Hành trình từ cuộc sống bị cầm giữ đến đời tự do ( Tưởng nói đến số phận Tù Việt Bắc )

Thứ Ba, 14 Tháng Giêng 20201:00 SA(Xem: 5102)
Hành trình từ cuộc sống bị cầm giữ đến đời tự do ( Tưởng nói đến số phận Tù Việt Bắc )
bbc.com

Hành trình từ cuộc sống bị cầm giữ đến đời tự do

Zoe Cormier BBC Earth

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Đối với một số loài vật, để thích nghi được với đời sống tự nhiên sau quá trình bị nuôi nhốt là cả một chặng đường dài.

Bằng nhiều cách, con người đã có những cải thiện đáng kể trong việc đối xử với động vật hoang dã bị nuôi nhốt.


Người La Mã từng thường xuyên tra tấn và tàn sát sư tử, báo, tê giác, thậm chí cả voi ở Đấu trường La Mã. Cho đến Thế kỷ 19, bẫy gấu vẫn là chuyện phổ biến trên khắp châu Âu.

Ngày nay, khi trò xiếc thú nhanh chóng trở thành quá khứ (đặc biệt chính phủ Anh đã cấm hoàn toàn), điều gì sẽ xảy ra với tất cả những con vật từng sống trong vườn thú và rạp xiếc hoặc làm vật nuôi nay được giải thoát? Làm sao để một một con thú, sau nhiều năm bị nuôi nhốt có thể trở lại được với đời sống tự nhiên?

Ngay cả cuộc sống trong một vườn thú nhân đạo nhất cũng sẽ khiến động vật bị ảnh hưởng bởi nhiều năm tù túng. Động vật nuôi nhốt hiếm khi học được các kỹ năng sinh tồn thiết yếu và thường quá quen thuộc với sự tiếp xúc của con người. Không cảm thấy sợ hãi trước con người, chúng dễ bị săn trộm và chỉ được trang bị kỹ năng yếu ớt cho cuộc sống hoang dã.

International Animal Rescue Bản quyền hình ảnh International Animal Rescue
Image caption Bọn đười ươi non đã sẵn sàng thích nghi với cuộc sống mới khi được thả vào tự nhiên

Trường hợp thương tâm điển hình nhất là câu chuyện về chú cá voi Keiko, diễn viên ngôi sao của bộ phim Free Willy (1993). Một chiến dịch khổng lồ viết thư yêu cầu thả tự do cho chú cá voi đã khiến Keiko được đưa lên máy bay tới Iceland vào năm 1999 để thả xuống đại dương.


Thật không may, Keiko không được trang bị kỹ năng sinh tồn trong môi trường tự nhiên. Keiko bị bắt khi còn rất non và đã quá quen với sự tiếp xúc với con người, cho nên các nỗ lực để giúp nó thích nghi trở lại với cuộc sống hoang dã đã thất bại.

Cuối cùng, Keiko bơi vào một bến cảng ở Na Uy, chủ động tìm về với con người. Chú ta không thể nào hòa nhập với đồng loại trong đời sống tự nhiên, chật vật săn mồi, và cuối cùng đã chết vì viêm phổi vào năm 2002.

"Thả về với thiên nhiên hoang dã ngay đương nhiên không phải là cách tốt nhất cho các con vật," Tiến sỹ Chris Draper, giám đốc tổ chức bảo hộ và nuôi giữ động vật tại Born Free - một tổ chức thiện nguyện chuyên vận động cho việc đưa động vật về sống trong môi trường tự nhiên - nói. "Sự tổn thương đầu tiên đã xảy ra khi con vật bị đưa từ nơi hoang dã về nuôi nhốt; thật nguy hiểm khi cho rằng đem thả chúng ra không có nghĩa là làm tình hình tồi tệ thêm."

Đối với cá, bò sát và loài lưỡng cư, việc thả trở lại thiên nhiên có thể khá đơn giản. Chẳng hạn như ếch thường được nhân giống với số lượng lớn trong phòng thí nghiệm và thả về tự nhiên.

Nhưng với các loài động vật có vú cấp cao hơn như linh trưởng, hổ báo, voi, cá heo và cá voi, là những loài cần nhiều năm huấn luyện từ mẹ của chúng và từ cuộc sống bầy đàn mới có thể phát triển đến khi trưởng thành, thì quá trình khó khăn hơn nhiều.

"Trong một thời gian quá dài, việc đưa các con vật thuộc nhóm động vật có vú lớn trở lại với tự nhiên đã không được bàn tới. Nhưng nay thì giới hoạt động trong lĩnh vực này đang bắt đầu nghi ngờ quan điểm vốn đã tồn tại từ lâu nay, theo đó cho rằng việc đem thả động vật từng bị nuôi nhốt trở lại môi trường tự nhiên là điều bất khả thi," Katie Moore, phó chủ tịch bảo tồn và bảo vệ động vật của Quỹ Bảo vệ Động vật Quốc tế, nói.

"Đúng là trong rất nhiều trường hợp thì đó là điều bất khả thi, đặc biệt là nếu các con thú đó đã bị chấn thương hoặc bị bắt khi còn rất non. Và chúng ta cần phải rất cẩn thận vì việc thả chúng ra có thể sẽ làm lây bệnh tật cho đồng loại của chúng trong môi trường hoang dã. Thế nhưng đối với một số loài, nếu chúng ta tiến hành một cách khoa học và cẩn trọng thì vẫn có thể làm được."

Hãy nhìn vào hoạt động của Quỹ Nghiên cứu Sư tử và Môi trường châu Phi (ALERT) ở Zimbabwe, một tổ chức đã có 15 năm hoạt động trong lĩnh vực đưa sư tử trở lại với đời sống tự nhiên.

"Đúng là sư tử có thể trở nên gần gũi với con người, nhưng chúng tôi luôn đảm bảo để cho những con sư tử mà chúng tôi đưa trở lại đời sống tự nhiên đều hoàn toàn dứt bỏ sự quen thuộc với con người," Tiến sĩ Norman Monks, CEO của ALERT, nói.

Phương pháp thả về với tự nhiên của tổ chức này là tiến hành qua nhiều giai đoạn, mà cuối cùng là việc đem thả con, cháu của những con thú từng bị nuôi nhốt.

Đầu tiên, những con sư tử đã quen thuộc với người được thả vào một khu vực khoanh vùng rộng lớn, nơi có các loài thú là thức ăn của sư tử để chúng tập săn mồi.

Những con sư tử đó (không bao giờ được tiếp xúc với con người nữa) sẽ tạo thành bầy đàn và sinh con đẻ cái. Sau đó, những thế hệ sư tử con cùng nhau lớn lên, gắn bó với nhau trong cùng quần thể và cuối cùng cả đàn đó được thả vào tự nhiên.

"Đây là điều quan trọng, vì chúng tôi không muốn đưa những con sư tử này vào đời sống tự nhiên khi chúng chưa tạo được thành một đàn có sự gắn kết chăm sóc lẫn nhau."

Sư tử là một loài động vật có tương tác bầy đàn cao (đây là giống mèo lớn duy nhất có tính chất xã hội), cho nên nhu cầu bản năng của chúng là được sống theo đàn; đây là điều cần phải được tính đến khi chúng ta đem thả chúng về với đời sống hoang dã.

Nhiều tổ chức khác đang không chấp nhận các quan niệm cũ, và nỗ lực phát triển các phương pháp kỹ thuật mới, phù hợp với từng loài động vật khác nhau, để hướng tới thực thi những điều từng được cho là bất khả thi. Trong số này có Quỹ Tái hoà nhập Tinh tinh (Chimpanzee Rehabilitation Trust), Bác sỹ Thú y Quốc tế vì Đời sống Hoang dã (Wildlife Vets Internationa), và Tự do Từ khi Chào đời (Born Free).

Có một số loài động vật thích nghi dễ dàng hơn so với một số loài khác khi được thả về với thiên nhiên hoang dã, và chúng ta cần phải tính đến nhu cầu của mỗi loài một cách hết sức cẩn thận.

"Một loài được coi là vô cùng nan giải là gấu Bắc cực. Chúng sống trong một môi trường rất đặc thù và cần phải học các kỹ năng sinh tồn trong môi trường đó từ chính gấu mẹ. Việc học những kỹ năng này trước khi thả ra tự nhiên là điều gần như không thể," Tiến sĩ Draper nói.

"Tuy nhiên, các loại gấu khác dường như khá là ổn khi được thả trở lại tự nhiên. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào từng con thú cụ thể: tuổi của nó khi bị bắt, nó được nuôi nhốt trong những điều kiện như thế nào, nó có bất kỳ chấn thương nào không, sức khỏe ra sao, có vấn đề gì về dinh dưỡng không. Chẳng có công thức thần kỳ nào thành công cho mọi loài được cả."

Đối với nhiều loài, ví dụ như sư tử, thường thì yếu tố then chốt là chúng cần phải được thả theo đàn. "Ngay cả những con tinh tinh sống trong các phòng thí nghiệm trong nhiều năm cũng có thể thích nghi khá tốt khi được thả cả bầy trên các đảo được bảo vệ an toàn," Tiến sĩ Draper nói.

Kể từ năm 2006, các nhà bảo tồn tại Trung tâm Cứu hộ Đười ươi ở Indonesia đã bắt những chú đười ươi con thường được nuôi làm thú cưng sau khi mẹ chúng bị nông dân bắn chết vì phá hoại mùa màng.

Trong tự nhiên, một con đười ươi sẽ sống tới chín năm với mẹ của nó, một thời gian rất dài, kể cả đối với loài linh trưởng. Điều này có nghĩa là chú đười ươi mồ côi đòi hỏi một thời lượng nuôi dưỡng và huấn luyện rất lâu.

Các chú đười ươi sơ sinh sẽ trải qua từ 5 đến 10 năm tại trung tâm để được dạy các kỹ năng sinh tồn quan trọng như cách trèo cây, bẻ dừa, bắt cá và cũng cần phải biết tránh sợ các mối đe dọa như nhện, rắn - và con người.

"Chúng tôi cố gắng tiếp xúc với chúng càng ít càng tốt. Chúng tôi tìm cách khiến chúng không gắn bó với mình, bởi chúng tôi muốn chúng học cách không được tin vào con người," Karmele Llano Sanchez, giám đốc chương trình Cứu hộ Đười ươi tại Trung tâm Cứu hộ Động vật Quốc tế, nói.

"Điều then chốt là chúng học hỏi lẫn nhau nhiều hơn so với học hỏi từ con người: bọn chúng học kỹ năng rất nhanh, và ngay sau đó sẽ tiếp tục dạy con khác. Đây là cách chúng có thể học lại cách trở thành đười ươi một lần nữa."

"Tốn nhiều năm và cần rất nhiều nỗ lực, nhưng biện pháp này đã thành công một cách đáng ngạc nhiên - tôi đã không nghĩ rằng chương trình thả chúng trở về tự nhiên sẽ diễn ra tốt đẹp như vậy. Ngay cả những con đười ươi hoang dã bị thương hoặc đã bị trải qua đói khát được đưa đến trung tâm cứu hộ sau những vụ cháy rừng cũng có thể được chăm sóc sức khỏe tốt và được thả trở về tự nhiên."

Việc tạo cho một con đười ươi khả năng thích nghi với đời sống hoang dã không rẻ chút nào: với chi phí chăm sóc động vật ở mức 250 đô la một tháng, người ta phải tốn từ 5.000 đô la đến 10.000 đô la để cuối cùng thả trở về tự nhiên an toàn một con, trong lúc hoạt động của các trung tâm như thế luôn bị giới hạn bởi các ngân khoản.

Tuy nhiên, chi phí tốn kém cho việc chăm sóc đười ươi cũng có mặt tích cực. "Tốn nhiều tiền, nhưng mà tiền thì chủ yếu được dùng để trả cho các hướng dẫn viên và những người theo dõi chúng trong đời sống tự nhiên sau khi được thả - chúng tôi thuê rất nhiều người," Sanchez nói.

"Bằng cách này, chúng tôi có được sự ủng hộ từ cộng đồng. Rốt cuộc thì đây là một cách tuyệt vời để giúp họ có thu nhập thay vì đi làm các việc như săn bắt hoặc đốn gỗ."

Điều này cho thấy một trong những thách thức lớn nhất với việc đưa động vật nuôi nhốt trở lại tự nhiên. Đó là việc tìm được những môi trường sống phù hợp trong một thế giới nơi nạn săn bắt, khai thác gỗ, săn trộm và khai thác nông nghiệp đang hàng ngày xóa sổ những vùng thiên nhiên hoang dã trên Trái Đất.

"Nhu cầu về dầu cọ ngày càng tăng, và do đó, nạn đười ươi mồ côi sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn bởi vì Malaysia là nơi sản xuất dầu cọ cho cả thế giới," Sanchez nói.

"Mơ ước là không bao giờ nói không thể, nhưng thực tế thế giới mà chúng ta đang sống cho thấy ngay cả khi con vật hoàn toàn có khả năng thích nghi trở lại được với tự nhiên, việc tìm kiếm các địa điểm phù hợp để thả chúng vẫn là vô cùng nan giải," Tiến sĩ Draper nói.

"Nhưng chúng ta phải cố gắng. Việc này rất tốn thời gian và rất tốn kém, nhưng nếu có thể, chúng ta phải cố gắng, đơn giản chỉ vì đó là điều đúng đắn, cần phải làm."

Đối với một số loài động vật, việc đưa trở lại tự nhiên sẽ luôn khó khăn, chẳng hạn như voi non hay báo non, vốn là những con vật rất nhanh quen với sự chăm sóc của con người, Moore từ tổ chức IFAW nói. Nhưng chúng tôi chỉ mới bắt đầu thách thức những quan điểm cũ về việc tập cho chúng thích nghi trở lại với đời sống tự nhiên, và chúng tôi còn cần phải học hỏi nhiều.

"Nếu không thử xé bỏ những rào chắn, chúng ta sẽ không bao giờ biết những gì có thể xảy ra," cô nói.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Earth.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn