Người thông minh đều biết làm phép trừ và học cách buông bỏ

Thứ Năm, 12 Tháng Mười Hai 20195:00 CH(Xem: 3846)
Người thông minh đều biết làm phép trừ và học cách buông bỏ

Hoạ sĩ truyện tranh người Đài Loan Thái Chí Trung đã nói: “Chỉ cần cắt bỏ những phần dư thừa, mỗi tấm gỗ đều có thể tạc thành một bức tượng Phật.” Những người thông minh trong cuộc sống cũng như vậy, cần phải biết cách buông tay và xả bỏ mới có thể tiến đến cuộc sống tốt đẹp hơn.

Học cách vứt bỏ – Tạm biệt một cuộc sống bộn bề

ADVERTISEMENT

Hẳn nhiều người đã từng xem hoặc nghe nói đến bộ phim “Tự thú của một tín đồ shopping” do diễn viên nổi tiếng Rebecca Ferguson thủ vai chính. Bộ phim xoay quanh cuộc sống của một phóng viên thời báo kinh tế tài chính. Sở thích lớn nhất của cô là mua sắm. Tủ quần áo của cô tích đầy các loại quần áo, giày dép và hàng trăm phụ kiện thời trang. Cô nghiện mua sắm đến nỗi tất cả các góc trong phòng đều là đồ đạc. Kết quả, cô không chỉ tiêu hết sạch tiền lương mà còn nợ một khoản tiền lớn, tình yêu cũng rơi vào nguy cơ tan vỡ.

flash-card
Nếu căn phòng bẩn và lộn xộn, thì đáng tiếc là ‘Vận may’, ‘Ước mơ’ của bạn đều đã tiêu tan cả rồi (Ảnh: KREUS/Shutterstock)

Nhà văn Nhật Bản Toda Koyo nói rằng: “Cuộc sống của bạn chính là căn phòng của bạn. Nếu căn phòng đó rất bẩn, tôi rất đáng tiếc phải nói với bạn rằng, ‘Vận may’, ‘Ước mơ’ của bạn đều đã tiêu tan cả rồi.”

Một căn phòng bừa bộn không chỉ tích tồn bụi bẩn, mà còn hạn chế cảm xúc, từ đó sẽ ảnh hưởng đến trạng thái cũng như tâm hồn chúng ta.

Một nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard cũng phát hiện, căn phòng của những người thành công thường rất gọn gàng, ngăn nắp. Ngược lại, những người thất bại thường sống trong một căn phòng bụi bẩn và bừa bộn.

Ông Yamashita Hideki, một chuyên gia nổi tiếng của Nhật Bản về quản lý đồ gia dụng, đã nhiều lần kêu gọi mọi người nếu muốn có một cuộc sống tốt đẹp, cần có chút “phá cách”, chẳng hạn như vứt bỏ những thứ không cần thiết, xa rời những đồ dùng yêu thích.

Như nhà văn Joshua Becker đã nói: “Giảm bớt 20% các vật dụng không cần thiết trong gia đình có thể nâng cao 80% chất lượng cuộc sống.” Khi chúng ta dọn dẹp gọn gàng đồ đạc trong gia đình, ngôi nhà tự nhiên sẽ sáng đẹp, tâm trạng cũng trở nên thoải mái hơn.

Buông bỏ đồ dùng không cần thiết, lựa chọn đồ phù hợp với mình chính là khóa học bắt buộc để có được cuộc sống chất lượng cao. Vứt bỏ những thứ hữu hình, mới có thể thay đổi một cuộc sống vô hình. 

Học cách thay đổi – Thoát khỏi những mệt mỏi trong công việc

Nguyên tắc quản lý thời gian của Warren Buffett được thể hiện qua câu chuyện nổi tiếng sau:

Một lần, trợ lý cá nhân của Buffett là Mike, đã hỏi ông về kế hoạch cho sự nghiệp trong cuộc sống. Buffett gợi ý Mike đầu tiên hãy viết ra giấy 25 mục tiêu, từ đó chọn ra 5 mục tiêu mà Mike muốn làm nhất. Sau khi hoàn thành theo lời gợi ý, Buffett hỏi Mike: “Giờ anh đã biết phải làm thế nào chưa”?

Mike trả lời: “Tôi sẽ tập trung tinh thần và sức lực để thực hiện 5 điều trên, 20 điều còn lại sẽ từ từ hoàn thiện.”

Buffett lớn giọng phản đối: “Không Mike, anh sai rồi.”

Đó là bởi vì Buffett cho rằng, thời gian và tinh thần và thể lực của một người là có hạn và vô cùng quý giá.

Vậy nên, trong khi hoàn thành 5 việc quan trọng nhất, cho dù có chuyện gì xảy ra cũng không cần quan tâm đến 20 điều còn lại kia.

Có câu ngạn ngữ Anh: “Nếu bạn bắt hai con thỏ cùng một lúc, tay của bạn cũng không thể nắm chắc được chúng.”

Trong công việc, chỉ có giảm bớt những việc không cần thiết thì mới có thể tập trung thời gian, sinh lực và trí huệ để giải quyết những việc quan trọng hơn.

Học cách làm “phép trừ” – Buông bỏ những mối quan hệ không cần thiết

Buông bỏ
(Ảnh minh họa: Pixabay)

Một người bạn nhắn tin kể lể với tôi, tự trách bản thân thường tham gia những bữa tiệc vô nghĩa.

Tôi hỏi anh ấy: “Anh đã không muốn đi, vậy sao không từ chối”?

Anh ấy khổ não trả lời: “Biết làm thế nào, đều là quan hệ xã giao.”

Tôi hỏi lại: “Thế bây giờ cuối cùng anh có bao nhiêu người bạn tốt”?

Anh ấy trầm ngâm suy nghĩ một hồi lâu mà không nói gì.

Rất lâu sau đó, anh ấy lại gửi tin nhắn cho tôi nói: “Anh nói đúng, có lẽ bây giờ là lúc buông bỏ những mối quan hệ xã giao không cần thiết.”

Cạn một ly một vòng, đưa một chiếc danh thiếp, về cơ bản cũng không biết rõ ai với ai. Những mối quan hệ như vậy, cuối cùng có ý nghĩa gì?

Nhà văn Chu Quốc Bình từng chỉ ra:“Những người thích giao tiếp kiểu xã giao thường có rất nhiều bạn bè. Kỳ thực trong lòng họ biết rõ rằng, trên chiến trường mang tên xã hội sẽ không có thứ gọi là tình bạn, mà chỉ có thời thượng, vụ lợi và sự nhàm chán.”

Những buổi tụ tập với những chén rượu vô nghĩa, sẽ không ngừng hao tổn tinh lực, làm giảm chất lượng cuộc sống của chúng ta.

Nhà báo Bạch Nham Tùng trong chương trình “Câu chuyện thời gian” đã có một bài phát biểu khi nhìn lại bản thân ở tuổi 30, ông chia sẻ: “Cảm thụ cuộc sống lớn nhất của tôi ở tuổi 30 đó chính là làm được phép trừ.” 

Đến một độ tuổi nhất định, chúng ta cần phải buông bỏ những bữa tiệc vô nghĩa, những người bạn mình không yêu thích, người họ hàng mà bạn chẳng bao giờ gặp và những người bạn không chân thành.

Trong cuộc sống, có mất mới có được. Chỉ khi làm được phép trừ này, buông bỏ những mối quan hệ xã giao không cần thiết, chúng ta mới có thể từng bước tiến đến những điều tốt đẹp hơn.

Học cách buông bỏ: Quên đi đam mê đối với vật chất

Đời người luôn không thể tránh khỏi những cám dỗ về vật chất, nhưng cũng có những người có thể xem nhẹ và buông bỏ chúng.

Diễn viên gạo cội Châu Nhuận Phát đã quyên góp hết số tiền của đời mình cho quỹ từ thiện mà không giữ lại chút nào. Đối với anh, con người không thể giữ được tài sản mãi mãi. Nếu gửi một số tiền lớn như vậy vào ngân hàng chẳng bằng đem nó cho những người nghèo khó.

Châu Nhuận Phát còn chia sẻ, bộ phim mà anh cảm thấy yêu thích nhất trong cuộc đời diễn xuất của mình là “Ngọa hổ tàng long”, trong phim có câu: “Nếu bạn nắm tay thật chặt thì bên trong sẽ chẳng có gì, nhưng chỉ cần thả lỏng tay ra, bạn sẽ có tất cả.”

Trong cuộc sống, người ta thường nhìn thấy anh đi tàu điện ngầm, đi dạo trên đường phố, dùng chiếc điện thoại Nokia lỗi thời và không tỏ ra dáng vẻ kiêu hãnh của một minh tinh. Anh cho rằng đó là một cuộc sống rất thoải mái, tự tại và thuần túy.

Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử viết: “Ngũ sắc lệnh nhân mục manh, ngũ âm lệnh nhân nhĩ lung, ngũ vị lệnh nhân khẩu sảng”, ý nói, ngũ sắc làm người ta mờ mắt, ngũ âm làm người ta điếc tai, ngũ vị làm người ta tê miệng lưỡi.

Những người đam mê danh lợi, truy cầu tiền tài và mong muốn hưởng thụ cuối cùng sẽ rơi vào vòng xoáy của vật chất mà mất phương hướng trong cuộc sống. Chỉ có những người biết coi nhẹ, thấu hiểu và rộng mở mới có được một cuộc sống bình yên.

Phật gia giảng: “Con người có tám nỗi khổ là: Sinh, lão, bệnh, tử, yêu thương phải chia lìa, oán hận lâu dài, cầu không được và không buông bỏ được.” Vậy làm sao để thoát khỏi những nỗi khổ này? Chúng ra hãy học cách:

Vứt bỏ những thứ không cần thiết mới có thể khiến cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

Buông bỏ những mục tiêu không quan trọng mới có thể chuyên tâm làm những việc ý nghĩa hơn.

Buông bỏ những mối quan hệ xã giao vô nghĩa mới thể rèn luyện được nhiều hơn.

Buông bỏ sự đam mê đối với vật chất mới có thể sống hạnh phúc hơn.

Một cuộc sống hạnh phúc, chính là biết cách buông bỏ từ đây.

Hương Giang

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn