Muốn thay đổi thế giới, trước hết hãy thay đổi chính mình

Thứ Tư, 08 Tháng Giêng 20209:00 SA(Xem: 3590)
Muốn thay đổi thế giới, trước hết hãy thay đổi chính mình

Tương truyền rằng trong khu mộ tại nhà thờ Westminster, London, Anh quốc, giữa những tấm bia mộ của nhiều nhà lãnh đạo và những người nổi tiếng thế giới, có một tấm bia mộ đặc biệt ghi lại vài lời tâm sự khi sắp lìa đời. Có người cho rằng đó là một bài học cuộc sống sâu sắc, có người lại nói đó là một nhân cách hướng nội, cũng có người lại liên tưởng tới triết lý “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” – thay đổi chính mình để thay đổi thế giới – nổi tiếng của phương Đông.

Kỳ thực, đây là một tấm bia vô danh, dù nó ở cùng nơi với bia mộ của những người nổi tiếng như vua Henry III, George II, cho đến những Charles Dickens, Isaac Newton, Stephen Hawking… Vậy nên một tấm bia vô danh trở nên có phần nhỏ bé. Tuy nhiên nhiều người lại xúc động khi đọc những dòng chữ khắc trên tấm bia mộ này:

“Khi tôi còn trẻ, còn tự do, trí tưởng tượng của tôi không bị giới hạn, tôi đã mơ thay đổi thế giới.

Khi tôi đã lớn hơn, khôn ngoan hơn, tôi phát hiện ra tôi sẽ không thay đổi được thế giới, vì vậy tôi rút ngắn ước mơ của mình lại và quyết định chỉ thay đổi đất nước của tôi. Nhưng cũng như vậy, dường như đất nước không thể thay đổi được.

Khi tôi bước vào những năm cuối đời, trong một cố gắng cuối cùng, tôi quyết định chỉ thay đổi gia đình tôi, những người gần nhất với tôi. Nhưng than ôi, điều này cũng là không thể.

Và bây giờ, khi nằm trên giường, lúc sắp lìa đời, tôi chợt nhận ra:

Nếu như tôi bắt đầu thay đổi bản thân mình trước, lấy mình làm tấm gương thì có thể thay đổi được gia đình mình, với sự giúp đỡ, động viên của gia đình mình, tôi có thể làm điều gì đó thay đổi đất nước.

Và biết đâu đấy, tôi thậm chí có thể làm thay đổi thế giới!”

Khu mộ tại Westminster, London. (Ảnh: Getty Images)

Người phương Đông thời xưa cho rằng “tiểu trung hữu đại”, trong cái nhỏ có cái lớn, giọt nước nhỏ không ngừng chảy xuống có thể làm mòn tảng đá, mồi lửa nhỏ cũng đủ để đốt cháy cả cánh đồng, việc nhỏ không nhịn sẽ làm loạn chí lớn, mỗi ngày một việc tốt đủ để kết nhiều thiện duyên. Bất cứ “đại thiện” nào cũng cần tích lũy từ “tiểu thiện” mà thành. Không ai có thể một bước trở thành anh hùng, hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân. Chính vì thế con người muốn thay đổi thế giới thì trước hết phải thay đổi chính mình, phải bắt đầu từ việc tu thân, sau đó mới đến tề gia, trị quốc, rồi mới bình thiên hạ được.

Trong cuốn “Hậu Hán Thư” có ghi chép một câu chuyện như thế này:

Thời Đông Hán có một thiếu niên tên là Trần Phiên. Trần Phiên luôn tự cho mình là siêu phàm, cho nên một lòng muốn gây dựng sự nghiệp lớn.

Một hôm, người bạn Tiết Cần đến thăm, nhìn thấy Trần Phiên sống một mình trong căn nhà vô cùng bẩn thỉu, liền nói với bạn: “Vì sao không quét dọn nhà để tiếp đãi khách?”.

Trần Phiên trả lời: “Đại trượng phu xử thế, nên quét thiên hạ, sao lo quét một nhà?”.

Tiết Cần liền lập tức hỏi ngược lại: “Một nhà không quét, sao có thể quét thiên hạ?”.

Trần Phiên hiểu ra và không thể nói được lời nào nữa.

Đây chính là điển cố “Một nhà không quét, sao có thể quét thiên hạ?”.

Bởi thế, Nho gia khi bàn về chuyện “tu thân” thì đặt nó xếp sau “cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm”.

“Cách vật” và “trí tri” có ý là tìm tòi nguyên lý của sự vật để hiểu biết đến tận cùng.

“Thành ý” nghĩa là không tự lừa dối mình, khi sống với người khác phải như thế, nhưng khi sống một mình cũng phải như thế, nội tâm phải như thế mà biểu hiện ra bên ngoài cũng phải như thế.

“Chính tâm” là dạy người ta đề phòng dục vọng cá nhân, khắc chế những điều xấu, luôn giữ vững lương tri và chuẩn tắc làm người.

“Tu thân”, kỳ thực có ý là tu dưỡng, sửa đổi, nghiêm khắc với lời nói và hành vi của mình.

“Tu kỷ dĩ kính, tu kỷ dĩ an nhân, tu kỷ dĩ an bách tính”, một người có thể tu chính mình thì sẽ có được sự tôn trọng của người khác, lại có thể mang lại sự bình an cho người khác và cho mọi chúng sinh trên mặt đất này.

Trong mỗi con người đều có cả hai nhân tố thiện và ác, nhưng con người tự cổ chí kim luôn lấy thiện làm chủ, đó là giá trị quan phổ quát của nhân loại. Đạo tu thân về cơ bản chính là kiềm chế phần ác và phát triển phần thiện của bản thân. Một người có tự trọng, có lý trí cần phải luôn nghiêm khắc với chính mình, suy ngẫm về ngôn từ, hành vi hàng ngày của mình và xem xét ý nghĩ của mình có phù hợp với thiên lý hay không.

Sau khi không ngừng tu chỉnh bản thân, hàm dưỡng nên đức hạnh cao thượng thì người đó sẽ mang trên mình trọng trách với xã hội. Bởi vì thông qua không ngừng giáo dục và cảm hóa, con người có thể quay trở về với bản tính lương thiện của mình, nên trách nhiệm của một người chính trực là đánh thức lương tri, bản tính của những người khác, giúp họ quay trở về với con đường chân chính.

Thế nên “Cổ học tinh hoa” mới có lời bàn rằng:

Trong khi nhân tâm thế đạo suy đồi, mình là người còn đứng vững được, thì sao lại chịu suy đồi với thiên hạ cho cùng trôi một loạt. Vì nếu ai cũng như thế cả, thì còn đâu là người cảnh tỉnh được kẻ u mê để duy trì lấy nhân tâm thế đạo nữa? Cho nên những người thức thời, có chí, dù ở vào cái đời biến loạn đến đâu, cũng không chịu đắm đuối vào cái bất nghĩa, khác nào như: cây tùng, cây bách, mùa đông sương tuyết, mà vẫn xanh, như con gà trống, mưa gió tối tăm mà vẫn gáy. Những bậc ấy chẳng những thế mà thôi, lại còn đem bao nhiêu tinh lực tâm trí ra, cố gắng giữ lấy phong hóa mà dìu dắt, mà đưa đường cho những kẻ u mê đắm đuối, coi sự làm việc “Nghĩa”, sự cổ động việc nghĩa như cái chức vụ của mình phải làm vậy…

An Hòa

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn