Sếp Microsoft: Chúng ta nói nhiều về công nghệ, quá ít về con người

Chủ Nhật, 02 Tháng Hai 20205:00 CH(Xem: 4495)
Sếp Microsoft: Chúng ta nói nhiều về công nghệ, quá ít về con người

Dữ liệu là thứ “nhiên liệu” hiện đại không thể thiếu để rất nhiều công nghệ vận hành, nhưng cũng là thứ cần phải bảo vệ một cách nghiêm túc.

Dữ liệu là thứ “nhiên liệu” hiện đại không thể thiếu để rất nhiều công nghệ vận hành. Đổi lại, nó cũng là thứ cần phải bảo vệ một cách nghiêm túc.

Trong thời đại của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu có thể coi là một thứ “tiền tệ” kiểu mới. Dưới con mắt của chuyên gia, dữ liệu như một thứ nhiên liệu thô không thể thiếu để vận hành những công nghệ hiện đại.

Tháng 12/2019, Microsoft đã ký kết thỏa thuận để Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (thuộc Bộ Công an) chính thức trở thành một thành viên của chương trình An ninh Chính phủ của Microsoft (gọi tắt là GSP). Qua đó, Cục sẽ nhận được những những thông tin về lây nhiễm mã độc tại Việt Nam, hay những rủi ro và lỗ hổng, nhận hỗ trợ từ đội an ninh và phản hồi rủi ro mạng của Microsoft.

Đây là một trong nhiều chương trình kết hợp giữa Microsoft với Chính phủ và nhiều tổ chức khác tại Việt Nam để thúc đẩy chuyển đổi số, bắt đầu từ những khía cạnh cơ bản như giáo dục. Phó chủ tịch Microsoft về vấn đề công, chính phủ và giáo dục Anthony Salcito đã chia sẻ với Zing.vn về định hướng này.

Sep Microsoft: Chung ta noi nhieu ve cong nghe, qua it ve con nguoi hinh anh 3 tieude1.jpg

Khi làm việc với chính phủ Việt Nam, Microsoft nhấn mạnh mô hình Xây dựng – Bảo vệ - Giáo dục. Ông có thể nói rõ hơn về mô hình này không?

Với khát vọng chuyển đổi số và đem lại sự ổn định về kinh tế của chính phủ Việt Nam, bằng cách mang lại các dịch vụ tốt hơn tới công dân, Microsoft muốn kết hợp với chính phủ để nhận thức được 3 trụ cột chính: xây dựng, bảo vệ và giáo dục.

Xây dựng có nghĩa là nói về cách làm thế nào để cải thiện các dịch vụ dành cho công dân, dù là cải thiện giao thông, số hóa các giao dịch.

Bảo vệ là giúp bảo vệ người dân, từ trẻ em tới người lớn ở khắp các thành phố hay miền quê, đồng thời cũng phải bảo vệ dữ liệu an toàn. Do vậy, đây là tầm nhìn cả về bảo vệ con người lẫn dữ liệu.

Quan trọng nhất là giáo dục, tức là tạo ra một nền tảng cho tương lai số. Chúng tôi có thể giúp cho học sinh ở trong các lớp học tại Việt Nam hiện thực được đam mê của mình, kết nối kỹ năng và kiến thức với những cơ hội công việc mới, như vậy không chỉ là tìm được các công việc như hiện tại mà còn có thể tạo ra những ngành nghề mới, khả năng mới.

Giúp mọi người tiếp cận được các kiến thức về công nghệ là việc làm rất quan trọng đối với tương lai. Tôi nghĩ Microsoft và chính phủ Việt Nam đều hiểu được điều đó.

Microsoft có những kế hoạch dài hạn để xây dựng cả 3 khía cạnh nói trên. Thỏa thuận của chúng tôi với Bộ Công an có thể coi là nỗ lực xây dựng. Với khía cạnh bảo vệ, chúng tôi cũng giúp thực hiện ứng dụng đường dây nóng 111 để bảo vệ trẻ em.

Đây là những thứ mà chúng tôi đang thực hiện. Trong tương lai, chúng tôi sẽ còn nhiều kế hoạch khác dựa trên 3 trụ cột này.

Sep Microsoft: Chung ta noi nhieu ve cong nghe, qua it ve con nguoi hinh anh 4 anh_ghep.jpg

Vì sao Microsoft lại tập trung vào giáo dục như vậy?

Sức mạnh và nền tảng của tương lai bắt đầu từ chính trong phòng học. Chúng tôi bắt đầu với học sinh, để họ tự biết cách nâng cao kỳ vọng của mình và khám phá được giới hạn của bản thân nhằm giải các vấn đề của xã hội.

Microsoft đang đầu tư rất nhiều để cung cấp các công cụ giúp cho sinh viên luyện tập và sẵn sàng cho một thế giới mới. Mọi thứ, từ các khóa học tới chứng chỉ giúp cho học sinh sẵn sàng tìm kiếm các công việc, hay giúp họ nhìn thế giới với một cách nhìn khác.

Chúng ta đang ở trong thời điểm mà sức mạnh của công nghệ được thể hiện qua những công nghệ như điện toán đám mây hay trí tuệ nhân tạo, giúp công nghệ thực sự mang lại sự đột phá.

Ông đánh giá thế nào về khả năng công nghệ của Việt Nam?

Trên khắp châu Á, tỷ lệ đóng góp của nền kinh tế số đang tăng rất nhanh. Cơ hội trước mắt là rất lớn. Mọi ngành nghề đều đang thay đổi, và công nghệ giúp cho cuộc sống của chúng ta tốt hơn, ví dụ như ngành thương mại, việc bán hàng trên toàn cầu dễ dàng hơn hẳn.

Điều này cũng đang diễn ra ở Việt Nam. Tôi thấy rất thú vị khi cả phía chính phủ lẫn tư nhân đều muốn thúc đẩy chuyển đổi số. Những công trình mới đang xây dựng, lượng khách du lịch tăng lên hay các doanh nghiệp mới mở ra, tất cả đều có phần đóng góp của công nghệ.

Vậy thách thức của giáo dục Việt Nam là gì?

Tôi nghĩ thách thức đầu tiên là khả năng tiếp cận kết nối và các cơ hội học tập tốt hơn hay các công nghệ. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà tôi thấy trong giáo dục nói chung, thì công nghệ không phải là đáp án.

Công nghệ là một trong những giải pháp, nhưng chúng ta phải giúp học sinh và người làm giáo dục một cách đúng đắn. Chính phủ cần làm thế nào để thay đổi cách nhìn về tương lai của học sinh ngay khi chúng bước vào lớp học. Liệu học sinh có tự tin về mình không? Họ có tin rằng những gì họ học được sẽ giúp họ làm việc tốt không?

Nếu đặt góc nhìn vào học sinh như vậy, chúng ta có thể dùng công nghệ để hỗ trợ tốt hơn.

tieude2

Việt Nam đang đầu tư rất nhiều vào hạ tầng. Những công nghệ của Microsoft có thể giúp Việt Nam như thế nào trong quá trình này?

Microsoft đã làm việc với nhiều thành phố lớn, cũng như tham gia các triển lãm về thành phố thông minh trên khắp thế giới.

Để xây dựng thành phố thông minh, chúng ta phải cải thiện những thứ như giao thông hay dịch vụ. Những vấn đề hạ tầng cần phải được chú trọng vì mọi người sẽ không thể cảm thấy thành phố thông minh khi họ thường xuyên bị tắc đường hay ngồi chán nản trong chiếc xe bus. Có rất nhiều cách mà công nghệ hay các cảm biến có thể giúp cho giao thông hiệu quả hơn, an toàn hơn.

Sep Microsoft: Chung ta noi nhieu ve cong nghe, qua it ve con nguoi hinh anh 5 quote2_2_.jpg

Các thành phố như Hà Nội, TP. HCM hay Bình Dương đều đang hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Microsoft có đóng góp gì về xây dựng thành phố thông minh không?

Tôi nghĩ những khía cạnh mà Microsoft đề ra đều có liên quan với nhau. Chuyển đổi số cũng là chuyển đổi về khía cạnh con người. Chúng ta sẽ phản ứng thế nào với những nhu cầu mới, dịch vụ mới? Các chính phủ cần phải đưa ra những ưu tiên để giúp đỡ mọi người, bảo vệ mọi người và tạo cơ hội từ giáo dục.

Nếu chỉ tập trung vào khía cạnh công nghệ, chúng ta có thể bị lạc lối. Cần phải nhớ rằng quan trọng nhất vẫn là con người, nên tập trung vào con người. Đó là cách nghĩ mà các nhân viên chính phủ cần xây dựng.

quote3

Ngoài ra, chúng ta cũng cần nghĩ xa. Sẽ có những lúc chúng ta cần chậm lại, xây dựng kế hoạch kỹ càng để đi được xa hơn. Có nhiều ví dụ khi công nghệ đi trước mà không có sự thay đổi về tư duy, khiến dự án không thể tiến triển. Do vậy, cần phải chuẩn bị trước về mặt tư duy và sẵn sàng cho những thay đổi, xem xét về lâu về dài những gì là quan trọng nhất.

Trên toàn cầu, một trong những việc chúng tôi làm là chia sẻ các ý tưởng từ các nước khác. Ở Estonia, tôi đã tham dự với những quan chức giáo dục trên khắp thế giới và nói về các thay đổi trong giáo dục hiện nay. Estonia là một quốc gia đã thực sự thay đổi bằng cách tập trung nỗ lực đúng chỗ. Họ không chỉ tập trung vào phát triển công nghệ mà còn nghĩ tới cách thay đổi căn bản giáo dục.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể học hỏi Mexico về việc tự động hóa thuế, thành phố Tel Aviv hiện đại hóa giao thông, hay cách mà các cơ quan của thành phố London được tích hợp với nhau. Chúng ta không cần phải chọn chỉ một thành phố hay quốc gia, mà có thể chọn những ví dụ tốt nhất.

Microsoft có cơ hội gì khi Việt Nam chuyển đổi số?

Khi tạo cơ hội cho mọi người, công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng. Chúng ta cần bắt đầu bằng cách xây dựng những ước mơ từ lớp học. Những học sinh Việt Nam sẽ là người đóng góp chính cho đất nước và nền kinh tế. Chúng tôi nhận thức rằng những người làm giáo dục hoàn toàn có thể đóng góp để tạo nên tương lai tích cực hơn.

Khi làm việc với chính phủ Việt Nam, Microsoft cũng có thể học hỏi được để cải thiện tốt hơn các dịch vụ của mình, cũng như giúp đỡ nhiều quốc gia khác trên khắp thế giới.

Ví dụ, một điều mà Microsoft nhận thấy trong quá trình làm việc với các chính phủ, đó là chúng ta thường lạc quan và đặt quá nhiều kỳ vọng vào tiềm năng của công nghệ, nhưng lại quên mất quá trình chuyển đổi từ những nền tảng cũ kỹ sang nền tảng mới. Microsoft có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi đó, mang lại lợi ích từ những công nghệ mới mà không cần phải phá bỏ hoàn toàn những nền tảng cũ. Đây là một trong những vấn đề lớn của nhiều chính phủ.

Khi chính phủ số hóa các dịch vụ, họ sẽ cần những kiến thức chuyên sâu về giải pháp. Cả những công chức cũng sẽ cần phải học rất nhiều. Chúng tôi muốn hợp tác sâu với các trường học để tạo ra một nền móng vững chắc cho tương lai, để chuẩn bị cho sinh viên các kỹ năng cần thiết.

Về khía cạnh bảo vệ, chúng tôi có thể cung cấp những kinh nghiệm về quản lý dữ liệu để các chính phủ có thể quản lý hiệu quả và minh bạch hơn.

Các chính phủ đều đang nỗ lực để mang lại tính minh bạch với công dân. Tôi nghĩ đối với chính phủ, những công cụ số rất quan trọng để họ có thể truyền đạt thông điệp và minh bạch hơn.

tieude3

Bà Sherie Ng, Giám đốc chính sách công vùng châu Á- Thái Bình Dương nói rằng dữ liệu là tiền tệ kiểu mới. Chúng ta cần rất nhiều dữ liệu cho quá trình chuyển đổi số hay các công nghệ như AI. Làm thế nào có thể đạt được sự cân bằng giữa thu thập dữ liệu và bảo vệ sự riêng tư?

Tôi nghĩ không phải tiền tệ, có thể so sánh dữ liệu như là dầu. Dầu thô phải trải qua quá trình tinh chế mới có thể trở thành nhiên liệu. Do vậy, khi chúng ta sử dụng dữ liệu, chúng ta cũng phải hiểu rõ mình sẽ dùng những loại dữ liệu gì, chúng sẽ phục vụ mục đích gì.

Dữ liệu cũng cần được bảo vệ. Dữ liệu bị rò rỉ, cũng như tràn dầu vậy, có thể gây họa.

Dầu thô là thứ sau này trở thành nhiên liệu để vận hành các bộ máy. Các chính phủ cũng có thể vận dụng cách nghĩ đó: dữ liệu là nhiên liệu để đem lại những sự thay đổi tích cực. Điều đó sẽ giúp cho giá trị của chúng trở nên rõ ràng hơn.

Sep Microsoft: Chung ta noi nhieu ve cong nghe, qua it ve con nguoi hinh anh 6 quote1.jpg

Để đạt được sự cân bằng, chúng ta phải đảm bảo dữ liệu an toàn. Đó là một trong những mục tiêu căn bản của chúng tôi khi phối hợp với các chính phủ. Chúng tôi muốn những công chức hiểu làm thế nào tận dụng được dữ liệu. Chúng tôi cũng có những bộ phận có thể đánh giá về việc sử dụng AI có đúng mục đích trong chính phủ. Chúng tôi muốn đảm bảo AI của mình được sử dụng đúng để bảo vệ quyền của mọi người.

Thỏa thuận GSP và những thỏa thuận khác của Microsoft sẽ đóng góp gì cho quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam?

Microsoft là công ty được xây dựng trên cơ sở niềm tin. Chúng tôi cũng tham gia rất nhiều dự án liên quan đến dữ liệu, AI ở khắp các ngành nghề và quốc gia trên thế giới.

Chương trình GSP giúp chúng tôi mang hiểu biết, kiến thức và các kinh nghiệm của mình từ quá trình làm việc với các chính phủ trước đó để góp ý về chính sách, luật pháp về quản lý dữ liệu, hay các tiêu chuẩn để sử dụng dữ liệu đúng cách.

Một trong những giá trị quan trọng nhất trong hoạt động bảo mật của Microsoft là tính minh bạch. Chúng tôi muốn làm việc với các chính phủ, tổ chức để giúp họ hiểu dữ liệu đang được xử lý như thế nào, ví dụ như đưa họ tới xem cách mà các trung tâm dữ liệu và lưu trữ đám mây của chúng tôi hoạt động. Bằng cách đó, họ sẽ hiểu được cách Microsoft quản lý dữ liệu, những quá trình mã hóa hay chúng tôi quan tâm đến việc giúp dữ liệu an toàn như thế nào.

Đó là những giá trị chúng tôi muốn khi đem đến khi phối hợp cùng chính phủ Việt Nam. Chúng tôi muốn xây dựng một môi trường thoải mái và đủ tin cậy. Nếu không có sự tin cậy đó, chúng ta sẽ không thể hiện thực hóa những tiềm năng từ công nghệ. Sự minh bạch là rất cần thiết để chúng tôi có thể sáng tạo và đưa ra những dịch vụ mới trong tương lai.

Chúng ta nói nhiều về chuyển đổi số. Vậy kết quả của chuyển đổi số là gì, hay ông hình dung thế giới sẽ như thế nào sau quá trình đó?

Tôi nghĩ từ quá trình đó, chúng ta càng nhận thấy những giá trị con người nhiều hơn, cả ở xã hội lẫn nền kinh tế.

quote_4

Những kỹ năng cần thiết ngày nay đều là những tính năng rất nhân bản như sự sáng tạo, khả năng lãnh đạo, làm việc với nhau và chia sẻ ý tưởng. Chúng ta cần những nghệ sĩ, người viết và người vẽ. Nền tảng công nghệ càng mạnh mẽ, thì tôi nghĩ chúng ta sẽ càng thấy sự nổi lên của những giá trị làm nên con người.

Công nghệ sẽ ngày càng được tích hợp tinh tế hơn vào cuộc sống, môi trường của chúng ta, nó gần như sẽ “chìm” đi và giúp chúng ta kết nối với nhau tốt hơn. Rào cản giữa nhân loại và công nghệ sẽ ngày càng mờ nhạt.

Tôi nghĩ trí tuệ nhân tạo đang mở rộng, nâng tầm trí tuệ của con người chứ không thay thế con người. Thực ra từ AI có thể coi là “Trí tuệ tăng cường” (Augmented Intelligence) hay “Trí tuệ khuếch đại” (Amplified Intelligence). Công nghệ máy học giúp cho những cỗ máy hiểu rõ hơn cách tư duy của con người, cách nhìn hay nghe của con người. Chính nền tảng đó sẽ giúp chúng ta làm được nhiều điều vĩ đại hơn như chữa những căn bệnh khó hay tìm ra các công thức hóa học mới.

Những gì mà Microsoft đang làm với những công nghệ này về cơ bản là khai phá tiềm năng của con người.

Tuấn Anh ghi. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

phỏng vấn phó chủ tịch Microsoft Microsoft microsoft anthony salcito phó chủ tịch microsoft

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn