lại khó khăn. Viết bài văn này, dự cảm tất sẽ có tội phạt vào thân, nếu bài viết này mà là bài văn cuối cùng của tôi, cũng không phải là điều không thể. Nhưng đại dịch trước mắt, trước có vực sâu, thì trách nhiệm ở mình, không thể chối từ, không thể tránh né. Nếu chăng không bằng kẻ giết lợn bán thịt. Chính vì Vì nghĩa mà căm phẫn, như triết học phương Tây có nói, chính là nghĩa và phẫn, chỉ có nghĩa và phẫn. Như tiên hiền của nước ta có nói nhân và nghĩa chính là lòng người và đường con người đi, chính vì đó mới làm cho học giả chốn trai phòng trở thành phần tử tri thức, cho đến khi đặt cả tính mạng mình vào đó. Xét cho cùng, tự do, một thứ tồn tại siêu nghiệm và là rốt ráo của hành động, một hiện tượng thế giới mang đầy tính thiêng, là bẩm tính để con người trở thành người, con dân Hoa Hạ cũng không ngoài điều đó. Mà tinh thần thế giới, vị thần ở trên mặt đất, không phải ai khác, đó chính là sự sán lạn của quan niệm tự do. Chính vì vậy, bạn tôi, trăm vạn đồng bào của tôi, dẫu biển lửa trước mặt, có gì mà sợ!

Mảnh đất dưới chân này, người tình sâu mà ơn bạc, ít phúc mà nhiều họa. Người từng chút một hao mòn lòng nhẫn nại của chúng tôi, Người từng bước từng bước chặt đứt sự tôn nghiêm của chúng tôi.

Tôi không biết nên nguyền rủa, hay nên cúi đầu lễ tán, nhưng tôi biết

Tôi thấu hiểu một cách rõ rằng, khi nhắc đến người, tôi không cầm được mắt đầu nước mắt, quặn thắt lòng đau.

Đúng thế, đúng thế, như một nhà thơ đã nói

“Tôi không muốn nhẹ nhàng để bước vào đêm tối,

Tuổi già phải thét gào dốt cháy trước khi trời tối

Gào thét, gào thét, những ánh sáng đang dần tàn lụi.

Bởi vì, thư sinh vô dụng, một tiếng thở dài, chỉ có thể cầm bút làm kiếm, đòi công đạo, tìm chính nghĩa. Giữa trận đại dịch này, mắt trông cảnh loạn, mong cho đồng bào, mười bốn ngàn ngàn anh chị em tôi…

Hàng ngàn vạn dân lành vĩnh viễn không có cơ hội rời khỏi mảnh đất này, người người cùng thét gào phường bất nghĩa, kẻ kẻ vì chính nghĩa đốt cháy mạng mình, đâm thẳng đêm đen mà hướng đón bình minh, cùng nhau chung sức, chung lòng, chung mệnh, ôm lấy ánh mặt trời của tự do sẽ phải tới đối với mảnh đất này!

Sơ cảo ngày 4 tháng giêng năm Canh Tí, định cảo ngày mùng 9.

Ngoài cửa sổ tuyết đang rơi

….

Hứa Chương Nhuận

Sử Nguyễn (Dịch từ bản tiếng Trung) 

Đăng theo Facebook Sử Nguyễn với sự cho phép của người dịch. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Ngoài bản dịch tiếng Việt trên đây, bài viết của GS Hứa Chương Nhuận còn bản dịch tiếng Anh do Geremie R. Barmé (Australia) chuyển ngữ. Dưới đây là phần giới thiệu bài viết của GS Nhuận của học giả Geremie R. Barmé.

“Vào tháng 7/2018, GS Hứa Chương Nhuận (Đại học Thanh Hoa) đã công bố một bài phê bình tuyệt tác về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và “Chủ tịch của mọi thứ”, ông Tập Cận Bình. GS Hứa đã cảnh báo về mối nguy của nền cai trị độc tài, một bộ máy quan liêu đặt chính trị lên trên sự chuyên nghiệp, và vô số vấn đề khác mà hệ thống sẽ gặp phải nếu nó tiếp tục từ chối cải cách. Bài phê bình đó là một trong những tác phẩm mà ông Hứa đã viết trong suốt một năm qua, trong đó ông cảnh báo độc giả của mình về những vấn đề cấp bách liên quan đến cuộc vật lộn của Trung Quốc khi đương đầu với thời hiện đại, tình hình đất nước dưới thời Tập Cận Bình và những viễn cảnh về tương lai của đất nước. Những bài viết này sẽ được xuất bản trong một tuyển tập có tựa đề “Sáu Chương từ Năm Mậu Tuất 2018” của Nhà xuất bản Đại học Hồng Kông vào tháng 5 năm nay.

Mặc dù ông đã bị Đại học Thanh Hoa giáng cấp vào tháng 3/2019 và bị cấm giảng dạy, cấm viết và xuất bản, ông Hứa vẫn bất chấp. Tác phẩm mới nhất của ông: “Khi người dân phẫn nộ không còn sợ hãi” được công bố trên mạng vào ngày 4/2/2020 khi dịch bệnh do virus corona bùng phát ở Trung Quốc và lan rộng ra thế giới, trở thành mối quan tâm toàn cầu.

Phong cách viết của GS Hứa kết hợp nhiều yếu tố của tiếng Hoa cổ, trong đó gồm các tài liệu tham khảo hoặc trích dẫn từ triết học, lịch sử và văn học được đan xen liền mạch trong một lối hành văn thanh lịch nhưng cũng chứa đựng tính cá nhân hoá cao thường được giới tinh hoa Trung Quốc sử dụng từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Đây là cách hành văn không có ngôn ngữ của Đảng, mặc dù tác giả thường xuyên chế giễu các quan chức và loại tiếng Hoa được Âu hoá phổ biến vào những năm 1910 khi chúng được quảng bá bởi những tiến bộ chính trị và văn hoá thời bấy giờ. Mặc dù ngôn ngữ viết trở nên giàu sức biểu đạt hơn về các ý tưởng hiện đại, nhưng nó sớm đã bị áp đảo bởi thứ ngôn ngữ của ĐCS hiện đã thống trị truyền thông ở Đại lục.

Khi dịch tác phẩm của GS Hứa, tôi cố gắng giữ phong cách trịnh trọng của nguyên tác và thỉnh thoảng sử dụng chữ in hoa hoặc dấu ngoặc kép để nhấn mạnh các thuật ngữ có ý nghĩa đặc biệt đối với tác giả. Ông Hứa không bao giờ nhắc trực tiếp đến tên ông Tập Cận Bình, thay vào đó ông sử dụng nhiều thuật ngữ cổ điển (đôi khi táo tợn) khác nhau để đả kích “nhà lãnh đạo của nhân dân”.

“Khi người dân phẫn nộ không còn sợ hãi” được dịch và chú thích ở đây với sự cho phép của tác giả” – Geremie R. Barmé

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn