Vật cực tất phản: Mọi việc đều không nên quá độ

Thứ Ba, 21 Tháng Giêng 20209:00 SA(Xem: 5269)
Vật cực tất phản: Mọi việc đều không nên quá độ

Một người khi đã thành tựu được công danh sự nghiệp đến đỉnh điểm rồi mà không hiểu quy luật vật cực tất phản, thì cuộc đời người ấy sẽ bắt đầu xoay chuyển theo hướng đối ngược lại. Nếu người ấy vẫn còn tâm tranh danh đoạt lợi thì chắc chắn sẽ gặp phải những phiền toái không đáng có.

vật cực tất phản
(Hình minh họa qua read01.com)

1. Phàm mọi việc đều có giới hạn

Có câu nói: “Nhạc cực sinh bi”, tức là vui quá thì hóa buồn. Khoái hoạt và bi thương vốn là hai loại trạng thái tâm lý hoàn toàn bất đồng, nhưng nếu trạng thái tâm lý của một người mà đạt đến cùng cực, hơn nữa còn bảo trì trong một thời gian lâu dài, thì kết quả chính là phát sinh biến hóa. Khi một người đã rót nước đầy cốc mà vẫn tiếp tục rót thì kết quả là nước sẽ tràn ra ngoài. Hiển nhiên, kết quả này là điều không ai muốn chứng kiến.

Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử giảng: “Vật tráng tắc lão”, tức là vật lớn mạnh thì ắt già. Lớn mạnh quá mức là trái Đạo, trái Đạo sẽ mất sớm. Cho nên, việc gì cũng vậy, quá độ thì không bằng phù hợp, có chừng mực. Hoa chưa nở hết, trăng chưa tròn, biết dừng đúng lúc mới là tốt nhất.

“Trì nhi doanh chi, bất như kì dĩ”, tích lũy cho đầy không bằng dừng lại đúng lúc. Nếu cứ tiếp tục giữ một việc ở trạng thái tốt quá thì không lâu sau nó sẽ phát triển theo hướng phản diện và cuối cùng sẽ nhận được kết cục không như ý.

2. Cương quá thì dễ gãy

Trên thế giới này, người quá mức cương ngạnh là người dễ dàng bị bẻ gãy nhất. Một người muốn kiên trì làm chính mình thì cũng không nhất định phải làm kẻ địch của cả thế giới. Người có thể tùy thời mà gác lại cái bất đồng mới là người hiểu đạo lý.

Kiên trì theo đuổi nguyên tắc là cái đặc sắc riêng của một người, nhưng phải nhớ rằng dao nhọn thì sắc bén. Dao dùng lâu ắt sẽ bị rỉ mà trở nên cùn nhụt thậm chí bị cong gãy. Khi đã bị rỉ thì càng bén nhọn càng dễ gãy, không có khả năng lâu dài.

Thời Chiến Quốc, khi Mao Toại tự tiến cử mình, Bình Nguyên quân nước Triệu kinh ngạc nói: “Những người có tài năng, sống ở trên đời, giống như một cái dùi để trong túi, mũi nhọn sẽ nhanh chóng đâm thòi ra. Thế mà tiên sinh tới đây đã ba năm, tôi chưa từng nghe nói tiên sinh có tài năng gì”.

Mao Toại nói: “Bởi vì cho tới hôm nay tôi mới đề nghị ngài xem cái dùi đó. Nếu ngài sớm bỏ nó vào trong túi, thì nó không chỉ thòi ra có cái mũi nhọn, mà thòi ra toàn bộ rồi”.

Mao Toại cuối cùng đã khiến Sở vương sợ hãi phải mang quân cứu Triệu thoát khỏi họa bị Tần diệt quốc.

Mao Toại chính là đã thấu hiểu đạo lý “Sủy nhi duệ chi, bất khả trường bảo”, nhuệ khí nếu quá cường thịnh thì không thể bảo trì được lâu dài. Cho nên ở vào thời điểm nên hiển lộ, ông mới động thân bước ra. Còn ở vào những thời điểm chưa thật cần thiết, Mao Toại đều ẩn giấu tài năng của mình.

3. Tham tài ắt sẽ phải chịu giày vò

Trong sách “Đại học” viết: “Hóa bội nhi nhập giả, diệc bội nhi xuất”, tức là của cải đoạt được bằng thủ đoạn bội nghịch thì cũng sẽ bị người ta dùng thủ đoạn bội nghịch mà tước đoạt đi. Cho nên, người quân tử nhận của cải phải theo đạo, tiêu hao của cải cũng theo đạo. Hơn nữa còn phải ghi nhớ đạo lý có mất mới có được. Đối với việc lấy hay bỏ vật chất mà nói, chỉ lấy cái cần thiết, không lấy cái ham muốn.

“Kim ngọc mãn đường như quá vãng yên vân”, trong nhà vàng ngọc có chất cao như núi thì cũng đến đi như mây khói, đau khổ ôm giữ tài vật thì chỉ mang đến sự giày vò, khiến bản thân mất đi sự khoái hoạt.

Muốn khiến bản thân có được tài phú thì phải tu chỉnh đức hạnh của bản thân, bởi vì đức dày mới nâng đỡ được vạn vật. Bằng không, một người chỉ tìm cầu tiền tài mà không tu đức thì dù có đạt được nhà cao cửa rộng, gia sản đồ sộ, cũng chỉ có kết quả là tán tài và vong thân.

4. Tiến lên là dũng, hợp thời thoái lui là trí

Làm người đã có thể dũng mãnh tiến lên thì cũng phải có trí mà hợp thời thoái lui. Người như vậy mới có thể chân chính phú quý, bình an lâu dài.

Dũng mãnh tiến lên là năng lực và kiên trì của người thông minh. Nhưng khi đã đạt được thành tựu rồi, rũ áo mà đi thì phải là người thực sự có đại trí tuệ mới có thể làm được.

Tiền tài và quyền thế là thứ có thể làm mê tâm trí con người nhất. Bởi vậy lúc nào cũng phải ghi nhớ “đức không xứng vị, tất có tai ương”. Càng là người tiếp cận đến thành công hoặc đã thành công thì càng cần phải chú ý đến đức hạnh của bản thân, càng phải nâng cao đạo đức của bản thân thì thành công mới được lâu dài.

Thiên Đạo tuần hoàn một cách hoàn hảo. Con người có “sinh, lão, bệnh, tử”, vạn vật có “thành, trụ, hoại, diệt”. “Thành, trụ, hoại, diệt” là thuật ngữ dùng trong Phật giáo. “Thành” là chỉ sự vật xuất hiện. “Trụ” là chỉ sự vật phát triển phồn thịnh trong một giai đoạn thời gian. “Hoại” là bắt đầu đi xuống dốc. “Diệt” là tất cả về cát bụi. Vạn vật nơi thế gian, không gì là không như vậy.

Con người hay muốn thủ giữ sự cương mãnh, nhưng cương thì dễ gãy. Con người hay muốn lưu giữ tài sản nhưng giàu là không kéo dài nhiều đời. Con người hay muốn duy trì quyền lực, nhưng quyền lực là không thể được mãi mãi. Vật cực tất phản, biết dừng lại đúng lúc mới là người có trí tuệ sáng suốt.

An Hòa

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn