Đông về, nhớ lắm bà ơi!

Thứ Tư, 01 Tháng Giêng 20207:00 SA(Xem: 3129)
Đông về, nhớ lắm bà ơi!

Đã 2 năm từ ngày bà đi, cũng vào một chiều đông rét mướt, bỏ lại mái nhà, đồng ruộng vườn tược, bỏ lại đàn con cháu dáo dác và cả những bà hàng xóm chiều chiều hay cùng bà ngồi trước sân nhai trầu, uống chè xanh, dãi dề những câu chuyện xóm làng. Bà đi thật rồi…

Nhưng với nó, ký ức về bà vẫn nguyên vẹn như hơn 30 năm về trước, vẫn là bà của yêu thương tần tảo, bà của vất vả nhọc nhằn, bà của chắt chiu nuôi dưỡng, bà của tất tả ngược xuôi.

Nó nhớ nhất những ngày mùa đông về thăm bà, con đò nhỏ còn đang chòng chành theo nhịp chèo thì bên kia sông đã thấy bóng bà đứng đợi, cái dáng gầy guộc hanh hao ấy, cái mái tóc lơ thơ bay theo gió đông lành lạnh ấy, cái ánh mắt ngóng trông ấy cứ ám ảnh nó đến tận bây giờ, và nó nuối tiếc…

Nhớ bàn tay bà tần tảo đồng ruộng sớm hôm, cái bàn tay thô ráp nhăn nheo với những móng tay vàng ố; nhớ ánh mắt kèm nhèm mà bà nói do sinh nở mẹ nó và các dì, các cậu, không kiêng khem được nấu bếp rơm rạ từ sớm. Ấy thế mà ngày ấy, nó sợ, nó không cho bà ôm lâu. Bà thơm nó thì nó nghiêng đầu rồi vuột tay bà chạy mất, để lại sau lưng nụ cười móm mém: “Cha bố mày!”. Và giờ nó tiếc nuối! Nó muốn được sà vào lòng bà, để được bàn tay thô ráp ấy vuốt ve mái tóc, để được nhìn ánh mắt mờ đục xa xăm đó, để được nghe giọng bà dãi dề những câu chuyện ngày xưa…

hinh-1-bai-ong-ba-trong-thien-duong-tuoi-tho
Ảnh minh họa (nguồn: Cgvdt).

Nhớ dáng bà gầy nhỏ, liêu xiêu theo bóng nắng. Mỗi lần về quê, nó lại thích chạy theo bà trên những con đường nhỏ ngoằn ngoèo trong làng, ghé nhà ông cậu một chốc, ghé nhà bà cô một lát, nói nhanh dăm ba câu chuyện và bà không quên khoe đứa cháu ngoại mới từ thị xã về, mời ông, mời bà tối đến chơi nhà uống chè, ăn bánh với các cháu…

Nhớ cái bếp rơm và bóng bà bập bùng khi chiều xuống, nhớ bà thoăn thoắt chạy ra chạy vào, nhớ món khoai tây xào thơm lừng cả góc bếp, con gà luộc béo vàng, chõ cá kho xong vùi vào tro bếp lúc ăn đến xương cũng tan trong miệng thơm bùi. Nó cũng lẽo đẽo theo bà rút rơm đun bếp, lúc khói cay mắt lại vội vã chạy ra vườn, hết hái hoa cà lại hái hoa cải vàng cài tóc, rồi hỏi bà: “Cháu xinh không ạ?”, và nhận về nụ cười thật hiền từ.

Nhớ túi quà quê bà đã chuẩn bị từ khuya hôm trước: dăm quả trứng gà ương ương vàng, chục quả ổi to bà dành lại từ tháng trước giờ mới hái, vài cân gạo nếp thơm mới xát, mớ khoai tây bà tự trồng hãy còn bám đầy đất… Tất cả được bà gói ghém, chắt chiu, dành cho cháu…

Nhớ cái buổi sáng sớm tờ mờ lạnh giá ấy, khi tiếng gà gáy còn xa xa, khi nó còn cuộn tròn trong cái chăn bông con công ấm áp ấy, thì đã nghe tiếng bà lục tục dưới bếp, mùi thơm thức ăn, mùi khói rơm rạ, mùi nồng nồng của đồng ruộng và mùi của tất bật lo toan còn quyện vào mâm cơm sớm ấy… để rồi nó ấm bụng, lên lại chốn phố phường.

Nhớ dáng bà thoăn thoắt xách túi nhỏ, túi to, cái dáng tất tả ấy cứ muốn đổ nhào về phía trước, giục con cháu mau mau kẻo lỡ chuyến đò sớm… và nó đi, bà đứng lại…

Bến đò quan buồn vắng

Mình bóng bà liêu xiêu

Ánh mắt mờ mờ đục

Dõi theo bóng cháu yêu…

Nó nuối tiếc vì khi ấy nó đã không thương bà nhiều hơn, gần bà lâu hơn, nó cũng nuối tiếc vì nó đã nhận những món quà quê vụn vặt mà bà chắt chiu ấy bằng sự miễn cưỡng và điều nó nuối tiếc nhất là nó đã không biết trân quý những tình cảm và phút giây vô giá đó.

Bởi vậy, sau này khi đã có những đứa trẻ của riêng mình, bài học đầu tiên nó dạy con là sự trân quý, trân quý từng tình cảm, từng hạt cơm, từng cơ duyên gặp gỡ, trân quý tất cả những gì mình đang có, dù là hạnh phúc hay khó khăn, vì đó chính là cơ hội để con trưởng thành và hoàn thiện bản thân. Sự cảm ân chính là nền tảng của sự thiện lương và khơi dậy Phật tính trong mỗi chúng ta.

Minh Tâm

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn