Vụ án hổ T-1 giữa những uất ức kinh tế, xã hội ở Ấn Độ

Thứ Sáu, 24 Tháng Giêng 20204:00 SA(Xem: 3855)
Vụ án hổ T-1 giữa những uất ức kinh tế, xã hội ở Ấn Độ
bbc.com

Vụ án hổ T-1 và phát súng gây chấn động Ấn Độ

Rachel Nuwer Viết từ Karnataka, Ấn Độ

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Một số người lo sợ rằng những chương trình bảo tồn như "Trẻ em vì Hổ" (Kids for Tigers) có thể không còn tác dụng nếu những con hổ ăn thịt người không bị ngăn chặn

Ấn Độ vào năm 1971 ra luật cấm săn bắn. Điều này đã giúp cho loài hổ trong đời sống tự nhiên ở nước này hồi phục.

Hiện Ấn Độ có khoảng 25% tổng số cá thể hổ toàn cầu sinh sống, nhưng lại có đến 70% trong số đó là hổ hoang dã, tính ra là khoảng 3.000 con.


Có những con, vì những lý do khác nhau như do mất môi trường sống vào tay con người, do thua trong cuộc cạnh tranh giành lãnh thổ với những con hổ khác, hay do già yếu tuyệt vọng tìm thức ăn, đã liều lĩnh bắt gia súc, thậm chí ăn thịt người.

Luật cho phép giới một số người được quyền ra lệnh bắn chết hổ nếu điều đó là cần thiết để bảo vệ sinh mạng của người dân.

Tuy nhiên, điều khoản này gây ra sự tranh cãi dữ dội giữa phe tán thành và phe phản đối việc giết hổ.

Và nếu chính phủ không cung cấp giải pháp kịp thời, dân địa phương sẽ nghĩ ra cách của riêng họ. Họ có thể đầu độc tất cả các con hổ trong vùng, hoặc bẫy hổ và đánh chết chúng.

Theo Jose Louies, trưởng ban kiểm soát tội phạm về động vật hoang dã tại Quỹ Bảo vệ Động vật Hoang Dã Ấn Độ, những tay săn trộm chuyên nghiệp thường tận dụng tình huống như vậy.

Xương hổ, hàm, răng, dương vật và lông hổ đều được nhắm đưa đến bán với giá cao ở chợ đen Trung Quốc, vì vậy bọn săn trộm rất sẵn lòng nhận xử lý vấn đề về loài thú này ở nông thôn Ấn Độ.

"Với những người bị mất gia súc vì hổ, họ chắc chắn sẽ thuê bọn săn trộm," Louies cho biết. "Bọn săn trộm có thể trả tiền để mọi người giữ im lặng và cho phép chúng xử lý vấn đề và kiếm lợi."

Trong tình huống tồi tệ nhất, sự cố về hổ có thể trở thành van xả cho nhiều năm vật lộn về kinh tế và xã hội.

Cộng đồng chống lại nỗ lực bảo tồn và các nhóm bạo lực hình thành, đôi khi do bọn săn trộm gỗ và các loại tội phạm động vật hoang dã khác xúi giục, và chúng muốn làm cơ quan kiểm lâm yếu dần đi.

"Tôi sợ đám đông hỗn loạn hơn hổ," AT Poovaihah, phó trưởng ban bảo vệ rừng từng phải nhập viện sau khi đối đầu với một đám đông nổi loạn, nói.

"Tất cả đều là đàn ông, một số người đã xỉn, và tất cả đều giận dữ. Họ biết chúng tôi đang cố tìm cách bắt con thú, nhưng dù biết vậy, họ vẫn muốn tấn công chúng tôi."

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Hầu hết hổ không ăn thịt người, chỉ khoảng 10 -15 con trở thành kẻ săn người mỗi năm

Chẳng hạn vào năm 2013, Shivamallappa Basappa, một nông dân ở miền tây nam Ấn Độ đã bị hổ giết và ăn thịt một phần khi ông đang đi chăn bò ở rìa Khu Bảo tồn Hổ Bandipur ở bang Karnataka.

Ông là nạn nhân thứ ba trong vòng chỉ hai tuần, và rất nhiều người đã không thể chịu đựng thêm được nữa.

Một đám đông khoảng 200 người đàn ông nhanh chóng tập hợp. Đến khi các lực lượng chấp pháp đến nơi, vào lúc 1:00 giờ, đám đông đã đốt trụi trụ sở cơ quan lâm nghiệp địa phương và đốt một xe jeep của chính phủ.

"Chúng tôi đã sống ở nơi đây trong 60 năm, và ngay từ đầu, chúng tôi chưa bao giờ có phút yên bình nào với những con thú hoang dã này," Shanthamurthy Devappa, một người họ hàng của ông Basappa, người nói bản thân ông không tham gia vào hành động bạo lực, nói.

"Chúng tôi liên tiếp bị thú hoang quấy rối và làm phiền, và chúng tôi giận dữ vì lý do đó. Đó chỉ là cơn giận dữ tích tụ qua nhiều năm."

Hổ Avni 'T-1' gieo rắc kinh hoàng

Có lẽ không có trường hợp nào thể hiện cô đọng vấn đề với hổ ăn thịt người hơn câu chuyện về T-1, một con hổ cái bị bắn chết và xuất hiện trên báo chí vào tháng 11/2018 sau cuộc giết chóc kéo dài gần hai năm.

Đến thời điểm câu chuyện kịch tính của T-1 kết thúc, ít nhất 13 người đã chết và hàng ngàn người khiếp sợ.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Hình ảnh T-1, còn được gọi là Avni, do một người biểu tình giương cao nhằm kêu gọi không giết con hổ này

Năm 2015, T-1 bắt đầu xuất hiện trong các bẫy camera ở Pandarkhawa, Bang Maharashtra, một vùng đồng cỏ hơi nhấp nhô trùng điệp có nhiều cánh đồng nông nghiệp và vạt rừng ở miền trung Ấn Độ.

Con hổ cái này săn bắt gia súc, và sau đó đã giết chết người đầu tiên; một phụ nữ 60 tuổi được tìm thấy chết trên cánh đồng với vết cào sâu sau lưng.

Ba tháng sau, T-1 giết một người đàn ông - rồi ngay hôm sau lại giết thêm một người nữa.

Nỗi sợ lan rộng ở các thành phố của Ấn Độ; trưởng cơ quan bảo vệ động vật hoang dã trong khu vực ban lệnh bắt giữ T-1 nhưng không cho phép giết nó.

Ấn Độ là nơi của nhiều phong trào bảo vệ quyền động vật đang phát triển mạnh mẽ, "một phiên bản cực đoan của chủ nghĩa bảo vệ phúc lợi động vật phương Tây được tăng cường trên nền tảng đặc thù từ Ấn Giáo," như Ullas Karanth, 70 tuổi, làm việc trong ngành bảo tồn, mô tả.

Trào lưu này bắt đầu vào thập niên 1990, giữa lúc sự thịnh vượng ngày càng gia tăng ở các khu vực đô thị, khi "300 triệu người bất ngờ có thêm thời gian quan tâm tới những thứ khác ngoài chuyện kiếm sống," Ullas cho biết.

Banait, người có tình yêu với động vật hoang dã từ thời còn bé qua những chuyến đi chơi về miền quê cùng cha mẹ - lại phân loại trào lưu này theo kiểu khác: "Chúng tôi cố gắng hết sức để thể hiện tiếng nói với chính phủ và để họ lắng nghe chúng tôi. Họ nên giúp để động vật được an toàn hơn, được tôn trọng hơn."

Thậm chí nếu chính quyền có thể bắt sống một con hổ ăn thịt người thì sau đó họ lại phải đối mặt với câu hỏi nên làm gì với nó.

Chuyển con hổ đến cánh rừng khác thì chỉ là chuyển vấn đề từ nơi này qua nơi khác.

Chẳng hạn năm 2014, các quan chức và các nhà tự nhiên học không chuyên bắt giữ một con hổ ăn thịt người còn non ở gần Khu Bảo Tồn Hổ Bhadra và phóng thích nó ở một khu rừng cách đó 280km - họ không nghe theo lời khuyên của Ullas. Ba tuần sau, sau một đợt tấn công đàn gia súc, con hổ giết một phụ nữ đang có thai.

Về việc nuôi nhốt những con hổ bị bắt giữ, các sở thú Ấn Độ đã đầy kín trong lúc các cơ sở khác thì vẫn trong tình trạng thiếu thốn điều kiện vật chất - mà tất cả những thứ đó đều hứa hẹn sẽ chỉ đem lại sự sinh tồn bi thảm cho con vật từng là chúa tể săn mồi hoang dã.

"Bất cứ ai biết về động vật hoang dã và các sinh vật khác đều biết thật đáng buồn khi nhìn thấy chúng bị nuôi nhốt," Poonam H. Dhanwatey, đồng sáng tập Quỹ Bảo Tồn và và Nghiên cứu về Hổ, một tổ chức phi lợi nhuận ở Maharashtra, nói.

"Chất lượng cuộc sống mà bạn đem lại cho chúng là gì, và liệu có công bằng không khi nhốt chúng trong lồng hẹp sau khi bạn tước bỏ tự do của chúng?"

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Một số nhà sinh vật học cho rằng nuôi nhốt những con hổ lớn như T-1 không phải là giải pháp

Tuy nhiên, T-1 có vẻ cực kỳ giỏi trong việc tránh bị bắt. Nó tránh được các bẫy có mồi, và lẩn tránh những đội tìm kiếm vào rừng bắt nó.

Hành trình từ cuộc sống bị cầm giữ đến đời tự do

Vua Sư tử và những huyền thoại về sư tử

'Mẹ giết con vì quyền lực' trong thế giới động vật

Sau khi nó giết người thứ bảy - một thanh niên 20 tuổi - niềm tin của cộng đồng vào chính phủ tan vỡ, sự kiên nhẫn của họ cạn kiệt.

Người dân cấm quan chức đi vào làng và thậm chí ngăn cản quan chức không cho khám thi thể nạn nhân, và một đám đông hỗn loạn đã đánh đập nhiều nhân viên kiểm lâm.

Bạo lực có lẽ sẽ tiếp tục leo thang từ đó nếu không có những nỗ lực của Abharna Maheshwaram, phó trưởng phòng bảo tồn rừng ở Cơ quan Lâm nghiệp Maharashtra.

Bà có cảm giác rằng một quan chức là nữ sẽ giữ gìn hòa khí tốt hơn nhân viên nam, vì vậy bà gửi 18 đồng nghiệp nữ mặc thường phục tới ngôi làng bị tấn công.

Họ chỉ tiết lộ thân phận là nhân viên kiểm lâm sau khi họ được những phụ nữ trong làng tin tưởng. Chiến lược của bà có tác dụng: niềm tin của cộng đồng với cơ quan lâm nghiệp được khôi phục và một lần nữa họ bắt đầu hợp tác với nhân viên nhà nước.

"Một điều tôi học được từ sự việc T-1 đó là bất cứ khi nào có xung đột giữa con người và động vật, đó không chỉ là do con vật, mà còn là về cộng đồng mà bạn đang làm việc chung," Abharna nói. "Cá nhân tôi tin rằng sự tham gia của cộng đồng là giải pháp bảo tồn ở quốc gia này."

Quá trình thực thi 'án tử' đối với hổ T-1

Tuy nhiên, những bước tiến ở cấp độ địa phương bị cản trở vì cuộc chiến xã hội, chính trị và pháp lý vẫn đang tiếp diễn ở nhiều thành phố tại Ấn Độ xoay quanh số phận của con hổ T-1.

Vào tháng 2/2018, với chín nạn nhân do con hổ ăn thịt người này giết, Tòa án Cao cấp Bombay ban hành lệnh bắn T-1.

Những nỗ lực bắt giữ con hổ, bao gồm sử dụng camera bay tầm nhiệt, chó săn và lính dù, trở nên ngày càng tuyệt vọng.

Trong thời gian đó, T-1 đã làm mẹ và có hai con hổ con bắt đầu cùng nó đi săn người.

Vào tháng Tám, T-1 giết ba người chỉ trong vòng 24 ngày. Khi chính phủ ban hành lệnh mới bắt giữ con hổ và các con của nó, và nếu không được, thì bắn chết, Banait tìm kiếm sự can thiệp từ Tòa án Tối cao Ấn Độ.

"Khi bạn tử hình con vật - bằng cách bắn tại hiện trường - bạn cần phải bằng chứng pháp lý phù hợp cho những hành vi như vậy," Banait nói.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption T-1, con hổ đã giết 13 người, bị hạ sát vào tháng 11/2018, và được đưa vào phòng hậu giảo nghiệm tại Trung tâm Giải cứu Gorewada

Ullas cho biết là sự hỗn loạn tiếp tục cũng góp phần khiến chính phủ quyết định cấp giấy phép cho Shafath Ali Khan, một thợ săn tự do tư nhân, tham gia vào quá trình bắt hổ T-1.

Con trai của Khan là Asghar Ali Khan, người không được cấp phép tham gia cuộc săn lùng, cũng đi theo.

Gia đình Khan là một trong số hàng chục các gia đình hoàng gia tự phong Ấn Độ, những người đã xây dựng sự nghiệp bằng cách cung cấp dịch vụ thiện xạ tiêu diệt những con thú khét tiếng gây rắc rối, Ullas nói.

Tuy nhiên, sự tham dự của họ trong các cuộc đi săn của chính phủ được quảng bá rộng rãi đã châm ngòi vào ngọn lửa giận dữ của các nhóm bảo vệ quyền động vật, đồng thời làm suy yếu quyền lực của giới chức địa phương.

"Chúng ta có 80.000 kiểm lâm, rất nhiều người trong số họ là các tay thiện xạ," ông nói. "Hoàn toàn không cần thiết có sự tham dự của những gã tìm kiếm sự nổi tiếng như vậy."

Vào ngày 2/11, con trai của Khan là Asghar đang ăn tối thì nhận được điện thoại báo có một con hổ xuất hiện ở con đường gần đó.

Không hề thông báo cho các đồng sự của cha từ phía chính phủ, ông ta và một số đồng nghiệp chụp lấy súng và ra ngoài.

Từ trong xe, họ nhanh chóng nhận ra T-1, nhờ vết vằn "đinh ba" nhận diện một bên con hổ.

Theo tường trình của Asghar được công bố rộng rãi, một đồng nghiệp của ông bắn con hổ bằng mũi tên gây mê, khiến con hổ giận dữ lao tới.

Asghar, với lý do tự vệ, nhưng vẫn đang ngồi trong xe hơi, đã bắn T-1 bằng súng trường. Con hổ chết ngay lập tức.

"Tay thợ săn đó luôn muốn giết nó, và ông ta làm hỏng toàn bộ kế hoạch," Banait nói. "Quá trình họ giết Avni rất bất thường, với rất nhiều hành vi vi phạm và trái luật."

Cái chết của T-1 gây ra những phản ứng rất khác nhau.

Ở Maharashtra, dân làng ăn mừng bằng pháo bông; ở thành phố lớn, người biểu tình tổ chức đêm thắp nến tưởng niệm.

Maneka Gandhi, chính trị gia, nhà bảo vệ quyền động vật và là góa phụ của con trai bà Indira Gandhi, đăng trên tài khoản Twitter cá nhân có gần 200.000 người theo dõi rằng Avni đã "bị giết một cách tàn bạo" và cuộc giết con hổ "rõ ràng là bất hợp pháp".

Bà đăng tải thông điệp với hashtage nhanh chóng lan rộng #JusticeForAvni (#CônglýchoAvni ) (Gandhi từ chối trả lời phỏng vấn cho bài viết này).

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Người biểu tình thắp nến tưởng niệm cho hổ T-1, còn được gọi là hổ Avni

Những người ủng hộ nhanh chóng cáo buộc gia đình Khan ngụy tạo chứng cứ và đặt câu hỏi liệu con hổ T-1 có thực sự tấn công chiếc xe hơi hay không - đây là hành vi khác thường so với những gì loài hổ thường làm, và hổ thường phản ứng khi bị mũi tên bắn như thể một vết ong đốt, không đáng gì.

Khám nghiệm pháp y trên vết thương của con hổ sau đó khẳng định nó bị bắn từ một bên, có lẽ khi đang qua đường và tất nhiên là không phải trong lúc đang xông lên tấn công.

Mũi tên gây mê thu được từ đùi con hổ cũng có vẻ như đã được bắn vào vị trí đó sau khi con hổ đã bị giết.

Cuối cùng, chẳng ai bị trừng phạt cả.

Câu chuyện về hổ T-1 đã trở thành tiêu đề tin tức khắp thế giới, nhưng như Ullas chỉ ra, Ấn Độ có rất nhiều vụ án về hổ "kinh tởm tương tự, hài hước tương tự và bi thảm tương tự".

Toàn bộ sự thất bại và rất nhiều sinh mạng có thể đã không bị tổn thất nếu chính phủ đơn giản là ra lệnh bắn con hổ ngay từ đầu, ông nói.

Bài viết này được thực hiện với sự hỗ trợ của Trung tâm Pulitzer.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn