Nghệ thuật bắt tay để thành công

Thứ Bảy, 15 Tháng Hai 20207:00 SA(Xem: 3748)
Nghệ thuật bắt tay để thành công
bbc.com

Nghệ thuật bắt tay để thành công

William Park BBC Future

Other Bản quyền hình ảnh Other

Ngay khi bắt tay ai đó có thể chúng ta đã cảm giác được là có cái gì đó sai sai, nhưng lại không thể biết đích xác là tại sao. Giữ tay quá lâu, nắm quá chặt, hay kéo tay khiến hai người gần sát nhau quá... những thứ đó đều có thể ảnh hưởng tới phần còn lại của cuộc gặp gỡ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đi cạnh nhau, nắm chặt tay nhau.


Họ giữ tay trong tay giống như kẹp dính vậy, kèm theo động tác kéo mạnh, vỗ vai nhau trong vòng 29 giây đồng hồ trước bao ống kính của truyền thông thế giới.

Diễn ra trong cuộc diễu hành nhân ngày Quốc khánh Pháp - kỷ niệm ngày phá ngục Bastille, một bước ngoặt của cuộc cách mạng Pháp - lẽ ra đó nên là khoảnh khắc đoàn kết giữa các nhà lãnh đạo của hai quốc gia vĩ đại.

Vậy nhưng nó đã trở thành một trong những cái bắt tay khiên cưỡng, dùng dằng lâu nhất trong thời gian gần đây.

Người ta không thể nghe thấy những gì họ nói vì họ gần như ép sát vào nhau, nhưng ngôn ngữ cơ thể họ đã lấn át đi lời nói.

Một nghi thức chào hỏi hoàn hảo trong tình huống này có thể bao gồm nhiều giao tiếp bằng mắt và cử chỉ cơ thể tích cực. "Cách tốt nhất nên thể hiện là tạo ra hình ảnh bình đẳng giữa hai bên," bà Sanda Dolcos, nhà tâm lý học tại Đại học Illinois, nói.

"Điều quan trọng là phải tỏ thái độ bắt tay một cách cởi mở chứ không phải là thị uy trước bên kia," Florin Dolcos, đồng nghiệp của bà Sanda Dolcos tại Đại học Illinois, nói thêm. "Bình thường ra là phải chìa tay ra, mà lòng bàn tay ngửa lên trên."


Cú bắt tay giữa Macron và Trump dường như phá vỡ mọi quy tắc mà chúng ta cho là bình thường.

Mặc dù độ dài 29 giây không là gì so với Kỷ lục Thế giới về cú bắt tay lâu nhất - hiện thời đang là kéo dài 43 giờ - nhưng hai vị tổng thống đã tỏ ra có cú tiếp xúc mang tính dày vò, và khán giả theo dõi trên truyền hình có thể cảm nhận từng giây.

Nó bắt đầu khá bình thường. Macron bắt tay Trump, tay còn lại vỗ vào lưng Trump và hai người bắt đầu bước đi. Năm giây sau, Trump vỗ vào tay phải của Macron, như thể muốn nói rằng "thế là đủ rồi".

Macron bỏ lỡ gợi ý này, không hiểu do cố ý hay vô tình, và sau tám giây, Trump đột ngột dừng bước. Nếu như Macron không thuận theo ý Trump, thì Trump cần thay đổi cuộc chơi.

"Thông thường, vào khoảnh khắc bạn nhận ra có vẻ như đối tác thấy không thoải mái thì việc buông tay ra sau vài giây là bình thường," Sanda nói. Nhưng cả hai đều không buông.

Hai người đối mặt nhau và chuyển sang tư thế mà Florin gọi là cái bắt tay "huynh đệ"; Macron đặt tay trái mình lên cánh tay phải của Trump. Trump thì đảo tay phải sang bên trái, nhưng vẫn không buông tay ra.

Trump đi đến chào và hôn Đệ nhất Phu nhân Brigitte Macron trong khi vẫn bắt tay Macron. Giờ đây thành ra cả ba người nắm tay nhau trong một vòng tay ba bên kỳ quái không giống ai, kéo dài thêm vài giây nữa rồi tiết mục bắt tay chào hỏi mới hạ màn.

"Cái bắt tay tạo nên tông điệu của cuộc trò chuyện. Ông ấy hoàn toàn nhận thức rõ rằng mọi người đang phân tích hành vi của mình," Florin nói. "Đây không phải là hành xử tự nhiên."

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Bắt tay đúng cách trong một cuộc phỏng vấn xin việc có thể tạo ra sự khác biệt - để ngửa lòng bàn tay của mình là một cách để không tỏ thái độ thị uy

Nhưng tiết mục bắt tay chào hỏi kỳ lạ này muốn nói lên chính xác điều gì? Và việc phá vỡ các quy ước bắt tay có ảnh hưởng gì đến các cuộc gặp gỡ tiếp theo?

Các nhà khoa học như Dolcos quan tâm đến việc trả lời những câu hỏi này bởi vì chúng hữu ích cho việc nghiên cứu các cuộc phỏng vấn, giao dịch, đầu tư, tập quán bán lẻ và nhiều thứ khác.

Bắt tay là dấu hiệu của sự đồng ý, tôn trọng lẫn nhau hoặc đơn giản là một lời chào.

Nhưng đó cũng có thể ngầm chuyển tải một ý nghĩa nào đó và áp lực gây chiến.

Bắt tay nhau thật chặt

Khi bắt tay, tốt nhất là nên nắm giữ chặt.

Những cái bắt tay chặt được cho là sự thể hiện tích cực cảm xúc hồ hởi, hướng ngoại, và giúp che giấu đi tâm trạng nhút nhát, lo lắng bất an.

Ở phụ nữ, cái bắt tay chặt khiến đối phương cảm thấy họ có suy nghĩ thoáng, sẵn sàng tiếp nhận những điều mới mẻ.

Nhìn chung, những cái bắt tay hờ hững, lòng bàn tay đẫm mồ hôi đều không được ưa thích.

Một cái bắt tay chặt trong một cuộc phỏng vấn việc làm có thể làm tăng khả năng bạn được tuyển dụng, đặc biệt là phụ nữ.

Điều này đúng ngay cả sau khi đã tính đến sự khác biệt về sức hấp dẫn thể chất (yếu tố chắc chắn làm tăng cơ hội được tuyển dụng của bạn) cũng như trang phục của các ứng viên.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Nữ hoàng Elizabeth II thực hiện bắt tay thường xuyên trong các nghi thức hoàng gia, song bà hầu như luôn đeo găng tay khi xuất hiện trước công chúng

Macron và Trump từng có những cú bắt tay nhau mạnh mẽ, căng thẳng, thậm chí có lần còn để lại dấu hằn trên tay nhau.

Nhưng mà việc trên đời có tồn tại thứ gọi là bắt tay quá chặt hay không thì vẫn là điều chưa rõ ràng.

"Nếu bàn tay của bạn mềm nhũn như cá ươn, không cứng cáp, thì nó thể hiện sự thờ ơ lạnh nhạt. Nếu bạn tóm mạnh đến gẫy cả tay thì điều đó khiến đối phương nghĩ xấu về bạn," Florin nói.

Đừng dùng dằng lâu quá

Một cái bắt tay không chỉ truyền tải mức độ hồ hởi, phấn khởi và khả năng được tuyển dụng của bạn đến người phỏng vấn, mà còn giúp bạn tìm hiểu về người mà bạn đang gặp mặt.

Một cái bắt tay tốt sẽ khiến các ứng viên phỏng vấn cảm thấy thoải mái. Một cái bắt tay tệ có thể làm cho bầu không khí cuộc gặp trở nên khó xử.

Việc Macron và Trump bắt tay nhau lâu bất thường như vậy có thể cho thấy họ rất thân mật với nhau, nhưng giữa những người lạ thì việc bắt tay lâu thế rất có thể sẽ khiến cuộc trò chuyện sau đó trở nên không thoải mái.

Trong một nghiên cứu, những người trả lời phỏng vấn được quay phim và phân tích ngôn ngữ cơ thể của họ sau khi trải qua những cái bắt tay dài bất thường khiến họ "hóa đá". Trong cuộc phỏng vấn sau đó, họ tỏ ra lo lắng, ít cười, ít có dấu hiệu cho thấy họ thấy thoải mái.

Đụng chạm thân thiện

Trong một bối cảnh khác và giữa những người khác, thì động tác Macron chạm vào cánh tay của Trump có thể có những hiệu ứng đáng ngạc nhiên.

Jennifer Argo, giáo sư ngành tiếp thị tại Trường Kinh doanh Alberta, cho biết việc ai đó chạm tay vào lưng của một người dễ khiến người đó đưa ra những quyết định mạo hiểm, nhưng chỉ khi người chạm tay là phụ nữ.

Những người tham gia vào nghiên cứu của bà là những sinh viên trường kinh doanh được yêu cầu thực hiện đầu tư tài chính.

Khi tới nơi, họ được bắt tay chào hỏi bởi một người phụ nữ hoặc một người đàn ông. Người chào hỏi sẽ dùng bàn tay chạm vào phía sau của cánh tay người đầu tư, hoặc chỉ chào hỏi, không chạm gì cả.

Các nhà đầu tư được người phụ nữ chào hỏi và chạm vào là những người đưa ra những quyết định đầu tư mạo hiểm nhất trong số những người tham gia.

"Cảm giác của một cái vỗ vai nhẹ gợi lên sự an toàn - nó gợi nhớ đến ai đó động viên chăm sóc bạn," Argo nói.

"Khi bạn cảm thấy an toàn hơn, bạn sẽ sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm hơn, chấp nhận các loại rủi ro khác nhau và đầu tư nhiều hơn."

Nhóm nghiên cứu đánh giá rằng, cái chạm tay vào lưng được coi như một cử chỉ động viên của người mẹ đối với con, điều đó giải thích tại sao những người tham gia đầu tư nhận được cái chạm tay từ một người đàn ông lại không đưa ra những quyết định đầu tư mạo hiểm.

Ý tưởng cho rằng sự bảo bọc mẫu tử có thể khiến chúng ta ra các quyết định tài chính mạo hiểm hơn là điều thú vị, song thật sự khó tin.

Có thể sự đụng chạm của người phụ nữ đang bị các nhà đầu tư hiểu sai là sự mời gọi tình dục, dẫn đến hành vi chấp nhận rủi ro thì sao?

Một nghiên cứu nổi tiếng từ thời thập niên 1970 đã nêu bật lên chứng "lẫn lộn kích thích" - nơi một tâm trạng được hiểu không chính xác thành sự mời gọi. Trong nghiên cứu này, nỗi sợ hãi và lo lắng đã bị hiểu nhầm thành sự mời gọi tình dục.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Cầu thủ bóng đá Argentina nổi tiếng, Lionel Messi thể hiện phong cách bắt tay thân mật ở quê hương anh

Những người đàn ông được yêu cầu băng qua một trong hai cây cầu. Cây thứ nhất khá chắc chắn, cây thứ hai là cầu treo rung lắc khá sợ khi có người đi qua.

Ở cuối cây cầu, một người phỏng vấn nam hay nữ khá hấp dẫn yêu cầu những người đàn ông này hoàn thành một bảng câu hỏi và hứa sẽ cung cấp cho họ tên, số điện thoại của người phỏng vấn nếu như họ cam kết về sau này sẽ trả lời bất kỳ câu hỏi nào (nếu có) liên quan đến trải nghiệm này.

Những người đi qua cây cầu treo lắc lư và được chào đón bởi một người phỏng vấn nữ hấp dẫn có tỷ lệ cao hơn hẳn các nhóm khác trong việc đồng ý trả lời điện thoại của nữ phỏng vấn viên đó.

Các nhà nghiên cứu cho rằng huyết áp và nhịp tim tăng của những người đàn ông đang trong tâm trạng lo lắng đã bị hiểu nhầm thành dấu hiệu của sự lẫn lộn kích thích.

Có thể một điều tương tự đang xảy ra với các nhà đầu tư trong nghiên cứu ở trên chăng? Argo nói rằng không phải vậy.

Mức độ chấp nhận mạo hiểm được đánh giá là như nhau ở các nhà đầu tư cả nam và nữ khi họ được chào đón bởi người phụ nữ, và đều không có khi người chào đón là đàn ông.

"Người phụ nữ chào thực hiện việc chào hỏi cũng không phải là người siêu hấp dẫn - cô ấy là một người có độ hấp dẫn trung bình," Argo nói thêm. "Chúng tôi chủ ý không chọn những người cực kỳ hấp dẫn khi thực hiện nghiên cứu này."

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Bắt tay có thể là một cách thu nhận các tín hiệu có trong tiềm thức của người khác

Argo cho rằng điều này có thể có tác dụng đầy ý nghĩa trong các lĩnh vực khác ngoài hoạt động đầu tư, như bán lẻ, nơi là một cái chạm tay của nhân viên bán hàng có thể đưa bạn tới quyết định mua một sản phẩm đắt tiền.

Giữ khoảng cách an toàn

Trump và Macron gần như ngực kề ngực trước khi kết thúc màn bắt tay. Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, thường thì bạn bè thân thiết cũng giữ khoảng cách ít nhất là 30cm trong các cuộc giao tế.

Nhưng cái ôm kéo dài này thì đặc biệt bất thường đối với một người Mỹ như Trump, nơi mà tiêu chuẩn về khoảng cách tối thiểu nên là 50cm.

Đây là nói về tình huống hai ông coi nhau là bạn bè thân thiết. Còn với người quen biết ở Mỹ thì thông thường họ giữ khoảng cách 69cm, còn với người lạ thì lên tới 95cm.

Nghiên cứu này không xem xét dữ liệu từ Pháp, nhưng các nước láng giềng của họ ở Tây Ban Nha và Đức cũng có thông lệ khoảng cách tương tự như ở Mỹ.

Ả-rập Saudi được xếp hạng là nơi có nghi thức xã giao đứng xa cách nhất, những người bạn thân thường giữ khoảng cách hơn 95cm; còn Argentina là một trong những quốc gia thân mật nhất, nơi những người lạ cũng chỉ giữ khoảng cách 70cm.

Mục đích của việc đến gần một đối tác có thể là để khơi gợi thêm thông tin mà chúng ta chỉ nhận ra được trong vô thức, dưới dạng mùi hương.

Chúng ta thường hay ngửi bàn tay của chính mình, nhưng sau một cái bắt tay, chúng ta thậm chí ngửi liên tục hơn - nhất là với bàn tay phải, bàn tay mà chúng ta sử dụng để bắt tay khi chào hỏi.

Trong một nghiên cứu, bằng cách tình cờ theo dõi cử chỉ đưa tay sờ lên mặt sau khi bắt tay, và thậm chí gắn thiết bị theo dõi luồng khí qua mũi một số người tham gia, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng những người đã bắt tay đang chủ ý ngửi tay chứ không phải chỉ đưa tay sờ lên mặt.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Người dân ở Ả-rập Saudi giữ khoảng cách xa nhất khi thực hiện nghi thức bắt tay

Tiếp theo, trong nghiên cứu họ có sử dụng một số đối tượng đeo găng tay khử trùng trong khi bắt tay và sau đó phân tích các hóa chất còn lại trên găng tay để tìm hiểu xem những người bắt tay xong đưa tay lên ngửi để tìm kiếm điều gì.

Hai trong số các hóa chất được tìm thấy bao gồm squalene và axit hexadecanoic, được biết là có vai trò trong việc truyền tín hiệu bầy đàn ở loài chó.

"Chúng ta biết rằng việc bắt tay sẽ truyền tải một loạt thông tin, tùy thuộc vào thời gian diễn ra cử chỉ này, độ mạnh yếu và tư thế bắt tay," Noam Sobel, nhà sinh học thần kinh tại Viện Khoa học Weizmann, Israel, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.

"Chúng tôi cho rằng có lẽ nó đã tiến hoá để trở thành một trong các cách thức thăm dò tâm lý lẫn nhau, và nó vẫn phục vụ mục đích này một cách đầy ý nghĩa, tuy là mang tính vô thức."

Kèm thêm nụ cười xã giao

Macron và Trump cười toe toét khi họ tiếp tục ôm nhau.

Rõ ràng, họ ý thức được là báo giới đang vây quanh, cho nên những nụ cười này của họ chân thành đến đâu còn là điều cần phải bàn.

Có thể giải mã một nụ cười là không thực lòng nhờ vào dấu hiệu của các chuyển động cơ mặt thể hiện sự ghê tởm, sợ hãi hoặc buồn bã có thể nhìn thấy được bên dưới cái "mặt nạ" vui vẻ. Những tín hiệu tinh tế này có thể chỉ thoáng qua, song chúng ta vẫn có thể nhận ra.

Hai nhà lãnh đạo có lẽ cứ phá lên cười thì hơn, bởi vì tiếng cười xã giao cũng hoàn hảo gần như những nụ cười thực sự.

Tiếng cười giúp chúng ta gia tăng niềm tin xã hội và tiếng cười xã giao cũng đủ để khiến chúng ta dễ thương hơn (tuy rằng tiếng cười chân thành thì luôn hiệu quả hơn).

Thêm một thông tin ngoài lề, là chúng ta thường sẵn lòng thổ lộ thông tin cá nhân sau khi vui cười cùng với người quen. Vì vậy, một tiếng cười xã giao vào thời điểm thích hợp vẫn có thể giúp hai bên cởi mở hơn.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Nghi thức bắt tay tại Lễ diễu hành kỷ niệm Ngày Quốc khánh Pháp của Donald Trump và Emmanuel Macron biến thành một cái nắm tay ba bên khá là kỳ quặc

Trong khi đó, Trump là người thực hiện phần lớn những hành động bất thường nhất trong toàn bộ màn bắt tay này.

Trong khi vẫn đang bắt tay ông Emmanuel Macron, ông chào hỏi bà Brigitte theo cách thông thường giữa hai doanh nhân phương Tây khác giới.

Người phương Tây có xu hướng mặc định vai trò giới tính cụ thể trong nghi lễ chào hỏi.

Trong công việc, đàn ông bắt tay nhau, nhưng khi người nam chào người nữ và phụ nữ chào nhau thì theo lệ thường là hôn lên má.

Vì vậy, trong khi vẫn giữ cái ôm quá thân mật với Macron thì Trump đồng thời có thể hôn Brigitte như thông lệ.

Số lượng nụ hôn khi chào hỏi thường khác nhau giữa các quốc gia và thậm chí khác nhau giữa các vùng trong quốc gia.

Đối với các doanh nhân không phải người phương Tây, bắt tay chào hỏi ngày càng phổ biến khi chủ nghĩa phương Tây hòa nhập vào văn hóa kinh doanh, thế nhưng việc hai người đàn ông hôn nhau, hoặc chỉ gập người cúi chào mà không có sự tiếp xúc trực tiếp cũng có thể là một dạng quy chuẩn.

Cái bắt tay kỳ quặc không theo quy tắc nào giữa Macron và Trump có lẽ là một bài học về những cử chỉ không nên làm khi chào hỏi người khác.

Đối với hai chính trị gia mà nghề chính của họ là gặp gỡ mọi người, rất có thể là bởi nhận thức rõ các phong tục và quy ước, cho nên họ cố tình phô trương bản thân nhằm truyền thông điệp đến với thế giới xung quanh.

Nhưng ai biết được là liệu thế giới xung quanh có thực sự hiểu hết ý nghĩa của các hành vi giao tiếp tinh tế đó hay không.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn